Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

HÔM NAY TẠI CHÙA ĐỌI: LỄ CÔNG NHẬN "ĐÃ PHÁ XONG BẢO VẬT QUỐC GIA"

Bia chùa Đọi trông như "mặt giặc":
LỄ CÔNG NHẬN VÀ PHÁ HOẠI BẢO VẬT QUỐC GIA

Trần Trọng Dương

Ngày mai, 18 tháng 4 năm 2014, UBND huyện Duy Tiên sẽ khai mạc Lễ hội chùa Long Đọi Sơn và công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia bia Sùng Thiện Diên Linh.

Tôi hăm hở về chùa để chiêm ngưỡng báu vật mà bấy lâu nay tôi hằng mong đợi. Nhưng khi đến nơi thì ôi thôi! 

Báu vật Quốc gia đã bị phá hoại nghiêm trọng với một phương thức khá tàn bạo. Theo lời kể của bà con bán hàng quán trong chùa, phòng văn hóa huyện đã hăm hở thuê một tốp thợ xây, dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt,... kì cọ cho mặt bia "nhẵn thín" hòng xóa đi những "rêu phong cổ kính ngàn năm". Mục đích của họ đơn giản là chỉ định làm vệ sinh bia cho bà con chiêm ngưỡng trong dịp trọng đại này. Nhưng quả là " ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại". Những người làm văn hóa mà lại không có văn hóa thì đúng là phản văn hóa rồi!

Thôi chả muốn nói nhiều, đính ảnh lên để xem cho nó đau vậy!

.
Đây là tấm biến hoành tráng của ban tổ chức.

Còn đây là trán bia Long Đọi, lối chữ phi bạch do chính hoàng đế Lý Nhân Tông ngự bút, giờ cũng thành ra thế này.
 
Đâu còn: 

"Thế tựa rồng bay phượng múa, phép viết từ tay ngọc viết ra;
Hình như loan liệng thước chao, thể chữ tự lòng vua chữ hiện"
(Trích lời Thượng thư Nguyễn Công Bật ca ngợi thư pháp của hoàng đế Lý Nhân Tông).

.
Một trích đoạn cận cảnh lòng văn bia nham nhở như "mặt giặc".
.

Còn đây, dấu vết còn lại của hung khí.
.

Một văn bia đời Lê cũng chịu chung số phận.
.

Lại một văn bia nữa.
.

Còn đây là bộ mặt thất thần của một gã lang thang.

 Xin hết!

Giới thiệu qua về văn bia Sùng Thiện Diên Linh.
(Trích Trần Trọng Dương. 2013. Kiến trúc một cột thời Lý
Suối nguồn 9 - Nxb Hồng Đức. Tp.HCM.)

Văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi là một tấm bia cổ thời Lý còn lại đến nay. Tấm bia này giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, bởi lẽ đây là tấm bia quan phương của triều đình, tổng kết lại phần lớn công đức dựng chùa, lập pháp, tôn sùng đạo Phật, cũng như công nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bia dựng ngày mồng 6 tháng bảy năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (ngày 20 tháng 8 năm 1121), nhân dịp khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh, trên núi Long Đọi (Hà Nam ngày nay). Bài văn bia do Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn và Thượng thư Lý Bảo Cung viết chữ, được khắc ở mặt trước của bia, gồm 55 dòng, dài 4500 chữ. Bia hiện dựng trong nhà bia, trước chùa Long Đọi, núi Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hiện nay, văn bia có 2 thác bản. Một thác bản do Viện Mỹ thuật in rập từ trước năm 1977. Một thác bản khác do tiến sĩ Phạm Văn Thắm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức in rập năm 1997, ký hiệu 32724-32725. 

Bia cao 2.65m, rộng 1.69m, dầy 0,29m, đặt trên một bệ lớn là phối thể giữa hình tượng song long hiến châu với mai rùa đá (bí hí). Diềm bia trang trí hình hoa lá, chim muông. Trán bia ghi “Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi”, do đích thân Lý Nhân Tông ngự đề bằng lối chữ “phi bạch”. Hai bên phải và trái ô tên bia có hai con rồng chầu vào.

Bài văn bia chia làm 2 phần: (1) phần bi văn; (2) phần minh văn. Riêng phần bi văn có thể chia thành ba đoạn . 

- Phần 1: Ca ngợi đạo huyền tịch mầu nhiệm, cũng như công dụng vô cùng của nó. Thuật lại sự tích Phật Thích Ca và quá trình người truyền giáo lý sâu sắc đến chúng sinh. 

- Phần 2: Ca ngợi vua Lý Nhân Tông: từ điềm lành lúc đầu thai, khi ra đời; vẻ trang nghiêm, tầm hiểu biết, tài nghệ của vua; việc sáng chế rùa vàng (múa rối), tài chế tạo thuyền ngự – thuyền chiến; công vun đắp thắng duyên; việc dựng chùa Phật và hoằng dương Phật pháp (chùa Diên Hựu, hội đèn Quảng Chiếu ); công nghiệp bình trị thù trong giặc ngoài; sự lo toan cho đất nước cho nhân dân; đến những biểu hiện về một thời đại thái hòa an lạc của nhà vua. 

- Phần 3: Kể lại nhân duyên, bố cục, mặt bằng, tượng pháp và quá trình xây dựng chùa – tháp Sùng Thiện Diên Linh, ca ngợi công dụng của việc xây chùa tháp.

Toàn bộ bài văn bia ca ngợi vua Lý Nhân Tông như một bậc đại hộ pháp của Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12.

Đặt văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh trong dòng chảy văn học dân tộc, chúng tôi thấy đây là một tác phẩm văn chương đỉnh cao của văn học chữ Hán tại Việt Nam. Bài văn bia này sử dụng một vốn từ vựng rất đỗi phong phú, nhiều điển tích Phật giáo và Nho giáo. Nếu như Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là những áng “thiên cổ hùng văn”, thì văn bia Sùng Thiện Diên Linh là một bài “thiên cổ diễm văn”. Đọc lời văn của Thượng thư Nguyễn Công Bật cũng như giải mã những biểu tượng kiến trúc mà vua Lý Nhân Tông đã xây dựng nên, chúng ta sẽ phần nào hiểu thêm về một thời đại Phật giáo – mà những tàn tích văn hiến, văn vật còn lại cho đến nay vẫn làm chúng ta choáng ngợp và ngưỡng mộ. 


17.04.2014
Trần Trọng Dương*
___________

*TS. Trần Trọng Dương hiện công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm

16 nhận xét :

  1. Trời ơi! Tột cùng của sự ngu dốt !sSao lại để cho những kẻ như thế làm văn hóa !

    Trả lờiXóa
  2. Làm đầy tớ người khôn hơn làm thầy kẻ dại (ngu dốt). Thời buổi nhiều đứa dựa thế cha mẹ nó lên được nhét làm quan mà ngu dốt cho nên Dân khổ. Ngay tấm bia cổ rêu phong mang giá trị lịch sử, khi mở lễ hội lại dùng đá mài cọ dũa hết phần chữ nghĩa rêu phong để còn trơ cục đá lõi mất hết hồn? Chả thế mà nhiều di tích lịch sử chúng cho phá đi xây mới để đục nước béo cò.

    Trả lờiXóa
  3. Xót xa quá, Việt Nam ơi.

    Trả lờiXóa
  4. Bia mà mài đi không những làm mất cái màu thời gian vốn có của nó mà còn làm cho nó sẽ bị nhem nhuốc và mất độ bóng trong của đá xanh. Quả thật là ngu dốt + nhiệt tình là phá hoại

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói chưa chúng lắm. bóng trong chi nữa khi viên đá phủ lớp rêu thăng trầm thời thế. Vấn đề là nó mài mòn đường nét tinh tế của chữ nho, làm hỏng hết tinh thần và hồn phách chữ của tổ tiên.

      Xóa
  5. Chả hiểu văn hóa hay lợn hóa nữa !!!

    Trả lờiXóa
  6. Phá hết đi rồi chôn cả dân tộc này luôn đi, đồ phản quốc.

    Trả lờiXóa
  7. Đúng là bọn ngợm biết chữ, không biết nghĩa.

    Trả lờiXóa
  8. Nói nhiều, chửi nhiều. Mọi cái đều như nước đổ đầu vịt. Chúng nó làm quan để tham. Đích đến là cái nhà to, con xe xịn, xịt thêm con vợ nhỏ. Nó có cần gì đến văn hóa văn heo gì đâu. Cúng cha giỗ mẹ nó còn không biết khấn nữa mà.
    Cái thời nay nó thế. 50, 60 năm rồi nó vẫn thế!

    Trả lờiXóa
  9. Còn nhiều... còn nhiều vô số những thằng ngồi chiếu trên vô văn hóa.

    Trả lờiXóa
  10. U ah, Bia ko chu - Chac con chau VO TAC THIEN ben Tau qua !

    Trả lờiXóa
  11. Chẳng biết ngu dốt hay cố ý... vì những kẻ ngu dốt thường cố ý

    Trả lờiXóa
  12. Đâu đâu cũng thấy những việc làm ngu xuẩn thế này thì giữ sao nổi . Đến văn bia vua ngự bút mà chúng còn không tha thì loạn thật rồi . Tội coi thường văn hóa tổ tiên là rất nặng ,Điềm báo trước sự suy vong của chế độ sắp đến gần .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  13. Đau lắm trời ơi!

    Trả lờiXóa
  14. PHÓ THƯỜNG DÂNlúc 15:09 18 tháng 4, 2014

    Tài nguyên QG cũng đang bị bọn ngu dốt phá họai như thế ! Nghìn năm xây dựng , ngàn ngày phá hoại ! Dân VN bị hoạn mỗi ngày . Đau riết thành quen !

    Trả lờiXóa