Xem phim “Hoàng Sa – nỗi đau mất mát”,
nhắc lại chuyện cũ và mấy câu hỏi
Hoàng Hưng
nhắc lại chuyện cũ và mấy câu hỏi
Hoàng Hưng
André Menras (ngoài cùng bên phải) và êkíp làm phim “Hoàng Sa…” (ba người bên trái)
Tối qua, 5/8/2014 là một tối vui. Phòng chiếu phim 300 chỗ của Viện
Trao đổi văn hoá với Pháp của TP. HCM chật cứng. Đủ nam phụ lão ấu, có
cả tiếng trẻ con khóc lúc chờ phim chiếu.
Phim xúc động và chân thật. Chưa bao giờ người dân lành và khổ của
nước Cộng hoà XHCNVN được thực sự cất tiếng nói trực tiếp về cuộc sống
và nguyện vọng của mình mà không bị “đạo diễn”, “kiểm duyệt” như ở phim
này. Và cũng lần đầu tiên ta được xem những cảnh thật quý hiếm như cảnh
làm hình nhân bằng đất sét trong đám ma “mộ gió” ở Lý Sơn… Nhiều người
ca ngợi tính nhân bản của bộ phim, nó nổi lên hơn hẳn tính “chính trị”
mà ai đó sợ! André bảo ông thật may mắn, vì tình yêu những ngư dân VN lấy mạng sống của mình làm cột mốc chủ quyền biển của quốc gia đã
cho ông cơ hội mà những đạo diễn nổi tiếng như Đặng Nhật Minh thèm muốn
chết được mà không có. Và người cho ông cơ hội ấy chính là Chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết. Nghe những tâm sự của ông khi trả lời các câu
hỏi khá thẳng thắn của người xem trong tối hôm qua, ta chỉ có thể mơ ước
mức “tự do ngôn luận” trong đó được phổ cập cho mọi diễn đàn truyền
thông của đất nước. Và chỉ cần thế, lòng tin của người dân với chính
quyền cũng có thể được nâng lên cỡ… 10%!
Thế mà! Thế mà! Đúng 3 năm trước, cũng ở thành phố này, bộ phim bị
cấm chiếu, dù chỉ là chiếu ở một quán cà phê nhỏ trong một khu du lịch.
Và kèm theo đó là những biện pháp gay gắt, có thể nói là dã man đối với
tác giả của nó và mấy người liên quan.
Đây là lá thư của anh Cao Lập, một đảng viên có địa vị, gửi cho bạn
bè, trong đó có tôi, khi nghe tin cuốn phim được công chiếu (trích):
“Tin phim Hoàng Sa nỗi đau mất mát được trình chiếu công
khai và đàng hoàng tại Sài Gòn là một tin vui của tôi với tư cách là một
người bạn của André và là người đã cùng André tổ chức buổi chiếu phim
bất thành tại Văn Thánh trước đây. Cũng phải nhắc lại lãnh đạo TP lúc ấy
đã im lặng khi không trả lời lý do ngăn cấm sau khi chúng tôi có thư
yêu cầu giải đáp thắc mắc này, cũng nên nhắc lại là tiếp theo đó không
lâu qua ông Trần Hùng Việt Tổng GĐ Saigontourist và qua ông Chiêm Thành
Long, giám đốc Làng du lịch Bình Quới, quán Ami tại Khu du lịch Văn
Thánh (nơi đã tổ chức sự kiện này) bị dẹp mà không hề bồi thường cho
những người xây dựng nó. Ai cũng biết Ami là địa điểm thường xuyên tổ
chức các sự kiện văn hoá văn nghệ cho anh chị em văn nghệ sĩ TP và đã
được một số anh em văn nghệ sĩ và những người nhiệt tâm với hoạt đông
văn hoá nghệ thuật góp công sức, tiền bạc xây dựng với sự thoả thuận của
toàn thể BGĐ Làng du lịch Bình Quới. Xin đừng quên sự thiếu minh bạch
và mờ ám đó của lãnh đạo TP và những tay chân của họ. Nhân đây tôi muốn
kể lại một vài chi tiết để thấy thêm thái độ khó hiểu của lãnh đạo thành
phố. Trước khi phim được chiếu giới thiệu tại Văn Thánh, André nhờ tôi
mang DVD phim này đến tặng anh Sáu Phong, nguyên Chủ tịch nước. Tôi mang
đến và tận tay gởi cho anh Sáu. Anh Sáu nói chuyện qua điện thoại với
ông Đua [Phó bí thư thường trực Đảng bộ TP. HCM – HH chú thích] trước
mặt tôi rằng đây là một phim rất giá trị và Đài truyền hình TP là đài
địa phương nên có thể chiếu được. Sau nhờ tôi mang hai DVD đến văn phòng
Thành Uỷ gởi cho ông Lê Thanh Hải và ông Nguyễn Văn Đua. Và phim vẫn bị
cấm chiếu sau đó. Tôi cảm ơn André về những gì bạn đã làm cho VN, cho
ngư dân Lý Sơn với một quyết tâm và nghị lực hiếm có và tôi rất mong bạn
trong điều kiện cho phếp và nếu thấy cần thiết cũng nên nhắc lại đôi
điều về thân phận đặc biệt của đứa con tinh thần của bạn trước buổi
trình chiếu”.
Còn nữa một lá thư của người đã cho André nương náu trong những ngày
đó, sau khi an ninh đến khách sạn ông ở gây rắc rối (trích):
“Em vẫn còn nhớ như in một buổi tối cách đây gần 3 năm, em đội mưa
đến buổi chiếu phim ở Văn Thánh thì điện cúp tối thui. Đó cũng là thời
điểm André được “chăm sóc” chu đáo đến mức anh ấy ở KS nào thì chỗ đó
liền vào “tầm ngắm” và internet thì bị đứt ngay lập tức. Vì vậy hôm đó
sau buổi họp mặt các anh em ở một quán quen của anh Cao Lập, André phải
xách vali đi tìm một chỗ an toàn hơn dù đã khuya. Vợ chồng em bèn rước
anh ấy về nhà. Vì “can tội” chứa chấp André mà em bị CA Phường triệu tập
lên xuống nhiều lần, hết hạch hỏi giấy phép kinh doanh cho người nước
ngoài thuê nhà đến buộc em đi cắt hộ khẩu thường trú của André…, hết năn
nỉ đến đấu lý, mãi rồi em mới được yên thân. (Năm ngoái, Claudine và
Marc của ADEP sang phát học bổng cũng ở nhà em mấy tuần liền thì chẳng
ai hỏi han gì tiếng nào!).
Còn tối nay, buổi chiếu phim diễn ra hết sức suôn sẻ, các câu hỏi
tích cực của khán giả trong phần giao lưu đã tạo điều kiện cho đạo diễn
nói hết mọi điều về “hậu trường” cũng như những dự án sắp tới của mình,
không quên nhắc lại sự cố ba năm trước ở Văn Thánh và lý do khiến anh
Cao Lập phải rời VN… Theo em chương trình thành công ngoài mong đợi.
Khán phòng hơn 300 ghế chật ních người, các đài báo quay phim chụp ảnh
xôm tụ (có cả đài ANTV của Bộ Công an nữa!). Rất nhiều khuôn mặt quen
thuộc của nhân sĩ trí thức, các anh chị phong trào và Tà ru [“tù ra”,
chỉ những cựu tù nhân chính trị thời chế độ VN Cộng hoà – tác giả] cùng
lớp trẻ…”.
Chuyện đã qua, nhắc làm gì? Chắc có người sẽ trách.
Không ít người đồng tình với André Menras: “Cảm ơn cái giàn khoan!”.
Ứng xử của chính quyền với những việc liên quan đến China thay đổi rất
nhiều sau vụ giàn khoan.
Nhưng không thể cứ “xí xoá” mà không có vài câu hỏi:
1/ Giờ đây giàn khoan đã rút. Giả dụ… mọi việc lại trở lại “16 chữ
vàng”, “vì đại cục”… thì lần sau ông André Menras sang, đem phim “Hoàng
Sa…” chiếu rộng thêm, chính quyền lại… trở lại cách xử sự 3 năm trước?
2/ Một bộ phim được chính Chủ tịch nước chủ động cho làm, ủng hộ cho
chiếu, mà các cấp dưới của ông cứ nghiễm nhiên cấm và sách nhiễu tác giả
cùng những người liên quan y như đối xử với thù địch, thì cái chính
trị, cái luật pháp, cái tôn ti trật tự của đất nước này có thể hiểu thế
nào đây?
Hoan hô chính quyền đã cho chiếu phim “Hoàng Sa…”, nhưng vẫn đòi hỏi
chính quyền giải thích những việc làm quái gở trước đây, hoặc nếu không
thể giải thích thì phải xin lỗi và bồi thường danh dự cho những người bị
xử tệ chứ!
H. H.
Nguồn: BVN
Nên làm thêm một bộ phim về ông Nguyễn Văn Đua và đem chiếu cùng với phim "HS-Nỗi đau mất mát", giống như một món ăn kèm thì chắc đích thân ông Đua cũng sẽ đến xem.
Trả lờiXóaĐến nay mới được xem phim qua video. Xem xong, dù đã qua tuổi hưu, tôi không hiểu cấm vì cái gì? Không một lời chống chế độ, không một lời lên án ai. Bộ phim là sự thật, họ chỉ tả lại sự thật mà, những bà mẹ, bà vợ, những đứa con kể về người đã mất trong nỗi đau của họ. Nhưng họ không một lời oán hờn ai cả. Vậy thì những cái đầu gỗ cấm vì cái gì, ai trao cho chúng cái quyền lạ đời vậy !?
Trả lờiXóa