Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

GS. Trần Đình Sử: VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA TÂM LINH

Văn học và văn hóa tâm linh
Trần Đình Sử
.
Văn học và văn hóa tâm linh (mysterious culture) vốn có mối liên hệ khăng khít trong lịch sử văn học của bất cứ dân tộc nào. Một thời gian dài do quan niệm duy vật thô sơ, cực đoan, đồng nhất văn học với nhận thức khoa học, với chính trị, chúng ta chẳng những bài xích các hiện tượng hiện thượng tâm linh nói chung, xem là mê tín dị đoan, mà còn phê phán chúng như là hiện tượng phi, phản khoa học, phi lí tính trong đời sống và cả trong văn học. Nhưng từ thời đổi mới đến nay, khi quan niệm ấu trĩ được khắc phục dần, lại thêm mở của giao lưu rộng rải với văn hóa thế giới, yếu tố tâm linh lại trở về với văn học, và hôm nay trở thành đề tài nghiên cứu khoa học. Sự đổi thay ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi vì con người từ thời nguyên thủy đã kí thác niềm tin của mình vào các lực lượng siêu nhiên. Cùng với ựu phát triển của khoa học và lí trí niềm tin siêu nhiên giảm dần, song không biến mất, bởi vì cuộc sống vẫn tràn đầy bí ẩn, cái ngẫu nhiên vẫn ngự trị trong đời sống cá nhân và xã hội, lí trí và mù quáng không tách rời. Khi lịch sử nhân loại vừa là lịch sử của lí trí, vừa là lịch sử của vô thức, phi lí tính, thì cái tâm linh vẫn còn là hiện tượng cần được xem xét cả trong thực tế lẫn trong văn học.

1. Con người và tâm linhvà văn hóa tâm linh

Con người từ cổ sơ vốn là động vật tâm linh, trên con đường tách dần khỏi sự phụ thuộc vào thiên nhiên đã lần lượt trải qua các hoạt động vu thuật, tô tem, tôn giáo, đa thần, phiếm thần, thần thoại, cho dù khi nhân loại đã bước vào thời khai sáng, khoa học kĩ thuât phát triển, nhưng còn biết bao câu hỏi về số phận của từng người cụ thể vẫn không thể giải thích, giải quyết được, và con người vẫn gửi gắm niềm tin vào lĩnh vực tâm linh. Cho đến bây giờ con người vẫn tin vào tử vi, bát quái, phong thủy, tướng số, sấm ngữ, chọn ngày lành tháng tốt để làm các việc, tin có thế giới bên kia, tin vào sự bảo trợ của các sức mạnh siêu nhiên, tin ác giả ác báo, tin vào anh linh người đã mất, tôn thờ gia tiên, các tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài ra con người vẫn thường nằm mơ, có giác quan thứ sáu, có trực giác đi trước nhận thức, có năng lực ngoại cảm mà khoa học chưa thể giải thích. Giải thích mộng như Freud chỉ là một cách quy vào bản năng tính dục, còn giải thích vô thức tập thể của Jung chỉ là sự thừa nhận tâm linh nhân loại. Các nhà khoa học lớn vẫn tin vào tôn giáo. Các nhà duy vật kiên định nhất thời đại ta vẫn đều đặn đi chùa, thăm đền mỗi dịp lễ tết hoặc khi gặp sự kiện trọng đại. Người Trung Quốc ngày nay hẳn ai cũng biết, Mao Trạch Đông trước khi làm lễ khai sinh nước CHNDTH đã lên núi Ngũ Đài Sơn xin thẻ, xin được chữ “thượng thượng cát” mới tổ chức linh đình ngày lễ lớn. Cứ thế mà suy nhiều ngày lễ lớn ở nước khác hẳn cũng không bỏ qua các thủ tục tương tự.  Không thể cho rằng đó chỉ là tàn dư văn hóa thời trung đại khi ánh sáng Khai sáng của thời Khoa học Văn minh chưa chiếu rọi khắp tâm hồn, xã hội. Phải nói ngay rằng trong văn hóa tâm linh còn có xen lẫn nhiều yếu tố mê tín dị đoan, phi khoa học, phản khoa học, có hại cho đời sống. Ví dụ như chữa bệnh bằng bùa chú, trừ ma đuổi tà, uống nước thánh mà Vũ Trọng Phụng đã giễu. Tuy nhiên mặt khác, tâm linh còn là phương thức tồn tại của con người, bởi vì khoa học chủ yếu tìm hiểu các quy luật chung, còn cuộc sống xã hội cũng như cuộc đời riêng của mỗi cá nhân vẫn chủ yếu do các quy luật ngẫu nhiên chi phối, nó là sự gặp gỡ của các quy luật chung. Nhưng các quy luật chung ấy bao giờ gặp nhau, gặp ở đâu, không ai biết trước. Các nhân vật lỗi lạc cũng như mọi người bình thường đều sinh ra ngẫu nhiên, chết ngẫu nhiên, các cuộc chiến tranh xảy ra ngẫu nhiên, kết thúc ngẫu nhiên, các thời cơ xuất hiện ngẫu nhiên, theo những khả năng mà mỗi người trong cuộc không sao nắm bắt hết. Xét từ góc độ hiện sinh, con người cá nhân vốn là một tự do lựa chọn, nhưng, tham số lựa chọn của nó rất hữu hạn, bản thân rất cô đơn. Xét về mặt tâm lí, con người không phải bao giờ cũng xử sự theo lí tính, phần cảm tính, ngẫu hứng, trong đó tâm linh là một bộ phận của phi lí tính đóng vai trò rất to lớn. Tất nhiên phạm vi phi lí tính rộng hơn tâm linh, vì nó gồm cả phạm vi vô thức, mặc cảm, ngộ nhận…đều không phải tâm linh. Nhiều ý hướng tâm linh được lí tính hóa, logich hóa như âm dương ngũ hành, thiên nhân cảm ứng, đạo Phật, đạo Thiên chúa…nhưng lõi cốt vẫn là tâm linh phi lí tính. Cho nên ngoài nguồn thông tin do các khoa học đem lại, con người còn muốn có thêm các thông tin bổ sung, cầu mong các lực lượng siêu nhiên phù trợ. Như thế lịch sử nhân loại, dân tộc không chỉ do thuần lí tính tạo nên như ta tưởng, mà phần lớn do cả phần phi lí tính, phần vô thức, phần tâm linh trong xã hội tạo nên. Xét về góc độ nhân loại học văn hóa tâm linh là một bình diện của văn hóa các tộc người, gắn với phong tục tập quán, cố định trong ngôn ngữ, đúc rút thành các motyp, các mẫu gốc thi pháp của các truyện kể truyền thống. Cho nên văn hóa tâm linh sẽ theo suốt cuộc tồn tại của các dân tộc trên trái đất, gắn với con người và thể hiện trong văn học nghệ thuật. Trong con người hiện đai vẫn đan xen con người khoa học và con người tâm linh, chung sống với nhau trong một cơ thể, một tâm hồn.

2. Tâm linh và văn học

Văn học phản ánh hiện thực thì tất nhiên phản ánh yếu tố tâm linh vào văn học. Đọc hết các tác phẩm chữ Hán như Đại Việt sử kí toàn thư, Đại Việt thông sử, đọc Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Truyền kì mạn lục, Truyền kì tân phả, Thánh Tông di thảo, Hoàng Lê nhất thống chí và bao nhiêu danh tác của kho tàng văn học trung đại Việt Nam có nơi nào con người trong đó không gắn chặt với thế giới tâm linh? Đọc sang văn học Trung Quốc từ Li Tao, Sử kí, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du kí, đến Hồng Lâu mộng, có tác phẩm nào không thấm nhuần văn hóa tâm linh? Các truyện nôm như Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Phan Trần, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh, Tống Trân Cúc Hoa… có tác phẩm nào là không gắn với văn hóa tâm linh? Tác phẩm văn học đương đại như của G. Marquez và  Mạc Ngôn đều đậm chất tâm linh. Tâm linh ở đó là một phần của cuộc sống con người trong đó. Thiếu yếu tố tâm linh sự miêu tả văn học sẽ thiếu chân thục.

Tâm linh trong văn học gắn với ước mơ khát vọng cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp, trường thọ, giàu có, mạnh mẽ, uy lực, khả nắng vượt qua mọi trở lực, vượt lên thế giới hữu hạn.

Tuy nhiên vị trí của yếu tố tâm linh trong văn học có tính chất lịch sử. Vào thời cổ đại, trung đại, khi tư tưởng khái sáng chưa chiếu rọi yếu tố tâm linh chiếm địa vị chủ đạo.  Bởi tất cả mọi người đương thời chỉ tồn tại trong thế giới tâm linh, mang giá trị tâm linh, được thể hiện trong diễn ngôn tâm linh của thời đại. Nghiên cứu văn học trung đại mà bỏ qua diễn ngôn tâm linh, bản thể tâm linh, chỉ giải thích hoàn toàn theo quan niệm chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa duy vật hiện đại là sai lầm căn bản của học thuật một thời, tưởng đã đến lúc cần phải dứt khoát thay đổi. Ông Trần Đình Hượu đã từng có nhận xét rất sâu sắc: “Hướng vào thực tại bằng tâm chí không dắt văn học đến con đường hiện thực.”[1] Ông nhấn mạnh đến vai trò của thế giới quan tâm chí. Tuy nhiên trong công trình của mình Trần Đình Hượu chỉ tập trung phân tích truyền thống nho giáo, chứ chưa xem xét vấn đề ở bản thể tâm linh. Ngược lại, văn học một khi đã phản ánh hiện thực thì không tránh khỏi phản ánh tâm linh con người.

Bước vào thời hiện đại, ảnh hưởng của quan niệm khoa học khai sáng phương Tây khiến cho truyền thống văn hóa tâm linh bị coi là mê tín dị đoan, phản khoa học. Đối với khoa học, tâm linh là lĩnh vực của những điều chưa thể chứng minh bằng khoa học. Nhưng đối với văn hóa, đó là lĩnh vực của  “phong tục”(Phan Kế Bính), là “nếp cũ” (Toan Ánh), thấm sâu trong tiềm thức con người. Ý thức văn học hiện đại, do ảnh hưởng của khoa học đã hướng về thực tại khách quan, thu hẹp phạm vi của thế giới quan tâm linh. Nhưng con người thực tế vẫn duy trì một một khoảng tâm linh trong tâm hồn, thế giới tâm linh vẫn là một thực tế, và vẫn là đối tượng của sự miêu tả văn học. Các nhà văn lãng mạn chủ nghĩa và hiện thực chủ nghĩa thuộc giai đoạn 1932 – 1945 vừa có thế giới quan khoa học, vừa có yếu tố văn hóa tâm linh, vẫn miêu tả con người mang tâm linh ấy. Ví dụ như Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời và nhiều bài tùy bút khác. Trong văn học cách mạng thời kháng chiến chống Pháp thì yếu tố tâm linh vẫn đang có vị trí. Nhà thơ Tố Hữu, trong khi tuyên bố: “Trời không có thiên thần, Đất không có thánh nhân, Chỉ có nhân dân thần thánh”, thì trong một số bài thơ miêu tả quần chúng, đã có yếu tố tâm linh. Bà Bủ: “Đêm đêm bà bủ nằm mơ khấn thầm.” Trong bài Sáng tháng Năm có yếu tố tâm linh mới: “Anh chị em ơi có phải, Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh, Môi ta thầm kêu Hồ Chí Minh, Và mỗi trận mỗi mùa vui thắng lợi.” “Thầm kêu” ở đây có ý nghĩa như là khấn, cầu và “cái tên yêu Hồ Chí Minh” như một phép mầu khiến cho mỗi trận mỗi mùa vui thắng lợi. Trong truyện ngắn Làng rất nổi tiếng của Kim Lân có chi tiết ông Hai cảm thấy nhục khi có tin đồn cả làng ông theo Tây, ông khóc thầm và nghĩ, Cụ Hồ trên đầu trên cổ sẽ hiểu thấu cho bố con ông. Nhưng sang giai đoạn sau năm 1954 theo nhận xét sơ bộ của tôi, yếu tố tâm linh hầu như không có nữa. Một mặt, chủ nghĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa, quan niệm miêu tả đời sống theo quan niệm phản ánh duy vật không cho phép, mặt khác, các hiên tượng tâm linh bị đồng nhất với mê tín dị đoan, dễ “làm sống lại trong đầu óc người đọc bình thường những quan điểm phản khoa học lỗi thời”[2] Trong suốt thời kì này song song với phong trào chống mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hóa mới, người ta cho phá hoại nhiều đền miếu, đình làng, nhà thờ họ ở các địa phương. Cho đến những năm 80 các hiện tượng tâm linh như ông Chưởng Cần, công trình nghiên cứu của giáo sư Nguyễn Hoàng Phương đều bị cấm đoán, thậm chi không cho phép ông ấy đi nói chuyện tại các cơ quan đơn vị.

Tuy vậy, từ sau 1975, các yếu tố tâm linh ngày càng thâm nhập vào văn học. Đặc biệt từ thời đổi mới sáng tác mang yếu tố tâm linh ngày cang nhiều. Các sáng tác của các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Hòa Vang,  Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh…ngày càng được bạn đọc yêu chuộng, thích thú. Một mặt, tâm linh là hiện tượng tự nhiên trong đời sống, trong văn học truyền thống, nay dùng làm chất liệu sáng tạo mới, khiến người đọc thích thú. Mặt khác hiện thực được hiểu như là những giấc mơ, huyền thoại của con người, kì  lạ, bất tận, trong đời sống có Chúa, có Phật, cũng có ma có quỷ, và tất nhiên có cả niềm tin cái siêu nhiên. Tâm linh đã trở lại với văn học, không chỉ có tác dụng miêu tả đời sống trong phương thức tồn tại tâm linh, mở rộng khái niệm hiện thực do diễn ngôn tâm linh kiến tạo, góp phần kích thích trí tưởng tượng, thích thú cái kì ảo, mà còn nuôi dưỡng tinh thần con người, đi sâu vào những miền mà khoa học chưa thể giải thích, mà cũng không nhất thiết đều phải giải thích của đời sống. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều hiện tượng đối thoại với thế giới quan tâm linh, thần bí. Miêu tả đời sống tâm linh và mê tin là hai chuyện khác nhau.

3. Tâm linh và diễn ngôn/ ngôn ngữ nghệ thuật

Tâm linh là niềm tin vào thế giới bên kia, vào các sức mạnh siêu nhiên chi phối thực tế, hoặc các khả năng biến đổi số phận con người hoặc giải đáp trạng thái nhân sinh hiện hữu. Niềm tin ấy thể hiện trong thế giới quan, được kiến tạo bởi các kí hiệu và diễn ngôn tâm linh. Thế giới ấy có thần , Phật, Chúa Trời, ma, quỷ, Xa tăng, tức là các biểu tượng, các siêu kí hiệu, bên dưới có vô vàn các kí hiệu bậc thấp, các mô hình tự sự, các mô típ, các mẫu gốc lặp đi lặp lại. Ví như, một môtip “Mộng” thì trong văn học đã có biết bao nhiêu mộng. Đầu tiên là báo mộng, Thần nhân qua mộng báo tin cho người, nhưng trong các truyện ở Việt điện u linh. Sau là mộng sang thế giới khác, như mộng đế vương, mộng quốc sự, mộng làm tình, mộng sinh thực (mộng đầu thai hoặc tái sinh), mộng hôn nhân, mộng chết, mộng sinh, mộng gặp hạn, mộng quan chức, mộng đỗ đạt, mộng gặp thần nhân, gặp tiên, mộng thấy ma quỷ, mộng gặp oan hồn, mộng hóa thân như Trang Chu mộng bướm, mộng du lịch như Lí Bạch “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt”, mộng Hầu Trời như Tản Đà, mộng xuống địa ngục, mộng kiện, xử kiện nơi địa phủ của Diêm Vương… Một chữ mông mà sinh ra không biết bao nhiêu truyện. Mộng là chiếc cầu nối thế giới này với thế giới “bên kia”. Mộng  là siêu thoát khỏi đời thực. Mộng là tình huống triết lí giúp ngộ ra bản chất cuộc đời. Trong tập thơ văn xuôi Cỏ dại của Lỗ Tấn cả chục lần ông nằm mơ, mở ra một thế giới biểu tượng hư huyễn nhưng lại cho thấy những suy tư triết lí và ước mơ thầm kín sâu thẳm. Trang Chu mộng bướm là câu chuyện triết lí. Có mộng thì có tỉnh mộng. Tỉnh mộng lại cũng là một môtip văn học. Tỉnh mộng là trở về thực tại, suy tư về thực tại, có cội nguồn từ Phật giáo. Phật giáo là một tôn giáo thế tục, được đại chúng tiếp nhận. Bất cứ ai, hễ có tâm hướng thiện, đều có thể đạt tới chính quả, lập tức thành Phật. Phật là người thức tỉnh, nhìn lại thấy đời chỉ là bể khổ, là giấc mộng sắc sắc không không. Tu tiên, lên tiên, gặp tiên là môtip kéo dài của mộng, thể hiện khát vọng trường sinh bất lão, bất tử và tự do hưởng thụ của con người. Nhưng người tiên mulên tiên rồi thất vọng trở về. Mộng/Thật, Mộng/Tỉnh, Tiên/Phàm là những cặp kí hiệu đối lập để con người tư duy về cuộc đời. Đằng sau chúng là cặp nghĩa Thật/Giả, Vĩnh cữu/Tạm bợ, Nhầm lẫn/Giác ngộ. Môtip “hóa” như người hóa đá, hóa thú, hóa chim, hóa cây, hóa vật và ngược lại, vật hóa người, thú hóa người, hóa ma. Trong thế giới mọi vật có thể chuyển hóa, không có ranh giới cố định. Cái ngôn ngữ “hóa” này có thể biểu hiện biết bao chuyển hóa trong cuộc đời thực mà bề ngoài khó thấy. Hóa/Thường là cặp đối lập cho ta thấy cái bên ngoài và bên trong, các khả năng biến hóa vô tận. Các kiểu truyện như cao tăng và mĩ nữ (Tây du kí, truyện nàng Điểm Bích…), kiểu truyện nhân quả báo ứng, như Truyện Kiều, Bút máu…), kiểu truyện tiên bị đày xuống hạ giới (như Hồng Lâu mộng, …), kiểu truyện người ngộ đạo thành tiên, kiểu truyện cứu thế hàng yêu, kiểu truyện tình yêu giữa người và yêu quái, kiểu truyện sinh hạ diệu kì hoặc tướng mạo kì dị, kiểu truyện hiến tế người đẹp cho yêu quái để được bình yên… đều thể hiện niềm tin tâm linh và cách cấu tạo diễn ngôn tâm linh. Mối quan hệ đan xen, phối hợp của chúng tạo ra vô vàn biến thể của các truyện tùy thuộc vào ngữ cảnh cụ thể.

Trong Truyện Kiều, có môtip thiên nhân cảm ứng (Lòng hiếu bán mình chuộc cha của Kiều đã động đến trời, tự tử có người cứu), nhân quả báo ứng (Bọn Tú Bà, Mã Giám sinh, Sở Khanh, Ưng Khuyển đều bị ác báo), các nhân vật đưa tin của thế giới bên kia (Đạm Tiên, Tam Hợp đạo cô, Vải Giác Duyên, khi hoàn thành sứ mệnh đưa tin họ tự biến mất). Có thể nói, tâm linh là thế giới mở rộng, nhân đôi theo các khả năng tín ngưỡng và kì ảo.

4. Tâm linh như một diễn ngôn quyền lựctrong văn học

Văn học hiện đại cũng không thể rời bỏ bản thể con người tâm linh. Trong tiểu thuyết mang tính luận đề Cõi người rung chuông tận thế, nhà văn Hồ Anh Thái đã nêu những nhận xét thú vị. nhân vật nữ trong truyện “cho đến khi chuyển từ thân phận vô sản sang thân phận người có sở hữu, lúc nào cũng lo mất của, sợ hao hụt. Lo nhiều đâm ra mê tín, thôi thì vái cả bốn phương tám hướng, có thờ có thiêng, có kiêng có lành.” Khi đang là vô sản, chưa có của nả gì, người ta có thể không tin thần phật, đập phá lăng, đình không ghê tay, nhưng khi đã có chút tài sản như cái khách sạn, thì người ta bắt đầu tin bói toán, tin tử vi, thờ thần tài. Cũng vậy, người có chức càng to thì càng tin tâm linh, chuyên cần cúng lễ. Có những tên kẻ cướp trước khi đi phạm tội cũng thành tâm lên chùa  xin được phù hộ. Mặt khác, giữa người sống và người chết có nhiều mối ràng buộc vô hình. Sự báo mộng, ngoại cảm, nhập hồn giúp Mai Trừng tìm được hài cốt bố mẹ giữa Trường Sơn. Tâm linh là một phương thức tồn tại của con người, nhưng không phải là duy nhất. Chỉ một chiều tâm linh sẽ đưa ta xã rời thực tại. Cuộc đời vẫn rất vật chất. Nhân vật xưng “tôi” trong truyện nếu không tập võ từ trước, hẵn đã chết vì mũi dao của kẻ thủ ác. Một tiểu thuyết chương nào cũng có cái chết. Nhà văn  cảnh báo lối sống hận thù kéo theo một chuỗi hận thù, cái chết đòi trả bằng cái chết, sẽ đưa cõi người đến ngày tận thế, và khuyên theo lời Phật dạy hãy giác ngộ, từ bỏ hận thù, bạo lực. Một tư tưởng có vẻ như cũ nhưng không hề cũ. Văn học không nhất thiết phải tìm những tư tưởng gì xa xôi, văn học có thể chỉ đào xới những tư tưởng sâu sắc đã có lâu đời.

Văn học hiện đại có cách tiếp cận tâm linh theo hướng khác. Đỗ Minh Tuấn trong Thần thánh và bươm bướm  đã chế nhạo các tâm linh, ngoại cảm và hũ tục, bóc trần các thứ giả tâm linh trục lợi.

Tâm linh trong văn học hiện đại là một ngôn ngữ nghệ thuật. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo chính là sự khai thác truyền thống tâm linh của dân tộc. Đó là con đường đã đưa G. Marquez đến thành công, cũng là con đường đưa Mạc Ngôn đến thành công, và ở Việt Nam cũng đã đưa nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo đến thành công. Tâm linh là một  diễn ngôn quyền lực, nhân danh sự huyền bí nhiệm mầu để nói những lời nguyền, lời sám hối, lời cầu khấn, lời lên án các hiện tượng xấu xa, bạc ác trong hiện thực mà con người chưa có điều kiện trừ khử.



[1]  Trần Đình Hượu. Thực tại, cái thực, và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại, trong sách Văn học và hiện thực, nxb. KHXH, Hà Nội, 1990, tr. 25.
[2] Trần Thanh Mại. Những câu chuyện thần linh ma quái (Nhân đọc Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái). Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 2 – 1961,

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét