Tổ quốc bắt đầu từ biển
Trần Vũ Long
Không phải là cái cớ
để bắt đầu cho một bài viết về biển đảo, quả thực với tôi, biển là điều gì đó
thật linh thiêng và kì diệu. Biển gần gũi mà xa thẳm. Biển dịu dàng mà ẩn chứa
những giông bão khó lường khiến cho ta muốn khám phá. Biển cô đơn, trống vắng mà
cứ ầm ào khôn nguôi. Biển linh thiêng như nguồn cội. Biển mơ hồ như một cõi xa
vắng. Biển là nơi bắt đầu. Biển cũng là nơi cuối cùng để tan và để xoá. Có biết
bao cảm xúc về biển mà tôi không thể nói hết, chỉ có thể rút lại bằng một câu
ngắn gọn rằng: Tôi yêu biển. Mỗi lần đứng trước biển tôi như đứa trẻ được trở về
với người mẹ yêu thương của mình. Lúc đó tôi chỉ là hạt cát muốn được tan vào
trong nước biếc, tan vào trong sự mặn mòi của đời mẹ. Tan và xoá.
Hãy thử tưởng tượng,
nếu như trên trái đất này không có biển. Chắc hẳn lúc đó sẽ không còn sự sống.
Biển đã mang đến cho ta tất cả nhưng đến một ngày nào đó biển cũng có thể lấy đi
tất cả nếu như ta không biết gìn giữ, không biết yêu thương, không biết đáp đền.
Chẳng còn là đôi khi nữa, chúng ta nhân danh rất nhiều thứ, cứ ngỡ mình đã vượt
qua sự lớn lao của biển, để rồi làm tổn thương người mẹ biển cả vốn bao dung và
độ lượng. Chúng ta đâu biết rằng đang làm tổn thương chính mình. Biển vốn cô đơn
lại càng thêm cô đơn. Biển cô đơn trong niềm hân hoan, đắc thắng của những đứa
con. Ôi những đứa con trên khắp năm châu, có ai bận lòng đến sự cô đơn đó. Và,
chắc hẳn chẳng có nỗi cô đơn nào lớn bằng nỗi cô đơn của biển. Nhưng rồi, biển
vẫn bao dung. Một sự bao dung vô bờ bến.
Quả thực, tôi đã từng
khóc khi nghĩ về biển. Tôi đã từng hình dung ra sự giận dữ thét gào của những
con sóng biển Đông. Sự giận dữ từ nghìn trùng khơi như dội vào đất liền, như táp
vào mặt tôi mặn và rát. Đó là khi kẻ xâm lăng đang âm mưu thôn tính biển đảo quê
hương mình.
"Tổ quốc ơi
sao lòng con đắng chát
Tim con đau như
dính đạn kẻ thù
Mặt con rát như
sóng biển Đông giận giữ thét gào
Máu con sôi như
trăm nghìn dấu hỏi
Những dấu hỏi
khiến lòng con ngơ ngác"
Tôi có thể nói và làm
điều này điều kia bằng tất cả sự căm phẫn đối với kẻ đang xâm phạm chủ quyền
thiêng liêng của tổ quốc mình. Và rồi, có người cười nhạo tôi: có giỏi cầm súng
ra mà đánh nhau. Vâng, có thể tôi không đủ sức để cầm súng xông pha chiến trận
nhưng tôi tin tôi có đủ dũng khí, tôi có đủ sự kiêu hãnh, lòng tự hào dân tộc mà
giống nòi đã truyền lại cho mình. Và đó chính là tình yêu của tôi dành cho tổ
quốc mình, cho dân tộc mình. Đó cũng chính là tình yêu của tôi dành cho biển.
Hoàng Sa, Trường
Sa, hai cái tên gần gũi và thân thương. Hai cái tên nghe thật hào sảng và ứ nghẹn.
Hai cái tên nghe ấm áp mà đắng lòng. Hai cái tên xa cách mà nhung nhớ. Hoàng Sa
và Trường Sa cũng mang thân phận giống như dải đất liền hình chữ S thân yêu nhiều
thăng trầm, nhiều đau thương và mất mát. Đã có biết bao mồ hôi và nước mắt đổ
xuống. Đã có biết bao máu của các thế hệ người Việt trộn lẫn với cát non, sạm đen
trên đá, hoà vào biển xanh để làm nên lịch sử, làm nên dáng hình tổ quốc. Ôi tổ
quốc, con xin cúi mình trước sự linh thiêng của người. Con xin cúi mình trước
muôn trùng sóng biếc dịu dàng đến thẳm sâu.
Tổ quốc ơi! Chúng
con biết người đang uất nghẹn, như hàng triệu con tim nước Việt đang uất nghẹn,
đang trào sôi khi kẻ thù lăm le cướp biển của chúng ta. Và con đã run lên, con
đã khóc, khóc cho một tình yêu mà nhiều khi con chợt nghĩ tình cảm đó đã trở
thành đồ hiếm. Có thể cầm lòng được không khi một cụ già đi không vững, phải có
người dìu nhưng trong tay vẫn nắm chặt tờ giấy in dòng chữ "Đả đảo quân
xâm lược". Có thể cầm lòng được không khi một ông bố trẻ đang kiệu đứa con
mới hơn một tuổi nhưng đã mồ côi mẹ, đang hòa vào dòng người biểu tình và dương
cao biểu ngữ. Đứa trẻ đó có thể chưa hiểu được việc làm của bố nó ngày hôm nay,
cũng như chưa hiểu được tại sao hàng ngày bố nó vẫn phải bế con đi bú nhờ bởi
nó bị dị ứng với sữa bột. Nhưng con tin đứa trẻ đó sẽ nuôi trong mình một tâm
hồn trong trẻo biết yêu con người, yêu giống nòi, yêu từng tấc đất quê hương
bằng trái tim và hành động đầy nhiệt huyết. Con tin đứa trẻ đó sẽ tìm thấy niềm
tin, chân lý, lẽ phải trong sự yêu thương với đồng loại. Có thể cầm lòng được
không khi một ông nhà thơ ở tuổi 80 từng viết lên những vần thơ làm mê đắm lòng
người và cũng là một cựu chiến binh, đã từng hy sinh xương máu cho nền độc lập
dân tộc này, đi hiên ngang giữa dòng người nhưng đôi mắt thì đăm chiêu xa vắng
như ứa lệ, trên chiếc áo sơ mi ông đang mặc là những nét mực đỏ ghi lời tâm
huyết của một người con đất Việt. Với sự cống hiến và tuổi tác của mình ông có
thể nghỉ ngơi mà người đời vẫn luôn ghi nhớ. Nhưng không, ông vẫn luôn tranh
đấu cho một cuộc sống tươi đẹp hơn cho tổ quốc. Và hôm nay, trong cái nắng đầu
hè như đổ lửa, ông lại hiên ngang đi trong dòng người với một trái tim hừng hực
của tuổi hai mươi dội về. Chỉ có thể nói một câu ngắn gọn, vì ông yêu tổ quốc
Việt Nam.
Ông không muốn những hy sinh của mình trở thành vô nghĩa. Ông không muốn làm
một kẻ đớn hèn khi tổ quốc lâm nguy.
Máu của người Việt
ư? Máu của kẻ thù ư? Tất cả đều là máu. Một giọt máu đổ xuống có thể làm đau
xót biển cả. Chẳng ai muốn điều đó. Cũng như năm xưa ông cha ta cũng không muốn
máu kẻ thù nhuộm đỏ sông Bạch Đằng. Nhưng trong cõi người này còn có một điều
thiêng liêng khác để chúng ta neo đậu mà tồn tại đó là công lý, đó là lẽ phải,
đó là những điều nhân văn. Nếu không biết điều đó con người cũng chỉ là loài
cầm thú. Còn có một sự linh thiêng khác đó là lòng tự trọng dân tộc, là hồn vía
cha ông ngàn đời nay đã để lại. Đất Việt đã trải qua quá nhiều đau thương, quá
nhiều nước mắt, và ngay cả thời điểm hiện tại cũng đang phải trải qua nhiều mất
mát, nhiều sự bất ổn và cả những biến động về giá trị trong cuộc sống. Nhưng
trong những ngày qua, khi tổ quốc đang bị kẻ xâm lăng đe dọa thì tình yêu dân
tộc đã được hiển lộ một cách rõ nét. Biên cương là máu thịt. Biển đảo là máu
thịt. Người Việt là máu thịt. Ông cha ta đã đổ xương máu, nai lưng ra mà bảo
vệ; chúng ta, thế hệ hậu sinh phải có trách nhiệm gìn giữ từng tấc đất, hải
đảo, gìn giữ khí phách của cha ông, bản lĩnh của dân tộc. Nếu đánh mất tất cả
điều đó, chúng ta sẽ trở thành những kẻ lờ nhờ đáng thương và tội nghiệp. Tính
toán hay cân nhắc nhưng mình vẫn phải là mình, vẫn phải mang hồn vía cha ông
mình, dân tộc mình. Chúng ta không thể cứ nói mà không thể không làm. Hơn 90
triệu trái tim Việt Nam
phải cùng nhịp đập chiến đấu để giữ gìn những điều thiêng liêng đó.
"Cúi xin
Người – ơi tổ quốc thân thương
Hãy nuốt giận và
đừng quá bận lòng
Bởi chúng con
vẫn hiên ngang vững bước
Đạp lên sự đê
hèn
Đạp lên sự dối
trá
Đạp lên thói
gian manh, đớn hèn.
Chúng con đi khi
dòng máu trào dâng
Mong rạng danh
người - Tổ quốc Việt Nam"
Kẻ thù đang hênh
hoang, kẻ thù có thể mạnh hơn nhưng chúng ta có chân lý, chúng ta có lẽ phải,
và chúng ta có sinh khí cha ông ngàn đời tích tụ nên chúng ta cần phải hiên
ngang để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc và những điều cao cả khác.
Để cho biển đảo quê hương lại bình yên sóng vỗ.
T.V.L
http://www.youtube.com/watch?v=xhnUeMQlMgY
Trả lờiXóahttp://www.youtube.com/watch?v=6sWRF2sRfa0
Trả lờiXóaTrong hôm nay (14/5), số lượng tàu cá vỏ sắt mà Trung Quốc trang bị (lượng giãn nước 100 -- 150 tấn) tăng từ 15 chiếc lên 40 chiếc.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam đã đi sâu vào khu vực giàn khoan ,
Trả lờiXóavới khoảng cách gần nhất là cách giàn khoan chỉ 3 - 4 hải lý.
________________________________
2 tàu vận tải đổ bộ số hiệu 998, 999 có lượng giãn nước 17.000 tấn.
Trên tàu được trang bị một bệ với 8 ống phóng tên lửa đối không,
một bệ pháo 76mm, hai bệ gồm 4 khẩu pháo 30mm.
Đặc biệt, tại hiện trường, số lượng tàu cá vỏ sắt Trung Quốc (lượng giãn nước lên tới 100 - 150 tấn) tăng từ 15 chiếc lên 40 chiếc.
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/607342/phat-hien-2-tau-trung-quoc-trang-bi-ten-lua-doi-khong.html
hơn 300 người Việt và người Nhật đã xuống đường tuần hành yêu cầu Trung Quốc:
Trả lờiXóathực hiện ngay việc rút giàn khoan HD 981, máy bay và toàn bộ tàu chiến ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN.
http://tuoitre.vn/The-gioi/606901/duong-pho-tokyo-vang-tieng%C2%A0phan-doi-trung-quoc.html
Như thế là đã hiểu được tận tường chân tướng của ông bạn 4 tốt và 16 vafg rồi. Không còn lăn tăn gì nữa. Thoát khỏi thằng Tàu rồi VN sẽ dễ dafg đàm phán ra nhập TPP hơn. Sog song với việc này là phải gấp rút thay đổi thể ch, thực hiện dân chủ trực tiếp. Đảng chỉ lãnh đạo thôi, không nên cầm tay chỉ việc cho hành pháp và tư pháp. Phải tiế tới một nhà nước pháp trị, thay vì nhà nước đảng trị. Lãnh đạo địa phương, kể e cả cấp tỉnh phải để cho người dân trực tiếp bầu. Cần phải thấy lãnh đạo khác với chỉ đạo. Lâu nay cứ nói là lãnh đạo, nhưng thực chất là chỉ đạo. lúc sai không ai chịu trách nhiệm vì có sự chỉ đạo của cấp ủy. Rồi cấp ủy cũng chawrg rụng cái lông chân nào sớt. thế là òa cả làng.
Trả lờiXóaĐây là cơ hội để thoát Trung thuận lợi nhất.
Trả lờiXóaVũ Xuân Tửu