Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

LS. TRẦN VŨ HẢI KIẾN NGHỊ VỀ ĐIỀU 258 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

   
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----***----
         Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2014

 KIẾN NGHỊ CỦA LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI 
VỀ ĐIỀU 258 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

(Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội – UBTVQH giải thích điều 258 Bộ luật Hình sự - BLHS trên cơ sở Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966. Trường hợp xác định điều 258 BLHS trái Hiến pháp 2013 và Công ước này, UBTVQH cần trình Quốc hội hủy bỏ điều luật này)

Kính gửi:     -  Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng)
Đồng kính gửi:
- Ông Uông Chung Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội
                        - Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội
                       -  Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội

Tôi, Trần Vũ Hải, hành nghề luật sư tại 81 phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội và 84K Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ vào điều 28 khoản 1 Hiến pháp 2013, xin trình bày và kiến nghị như sau:
Hiện tôi đang bào chữa cho bị cáo Trương Duy Nhất, dự kiến được Tòa án Phúc thẩm – Tòa án Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vào ngày 26/6/2014  do bị cáo kháng cáo Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân  thành phố Đà Nẵng đã phạt bị cáo 2 năm tù theo tội danh của điều 258 BLHS (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân). Tôi cũng đã bào chữa cho bị cáo Trương Duy Nhất trong phiên tòa sơ thẩm.
Nhiều luật sư khác và tôi nhận thấy điều 258 BLHS quy định không rõ ràng, có dấu hiệu không phù hợp với Hiến pháp Việt Nam, khiến có thể bị áp dụng tùy tiện. Nếu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật này, Việt Nam có thể bị coi không thực hiện đúng theo các quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (“Công ước nhân quyền 1966”) đã được Việt Nam tham gia từ năm 1984. Đặc biệt khi bản Hiến pháp 2013 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, chúng tôi cho rằng điều luật này trái những quy định trong Hiến pháp 2013. Chúng tôi xin phân tích như sau:
 Điều 258 Bộ luật Hình sự “BLHS” quy định:
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân: 

1, Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 
2, Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Trong khi Hiến pháp 2013 quy định như sau:

Điều 14 khoản 2: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”

Điều 15 khoản 2: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác ”.

Điều 12: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam …..tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đối với những vụ án hình sự được khởi tố theo điều 258 BLHS, chúng tôi nhận thấy chủ yếu liên quan đến quyền tự do ngôn luận (như vụ Trương Duy Nhất) mà các cơ quan chức năng cho rằng các bị can, bị cáo đã lợi dụng.

Về quyền tự do ngôn luận:Công ước nhân quyền 1966 quy định tại điều 19 khoản 2 và khoản 3:
2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội
Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận… Việc thực hiện  các quyền này do pháp luật quy định.

Nói một cách khác, Hiến pháp 2013 cũng như Công ước nhân quyền 1966 không có khái niệm lợi dụng các quyền tự do, dân chủ.  Thay vào đó là khái niệm thực hiện quyền. Do đó, tiêu đề của điều 258 BLHS không có ý nghĩa pháp lý khi đối chiếu với những luật gốc là Hiến pháp 2013 và Công ước nhân quyền 1966.

            Điều 258 BLHS xác định rằng khi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm (i) lợi ích Nhà nước, (ii) quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và (iii) quyền và lợi ích hợp ích hợp pháp của công dân. Trong khi Hiến pháp 2013 không xác định như vậy mà chỉ đưa ra giới hạn của việc thực hiện quyền không được xâm phạm (i) lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, (ii) quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

            Lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc khác với lợi ích Nhà nước như được hiểu bấy lâu nay. Thậm chí lợi ích Nhà nước được hiểu là lợi ích của một số bộ, ngành, chính quyền địa phương. Trong khi lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc phải được hiểu là lợi ích của cả quốc gia, của cả dân tộc và không được phép hiểu chỉ là lợi ích của một nhóm, một tầng lớp hay một địa phương, một ngành, một cơ quan, một thiết chế. Như vậy, không thể cho rằng việc xâm phạm lợi ích của lãnh đạo, của một cơ quan Nhà nước hay của một tổ chức nào đó là xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Do đó, nội dung (i) xâm phạm lợi ích Nhà nước và nội dung (ii) xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức theo điều 258 BLHS đã vượt quá giới hạn thực hiện quyền con người và quyền công dân theo điều 15 khoản 2 Hiến pháp 2013. Đối với việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, theo chúng tôi đây là quan hệ dân sự, chỉ hình sự hóa trong những trường hợp nghiêm trọng. Thực tế, trong Bộ luật Hình sự có những chương như chương XII (các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người), chương XIII (các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân), chương XIV (các tội xâm phạm sở hữu)  quy định những tội danh cho những kẻ có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Ví dụ: tội vu khống trong trường hợp việc thực hiện quyền tự do ngôn luận nhưng thông tin sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của người khác.  

Nói cách khác, điều 258 BLHS có nội dung mâu thuẫn với Hiến pháp 2013 và Công ước nhân quyền 1966, có thể bị lợi dụng để áp dụng tùy tiện đối với những việc thực hiện các quyền con người, công dân phù hợp với Hiến pháp 2013 và Công ước nhân quyền 1966. Vụ Trương Duy Nhất là ví dụ, không xác định Trương Duy Nhất đã phát ngôn xâm phạm đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc (mà chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, có phê phán đối với một số lãnh đạo và cơ quan Nhà nước) tức Trương Duy Nhất đang thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình phù hợp với Hiến pháp, nhưng Trương Duy Nhất vẫn bị kết tội theo điều 258 BLHS. Gần đây, một cơ quan báo chí có đưa thông tin về một doanh nghiệp của Bộ Công an cũng bị cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an khởi tố vụ án theo Điều 258 BLHS, không kể một số công dân khác đã bị khởi tố bị can theo điều này.  Nhiều công dân lo ngại nếu không có sự giải thích điều 258 BLHS trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và Công ước nhân quyền 1966, tiếp tục sẽ có những vụ việc tương tự khác, ảnh hưởng đến hiệu lực của Hiến pháp 2013 (đặc biệt về chương II quy định về quyền con người và quyền công dân, được chính Quốc hội đánh giá là tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam so với trước). Nếu thấy rằng điều luật này không còn phù hợp Hiến pháp 2013 và Công ước nhân quyền 1966, Quốc hội cần hủy bỏ nó.

Vì vậy, chúng tôi trân trọng kiến nghị UBTVQH như sau:

             - Theo thẩm quyền của UBTVQH, giải thích điều 258 BLHS về những khái niệm (i) lợi dụng quyền tự do dân chủ, (ii) xâm phạm lợi ích Nhà nước, (iii) xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức. Những quy định này còn phù hợp với Hiến pháp 2013 hay không? 

          -   Nếu xác định rằng (i) không có khái niệm lợi dụng quyền tự do dân chủ (mà chỉ có khái niệm thực hiện quyền công dân, quyền con người bao gồm cả các quyền tự do, dân chủ); (ii) không thể đánh đồng việc xâm phạm lợi ích nhóm kể cả lợi ích của lãnh đạo Nhà nước, cơ quan Nhà nước, của một thiết chế, một ngành, một địa phương, một tầng lớp là xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Đặc biệt xâm phạm quyền và lợi ích của một tổ chức (kể cả tổ chức Nhà nước) không phải là xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc; (iii) xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (kể cả của tổ chức) đã có những quy định trong Bộ luật Dân sự và những quy định trong các chương XII, XIII, XIV của BLHS điều chỉnh, làm căn cứ pháp lý thực hiện truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự. Trong trường hợp này,  UBTVQH cần trình Quốc hội sớm hủy bỏ điều 258 BLHS.

               -  Trong khi chờ đợi sự xem xét và giải thích UBTVQH về điều 258 BLHS, UBTVQH đề nghị Bộ Tư pháp cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam cùng một số luật sư, nhà báo độc lập khác nghiên cứu những trường hợp đã bị khởi tố, truy tố và xét xử theo điều 258 BLHS trong thời gian gần đây để làm rõ những trường hợp này có thuộc trường hợp xâm phạm đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc hay chỉ là đụng chạm đến những lợi ích nhóm? Việc khởi tố, truy tố, xét xử những trường hợp này có biểu hiện xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và các quyền tự do, dân chủ khác, không có lợi cho quốc gia Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Chúng tôi rất mong UBTVQH  thực hiện theo điều 28 khoản 2 Hiến pháp 2013 “công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” sớm phản hồi bằng văn bản cho chúng tôi theo địa chỉ nêu trên.
           
Xin chân thành cảm ơn!

 

                                                                                                Công dân Trần Vũ Hải

4 nhận xét :

  1. Rất hào khí! Thần của tôi!

    Trả lờiXóa
  2. Luật rừng của nước CHXHCN !!!

    Trả lờiXóa
  3. Phân tích rất hay! Tôi thấy rằng, nếu thích thì Điều 258 có thể áp dụng đối với người tố cáo đúng sự thật, vì nó xâm phạm đến lợi ích của người bị tố cáo, như vậy thì tha hồ mà đi ăn cướp.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đồng tình với nội dung đơn kiến nghị của luật sư Trần Vũ Hải.Bởi để phát huy dân chủ chống tiêu cực,quan liêu,tham nhũng thì trong xã hội cần có những người đứng lên phê bình,chỉ trích,tố cáo các việc làm xấu xa của một số quan chức đảng viên thuộc bất cứ ban nghành nào.nếu bài phê bình, chỉ trích đó đúng sự thật không vu khống thì sẽ đem lại giá trị làm trong sạch bộ máy nhà nước. đáng được khen thưởng.còn như người phê bình chỉ trích tố cáo đúng sự thật mà còn bị tù tội thì chế độ cộng sản Việt Nam là một chế độ thông đồng để đàn áp người dân xâm phạm hiến pháp do chính Csvn ban hành và xâm phạm cả hiến chương LHQ mà Việt Nam đã ký kết.

    Trả lờiXóa