Tiểu thuyết Xác phàm của Nguyễn Đình Tú – nén hương thơm tưởng nhớ liệt sĩ
Tiểu thuyết Xác phàm của Nguyễn Đình Tú - nén hương thơm tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược năm 1979
Ngày 27 tháng 7 năm nay bạn đọc Việt Nam được thưởng thức cuốn tiểu
thuyết mới rất xúc động của nhà văn Nguyễn Đình Tú – cuốn Xác phàm do
nhà xuất bản Trẻ ấn hành và phát hành vào quý ba năm 2014. Tiểu thuyết
được viết vào tháng 8, 9 năm 2013, nhưng một năm sau, tức là tháng 7 năm
nay nó mới được xuất bản, hẳn cũng do đề tài “nhạy cảm”. Hẵn cũng vì
hành động hạ đặt giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam với hàng chục
tàu chiến tàu ngầm hung hăng trên vùng biển của Việt Nam tại biển Đông
đã phần nào thức tỉnh lương tâm, tạo điều kiện cho cuốn sách được ra mắt
bạn đọc.
Đã có một số tác phẩm có đề cập đến chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc, nhưng có lẽ cuốn sách của Nguyễn Đình Tú là cuốn đầu tiên viết về cuộc chiến đấu anh hùng bảo vệ Tổ Quốc của quân và dân ta một cách trực diện. Đó là cuộc chiến đấu mười một ngày đầu tiên ở một mặt trận của cuộc chiến tranh rộng lớn trên toàn tuyến biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc. Cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn, tôi đọc một hơi không dứt ra được cho đến khi đọc hết. Một cuốn siêu tiểu thuyết, một truyện trong truyện. Nhân vật Nam được người bạn thân là Việt (cả hai đều là con liệt sĩ, sinh ra vào chính thời gian xảy ra cuộc chiến tranh) đưa sang một nước trong khối ASEAN phẫu thuật chuyển giới, nhờ đó mà anh có năng lực đặc biệt được mách bảo về mười một ngày chiến đấu anh dũng của cha mình. Nói cách khác là thần thức người cha đã nhập vào Nam khiến anh có thể kể lại mươi một ngày chiến đấu kia. Đến khi tìm được hài cốt người cha, thần thức người cha được giải thoát, Nam chỉ còn xác phàm rồi Nam chết. Đó là câu chuyện bề ngoài đề dẫn dắt vào chuyện chính là cuộc chiến đấu. Hai tuyến truyện đan xen từ đầu đến cuối, nhưng người đọc sẽ không thể ngừng chú ý khỏi cuộc chiến đấu không cân sức của các chiến sĩ của ta. Chỉ sau loạt đạn pháo công kích đầu tiên quân ta trên mặt trận này đã mất liên lạc, mất chỉ huy, tiếp viện từ trên, và họ tự chiến đấu đơn độc với tinh thần của những người chủ nhân của đất nước để bảo vệ pháo đài, cao điểm. Từ biên giới đến pháo đàì cách 17 km, mà quân địch đông gấp mười lần phải mười một ngày mới chiếm được. Một cuộc chiến đấu đau thương và bi tráng. Toàn bộ đơn vị, trừ một số ít thoát ra được, còn hầu hết đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Các nhân vật bố Anh (cha Việt), bố Em (cha Nam), ông Hạng, trưởng bản người Tày, chị mặc áo thiên thanh, em Lõi, cậu anh nuôi 19 tuổi…những người gặp ngẫu nhiên trong chiến đấu, tự nguyện họp thành đơn vị, đều là những người anh hùng để lại hình ảnh khá đậm nét cho người đọc.
Tác phẩm cũng có đoạn tố cáo tội ác diệt chủng của quân Trung Quốc, nhưng nhìn chung không xây dựng hình ảnh quân xâm lược, mà chỉ tập trung miêu tả chí khí anh hung của quân ta trên một mặ trận. Điểm nhìn trần thuật giới hạn vào một số nhân vật, do đó cũng không nhằm tái hiện toàn bộ cuộc chiến trên các mặt trận. Không có bức tranh toàn cảnh. Đó là một cách viết tế nhị, dè dặt, chủ yếu nhằm tưởng nhớ các liệt sĩ hơn là nhằm thổi bùng ngọn lửa căm thù đối với quân xâm lược, tuyên truyền chống Trung Quốc. Cuối cuốn tiểu thuyết còn có bài văn bia, một bài văn tế , thậm chí là bài cáo rất gân guốc và xúc động.
Hơn ba mươi năm đã trôi qua từ ngày chiến tranh xâm lược, đây có lẽ là
lần đầu gợi lại những hình ảnh anh hùng của quân dân ta trên trang tiểu
thuyết. Trong khi quân xâm lược sau chiến tranh mở hội mừng công rầm rộ,
ầm ỷ, phong tặng danh hiệu “anh hung” (đúng ra là danh hiệu đồ tể!) cho
nhiều đợn vị cá, nhân, kể cả bọn nhà văn viết văn làm thơ bôi nhọ người
Việt Nam yêu chuộng hòa bình cũng được phong anh hung, thì phía ta im
hơi lặng tiếng, cả đến những tác phẩm ghi lại các chiến công anh hùng
cũng hiếm hoi. Văn học ta mắc nợ các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến
lịch sử ấy đã quá lâu. Trong khi đó chỉ thích nói chiến thắng giặc Mĩ.
Chính vì vậy mà tiểu thuyết Xác phàm của nhà văn Nguyễn Đình Tú
càng tỏ ra đáng quý.
Đó là nén hương thơm ngát để chúng ta cùng tưởng
niệm những người con của dân tộc đã ngã xuống trong cuộc chiến chống
quân bành trướng phương Bắc.
26 – 7 – 2014.
T.Đ.S
Nguồn: Trần Đình Sử blog.
_____________________
Bài văn bia trong tiểu thuyết Xác phàm.
Hỡi ôi
Đất nước ngàn năm gây dựng, công lao bao đấng tiền nhân
Biên cương muôn thuở vững bền, máu xương mấy tầng đất đỏ!
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
Nước muốn trong, nguồn dâng lũ...
Nhớ mùa Xuân năm ấy:
Đất nước mới thoát họa chiến chinh
Giang sơn đang hồi sinh rạng rỡ
Rừng biên cương chưa kịp vào xuân
Lộc hạnh phúc chỉ vừa hé nụ...
Bọn phản động đê hèn tráo trở, bất luận nghĩa nhân
Lũ bất lương lộ rõ lòng tham, đâu cần quốc sỉ.
Vậy nên
Như hàng ngàn năm trước, giang sơn bỗng gặp bước nguy nan
Nghe trống trận rền vang, chim Lạc lại trùng trùng vượt lửa.
Đặt ba lô chưa kịp nghỉ chân
Đã bật dậy ầm ầm súng nổ
Đánh trận đầu quyết thắng, chiến sĩ nhìn lên, lòng không thẹn với cờ
Đập tan lũ ngông cuồng, Sư đoàn báo công cùng liệt tông, liệt tổ
Kẻ thù cậy quân đông, như biển kiến ngập tràn
Quân ta tựa lòng đất như Sơn Tinh chặn lũ
Đôi Tả, Đồi Hữu, các điểm cao đất sũng máu người
Quốc Môn, Pháo đài, các vạt đồi cây rừng bốc lửa
Địch cậy lắm xe tăng, pháo binh, toan lấy thịt đè người
Ta dựa vào thế trận lòng dân, trí nhân thay cường bạo
Biết tiến, biết dừng, đập nát mưu toan hòng chia cắt quân ta
Truy kích, phản công, bẻ gãy mũi vu hồi của bầy xảo trá
Mười mấy ngày đêm máu trộn đất rừng!
Một trận thư hùng, vang trời sấm nổ
Vạn tinh binh giặc cỏ, ngông cuồng như lũ trâu điên
Cánh cửa thép Vùng Biên thế trận hiên ngang thành lũy
Tổ quốc lại lần nữa ngân vang lời Đại cáo bình Ngô
Dân tộc thêm một kỳ hừng hực khí Lam Sơn tụ nghĩa.
Hỡi ôi!
Để giang sơn sạch quân xâm lược, bao chiến sĩ kiên trinh ngã xuống đất này
Cho biên cương yên ả thái bình, bao đứa con hiếu trung không được về với mẹ...
Sông đầu nguồn đâu thể phách, đâu máu đỏ dòng xanh
Rừng biên giới đâu cốt nhục, đâu bụi mờ núi thẳm
Máu xương các anh không hề uổng, bia ghi công sẽ sáng chói từng dòng
Trận chiến ngày ấy không thể mờ, chuyện năm xưa đã tạc vào sách sử.
Tổ quốc sẽ khắc ghi:
Đất Vùng Biên đời đời ghi nhớ chiến công
Rừng Quốc Môn mãi mãi tri ân Liệt sĩ
Đất nước thanh bình:
Có người về được quê hương, lòng đất mẹ vỗ về ôm ấp
Có người yên giấc nghĩa trang, được Tổ quốc ghi công muôn thuở
Nhưng cũng còn:
Người ra đi không để lại hình hài
Mây gió hồng hoang, cỏ cây là bạn
Phiêu diêu hồn phách, sông suối là nhà
Anh em chúng tôi:
Nặng nghĩa tử sinh, sâu tình đồng đội
Chung tay, góp sức dựng nhà bia
Hôm nay
Chúng tôi, những đồng đội từng một thời nằm gai nếm mật với các anh
Trước tấm bia công tích
Xin cúi lạy vong linh các liệt sĩ anh hùng
Lễ bạc, lòng thành
Mấy dòng tưởng niệm...
Uống nước nhớ nguồn, chốn dương trần đồng bào, đồng đội mãi tri ân
Tổ quốc ghi công, nơi chín suối liệt sĩ ngậm cười yên giấc ngủ
Cầu mong:
Đất nước thái bình
Giang sơn vạn thuở
Biên cương thành lũy vững bền
Tổ quốc vẹn toàn lãnh thổ!
Kính cáo!
(trang 261 - 265)
Một bài văn bia khiến người đọc gai người. Nó lột tả được hết sự rùng rợn của cuộc chiến, nhưng cũng tỏ rõ chí kiêu hùng của những con người đã ngã xuống cho Quê hương. Lời hịch hùng hồn khơi dậy ý chí chống kẻ thù của những đứa con mang trong mình dòng máu giống Lạc Hồng. Nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên hương hồn các liệt sĩ. Bài thơ thật tuyệt vời và xúc động. Xin phép bác rước bài thơ này về Blog của tôi.
Trả lờiXóaxác phàm như một mũi dao đâm vào tim bọn làm tay sai trung quốc .các hương hồn liệt sĩ có linh thiêng về bóp cổ bọn bán nước Việt gian ,để dân được nhờ...
Trả lờiXóa