CHÚNG
TÔI VÀ HOÀNG SA
Nguyễn Minh Nhị
Nguyễn Minh Nhị
Trưa nay, anh em ngành Vô tuyến điện tỉnh An
Giang họp mặt theo thông lệ hàng năm kỷ niệm ngày truyền thống. Trong bàn chúng
tôi mạn đàm, không chỉ có những cựu hiệu thính viên năm xưa, sau hòa bình đã chuyển ngành công tác khác
nhau, hầu hết đều là cán bộ cốt cán, không ít người làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ
tịch ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc thường vụ Tỉnh ủy nhưng nay đã về hưu. Cũng như
thường lệ, năm nay cũng có các anh Nguyễn Hữu Khánh, trưởng Cơ yếu (mật mã) của
tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và các anh nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân
sự tỉnh, nguyên giám đốc Công an tỉnh ...cũng có mặt vì sự quen biết gắn bó nhau
trong công tác từ những năm 1960.
Sự kiện chúng tôi gặp gỡ lại trùng vào thời
điểm cách đây 40 năm Trung Quốc đơn phương tấn công xâm lược, chiếm đóng trái
phép quần đảo Hòang Sa của Việt Nam lúc bấy giờ do quân lực Việt Nam Cộng hòa
đồn trú, sau cái bắt tay trong "bóng tối" giửa Chu Ân Lai và
Kít-sing-gơ. Và câu chuyện chúng tôi cũng xoay quanh vấn đề Hoàng Sa, bổng anh
Nguyễn Hữu Khánh vổ vai tôi nói: "Tôi muốn gặp báo Tuổi Trẻ cám ơn về loạt
bài kể chuyện Hoàng Sa 40 năm trước với sự hy sinh anh dũng của 74 chiến sĩ
Việt Nam Cộng hòa, để đề đạt nguyện vọng qua báo, Nhà nước ta nên công nhận 74
người đã hy sinh giử đảo là Liệt sĩ - anh còn nhấn mạnh - Tối thiểu là Liệt
sĩ"!. Tôi hỏi vặn lại: "Còn có thể phong Anh hùng?". Anh trả lời
ngay: "Tất nhiên rồi!. Ai anh dũng hy sinh vì Tổ quốc chống xâm lược như
vậy, như 64 liệt sĩ ở Trường Sa năm 1.988 đều xứng đáng là Anh hùng!". Tôi nói lại: "Đang có cuộc vận động cá
nhân ủng hộ tiền cất nhà cho vợ các anh như Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn
Thà...đang rất nghèo khổ, anh nghĩ sau?". Anh khoát tay: "Chuyện đó
cũng tất nhiên thôi, Nhà nước nên lo, còn ở đây nói chuyện phải vinh danh họ
trước". Anh còn khen báo Tuổi Trẻ hết lời về chuyện đưa loạt bài nầy. Anh
còn "xúi" tôi: "Bảy Nhị quen với báo Tuổi trẻ viết dùm
đi!". Tôi xúc động bất ngờ và nói ngay: "Tôi sẽ viết. Nhưng các anh
có cùng quan điểm với anh Út Vũ (ông Khánh) không?". Tất cả đều đồng
tình!. Có anh còn chen vào: "Ở đây
là vấn đề Dân Tộc, CHỦ QUYỀN DÂN TỘC!".
Từ khi biết chi tiết sự kiện cách đây 40 năm,
đặc biệt là mổi lần nhìn những tấm ảnh Hoàng sa với nhà ở, bia chủ quyền, kể cả
do người Pháp và các chánh quyền kế tiếp
xây dựng và cả màu xanh cây Dừa, cây Bàng... trên đảo, lòng tôi sôi lên hận
thù, đặc biệt là sự kiện các chiến sĩ giử đảo hy sinh qua loạt bài mà báo đã
nêu, càng làm tôi rơi nước mắt. Những lúc như vậy, cháu tôi hỏi: "Sao
ngoại khóc?". Tôi nói lẫn: "Ngoại nhớ Bộ đội giử đảo, xa nhà!".
Hôm nay, chúng tôi hiểu nhau hơn và như
đồng lòng: Hoàng Sa, Trường sa là máu thịt của dân Việt Nam ta, trong đó có
chúng tôi, những người một thời và suốt đời sống là phải phụng sự Tổ quốc cho
dù có hy sinh như các Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Sa và Trường sa - 1974, 1988!.
Chúng ta nói với nhau và chuyền nhau nói với các thế hệ con cháu rằng: Trung
Quốc ngang ngược cưỡng chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 74 liệt sĩ của ta đã mãi mãi
nằm lại với đảo. Ngày nào Hoàng Sa và các đảo GạcMa,Ga ven,.....
ở Trường Sa còn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép thì chúng ta còn phải thường
trực cảnh giác với Trung Quốc, kể cả khi ta ăn cơm, lúc ta uống nước!.
Kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa, chúng tôi thành
kính thắp nén hương lòng, dâng lên anh linh 74 liệt sĩ đã hy sinh ngày
20/1/1974 dưới làn đạn quân cướp đảo. Chúng tôi, thề xứng đáng với các liệt sĩ
Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta!./.
Long Xuyên, ngày 17/1/2014.
NGUYỄN MINH NHỊ
Trước khi nhà nước (không biết đến bao giờ?) vinh danh 74 chiến sỹ Việt Nam hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 thì nhân dân (trừ những người không biết sự kiện này), đã coi họ là liệt sỹ rồi. Ví dụ đội bóng NO - U từ khi thành lập đến nay vào dịp này đều tưởng niệm 74 chiến sỹ HS bỏ mình vì nước. Trong bài viết của tôi mới đây (Ngày tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Sa...), tôi đã tự vinh danh họ với danh xưng LIỆT SỸ.
Trả lờiXóaCB ở địa phương , nhất là ở miền Nam là thế . Còn TW thì khác . Hà Nội gần BK hơn An Giang !
Trả lờiXóaTrong trận hải chiến Hoàng Sa, có nhắc tới Hồ Văn Kỳ Thoại ( ông Thoại là cháu của nhà văn Hồ Biểu Chánh, con của Hồ Văn Kỳ Trân), ông Hồ Văn kỳ Trân là Hiệu Trưởng 1 trường trung học ở Long Xuyên - An Giang 1960 - 1970, tôi là 1 trong số học trò của ông . Qua bài viết nầy , tôi rất cám ơn anh Nguyễn Minh Nhị, anh đã nói giúp nỗi lòng của chúng tôi ( mà từ lâu chúng tôi không dám nói ). Tôi cảm kích và tình nguyện đi theo Anh, Anh Bảy Nhị ạ !
Trả lờiXóaAnh Nguyễn Minh Nhị thật đáng kính yêu và quý trọng! Cảm ơn Anh vì bài viết này và rất nhiều việc làm khác của anh trong cuộc sống
Trả lờiXóaĐào Tiến Thi viết: "Trước khi nhà nước (không biết đến bao giờ?) vinh danh 74 chiến sỹ Việt Nam hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 thì nhân dân (trừ những người không biết sự kiện này), đã coi họ là liệt sỹ rồi." Xin sửa lại phân trong ngoặc là "Trừ những người bán nước và bọn phản quốc"
Trả lờiXóa