Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Tô Văn Trường: TÍT MÙ NÓ LẠI VÒNG QUANH


TÍT MÙ NÓ LẠI VÒNG QUANH!
Tô Văn Trường

Xem ra  ở nước ta trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế thì lĩnh vực ngân hàng là yên tâm nhất vì “chỉ có thắng, không có thua”. Trong lúc hầu như ngành nào cũng gặp khó khăn thua lỗ, nhiều doanh nghiệp phải giải thể  thì hầu hết các ngân hàng đều báo lãi, mà lãi khủng. Đương nhiên, Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình là người “khỏe” nhất vì các đệ tử đều rất khỏe.  Bởi vậy trong các chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời thì ông Bình là người bình tĩnh, tự tin nhất, và sẵn sàng “chém gió” giống như tít mù nó lại vòng quanh!  Câu chuyện đầu tư phát triển Tây Nguyên và giải quyết nợ công thêm một lần nữa  chứng minh điều đó!

Đầu tháng 4 vừa qua, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắc Nông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: “Nếu tỉnh đảm bảo quy hoạch được quỹ đất đủ lớn, có kết nối giao thông, tôi sẽ bàn và xúc tiến đưa mô hình của hãng sữa TH True Milk vào”. Nhiều người dân hồ hởi, cho rằng đây là tín hiệu mừng, một lối ra ‘có cánh” cho dự án bô xít Tây Nguyên, trước mắt là dự án Nhân Cơ thua lỗ về mọi mặt đã nhãn tiền!  

Ngẫm suy lại thấy lo vì Thống đốc ngân hàng có nhiệm vụ chỉ huy chính sách tiền tệ, kiểm tra ngân hàng chứ tại sao lại đi hứa làm những điều không thuộc về nhiệm vụ của mình?

Chợt nhớ đến bài báo “Muốn biết vì sao có nhiều nợ xấu phải hỏi thống đốc Bình” (GDVN). Chỉ trong vòng thời gian ngắn liên tiếp vừa qua, con số nợ xấu được Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố đã có độ chênh lớn, khiến dư luận không biết thực hư phía sau số liệu của NHNN là gì?

Ngày 15/2/2014, Chánh Thanh tra NHNN, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết con số nợ xấu cập nhật tính đến hết năm 2013 mà cơ quan này nắm được là 5,56%.

Nhưng sau đó chỉ 3 ngày, NHNN thông báo, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh trong hai tháng cuối năm 2013 xuống chỉ còn 3,63%. Dù cả hai con số này đếu chưa tính đến phần nợ đã được tái cơ cấu nhưng rõ ràng sự chênh lệch về nợ xấu thuần cũng không hề nhỏ.

Ngày 18/2/2014, Moody’s – một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu trên thế giới công bố, tài sản xấu của Việt Nam có thể lên tới 15% tổng tài sản gấp hơn 3 lần con số nợ xấu chính thức 4,7% của ngân hàng nhà nước . Nếu làm một phép tính quy đổi, thì nợ xấu của Việt Nam có thể lên tới 25% tổng dư nợ, cao hơn bất kỳ một ước đoán nào của các tổ chức kinh kế trong nước trước đó. Đáp lại con số này của Moody’s, NHNN lập tức công bố: “Ngay cả khi tính toán một cách cẩn trọng nhất, nợ xấu của Việt Nam cũng chỉ ở mức 9%”.

Mới đây, ngày 1/4/2014, chỉ 40 ngày sau khi NHNN công bố con số 9%, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Thống đốc NHNN nhận định, con số nợ xấu thực tế của ngành ngân hàng Việt Nam chỉ là 7%?

Tít mù nó lại vòng quanh, không biết đâu là con số đáng tin cậy? Nếu tôi là người đầu tư, tôi sẽ tin tưởng vào con số của Moody hơn. Bởi vì họ dựa vào thông tin mà một số ngân hàng hiện có người nước ngoài nắm tỷ lệ cổ phần lớn yêu cầu bên ngoài đánh giá. Từ vài ngân hàng họ suy ra cho toàn bộ hệ thông  ngân hàng của Việt Nam.

Để khách quan và khoa học, chúng ta thử nhìn lại theo định nghĩa quốc tế mà IMF và hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) vẫn thường sử dụng:

Nợ được coi là xấu khi lãi hoặc gốc quá hạn 90 ngày hoặc hơn, hoặc việc thanh toán lãi tương đương với 90 ngày hoặc hơn đã được vốn hóa, tái cấp vốn hoặc hoãn theo thỏa thuận, hoặc việc thanh toán dưới 90 ngày đã quá hạn nhưng có những lý do hợp lý khác (ví dụ người vay đang làm thủ tục phá sản) để ngờ rằng việc thanh toán sẽ được thực hiện đầy đủ.

Một khi nợ đã bị coi là xấu thì nó sẽ vẫn được coi là xấu đến khi nào  người vay trả được nợ hoặc người cho vay xóa (written off) món nợ này hoặc món vay khác tiếp theo thay thế món nợ ban đầu.

Nếu được cho vay mới để trả nợ cũ thì vẫn là nợ xấu vì khả năng trả nợ "mới" vẫn như cũ. Lối ma mãnh này ai mà không biết. Tiếc là ngay một số chuyên gia hình như cũng không hiểu điều này.

Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý có trách nhiệm qui định các chuẩn đánh giá và kiểm tra tình hình của mọi ngân hàng trong nước. Bản thân NHNN đã ra qui định nhưng đã hoãn thực hiện 2 lần. Điều này có nghĩa là NHNN đã cố tình muốn giấu giếm thông tin?

Cách đây 4 năm, tôi đã viết bài “Nợ công đại vấn đề”, “Đằng sau các con số thống kê” vv…Mới đây, theo TS Vũ Quang Việt cho biết nợ của Chính phủ Việt Nam đến cuối  năm 2013 là 80,3 tỷ US (theo Economist).  Theo Bộ Tài chính nợ cuối năm 2012 là 61 tỷ US. Năm 2014 (theo kế hoạch vay nợ của Thủ tướng) sẽ vay thêm 18 tỷ trong nước,  4,5 tỷ nước ngoài. Trả nợ 0,4 tỷ, nợ thêm 12,1 tỷ. Như vậy, tổng  nợ năm 2014 là 92, 3 tỷ, tăng 15%. GDP 2014 (dự đoán) 184 tỷ , nợ  50% GDP. Trên đây là không kể nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của doanh nghiệp quốc doanh. Cứ giả dụ nợ của doanh nghiệp quốc doanh không đổi thì tổng nợ công theo định nghĩa quốc tế vào cuối năm 2014 sẽ là  332 tỷ bằng 180% GDP vượt mức báo động an toàn!?

Để tham khảo, so sánh với các nước trong khu vực theo Rabobank cho rằng nợ xấu của ngân hàng nhà nước Việt Nam từ 8-16%, Thái Lan 2,7%, Indonesia 2,1% v.v…

Ngẫm suy từ những câu chuyện kể trên có thể thấy nếu các nhà đầu tư say sưa chạy theo đà “chém gió” của Thống đốc ngân hàng thì rất có thể ngã bổ chửng vì chóng mặt bởi vì tít mù nó chỉ lại...vòng quanh mà thôi!

T.V.T

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét