Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

ĐÁNH ĐÁNH - ĐÀM ĐÀM...TIỂU XẢO NGOẠI GIAO CỔ TRUYỀN CỦA ĐẠI HÁN

Đánh đánh – đàm đàm, giương Đông kích Tây
Tiểu sảo ngoại giao cổ truyền của đại Trung Hoa

Nguyễn Trung
Giữa lúc dư luận thế giới quan tâm và lên tiếng mạnh mẽ phê phán Trung Quốc chung quanh sự kiện giàn khoan HD 981 cắm sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dư luận thế giới cũng không quên cảnh báo việc Trung Quốc đang ráo riết tiếp tục thực hiện các dự án có trị giá nhiều tỷ USD để xây dựng các căn cứ quân sự nổi trên các bãi đá ngầm Gạc Ma và Chữ Thập của Việt Nam mà Trung Quốc đã đánh chiếm năm 1988, để sẽ hình thành một hệ thống các căn cứ quân sự nổi trên Biển Đông, lì lợm đẩy tới việc thực hiện “cái lưỡi bò”  chiếm gần hết diện tích Biển Đông.
Nhìn lại hành động của Trung Quốc trên Biển Đông những năm gần đây, ai cũng thấy những bước đi ầm ỹ, rất hiếu chiến và đe dọa xâm lược của Trung Quốc trên biển Hoa Đông trong tranh chấp với Nhật, rồi đến việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng Bắc Biển Đông. Song về nhiều mặt những bước đi này đồng thời nhằm tạo thế cho Trung Quốc ngang nhiên đảy mạnh việc bành trướng trong vùng Đông Nam Á của Biển Đông, cụ thể là những hoạt động tiếp tục lấn chiếm vùng Scarborough của Philippines, giờ đây là sự kiên giàn khoan HD 981  và việc ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi đã ngầm ở Trường Sa của Việt Nam như đã trình bầy trên. Đây là những bước đi của Trung Quốc có tính toán kỹ lưỡng, vừa nhằm phân tán sự chú ý của dư luận, phô trương thanh thế để uy hiếp các nước trong khu vực, nhưng đồng thời vừa tranh thủ đi những bước xa hơn trong vùng Đông Nam Á của Biển Đông để tận dụng lợi thế có sức mạnh quân sự áp đảo tại chỗ của Trung Quốc. 
Song song với những hành động quân sự trắng trợn và được thực hiện có hệ thống như vậy tại niều nơi trên Biển Đông, ông Tập Cẩm Bình tuyên bố thẳng thừng Trung Quốc không nhân nhượng, trong khi đó ngoại giao Trung Quốc ra sức xuyên tạc sự thật và vu cáo các hoạt động hòa bình bảo vệ chủ quyền của phía Việt Nam.
Có thể nói kể từ sau vụ đánh chiếm 7 đảo và bãi đã của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988, sự uy hiếp của Trung Quốc hiện nay đối với Việt Nam trên Biển Đông đang leo thang ở mức cao nhất, bất chấp thỏa thuận cấp cao Việt – Trung (Trương Tấn Sang – Tập Cẩm Bình)  ngày 21-06-2013, trong đó ghi rõ:  “Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh  chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt - Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Những sự việc trên một lần nữa tái khẳng định thực tiễn ngoại giao truyền thống của đại Trung Hoa “đánh đánh – đàm đàm, giương Đông kích Tây”, nói một đằng làm một nẻo, tận dụng mọi quyền lực và cơ hội, chỉ để thưc hiện nhất quán trước sau mục tiêu chiến lược bành trướng. Việt Nam đã được nếm đủ cay đắng của thứ ngoại giao này của Trung Quốc suốt từ cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2-1979 cho đến hôm nay.
Cũng xin đừng quên: Tuyên bố chung cấp cao 21-06-2013 nêu trên thật ra chỉ là một trong nhiều cam kết đầu lưỡi mà phía Trung Quốc đã không dưới một lần dành cho phía Việt Nam trong các cuộc hội đàm cấp cao như vậy kể từ Thành Đô 1990. Có bao nhiêu tuyên bố cấp cao như thế thì có bằng nấy lời nói đường mật chỉ để gây hỏa mù. Nhân đây cũng phải nhắc lại, quan hệ hợp tác hữu nghị với 4 tốt và 16 chữ vàng từ Hội nghị Thành Đô 1990 để bình thường hóa quan hệ hai nước sau chiến tranh đã dẫn tới kết cục hôm nay. Không thể nói quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cơ bản là tốt đẹp như tướng Phùng Quang Thanh phát biểu và làm cho dư luận trong nước cũng như trên thế giới sững sờ.
Không phải ngẫu nhiên nhiều thức giả Việt Nam, trong đó có Nguyễn Khắc Mai và Nguyên Ngọc, đã lên tiếng cảnh báo: Đừng để cho sự kiện giàn khoan HD 981 che khuất các căn cứ quân sự nổi của Trung Quốc đang hình thành ở bãi đá Gạc Ma, ở bãi đá Chữ Thập; đừng để cho một cử chỉ lừa mị nào của phía Trung Quốc có thể dấy lên ý nghĩ cầu xin kẻ xâm lược trả lại những gì đã bị chiếm. Càng không thể đánh đổi độc lập và chủ quyền quốc gia lấy thứ quan hệ hòa hiếu viển vông!
Kinh nghiệm thất bại vô cùng đau đớn trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ Thành Đô đến nay là đảng và nhà nước đã bưng bít nhân dân ta sự thật về quan hệ giữa hai nước, qua đó phía ta luôn phải đàm phán với Trung Quốc trên thế yếu và không tranh thủ được sự hậu thuẫn không thể thiếu của nhân dân, dẫn tới nhiều thất bại trong thực hiện các thỏa thuận.
Thực tế cũng chỉ ra mọi hứa hẹn tốt đẹp của phía Trung Quốc về phát triển quan hệ 2 nước chỉ là lời nói xuông, mọi thỏa thuận ngoại giao bí mật chẳng những là vô nghĩa mà còn gây ra nhiều tác hại nhiều chiều và rất nguy hiểm cho nước ta. Cho đến nay, bất kể một bố thí hòa hoãn nào của phía Trung Quốc cũng đều chung một mục đích chuẩn bị cho bước leo thang cao hơn trong lấn chiếm lãnh thổ và xâm phạm chủ quyền của nước ta, không có một ngoại lệ.
Quan hệ hai nước Việt – Trung chỉ thừa nhận một sự thật duy nhất: Việt Nam có bản lĩnh đến đâu thì bảo vệ được chủ quyền của mình và phát triển được quan hệ bình thường đến đấy, chẳng có quà tặng nào của lòng tốt dành cho ta cả. Kinh nghiệm còn luôn luôn thẳng thắn chỉ ra: ta càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới, ta không có cách gì thỏa mãn được đòi hỏi của bành trướng.
Việt Nam tất nhiên mong muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc. Đây là đòi hỏi bất di bất dịch. Song cuộc sống đến nay cho thấy mong muốn này chỉ có thể trở thành hiện thực cho một Việt Nam có gan bảo vệ độc lập chủ quyền và phẩm giá của mình. Lịch sử Việt Nam cũng cho thấy chưa một Lê Chiêu Thống hay Trần Ích Tắc nào có thể làm dịu được khát vọng bá quyền của Trung Quốc.
Trong tình hình leo thang bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông đặt ra cho nước ta ngày càng nhiều thách thức nguy hiểm, nhất thiết mọi bước đi trên mặt trận đối ngoại phải kiên định lập trường bảo vệ độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của toàn dân, phải góp phần vào tranh thủ sự liên kết tự vệ chung của các nước hữu quan trong khu vực, cùng nhau ngăn chặn khát vọng “lưỡi bò” của Trung Quốc.
Khát vọng bành trướng của Trung Quốc để trở thành siêu cường, để vươn lên làm đế chế đại dương, đang thách thức nghiêm trọng hòa bình và an ninh trong khu vực, uy hiếp con đường giao lưu hàng hải huyết mạch của thế giới. Vì lẽ này Trung Quốc bành trướng đang trở thành vấn đề của cả thế giới. Thực tế này đặt ra cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải cùng nhau nỗ lực có được đối sách thỏa đáng giữ Trung Quốc trong quỹ đạo phát triển chung của cả thế giới. Các nước trên thế giới chia xẻ cách nhìn này, chắc chắn nỗ lực chung đáng mong đợi này sẽ trở thành hiện thực./.
Hà Nội, ngày 10-06-2014

4 nhận xét :

  1. Việt Nam có dám dũng cảm đương đầu với bọn xâm lược Tàu thì thế giới mới ủng hộ VN. Còn nếu VN chỉ muốn xử theo lối song phương kiểu " anh em ruột thịt" như tướng họ Phùng phát biểu thì VN mất với TQ chỉ còn là vấn đề thời gian.
    Chỉ có Nhân Dân mới giác ngộ được phải chống Tàu đến cùng vì nếu không tương lai con cháu chúng ta sẽ như Tân Cương, Tây Tạng hoặc Bắc Triều Tiên thôi ...

    Trả lờiXóa
  2. Khẩn trương khởi kiện. Nó đang vu cáo VN rồi: "Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Minh đã gửi ‘thư bày tỏ lập trường’ của họ về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông đến Tổng thư ký Ban Ki-moon hôm 9/6 và yêu cầu người đứng đầu tổ chức này cho lưu hành đến tất cả 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng.
    Trong văn bản này, Trung Quốc nói đã có bốn công dân Trung Quốc ‘bị giết hại dã man’ và hơn 300 người bị thương trong các cuộc bạo loạn ở Việt Nam." (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/06/140610_china_letter_to_un.shtml)
    Đến nước này mà đại biểu quốc hội Nguyễn Bắc Việt còn đọc một bài phát biểu như muốn "dạy dỗ" các đại biểu QH khác. Bây giờ là lúc hành động. Đừng nói suông nữa. Liên minh với Mỹ, Philippines để nhổ ngay cái căn cứ QS đang xây dựng của nó ở Trường Sa. Chậm trễ là chết. Thủ tướng mạnh mẽ, toàn dân sẽ ủng hộ. Những đảng viên nào hèn nhát hãy loại ra khỏi bộ máy.

    Trả lờiXóa
  3. Mục tiêu sau cùng của giặc Tàu là gì, thì mọi người đã rõ : ĐÓ LÀ ,THÔN TÍNH TẤT CẢ NHỮNG NƯỚC KHÁC (NẾU CÓ THỂ ĐƯỢC )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhật tân hựu nhật tânlúc 01:01 13 tháng 6, 2014

      Đúng vậy . CS China đã có kế hoạch Tầu hóa toàn thế giới . Nó nhập và ở lậu tại nước giàu có Phương Tây để làm ăn buôn bán . Người giàu đi trước mua nhà mua cửa, mở tiệm rồi dần dần đưa người Tầu sang làm công nhân . Nó thuê đất ở các nước nghèo để làm đủ thứ dưới danh nghĩa làm nông nghiệp, lâm nghiệp, nhưng bên trong là tìm tài nguyên thô như các mỏ kim loại, sắt đồng chì kẽm, đất hiếm , titan , uranium. Đừng tưởng những người Tầu đang chăm chỉ trồng trọt tại châu Á, châu Phi kia là những công nhân , nông dân chân chính cần cù. Là những chuyên gia đấy . Là những gián điệp kinh tế . China đến nay thừa sức nắm được kĩ thuật sản xuất những thiết bi rất tinh vi , bỏ túi được, thông tin rất nhanh, xử lí dữ liệu phục vụ cho việc dò tìm nguyên liệu thô .

      Xóa