Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

LS. Hà Huy Sơn - MẤY Ý KIẾN TRƯỚC PHIÊN TÒA XỬ ÔNG TRƯƠNG DUY NHẤT

MẤY Ý KIẾN TRƯỚC NGÀY MỞ PHIÊN TÒA 
“TRƯƠNG DUY NHẤT VỀ ĐIỀU 258, BLHS”

Luật sư Hà Huy Sơn

Theo thông báo của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng: phiên tòa xét xử ông Trương Duy Nhất về khoản 2, Điều 258 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” của Bộ luật hình sự, sẽ mở vào ngày 04/03/2014, tại thành phố Đà Nẵng, tôi có mấy kiến về sự kiện này.
.
1. Về thẩm quyền: Tội theo Điều 258 có khung hình phạt cao nhất là 07 năm, không thuộc Chương XI “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”. Thông thường thẩm quyền điều tra vụ án này là cơ quan cảnh sát là cấp huyện, quận và cơ quan truy tố, xét xử tương đương. Nhưng vụ án “Trương Duy Nhất về Điều 258, BLHS” được cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiến hành và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra cáo trạng, xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tức là vụ án được nâng 02 cấp điều tra, truy tố; nâng 01 cấp xét xử.

2. Về hình thức bản cáo trạng giống như cáo trạng của vụ án “Cù Huy Hà Vũ về Điều 88, BLHS”. Vụ án ông Vũ chứng cứ là: 10 đầu tài liệu, trong đó 08 bài viết, phát biểu của ông Vũ, 01 bài nháp, 01 bài của người khác lưu ở máy tính cá nhân. Vụ án của ông Nhất chứng cứ là: 12 bài đăng trên blog, trong đó 11 bài của ông Nhất, 01 bài của người khác.
 
Cả 02 vụ án, cơ quan truy tố là Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều sử dụng Kết luận giám định của cơ quan Thông tin và Truyền thông để cho rằng bị cáo vi phạm tội như cơ quan điều tra khởi tố. Tôi dự đoán phiên tòa xét xử ông Nhất cũng giống như phiên tòa xét xử ông Vũ là: Nội dung các bài viết sẽ không được công bố tại tòa để làm căn cứ tranh luận như quy định của Điều 214 “Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức” của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Nếu phiên tòa xét xử ông Nhất giống như phiên tòa xét xử ông Vũ thì Tòa án chỉ căn cứ vào Kết luận giám định của cơ quan Thông tin và Truyền thông để kết tội ông Nhất. Tôi hy vọng dự đoán của tôi là không đúng, vì như vậy các hành vi (nội dung các bài viết) của ông Nhất không được xem xét, tranh tụng một cách khách quan tại phiên tòa.

3. Mặt khách thể tội phạm hay đối tượng được pháp luật hình sự bảo vệ trong 02 vụ án trên rất trừu tượng, khó phân biệt nên các cơ quan tiến hành tố tụng có thể đã tùy thuộc vào tình hình chính trị, xã hội để áp dụng Điều 88 hay Điều 258. Nói ngắn gọn: Điều 88 là bảo vệ sự tồn tại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 258 là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Trong Kết luận cáo trạng vụ án của ông Nhất (Điều 258) rất chung chung là: “Nội dung 12 bài viết này không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước;”

Lợi ích của Nhà nước theo hiến pháp chính là quyền lực của nhân dân, tức là các cơ quan Nhà nước, công chức phải tuân theo pháp luật sử dụng bộ máy Nhà nước làm công cụ để thực thi quyền lực của nhân dân. Việc đồng nhất các cá nhân giữ chức vụ Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội như chính là “Nhà nước” là hoàn toàn sai. Họ chỉ được coi là “Nhà nước” khi thực hiện đúng trách nhiệm công vụ, ngược lại các cá nhân đó lợi dụng quyền hạn được giao để phục lợi ích cá nhân thì không phải là “Nhà nước”.

Nếu các bài viết của ông Nhất về các lãnh đạo Đảng, Nhà nước là xuyên tạc thuộc về “Tội vu khống” chứ không phải Điều 258, BLHS. Ngược lại các bài viết của ông Nhất là đúng và các hành vi của các cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước là trái pháp luật thì ông Nhất là người bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền lực của nhân dân, ông Nhất hoàn toàn không có tội.

Hà Nội, ngày 27/02/2014
Hà Huy Sơn

Nguồn: Fb Hà Huy Sơn

10 nhận xét :

  1. Theo hiến pháp...thì TDN. chả có tội gì cả. Hơn nữa nay có thêm nhân nhân được quyền giám sát....đảng..? VN. ta dân chủ gắp vạn lần ..Tư Bản..? TDN. viết.nói công khai tấc tần tật trên trang cá nhân....Hãy công khai tấc cả những gì ...hắn viết trước bàn dân..tòa án mà...kể tội..hắn. Xin đừng áp đặt...hãy tự tin mà thể hiện tính công minh. Đừng...sợ...sự thật...Có khi hắn có công..nữa là.khác...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ CON DÂN KHÔNG ĐƯỢC PHÊ PHÁN VUA CHÚA VÌ "PHẠM THƯỢNG" ĐẾN ĐẤNG THIÊN TỬ(CON TRỜI SINH RA). CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ THÌ KHÁC, TỪ LÃNH ĐẠO TỐI CAO TRỞ XUỐNG KHÔNG PHẢI CON TRỜI MÀ LÀ NHÂN DÂN BẦU LÊN VÀ ỦY THÁC TRỌNG TRÁCH (CÓ THỂ NÓI LÀ CON DÂN-TỪ NHÂN DÂN MÀ RA), VÌ THẾ NHÂN DÂN CÓ QUYỀN GIÁM SÁT -ĐÁNH GIÁ VỀ TÀI VÀ ĐỨC CỦA NHỮNG LÃNH ĐẠO MÀ HỌ ĐÃ BẦU RA. VỀ TRÁCH NHIỆM LÃNH ĐẠO CÁ NHÂN CŨNG NHƯ CƠ QUAN CÔNG QUYỀN PHẢI XEM ĐÂY LÀ MỘT "KÊNH" GÓP Ý HỮU HIỆU VÀ THIẾT THỰC NHẤT.
      VUA CHÚA TRUNG HOA CỔ ĐẠI ĐÃ BIẾT LÀM ĐIỀU NÀY: TRIỀU ĐÌNH CÓ MỘT BỘ PHẬN HÀNG NĂM ĐI KHẮP NƠI TRÊN ĐẤT NƯỚC ĐỂ GHI LẠI NHỮNG CÂU HÁT "ĐỒNG DAO" VÌ CÁC CÂU HÁT ĐỒNG DAO LÀ CHỖ GỬI GẮM LÒNG DÂN CHÚNG, NHỮNG OÁN THOÁN VỀ HÔN QUÂN BẠO CHÚA, QUAN QUYỀN HÀ LẠM DÂN CHÚNG, HAY NHỮNG NGỢI CA VUA SÁNG TÔI HIỀN...ĐỂ RỒI TRIỀU ĐÌNH CÙNG NHÀ VUA XEM XÉT LÒNG DÂN MÀ CÓ NHỮNG CHÍNH SÁCH HỢP LÒNG DÂN CHÚNG CHO TỪNG VÙNG TRONG CẢ NƯỚC. NHỮNG CÂU ĐỒNG GIAO THU THẬP ĐƯỢC ẤY ĐẾN THỜI KHỔNG TỬ ÔNG ĐÃ BIÊN TẬP LẠI VÀ LÀM NÊN BỘ SÁCH CÓ TÊN LÀ "KINH THI".
      NAY TA Ở THẾ KỶ 21, SAU KHỔNG TỬ KHOẢNG 21,5 THẾ KỶ, MÀ VẪN CỨ MƠ HỒ SAO? NHÂN KHÔNG BẤT HỌC SAO LẠI BẤT TRI LÝ ĐƯỢC CHỨ ?

      Xóa
  2. Lập luận và trích dẫn Luật rất đúng và hay . Hy vọng Tòa xét xử đúng trình tự quy định của LTTHS và LHS . Cảm ơn Luật sư!

    Trả lờiXóa
  3. Cố lên chú Nhất

    Trả lờiXóa
  4. Thưa luật sư Hà Huy Sơn!
    Cũng là người đang hoạt động hành nghề với luật sư nhưng thú thật, tôi muốn thét lên: Luật pháp Việt nam đương đại chỉ là trò mị dân mà thôi. Tất cả đều làm theo sự chỉ đạo của đảng. Nếu pháp luật được thực thi nghiêm túc thì ông Cù Huy Hà Vũ, ông Đoàn Văn Vươn...đã được tuyên không phạm tội rồi. Luật sư Sơn chú ý tình huống: Ông Nguyễn Bá Thanh đột ngột xuất hiện ở một số phiên tòa gần đây không phải để xem xét Hội đồng xét xử có thực hiện đúng pháp luật (vốn do Quốc hội gật thông qua) hay không mà cốt để xem có đúng với chỉ đạo của đảng hay không.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn luật sư Hà Huy Sơn,luôn dấn thân vì chân lý!

    Trả lờiXóa
  6. Kết quả phiên xử Trương Duy Nhất sẽ soi rọi nhiều điều.

    Trả lờiXóa
  7. Có câu nói đã trở thành quen thuộc. Quen thuộc đến mức nhàm tai::Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Vậy thì tới đây, tòa án Đà Nẵng sẽ xử nhà báo Trương Duy Nhất- người được nhiều tầng lớp nhân dân yêu mến, nể trọng và ủng hộ- sẽ theo đúng pháp luật thôi. Nếu xử không theo đúng như pháp luật quy định thì chẳng hóa ra Đảng và Nhà nước ta lại đồng tình để cho cán bộ - những công bộc của dân- nói một đàng làm một nẻo sao?

    Trả lờiXóa
  8. Mấy ngày này thấy mỹ lên án tình hình nhân quyền tại việt nam dữ quá chắc zụ nầy xử cũng nhẹ tay thôi

    Trả lờiXóa