Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Tin buồn: CÁO PHÓ CỦA BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ


Hơn 5 năm cùng Sài Gòn Tiếp thị, thế là hết…
 

Mạnh Quân

Sáng nay, nhắn cái tin cuối cùng cho anh em Hà Nội kêu gọi đăng ký đề tài cho số cuối cùng của Sài Gòn Tiếp thị. Thấy trong lòng nao nao…Tuy cũng hơi buồn nhưng cũng mới nhận được tin vui: SGTT có thể tái sinh, ở một cái tên khác…Mong những bạn bè, đồng nghiệp, độc giả đã ủng hộ SGTT, tiếp tục ủng hộ chúng tôi ở một tờ báo mới (chưa tiện nêu tên)
 
Nhớ lại những ngày đầu vào SGTT, hồi năm 2008, mình được bạn Lan Anh (hiện giờ làm ở FORBES) và anh Hà Tân Cương, thư ký tòa soạn SGTT giới thiệu với anh Tâm Chánh về làm SGTT. Lúc đó SGTT đang lên, “Góc nhìn” có 2 trang và anh Huy Đức đang “very hot” ở đó. Được mời tham gia mục này, lương cả cục, gây sốc cho anh em phóng viên ngoài Bắc thời điểm đó. Thích quá, lại đang chán chán báo Thanh niên (sau 8 năm rưỡi làm việc), không phải chán anh em, mà chán với việc lúc nào cũng hùng hục chạy làm thời sự, muốn bớt chạy, ngồi phán nhiều hơn nên sang luôn . Cùng thời gian đó, có cả Tư Giang.

Sang được mấy hôm, Hà Tân Cương chát, hỏi: sang đây rồi định thế nào ? . Mình bảo: “Em tính làm độ…chục năm, nếu thấy oải thì xin chuyển, đi tìm báo nào khác, làm biên tập”. Hà Tân Cương cười rộ, bảo: 10 năm thì không biết ai còn, ai mất đâu.

Giờ Tân Cương còn đi trước mình mà lời nói ngày xưa vẫn nghe như đâu đó bên tai...

Ở SGTT quá vui. Những năm đầu sang, được viết cùng mục với anh Huy Đức, Mỹ Lệ, cùng Tư Giang…và có cả nhiều cây viết thuộc nhóm IDS xưa tả xung hữu đột. Những bạn ở các nhóm thời sự, điều tra…cũng tung hoành, lăn lộn. Thấy chất lượng bài vở ví dụ như tuyến đề tài về Bauxite tây Nguyên, những bê bối của khối tập đoàn kinh tế nn... khác nhiều các báo, đọc sướng lắm. Số báo nào ra cũng háo hức đón để xem bài mình thế nào, tự sướng. Những năm đó, hầu như không thấy mấy ai chê SGTT, ai chê, nóng mặt lên ngay 

Trước SGTT, mình đã làm 3 báo nhưng chẳng làm chỗ nào thích như SGTT. Một môi trường làm việc rất dân chủ, pv luôn có thể nạt sếp vì sao không dùng bài, vì sao biên tập thế này, thế kia…nhưng cũng không phải quá chớn (quy chế là, nếu nói năng xúc phạm nhau, ăn ngay một tờ A4-nghỉ việc )…và rất có nề nếp, quy trình làm việc khá rõ ràng, hợp lý. Hầu như không có hiện tượng tranh giành, ganh ghét, phá nhau…như ở nhiều nơi. Lương và nhuận bút khá ổn (có thể là một nguyên nhân dẫn đến khó khăn )…sức ép không quá lớn. Thái độ các sếp nói chung nhã nhặn, văn minh…

Ở SGTT, cái thích nhất là ở đây mình nhận ra mình là ai. Mình thấy mình khá giống tính cách nhiều anh em SGTT: vô tư, không để được cái gì lâu ở trong bụng, có gì là tuôn xối xả lên báo, lên FB...Hôm trước, đi Đồng Nai, Trâm Anh K bảo: Anh Mạnh Quân chẳng có tí nào giống người Hà Nội cả, ngoài cái giọng nói..., mình giật mình: ừ nhỉ, có vẻ thế thật :)))

Thế mà giờ đây, cũng mới được độ 5 năm, hơn tí, còn chưa kịp nhận huy chương bạc (5 năm huy chương bạc, 10 năm huy chương vàng, cống hiến hết đời thì được 100 triệu đ +lãi suất từ ngày có chính sách :-p)…thì báo đã ngừng hoạt động. Hà Tân Cương còn đi trước cả mình. Sau khi anh Huy Đức phải nghỉ việc, một thời gian sau thì anh Tâm Chánh cũng phải giả chức TBT. Không lâu sau đó, một số người mình kính trọng, quý mến nhất…đã lác đác đi dần, theo từng bước khó khăn của tờ báo: Duy Thông, Trúc Quân, anh Đoàn Khắc Xuyên, Quốc Khánh, Lan Anh, Mai Mai Hương…những người ấy đi, mang theo một phần hồn của Sài Gòn Tiếp thị. Người thì sang FORBES, người thì sang Người đô thị, Một Thế giới…Mình đã dần dần quen với việc người này đi, người kia đi…Càng gần đến ngày báo bị đưa vào thế phải đình bản, ngày càng có nhiều người đi. 

Trước tết, công đoàn tụ tập anh em cả 3 vùng miền vào Đồng Nai du hý, nhậu nhẹt…rất vui, uống rượu bia bằng bát, hát chung đến khản giọng…vui như như từng vui như thế nhưng trong lòng đều hiểu rằng, đó sẽ là lần gặp nhau cuối cùng. Chia tay nhau, chẳng ai khóc mà trong tim cảm thấy như nước lạnh tràn qua...

Văn phòng Hà Nội có bao nhiêu người đã đi trong 2-3 năm qua nhỉ ?. Đầu tiên là chị Kim Hoa, rồi Đỗ Hữu Lực, Tư Giang…gần đây là Xuân Thi, rồi chị Ngọc Hà vào tòa soạn Sài Gòn, mấy ngày trước là Việt Anh-Chí Hiếu sang thử việc ở Vnexpress. Mỗi một chiếc ghế trống đi, là lại chơi vơi một nỗi buồn …

Có người vẫn bảo, chúng tôi vì thua lỗ, phải đóng cửa. Ừ thì có khó khăn, những sai lầm nội tại, nợ nần chồng chất…là một nguyên nhân. Nếu hoàn toàn khỏe thì cũng chẳng đến nỗi để người ta phải đẩy mình thêm đến bước đường cùng. Nhưng cứ để chúng tôi bán xong trụ sở-nơi chúng tôi mua được bằng tiền của mình làm ra, trả nợ, lỗ xong, chúng tôi vẫn còn dư tiên để có thể sống, chiến đấu đàng hoàng một thời gian nữa. Có những nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác làm ăn, giúp chúng tôi qua khó khăn. Nhưng người ta vẫn không muốn thế. Đang chơi vơi ở bờ vực, vẫn có thể đứng vững, nó còn hích cho một phát, làm gì không rơi xuống vực, làm gì chẳng chết… 

Người ta có thể nói, đâu, vẫn còn tớ SGTT đó thôi, chủ quản mới là Sở Công thương-giao cho nhóm Saigontimes Group quản lý. Nhưng không phải, chỉ là cái tên thôi, hàng fake là chắc chắn, bởi hầu như không có ai của SGTT sang. Có người sang, lại là làm cho tờ TBKTSG tuần báo. Sẽ chẳng còn chuyên mục, tinh thần, bản sắc nào của SGTT 19 năm qua ở cái tờ mới này cả. Sẽ chẳng còn những bài viết của những cây viết vẫn còn vang danh của SGTT những ngày cuối: Người Già chuyện Trần Hữu Bảo, Nguyễn Ngọc Tư, Vĩnh Nguyên…Nghe đâu, người ta lấy về, chỉ lại là để mua đi, bán lại cho một nhóm nào đó, muốn ăn chút hơi tàn…của SGTT. Hãy nhớ giùm điều đó…

Rồi. Chết thì chết. Chết không phải là hết. Có nhiều anh em đã và sẽ có chỗ làm việc mới, lại chiến đấu, cống hiến hết mình đúng tinh thần làm việc của SGTT. Có những bạn khó khăn hơn, nhưng rồi cũng sẽ có chỗ làm việc. Có nhiều anh em sẽ tụ tập về một mái nhà mới (tin mới nhật). Nhưng tôi tin, dù đi đâu, chúng ta sẽ mãi nhớ về cơ quan này, mái nhà này…nhớ những lúc vui buồn, cùng nhau nhậu nhẹt, ca hát thâu đêm…nhớ cả những nỗi căm giận chung với những kẻ phá hoại tờ báo, khiến anh em ta từ mai, mỗi người một phương.

Mùa Thu, Chí Hiếu Phan, Trần Lệ Hà, Thanh Tuyền, Xuân Xuan Thi, Phuong Le…các em ơi, hãy nhớ nhé, cái ngày này, 28.2, chúng ta sẽ lại tụ tập nhau. Chắc là sẽ khó có ngày nào, có một nơi nào để anh em ta cùng nhau về một chỗ, cùng làm việc …nhưng chúng ta sẽ nhớ những tháng ngày này.

Xin chào tạm biệt những người anh em SGTT của tôi, nhất là những người đã cùng gắn bó với SGTT đến ngày cuối…

Hôm nay, là ngày làm số báo cuối cùng cho SGTT. Vui, buồn lẫn lộn )), ((

28.2.2014
Nguồn: FB Mạnh Quân.

Hình ảnh số báo cuối cùng của báo Sài Gòn Tiếp thị:


 




12 nhận xét :

  1. Chẳng SGTT thì SG Muôn Mặt vậy . Giống Hoàng Hải Thủy của Saigon trước 1975 ! Saigon bao giờ chết được . Cáo phó cái tiếp thị thôi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng zdậy. Bác Alan Phan có viết là nó sẽ tái sanh ở một hình thức khác. Chờ xem các bác ạ. Hàng fake thì cũng để xem nó thế lào đã !

      Xóa
  2. báo lề phải còn những tờ báo phong cách riêng như SGTT còn lôi kéo được nhiều bạn đọc. Nếu các báo kiểu đó ít dần đi thì có lẽ nhiều bạn đọc thích sự thực lại tìm đến báo Lề trái hết mất. Mà sao ở xứ ta khai tử báo dễ quá vậy?

    Trả lờiXóa
  3. một bạn đọc trung thànhlúc 07:56 28 tháng 2, 2014

    "Không sống như cũ được thì ...hóa sinh! Thân chúc SGTT hóa sinh. Đẹp như cánh bướm! "Chưa dứt hương thề" mà! Mai sau dù có bao giờ/Đốt lò hương ấy, so tơ phím này!"
    Xin mượn câu chúc tuyệt vời này của nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn để gửi gắm tâm tư của mình!

    Trả lờiXóa
  4. Đây là tín hiệu đáng mừng. Các blog sẽ đông khách. Đúng là chẳng cái dại nào giống cái dại nào, tự dưng nhường "trận địa" cho "lề trái". Ngu thật.

    Trả lờiXóa
  5. Xin cám ơn và thành thật chia buồn cùng anh chị em cán bộ, biên tập viên, nhân viên của Báo SGTT!!!

    Trả lờiXóa
  6. Xin nhờ blog Xuân Diện gửi lời chào buồn tới những cố nhân ở SGTT.
    Tôi là người đã từng được SGTT giới thiệu, cho nên cảm tình với tờ báo là sâu nặng.
    Về chuyện SGTT buộc phải chia tay bạn đọc, tôi cũng buồn, nhưng cũng thấy sau cái buồn chia biệt một ấn phẩm đặc sắc này, ta cũng nên thấy SGTT đã đi vào lịch sử với "chân dung" đẹp đẽ, không một vết nhơ.
    Tôi tìm hiểu khá nhiều báo cũ, thấy danh vị một tờ báo không lệ thuộc độ dài thời gian tồn tại của nó. Thời trước 1945, có những tờ chỉ tồn tại dăm ba số, có tờ trụ được trên dưới 1 năm, nhưng những gì nó làm được đều được ghi nhận mãi mãi.
    Còn trong thời gian gần dây thôi, có tờ báo đạt tới đỉnh cao danh dự của nghề báo, của lịch sử báo Việt, nhưng đã không kịp "chết", lại tiếp tục đội tên cũ để sống tiếp, rồi làm nhơ những danh dự mà tờ báo ấy từng đạt tới.
    Còn đối với người viết báo, từng thời gian làm việc với mỗi tờ báo là một đoạn trải nghiệm, và không trải nghiệm nào là vô ích cả.
    Chúc các bạn cũ của SGTT làm được nhiều điều hay, thú vị, xứng đáng, ở những ấn phẩm mới mà các bạn sẽ tham dự.
    LẠI NGUYÊN ÂN

    Trả lờiXóa
  7. Thành kính phân ưu. Thôi từ nay không còn được đọc SGTT. hu hu.
    Đến cái cầu Long Biên mấy ông bộ GTVT còn đang định cáo chung.
    Ội, trong lúc cầu Thanh Trì mới xây đã nứt toác (thế mà còn đề xuất thưởng 180 tỷ cho nhà thầu đấy). Cầu Long Biên hơn trăm tuổi, biểu tượng của công nghệ và kiến trúc thời tháp Eiffel của Paris có làm sao đâu mà họ "rỗi hơi" bàn phá. Khốn nạn cho cái đất nước có nhiều sâu mọt. Ăn đất hết bờ xôi ruộng mật rồi, bây giờ đào cả biểu tượng lên để ăn. Đến quan thanh tra Trần Văn Truyền còn biệt thự, nhà cửa như rứa thì các quan giao thông còn gấp bao nhiêu lần?

    Trả lờiXóa
  8. Chia buồn cùng SGTT. Hy vọng tên mất nhưng tình vẫn còn.

    Trả lờiXóa
  9. SGTT quá hay!!! Đánh trúng tim đen của những cái đầu đen, nên không thể tồn tại được với xã hội đen???!

    Trả lờiXóa