Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Hà Văn Thùy: VỀ CUỐN "BA NGƯỜI KHÁC" CỦA TÔ HOÀI

Nhân cách người cầm bút của Tô Hoài

Hà Văn Thùy

Nghe nhiều người khen cuốn Ba người khác của nhà văn Tô Hoài, tôi cố tìm đọc. Đọc xong thì hoang mang… 

Nói cho ngay, đấy là cuốn sách viết khéo với nhiều cảnh đời sống động và được “lên hương” bằng yếu tố gợi dục đậm đà. Quả là cái khéo của bà hàng xén chợ phiên biết bày bán bắt mắt những món hàng xanh xanh đỏ đỏ …

Từng đọc Don Quichotte, từng đọc Tội ác và trừng phạt, Chiến tranh và Hòa bình, Vụ án, Trăm năm cô đơn rồi Số đỏ, Nỗi buồn chiến tranh, Hồ Quý Ly… người đọc khó lòng chấp nhận Ba người khác là tiểu thuyết! Nếu không phải lập lờ đánh lận con đen thì điều này chứng tỏ nhà văn lớn của chúng ta thiếu kiến thức sơ đẳng về thể loại văn chương. 

Tiểu thuyết (novel) là truyện kể nhưng không phải mọi truyện kể đều là tiểu thuyết. Phẩm chất chân chính của tiểu thuyết là hư cấu (fiction), là tưởng tượng, là sự khát quát. Do thiếu hư cấu tưởng tượng mà cuốn truyện trở nên manh mún, vụn vặt thậm chí nhảm nhí trước hiện thực lớn lao của cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất. Do thiếu tính khái quát nên hiện thực dù sống động trong cuốn sách cũng chỉ là một nửa sự thực, làm cho thực tế đất nước bị bóp méo, xuyên tạc đến thảm hại. Thực chất cuốn sách chỉ là một thứ tự truyện (non-fiction) trá hình… 

Không, Cải cách không đơn giản như vậy. Không phải bỗng dưng mà “ba thằng lăng nhăng” làm đảo lộn được xã hội. Nó có nguyên nhân sâu xa từ những cuộc chỉnh quân chỉnh cán, từ phát đạn bắn vào Người Mẹ Việt Nam yêu nước là bà Nguyễn Thị Năm. Nông thôn Việt Nam cũng không hèn hạ khiếp nhược như vậy. Nếu không phải là sự cố đẫm máu Ba làng An thì cũng có hàng nghìn “địa chủ” “phản động” viết thư tuyệt mệnh gửi cho Đảng, cho Bác “xin cứu con, cứu các đồng chí, cứu đất nước” và có hàng nghìn người trước khi chết thảm miệng còn hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!” 

Hậu Cải cách cũng không như tác giả mô tả. Dù cho ông cam đoan là sự thực thì cái sự thực được mô tả một cách tự nhiên chủ nghĩa hóa ra lại quá chừng dối trá! Hàng nghìn “ông đội” trung kiên sau Cải cách được đề bạt. Hàng nghìn cốt cán bần cố nông do tố điêu được kết nạp Đảng, khi sửa sai bị nông dân săn đuổi, đã được điều lên huyện lên tỉnh, được chuyển vùng. Họ trở thành nòng cốt trong đội ngũ cán bộ, là những chủ thể của hợp tác hóa, rồi cải tạo công thương nghiệp tư bản sau này. Cái tàn hại của Cải cách ruộng đất không phải là cơn bão đổ nhà gẫy cây mà là di hại lâu dài trong suốt hành trình của đất nước từ những cốt cán đó! 

Nếu văn là người thì phải hiểu thế nào đây về tư cách công dân, tư cách nhà văn của Tô Hoài? Những người chính trực đi cùng cách mạng nửa thế kỷ nay thường nói: mình là nạn nhân mà cũng là tội phạm của hiện tình đất nước. Nguyễn Minh Châu sám hối bằng “Lời ai điếu…” Chế Lan Viên sám hối trong Di cảo thơ… Nhưng với Tô Hoài thì không thế. Ông không hề là nạn nhân vì trong những năm tháng hiểm nghèo nhất cho hàng triệu người thì ông là đội phó cải cách, trên cả trời, có toàn quyền luận tội, kết án, đêm ôm gái quê. 

Sau Cải cách, khi văn học cách mạng là thống soái, ông có Vợ chồng A Phủ, Truyện Tây Bắc để hóa thân thành một trong vài ba người vai vế nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, cái hội sang trọng và hưởng nhiều ơn mưa móc. Miệng thế gian có cả câu vè về ông: “Đảng đoàn là đảng đoàn Hoài, chỉ đi nước ngoài thực tế thì không!”. Vì những cống hiến đó, ông “ẵm” Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, giải văn chương Giao Chỉ danh giá bậc nhất và nghe đâu ông còn được bằng khen về công trạng bảo vệ Đảng! Khi đất nước đổi mới, ông có Cát bụi chân ai, Chiều chiều rồi bây giờ là Ba người khác… Trước vấn nạn của dân tộc, ông xoa hai bàn tay như người vô can, “hò lơ hò lờ”, tưng tửng kể chuyện đời xưa, chuyện của người khác! Một tuần chay nữa ông có nước mắt: được suy tôn là người can đảm, dám nói sự thật! 

Dù có thực lòng nghĩ thế thì tôi cũng buộc phải nghi ngờ mình, bởi lẽ nhiều nhà văn uy tín và không ít người tử tế ngợi ca tác phẩm của ông. 

Vì sao, tôi tự hỏi? 

Một dịp may khiến tôi giác ngộ. Đấy là Tết Đinh Hợi, tôi đến thăm người bạn thân, là nhà văn “có môn bài”. Câu chuyện của chúng tôi tâm đắc êm xuôi xướng tùy trong mọi đề tài cho tới khi đụng vào Ba người khác. Tôi vừa hé lộ suy nghĩ của mình thì bị dằn mặt: 

“Tôi kính phục Tô Hoài.” Bạn ngắt lời tôi khá thô bạo. Sau Dế mèn phiêu lưu ký thì đây là tác phẩm quan trọng nhất của ông ta. 

Thấy bạn “lên cơn”, tôi đấu dịu: 

“Nhưng đấy đâu phải là tiểu thuyết!” 

“Vậy ông bảo phải thế nào mới là tiểu thuyết?” Bạn tôi vặc lại. Mỗi nhà văn là người tạo ra phong cách! Mà cần gì phải là tiểu thuyết hay không tiểu thuyết? Miễn dám nói những điều người khác không dám nói là quý rồi. Ông xem, cuộc cải cách như vậy mà mới chỉ có Sắp cưới của Vũ Bão gãi gãi bên ngoài như gãi ghẻ. Đến bây giờ Tô Hoài dám nói lên tất cả! Đảng căm Tô Hoài lắm mà chưa tìm cách nào trị được! Ông cứ viết đi. Tô Hoài đang chờ được “đánh” đó! Bất kỳ kẻ nào đụng đến Tô Hoài cũng là nịnh Đảng, là chống lại tâm linh, nguyện vọng của nhân dân… 

Nghe giọng nói mang vẻ gây hấn dữ dằn chưa từng thấy nơi người bạn thân thường ngày vốn hiền lành, tôi lặng im ngơ ngác. Chợt tôi nhận ra…. Bạn tôi như lò lửa ngùn ngụt hận thù, là nỗi uất ức như chiếc lò so bật tung lên thỏa thuê sau bao năm tháng bị kìm nén! 

Tôi hiểu bạn, hiểu nỗi đau nỗi hận vẫn âm thầm chứa chất trong lòng người. 

Cuộc Cải cách ruộng đất là vết dao phản trắc đâm sâu vào lòng dân tộc. Do chưa được sửa sai thỏa đáng mà sau năm mươi năm vẫn còn nung mủ và rỉ máu! Công việc bây giờ là phải lý giải một cách thuyết phục nguyên nhân của biến cố bi thảm này để tránh lặp lại trong tương lai và hơn hết là hóa giải nỗi thù hận chưa nguôi. Nhà văn đảng viên phải thay mặt Đảng của mình nhỏ những giọt nước mắt sám hối trước dân tộc! Trong hoàn cảnh đảo điên của xã hội hiện tại, có lẽ hơn cả tài năng, chính nhân cách nhà văn làm nên phẩm giá của văn chương! 

Ba người khác của Tô Hoài không phải là như vậy! 

Có thể như bạn tôi nói: Ba người khác là tác phẩm quan trọng nhất của nhà văn Tô Hoài. Nếu vậy thì cái quan trọng chính là ở chỗ nó chôn vùi nhà văn cả về văn chương cả về nhân cách?

Khai bút Xuân Đinh Hợi
H.V.T 
Nguồn: BaSam

6 nhận xét :

  1. Cáo chết để da,
    Nhà văn chết để sách hay Tiểu thuyết. Đó là những triết lý về nhân sinh quan, thế giới quan và tóm lại là triết lý cuộc sống.
    Bạn đọc ngày nay rất nhanh nhạy và kén sách.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng như Hà Văn Thùy nói: "Trước vấn nạn của dân tộc, ông xoa hai bàn tay như người vô can, “hò lơ hò lờ”, tưng tửng kể chuyện đời xưa, chuyện của người khác!"
    Chính vì vậy ai tung hô Tô Hoài thì cứ tung, còn tôi thì khinh thường, bởi ngay cái sự thật mà nhà văn cũng không giám nhìn thì nói chi tới nhân cách của người cầm bút?

    Trả lờiXóa
  3. Thật chí lý khi ông Thùy đã nhìn thấu tâm can của Tô Hoài: "Có thể như bạn tôi nói: Ba người khác là tác phẩm quan trọng nhất của nhà văn Tô Hoài. Nếu vậy thì cái quan trọng chính là ở chỗ nó chôn vùi nhà văn cả về văn chương cả về nhân cách?"

    Trả lờiXóa
  4. - Tác phẩm cơ bản nhất của Tô Hoài là Dế Mèn phiêu lưu ký. Bạn đọc có thể dễ tìm thấy quan điểm sống nhún nhường, biết mình biết ta, quan niệm thủ thân của chú Dế Mèn (được viết xong khi tác giả 21 tuổi) đã soi sáng và chỉ đạo suốt cuộc đời Tô Hoài. Nói nôm na là ông Tô sống khôn khéo, tránh va chạm...Nhưng cũng cần nhìn toàn cục để thấy "Ba người khác" là một cố gắng cuối đời, có tính sám hối của ông. Lúc này cụ Dế Mèn đã già, đã thành danh ổn định, không còn phải lo mưu sinh,nên đã vượt qua "nỗi sợ Dế Mèn trẻ" ( ông già 70 có thể chửi vua mà không sợ trị tội)... Tôi có chú ý hình tượng nhân vật "người huyện ủy viên" không có tên riêng, ẩn hiện trong truyện "Ba người khác", đa nghĩa, rất thú vị
    - Chưa đồng ý quan điểm của Hà Văn Thùy về "tiểu thuyết" khi so sánh truyện "Ba người khác" với những tác phẩm kinh điển. Xin nhớ rằng tiểu thuyết là thể loại mở nhất, nó cho phép mọi thể nghiệm.
    - Chuyện dâm ô trong Ba người khác chỉ là thủ pháp tiểu thuyết, cụ Tô viết truyện này trong thời gian chuyện sex đầy rẫy trong văn chương đương đại rồi, chẳng đáng phê phán.
    - Dù sao cây viết cụ Tô cũng không dính máu đồng nghiệp như nhiều nhà văn "tên tuổi" khác.

    Trả lờiXóa
  5. Tác giả có biết phong cách tự mỉa mai của tiểu thuyết hiện đại không vậy. Tô Hoài viết tác phẩm này chính là để mỉa mai cái thằng tôi, mỉa cho nó sống dở chết dở, mỉa cho thân tàn ma dại, cho nhục nhã ê chề. Tác giả có thấy kết cục của ba người này thế nào không mà bảo Tô Hoài "phủi tay". Tác giả có đọc cái đoạn miêu tả về những cuộc tự tử ở xóm Am không? Đó là những cái chết cho cả những hoài bão , hy vọng, mãi gục đầu vào ngày xưa.... Tô Hoài có thể không kể toàn bộ sự thật, nhưng có một sự thật mà chỉ những người vô cảm mới không thấy được hoặc cố tình không thấy vì một mục đích nào đó ngoài nghệ thuật, đó là tính nhân đạo, cái đau xót đã có những lúc hiển lộ rất cao đẹp trong tác phẩm, và nhưng phút hiển lộ đó, một nét rất hiện đại của nhà văn lão thành, mới chính là xương sống, tư tưởng của tác phẩm.

    Trả lờiXóa