Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Nguyễn Văn Tuấn: TÔI VỪA XEM PHIM "HOÀNG SA - NỖI ĐAU MẤT MÁT"

.
Hoàng Sa – nỗi đau mất mát

Nguyễn Văn Tuấn
Fb NguyenTuan

Tôi mới xem xong bộ phim “Hoàng Sa – nỗi đau mất mát” (1) do André Menras Hồ Cương Quyết thực hiện. André không phải là người xa lạ trong “cộng đồng” những người quan tâm đến Hoàng Sa – Trường Sa. Ông là người có mặt trong các cuộc biểu tình chống Tàu ở Sài Gòn. Ông còn là một người nói tiếng Việt thông thạo, và viết báo rất hay. Bộ phim “Hoàng Sa – nỗi đau mất mát” được thực hiện từ năm 2011, nhưng bị lực lượng an ninh Sài Gòn ngăn cản không cho trình chiếu. Tuy nhiên, nay thì bộ phim được cho trình chiếu! 

André dẫn dắt người xem từ vị trí của Biển Đông và bản đồ lưỡi bò của Tàu cộng, đến một buổi sáng an lành ở một làng chài Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Chúng ta sẽ ghé thăm những ngôi mộ gió ở Sa Kỳ. Mộ gió là mộ không có hài cốt phía dưới, chỉ là những cấu trúc mộ để tưởng nhớ những người đã qua đời trên biển. Sau đó, André phỏng vấn hàng loạt các gia đình có người thân đã từng đi đánh cá và từng bị Tàu cộng giết chết ở Hoàng Sa. Một số người còn sống sót kể lại những giây phút kinh hoàng dưới tay bọn cướp biển Tàu cộng. Có những đoạn tôi nghĩ bất cứ người bình thường nào cũng có thể rơi nước mắt. 

Sau Sa Kỳ, André dẫn chúng ta ra đảo Lý Sơn. Ở đây, chúng ta sẽ thấy bia chủ quyền được dựng từ thời Triều Nguyễn. Một lần nữa, chúng ta nghe qua những câu chuyện đau lòng của vợ mất chồng, mẹ mất con, em mất anh, tất cả đều xảy ra ở các quần đảo Hoàng Sa. Rất nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẩn, khánh kiệt. Nhưng dù biết hiểm nguy trực chờ, ngư dân vẫn ra biển đánh cá, bởi vì họ không có lựa chọn nào khác. André gọi họ là những anh hùng đời thường. 

Cuốn phim được quay khá chuyên nghiệp (vì có sự hỗ trợ của Đài truyền hình TPHCM) và có nhiều cảnh cùng những câu nói [của người được phỏng vấn] rất “chiến lược”. Có đoạn, ông André Menras hỏi “Có nhớ Hoàng Sa không?” Một anh ngư dân đã từng bị Tàu cộng bắt và hành hạ 4 lần cười buồn nói nhớ chứ, Hoàng Sa là quê hương gần của mình mà. Lại có câu hò “Hoàng Sa trời đất mênh mông... người đi thì có mà không thấy về..." Nghe mà ứa nước mắt trong lòng. Thật ra, phim có nhiều nước mắt hơn là nụ cười. 

Một mẫu số chung trong tất cả các câu chuyện là các ngư dân bị Tàu cộng bắt và đánh đập, nhưng không rõ vai trò của các lực lượng như hải quân và cảnh sát biển. Qua những câu chuyện này, chúng ta có thể nói rằng ngư dân ra biển và họ không được yểm trợ từ Nhà nước. Ngay cả khi bị Tàu cộng bắt và chúng đòi tiền chuộc, thì người dân cũng tự xoay xở để trả tiền cho Tàu cộng. Có đoạn, đạo điễn cho thấy hoá đơn trả tiền cho Tàu cộng qua ngân hàng VietinBank. Hầu hết gia đình nào cũng thiếu nợ từ 100 triệu đồng đến 400 trăm triệu đồng, một số tiền rất lớn. 

André cho biết khi phim này được chiếu ở Sài Gòn, một vị lãnh đạo nhận xét rằng “bộ phim này không có tính đảng”! Rất khó hiểu “tính đảng” là gì, có lẽ vì phim không đề cập đến chính quyền và đảng chăng. Bộ phim rất thực tế vì phản ảnh đời sống cơ cực của những người ngư dân và gia đình phải đối phó với những tai ương từ Tàu cộng. Đúng như lời nói đầu của phim viết “Bộ phim là tiếng nói chân thật của các ngư dân miền Trung bị tàu Trung Quốc cướp bóc, đánh đập, hành hạ tại vùng biển đảo Hoàng Sa của Việt Nam. […] Trong phim … còn là một thông điệp cho bất cứ kẻ xâm lược nào rằng: họ không bao giờ chịu bị cướp đoạt những điều họ quí nhất, đó là linh hồn của người thân, vùng biển truyền thống của tổ tiến, niềm tự hào của họ quyền sống còn của mình và của con cháu mình.” Một bộ phim như thế quả thật mang tính nhân văn và thiết thực. Tính nhân văn của bộ phim chắc chắn cao hơn tính chính trị gấp ngàn năm ánh sáng. 

Người ta ngạc nhiên một bộ phim giàu nhân văn tính như thế mà bị cấm trình chiếu ở Sài Gòn! Không ai biết ai là người ra lệnh cấm chiếu, nhưng có lẽ điều đó không còn quan trọng nữa (nếu có nó cho chúng ta biết có người không thích sự thật). Nhưng ở VN, quyết định cứ thay đổi xoành xoạch, và có khi nhằm phục vụ cho ý đồ chính trị nào đó, nên bây giờ bộ phim lại được cho trình chiếu. Trong bối cảnh Tàu cộng cấm giàn khoan trong vùng biển VN, dùng tàu đâm húc vào tàu VN hầu như hàng ngày, việc xuất hiện của bộ phim này rất có ý nghĩa. 

Hình như chưa có một đạo diễn VN nào làm phim như thế này hay về Hoàng Sa ở góc độ nhân văn. Có thể xem những lời nói trong phim như là những chứng từ lịch sử. Do đó, đóng góp của André Menras rất quan trọng. Xin có lời cám ơn và ngưỡng phục gửi đến André Menras Hồ Cương Quyết. 

Nếu bạn chưa xem, nên tìm xem bộ phim này để biết về hoàn cảnh của các ngư dân Lý Sơn và ngư trường Hoàng Sa. 

-----
(1) Bộ phim được upload lên youtube ở địa chỉ sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=yEoAgT7lMMI

3 nhận xét :

  1. Tôi vừa xem xong phim này. Cảm ơn ông Hồ Cương Quyết và thấy thẹn thùng cho các nhà làm phim Việt Nam. Bộ phim quá chân thật, dân dã, kể lại nỗi đau trần trụi của những ngư dân lương thiện, chất phác, đơn độc chống chọi với thiên tại và bọn cướp biển Tầu cộng ngay trên biển của cha ông để lại. Nỗi đau mất mát quá lớn lao và cô quạnh, gợi lên biết bao niềm cảm thương và nỗi day dứt suy tư của những người Việt còn tình yêu nước, nghĩa đồng bào... Bộ phim như thế bị coi là "thiếu tính đảng", chỉ vì đảng muốn bưng bít những nỗi đau mất mát đó của ngư dân; muốn che chắn cho bộ mặt kẻ cướp khốn nạn của "đồng chí 4 tốt"; muốn coi nỗi đau mất mát ấy chỉ là "tiểu cục", chả là gì so với cái "đại cục" của đảng! Với lại đảng sợ bị quở trách! Bây giờ cực chẳng đã, đảng phải cho công chiếu bộ phim này. Tranh thủ xem đi. Sợ nay mai đảng lại cấm!

    Trả lờiXóa
  2. Đề tài về cuộc sống người dân, liên quan đến chủ quyền tổ quốc mà cứ như chuyện bình thường, có cũng được mà không cũng không sao ! Lúc thì cấm chiếu phim, lúc thì cho chiếu.
    Quả thật làm lãnh đạo dễ quá, ra lệnh gì thì người dân cũng chấp hành răm rắp.
    Làm lãnh đạo cũng chẳng sợ trách nhiệm gì, có chuyện gì thì đổ cho "cơ chế", đổ cho "tập thể" ...
    Để mất đất, mất biển, tang tóc tai nạn thảm cảnh cho ngư dân Việt, cũng chẳng là trách nhiệm của ai ...

    Trả lờiXóa
  3. Nếu bác Hồ còn sống mà nghe thấy kẻ nói phim không có tính đảng, chắc bác cho toi luôn. Đảng ở đâu mà ra? Đảng ở trong nhân dân mà ra chứ gì. Đảng hy sinh phấn đấu cho ai? Chắc không ngoài nhân dân. Đảng lo từ củ sắn của khoai cho dân. Đảng lo từ con cá con tôm cho dân. Thế thì cái thằng tầu nó cướp tôm cá của dân, dân cần tranh đấu, đó là tính đảng chứ gì. Hôm qua cuốn phim bị coi như phim phản động, hôm nay lại không phản động, được chiếu hả hê. Vui thật. Dân tộc VN cư như diễn viên hề dưới sự laanhx đạo của đảng.

    Trả lờiXóa