Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

VĂN LINH - từ "Mùa hoa dẻ" đến "Sông Gianh"

Văn Linh từ "Mùa hoa dẻ" đến "Sông Gianh"

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Nhà văn Văn Linh tên khai sinh: Trần Viết Linh. Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1930. Quê quán: Phường Đại Nài, thị xã Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại: Phòng 219 tập thể A5 Giảng Võ, Hà Nội. Vào Hội năm 1968.

Nhà văn Văn Linh đã từ trần vào hồi 18h30 ngày 07/3/2014 (tức ngày mùng 7 tháng Hai năm Giáp Ngọ), hưởng thọ 84 tuổi. Lễ viếng được tổ chức từ 13h30 đến 15h00 ngày 13/3/2014 (tức ngày  13 tháng Hai năm Giáp Ngọ) tại nhà tang lễ Bệnh Viện 354 Đội Cấn – Hà Nội. An táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ Văn Điển – Hà Nội.

Trang trannhuong.com xin chia buồn tới gia quyến nhà văn Văn Linh, cầu mong cho linh hồn ông thanh thản về trời ! Để tỏ lòng tưởng nhớ nhà văn, chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, một người bạn gần gũi với nhà văn Văn Linh.
________________
Văn Linh sớm nổi tiếng với tiểu thuyết đầu tay xuất bản từ nửa thế kỷ trước - “Mùa hoa dẻ” (1957); nổi tiếng vì đó là tác phẩm hiếm hoi “dám” viết một chuyện tình thời chiến khá lâm ly ngay sau khi “Nhân văn-Giai phẩm” bị “đánh” tơi tả và cũng vì một thời sách bị lên án và cấm đoán do cách nhìn, cách đánh giá tác phẩm văn nghệ còn cứng nhắc, ấu trĩ. Từ ngày đất nước “Đổi Mới”, tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ” đã được tái bản, đặc biệt đã được đưa vào các bộ tuyển lớn như “Văn học Việt Nam thế kỷ 20” (Tiểu thuyết 1945-1975, NXB Văn học 2003) và “Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1887-2000” (Tập 3 – 1946-1975, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2006).
Nhà văn Văn Linh quê ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), nhưng những tác phẩm chủ yếu trong cuộc đời sáng tác gần nửa thế kỷ của ông lại viết về vùng đất lửa Quảng Bình. Nói thế, vì trong hơn bốn mươi đầu sách và hai mươi kịch bản phim truyện và truyền hình, các tác phẩm được dư luận chú ý của ông đều viết về Quảng Bình. Đây cũng là những tác phẩm ra đời vào các thời điểm rất có ý nghĩa đối với người cầm bút: hai tiểu thuyết đầu tay “Mùa hoa dẻ” (1957) “Goòng” (1960) và tiểu thuyết bộ ba “Sông Gianh” (Nhà xuất bản Thanh niên-1999) ra mắt công chúng lúc ông vừa tròn 70 tuổi. 
Sau khi “Sông Gianh” ra đời, tác giả đã nhận được rất nhiều thư bạn đọc, đề nghị viết tiếp về “Sông Gianh” thời chống Mỹ. Nói đúng hơn, số phận những nhân vật của tiểu thuyết đã có sức ám ảnh độc giả. Với nhà văn, đó là một khích lệ rất lớn. Thế là ông lại có dịp “trở về” vùng đất đã tạo cảm hứng cho ông viết nên “Mùa hoa dẻ” năm xưa tham dự Trại sáng  tác ở Quảng Bình năm 2005 để viết nên “Đất nước ông bà” - Tập 4 của bộ tiểu thuyết “Sông Gianh”.
Tác giả viết “Sông Gianh” khi đã là một cây bút già dặn, vừa trải nghiệm qua hàng chục tác phẩm với nhiều thể loại, nhiều đề tài của chính mình, vừa có điều kiện rút kinh nghiệm thành bại, tiếp thu những lý luận mới về tiểu thuyết của giới sáng tác và nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Về dung lượng, “Mùa hoa dẻ” gần như là một truyện vừa, còn “Sông Gianh” có vóc dáng một bộ sử thi, hiện thực miêu tả trong tiểu thuyết diễn ra suốt một thời kỳ dài mấy chục năm với những biến động xã hội lớn lao - từ khi đất nước còn nô lệ, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi cải cách ruộng đất và sửa sai, với hàng chục nhân vật đủ loại - từ lớp người “dưới đáy” như Cồn, Vực, Đước, Xoan... đến bọn lính Tây, lính Nhật, địa chủ lý Thọ, quan phủ họ Đặng, rồi ông Phương, một chiến sĩ cộng sản vừa ra tù về gây mầm cách mạng ở làng Tiên Lự, rồi những cán bộ đội “cải cách” khiến cả làng Tiên Lự điêu đứng một thời...
Tập I có tiêu đề “Bên lở bên bồi” dày 304 trang, mở đầu bằng cảnh mụ Rợi - một me Tây chán cảnh làm trò chơi cho lũ thực dân trở về làng Tiên Lự cùng với lý Thọ và kết thúc là cảnh dân làng phá kho thóc Nhật năm 1945. Tập II mang tên “ Nước rông nước rặc” dày 320 trang, diễn tả không khí cách mạng Tháng Tám ở Tiên Lự và cuộc kháng chiến chống Pháp ở đây cho tới lúc đồn Tây rút chạy. Tập III có tựa đề “Bên trong bên đục” dày 300 trang, chủ yếu tái hiện cuộc cải cách ruộng đất và sửa sai ở Tiên Lự...
Một đề tài quan trọng được thể hiện một cách nghiêm túc, cẩn thận qua gần ngàn trang sách; công phu của tác giả thật đáng trân trọng. “Sông Gianh” tuy chỉ viết về một làng quê ở huyện Quảng Trạch nhưng phần nào đã phản ánh được những nét hiện thực chủ yếu của Quảng Bình trong quãng thời gian từ 1940-1957. Phần viết về cải cách ruộng đất, tác giả không tránh né những mất mát đau thương nhưng đồng thời khẳng định mục tiêu “người cày có ruộng” đã được thực hiện, đáp ứng nguyện vọng tha thiết bao đời của giai cấp nông dân. Nói cách khác, trước một đề tài dễ gây bức xúc, tác giả đã tránh được cách nhìn cực đoan, đã có thái độ chừng mực và công bằng.
Tác giả cũng đã xây dựng được một số nhân vật có tính cách, có số phận, tránh được sự đơn giản, một chiều. Mụ Rợi me Tây và cả lý Thọ, tuy sống dựa vào thế lực kẻ địch, nhưng  cũng có lúc thể hiện cảm tình với cách mạng; Cồn, một cố nông đi ở cho lý Thọ, được ông Phương giác ngộ cách mạng nhưng vào cuộc chiến đấu lại thủ phận cầu an... Nếu như đừng quá “yêu” và bớt phần “lý tưởng hóa” Đước (em gái Cồn) thì nhân vật nữ  này thật sự là một hình ảnh đẹp tỏa sáng toàn bộ “Sông Gianh”.    
Những mối tình đa dạng và cũng khá éo le trong “Sông Gianh” đã góp phần đáng kể tạo nên sức sống cho nhân vật. Hoàng, con trai lý Thọ sớm đến với cách mạng và cả Quân (cán bộ đội cải cách) đều yêu Đước, khi cô đã thề gắn bó với Vực, người bạn trai của Cồn và cùng được ông Phương giác ngộ cách mạng. Cồn thì lại bỏ lơ tình yêu với cô thôn nữ Thắm trẻ đẹp, bị mụ Rợi lừa vào “tròng”, rồi yên phận làm chồng mụ, khiến Thắm đau đớn tự sát khi buộc phải về làm dâu nhà lý Thọ...
Riêng Tập 4 với nhan đề “Đất nước ông bà”, theo “Lời nhà xuất bản”, thì tác giả viết nhằm tôn vinh “vùng đất Quảng Bình đầy gian khó nhưng anh hùng với những khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…đang hồ hởi đi vào hợp tác hoá…” Tuy vậy, phong trào “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi” chỉ là cái nền để tác giả “Mùa hoa dẻ” dựng tiếp cuộc đời các nhân vật đã “sống” trong 3 tập đầu với những chuyện tình khá lâm ly và trớ trêu. O Đước, người con gái giỏi võ từng tước súng lý Thọ trước mũi giặc Tây, từng đánh gục hai du kích định bắt trói o khi o đòi đi tố cáo sự sai trái của mấy “ông Đội” thời “Cải cách”, nay giữ chức Bí thư Đảng uỷ xã, đã công khai ủng hộ mối tình giữa Ân (Trưởng Công an xã) với o Chín - con địa chủ chánh Vạn; và bản thân o, cũng bất chấp dư luận, tỏ tình yêu với Hoàng (con lý Thọ, một địa chủ bị bắn trong “Cải cách ruộng đất”) khi anh đưa pháo cao xạ về sát cánh cùng dân quân xã Tiên Lự bảo vệ tuyến vận tải chiến lược sông Gianh…Hai mối tình nẩy nở giữa bom đạn chiến tranh, tình yêu và nhân cách qua “thử lửa” đã như một “bảo đảm bằng vàng” khiến họ tự tin vượt qua những định kiến về giai cấp trong quá khứ chưa dễ thay đổi. Điều đáng nói là giữa lúc loại chuyện tình thời @, chuyện tình sinh viên, quán trọ…rồi chuyện tình phim Hàn diễn ra khắp nơi, thì những mối tình trong trẻo, mộc mạc thôn dã, không vụ lợi bên sông Gianh một thời chưa xa đem đến cho độc giả một cảm giác thú vị như được tắm mình giữa dòng suối đầu nguồn mát lành sau khi chán chê cảnh sắc, mùi vị các bãi biển ô nhiễm.
Chuyện tình nào trong tiểu thuyết cũng thường là trớ trêu, nhưng bên con sông từng là nơi chia cắt đất nước thời Trịnh-Nguyễn, hai mối tình nối kết những con người thuộc hai giai cấp đối kháng trong tiểu thuyết của Văn Linh hàm ý phê phán “chủ nghĩa thành phần” chia rẽ dân tộc và độc đoán chuyên quyền còn rơi rớt đây đó, một ý tưởng mà o Đước đã hơn một lần nhắc lại: “Giang sơn Tiên Lự ni, đất nước ni là của ông bà, không phải của riêng thằng mô, con mô!” Và rồi chính cháu nội chánh Vạn là người đổ máu đầu tiên trên bến phà sông Gianh và o Chín (con gái  chánh Vạn) sớm goá bụa vì Ân hy sinh trong một lần cứu xe vận tải, còn Hoàng thì đã mất một cánh tay trong trận huyết chiến với không lực Mỹ. Vậy mà những kẻ đố kỵ vẫn kết “tội” o Đước có “quan điểm phản động”, rồi vu cáo o đặt gương chỉ điểm cho máy bay Mỹ để tranh quyền…
Vậy nên “Sông Gianh” - “Đất nước ông bà” không chỉ có “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”, mà còn có chuyện tình yêu, có tư tưởng. Và cũng không thiếu chuyện hài hước dân gian…
Sự nghiệp của nhà văn Văn Linh khá phong phú. Ông còn là tác giả của nhiều kịch bản phim và nhiều tập truyện dành cho thiếu nhi. Hầu hết tác phẩm của ông đều lấy Quảng Bình làm bối cảnh, chỉ đến cuối đời ông mới trở về với quê hương Hà Tĩnh, nhưng ông chỉ mới kịp để lại bản thảo tập 1 bộ tiểu thuyết “Tịnh Hà dấu yêu” thì đã phải đi xa… Nhà văn đã vĩnh viễn “chia tay” với bạn đọc, nhưng hàng ngàn trang sách ông để lại vẫn sống trong lòng độc giả nhiều thế hệ, nhất là ở Quảng Bình, vùng đất mà ông đã gắn bó trong suốt cuộc đời cầm bút của mình…

1 nhận xét :

  1. Mình nhớ Mùa hoa giẻ là tiểu thuyết đầu tiên mình đọc trong đời ,khi mới 12 ,13 tuổi .Còn nhớ có một nhân vật tên là Luyến . Bây giờ nhớ lại thấy câu chuyện giản dị ,nhẹ nhàng mà hấp dẫn .Thán phục một nghị lực đáng kính nể ,xứng đáng ANH HÙNG LAO ĐỘNG .

    Trả lờiXóa