Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Quảng Ngãi: CHÍNH QUYỀN PHÁ THÀNH CỔ CHÂU SA ĐỂ PHÂN LÔ CHIA CHÁC

Thành cổ Châu Sa bị xâm hại do chính quyền "bật đèn xanh"?


VOV.VN - Trong thời gian ngắn, xã Tịnh Châu đã cấp tốc hoàn thành việc san lấp hào thành của Thành cổ Châu Sa để xây dựng khu tái định cư.

Như VOV online đã phản ánh về việc di tích Quốc gia thành cổ Châu Sa ở xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi bị xâm hại, chính quyền địa phương san lấp để “phân lô bán nền” gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Đào Dương Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh cho biết, địa phương xin chủ trương san lấp tuyến hào thành di tích Thành cổ Châu Sa để xây dựng khu dân cư phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng Quốc lộ 24 B, đồng thời, nhằm tạo nguồn thu ngân sách xã. 
.
Bờ thành cổ Châu Sa phía Đông

Sau khi được sự chấp thuận của huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian ngắn, xã Tịnh Châu cấp tốc hoàn thành việc san lấp hào thành của Thành cổ Châu Sa, xây dựng khu dân cư với diện tích hơn 10.300 m2 và bán đấu giá đất 2 đợt với tổng cộng 77 lô đất. Hiện đã có 30 lô đất được xây dựng nhà ở.

Bia di tích Thành cổ Châu Sa đang được xây dựng nhưng có nhiều nhà ở 
mọc lên trong khuôn viên di tích

Trả lời câu hỏi vì sao đây là đất của di tích Quốc gia mà địa phương lại san lấp để “phân lô bán nền”, ông Đào Dương Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tịnh Châu lý giải, ông thấy đất khu vực hào thành bỏ hoang hóa, lãng phí; hơn nữa khi bàn giao di tích cho địa phương quản lý, Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi chỉ “nói miệng” chứ không có một tài liệu gì bàn giao cho địa phương về ranh giới của di tích hay hồ sơ di tích.

Một trường hợp xây dựng nhà ở trên di tích Thành cổ Châu Sa phía Nam
Ông Đào Dương Minh phân bua: "Địa phương không biết phạm vi di tích là bao nhiêu mét vuông, thậm chí, Bằng công nhận di tích Quốc gia do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) cấp cũng đã bị lưu lạc không tìm thấy. 

Khi đồng ý xong, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện làm các thủ tục các cấp thẩm quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý thỏa thuận địa điểm. Tiếp đó, UBND tỉnh cấp phê duyệt dự án mới tiến hành làm, chúng tôi không tự tiện làm”.

Hào Thành cổ Châu Sa bị san lấp thành Khu dân cư

Hào thành cổ Châu Sa bị lấp xây dựng khu dân cư rồi phân lô bán nền khiến người dân địa phương rất bất bình. Ông Đặng Trợ, 76 tuổi ở thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu có nhà gần di tích thành cổ Châu Sa khẳng định, không chỉ hào Thành cổ Châu Sa phía tây bị san lấp mà ngay cả phía nam của di tích này cũng có nhiều trường hợp mạnh ai nấy làm nhà trên thành mà chính quyền địa phương vẫn làm ngơ. 

Còn ông Đặng Sách, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Châu hết sức nuối tiếc vì di tích thành cổ Châu Sa đã bị xâm hại nghiêm trọng: "Có nhiều người cho rằng hào khác, thành khác, nhưng mà không có hào thì sao có thành."
 

Thực tế cho thấy việc khắc phục nguyên trạng hào thành thành cổ Châu Sa là điều không thể vì việc xâm hại quá trầm trọng. Tuy nhiên, để bảo vệ di tích còn hiện hữu đòi hỏi ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phải cắm mốc ranh giới di tích; đồng thời, tuyên truyền phổ biến cho người dân trong vùng di tích nâng cao ý thức bảo vệ di tích có giá trị về lịch sử - văn hóa này./.

CTV Sông Trà/VOV - Miền Trung 

5 nhận xét :

  1. Cứ đà này vài thập niên nữa các báo chí Việt nam (thậm chí cả nước ngoài )sẽ đăng tin "giật gân" tìm thấy di tích Việt cổ sau ngày thống nhất đã bị chìm sâu trên đất nước "Tân Việt nam sau vài thập kỷ ' ( giống như tên gọi "tân thế giới ") qua các tờ tư liệu hiếm hoi .Mong rằng người Việt có tâm có điều kiện se cảnh báo trước để ngăn chặn kịp thờ .vì

    Trả lờiXóa
  2. Phá,phá,phá sạch đi !

    Trả lờiXóa
  3. có gì mà mấy bác xoắn lên thế. Đang trong quá trình Công Nghiệp Hóa - Hiện Đại Hóa đất nước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công nghiệp hóa bằng bê tông cốt gạch ống? hay bằng cốt tre? Hiện đại hóa trám đường nứt của đập thủy điện bằng bao ni lông?

      Xóa
  4. May mà tôi ở tuổi sắp chết nên không phải chứng kiến cảnh người Vệt không còn nguồn gốc tổ tông, không biết văn hóa truyền thống là gì. Mấy năm nữa, lịch sử sẽ được viết lại: "người Việt có văn hóa rực rỡ từ năm 1954, trước đó là cái gì đó mơ hồ vì không còn dấu tích nào nữa. Cổ loa, đền Hùng được xây dựng năm 2012 v.v...
    Chỉ khổ con cháu sau này ú ớ khi người nước ngoài hỏi đến công trình cổ của ông cha.
    Than ôi!!!!!!

    Trả lờiXóa