Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

TS. Nguyễn Nhã: TÀI LIỆU CỦA TRUNG QUỐC MƠ HỒ VÀ KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ

Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã: 
Tài liệu của Trung Quốc mơ hồ và không có giá trị 

Đại Đoàn Kết (4.6.2014)

Trao đổi với PV Báo ĐĐK, TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã khẳng định, việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng  quần đảo "Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam) là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc ngay từ thời nhà Hán, thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, là một phát ngôn không những mơ hồ, hết sức vô lý, mà còn cho thấy Trung Quốc cố tính phớt lờ các ghi chép lịch sử của chính họ. 

Lễ khao lề thế lính tiễn người thân đi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa
 được người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thực hiện liên tục hàng năm,
 từ hơn 300 năm trước
Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cho biết, trong giới học giả Trung Quốc có người cho rằng họ phát ngôn điều đó là dựa vào một tài liệu có tên là "Dị vật chí” của Dương Phù thời Đông Hán cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Nhưng trên thực tế,  "Dị vật chí” của Dương Phù là tài liệu không có giá trị pháp lý vì bản thân tác giả không hề nói rõ đến bối cảnh lịch sử, nhưng không hiểu sao tài liệu này lại được Trung Quốc đưa ra lập luận cho cái gọi là "chủ quyền” của họ tại hai quần đảo này. Điều này rất dễ kiểm chứng, vì trong toàn bộ hơn 20 bộ chính sử của Trung Quốc đều không có ghi chép liền mạch, liên tục nào về việc làm chủ của họ tại các quần đảo Hoàng sa, Trường Sa trong các thời kỳ phong kiến. Ngược lại, lịch sử Việt Nam lại ghi lại rất rõ và liên tục quá trình xác lập chủ quyền, bảo vệ, cũng như các thư tịch, châu bản qua các thời kỳ đều có những ghi chép tỷ mỉ và có sức thuyết phục cả về mặt lịch sử và giá trị pháp lý rất cao.

TS Nguyễn Nhã cho biết thêm, trong thời Bắc thuộc, họ nói đời Minh với việc nhân vật Trịnh Hòa 7 lần xuống Tây Dương qua Biển Đông. Nhưng tất cả các nơi ông này đi qua thì không thể gọi đó là chủ quyền của Trung Hoa được. Đó chỉ là suy diễn. 

- Khi nghe họ nói rằng từ đời Tống cũng đã từng đi tuần tiễu Hoàng Sa, Trường Sa, đường đi vòng quanh Hải Nam. Tôi có nói mỉa trong một vài lần tiếp xúc với giới học giả Trung Quốc rằng: nói vậy thì Tây Sa thì cách xa lắm, nó không nằm trong đó đâu. TS Nguyễn Nhã nói.

Theo TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mà lại nhắc đến luận điểm hoàn toàn vô lý như vậy thì chỉ có thể là họ không đọc, hoặc đọc mà không hiểu, hoặc đọc mà cố tình không hiểu. 

PV: Là nhà nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá như thế nào về cách lập luận tương tự của Trung Quốc đối với yêu sách "đường lưỡi bò” trên Biển Đông?

TS HÃN NGUYÊN NGUYỄN NHÃ: Cái này thì quá rõ rồi. Một yêu sách vô cùng phi lý được vẽ vào năm 1947 chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, có nơi cách bờ biển của các nước chỉ có 50 km. vào thời điểm đó chưa hề có bất cứ tuyên bố nào về mặt Nhà nước, thế nhưng tới ngày 7-5-2009 thì Trung Quốc lại ngang nhiên gửi Công hàm tới Liên hợp quốc, đi kèm một bản đồ thể hiện đường yêu sách này trên Biển Đông. Rõ ràng là yêu sách này của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị về mặt luật pháp đương đại, chứ chưa cần sử dụng Công ước Luật Biển 1982 để xem xét giá trị pháp lý của nó. 

Vào năm 2009, báo Nhân Dân lúc đó có mời tôi tham vấn về nguồn gốc của cái gọi là "đường lưỡi bò”. Sau đó, khi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh thì Việt Nam cũng tổ chức nhiều hội thảo quốc tế để phân tích về yêu sách này. Nhìn chung, nhiều học giả quốc tế đều phản bác đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế. Lúc đó một học giả Indonesia đã hỏi mỉa mai học giả của Trung Quốc rằng: "Đó có phải là ao nhà của các ông không?” 

Được biết, vào năm 2002, ông bảo vệ luận án TS "Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.  Trong công trình này, ông đã sưu tập và nghiên cứu nhiều tài liệu từ chính lịch sử của Trung Quốc cho thấy, bản đồ của Trung Quốc trước đây chỉ xác định cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, ngoài Hải Nam, không có bất cứ đảo nào khác ở Biển Đông?

- Đúng là trong công trình bảo vệ TS Sử học của tôi vào thời điểm năm 2002 cũng đã đề cập chi tiết đến vấn đề đó. Trong đó, tôi có phân tích những tư liệu của Việt Nam đối chiếu với những tư liệu của Trung Quốc được viện dẫn trong bộ "Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hội biên”, của một học giả Trung Quốc là Hàn Chấn Hoa chủ biên. 

Một điều đáng chú ý là hầu hết các tư liệu của Việt Nam đều có nguồn gốc xác nhận của Nhà nước, đặc biệt là Hội Điển- loại sách ghi điển chế biến thành luật lệ của triều đình, hoặc các châu bản- tức những văn bản trao đổi giữa vua và các đình thần hoặc tỉnh thần. Đây là các tư liệu có giá trị pháp lý rất cao khi chúng ta khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Còn lại, các tài liệu nước ngoài, trong đó có cả tài liệu của Trung Quốc, phần lớn là nguồn tư nhân.

Theo những tài liệu mà tôi theo dõi, sưu tập, nghiên cứu đến nay thì hầu hết các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức thế kỷ thứ XVII) sang đến thời Tây Sơn, rồi tới đầu triều Nguyễn (từ vua Gia Long). Hoạt động nổi bật nhất là các đội Hoàng Sa, cũng như sự quản hạt hành chính của chính quyền Việt Nam, mà sau đó đến các triều Minh Mạng, Thiệu Trị qua hoạt động của thủy quân đều cho thấy cơ sở vững chắc của Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Gần đây, giới học giả nhắc nhiều đến các tài liệu lịch sử lẫn pháp lý do phương Tây ghi chép cho biết quá trình chiếm hữu thật sự và thực thi liên tục chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một thực tế, khác hẳn với những tư liệu mà Trung Quốc viện dẫn để suy diễn chứng minh chủ quyền của mình. Ông đánh giá như thế nào về các nguồn tài liệu này?

- Khi nghiên cứu về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi có tìm hiểu từ mốc thời gian 1494, tức là thời điểm mà Giáo hoàng Alexandre VI dùng quyền lực tinh thần để phân các vùng ảnh hưởng trên thế giới cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Từ đó mà các thương thuyền qua lại Biển Đông và có những nhà hàng hải Bồ Đào Nha thám hiểm vùng Biển Đông, trong đó có đảo Hoàng Sa. Trong đó tài liệu tôi cho rằng có từ rất sớm mà đến nay còn lưu giữ được là cuốn sách du ký, mang tựa đề "Peragrinacão” của tác giả Mendes Pinto, xuất bản ở Lisbonne năm 1614, có nhắc đến sự mô tả về quần đảo Hoàng Sa mà ông gọi là Polo Pracela (Pracela tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là san hô, Pulo nghĩa là đảo). Cùng thời gian này thì các nhà truyền giáo đi theo các thương thuyền đến truyền đạo ở Đàng Ngoài của Việt Nam vào năm 1533. 

Tuy nhiên, các tài liệu bằng tiếng Pháp sau đó mới là những căn cứ đầu tiên xác thực sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi còn nhớ, đó là nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Trong một tài liệu cùng thời gian này là "Lettres Edifiantes et Curieuses” của Archives des Missions Étrangères de Paris, năm 1838 có đoạn ghi: "Người ta cho tàu nhổ neo gió rất tốt. Và sau đó một thời gian đi đến mỏm đá Paracels. Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, và rất nhiều lần xảy ra các nạn đắm tàu ở đó”. 

Ngoài ra thì nhiều tài liệu của Pháp, được xuất bản liên tục từ các năm 1802 cho đến cuối thế kỷ XX cũng đều khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Ông từng nhiều lần kiến nghị về việc thành lập các trung tâm, viện nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa...

-Trong một lần dự một hội thảo ở Đại học Melbourne của Úc, tôi rất bất ngờ khi thấy có một cuốn sách có tiêu đề tiếng Anh, dịch ra là: "Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Nhưng đó lại là lần tôi bất ngờ sau cùng, vì ở nhiều nơi tôi đến có rất ít các tư liệu về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng tiếng Anh cũng như các thứ tiếng khác. Điều đáng ngạc nhiên là chúng ta có một khối lượng tài liệu rất lớn bằng tiếng Việt, nhưng số tài liệu được chuyển ngữ lại rất khiêm tốn. Là người nghiên cứu lịch sử, cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác tôi thấy rất chạnh lòng về vấn đề này, và mong rằng Nhà nước sẽ có đầu tư xứng tầm cho vấn đề này. Chúng ta nên đưa nhiều hơn nữa các tài liệu về Hoàng Sa và Trường Sa giảng dạy trong các trường phổ thông, ĐH, CĐ, THCN. Bên cạnh đó, cần có đầu tư xứng tầm cho đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà sử học để sưu tầm, nghiên cứu về vấn đề trên.

THÀNH LUÂN (thực hiện)

1 nhận xét :

  1. Nhật Tân hựu Nhật Tânlúc 15:44 4 tháng 6, 2014

    Lạ nhỉ , Ô TTg tuyên bố là VN đa' sẵn sàng kiện TQ về vụ GK HD 981 mà sao không thấy kêu tập hợp các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử, các luật gia trong nước và quốc tế hỗ trợ, chuẩn bị hồ sơ hùng hậu để đưa phạm nhân ra Tòa ? Không lẽ lại vẽ đường cho hươu chạy trước rồi lững thững bám đuôi ?

    Trả lờiXóa