Xung quanh
đám tang một nhà chí sỹ ái quốc,
nghĩ về cái cao cả và hy vọng một cuộc hòa giải dân tộc
nghĩ về cái cao cả và hy vọng một cuộc hòa giải dân tộc
Đào
Tiến Thi
Chúng ta nên đẹp, quanh cái chết một người thân
(Nguyễn Tuân)
Lời đề
từ trên là câu của nhà văn Nguyễn Tuân nói với các bạn bè văn nghệ sỹ vào đêm
trước tiễn đưa nhà văn yểu mệnh Vũ Trọng Phụng về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong
cuộc họp mặt ấy, Nguyễn Tuân và các nhà văn đương thời nhắc lại cuộc đời của
nhà văn họ Vũ, một người sống quá “phải chăng”, nghĩa là mực thước quá, nghiêm
chỉnh quá, không đúng kiểu người văn nghệ sỹ thuở ấy, khiến cho những người
quen “lệch chuẩn” như Nguyễn Tuân nhiều lúc cảm thấy khó chịu. Và một người
“kềnh càng” như Tản Đà, theo Nguyễn Tuân, càng không thể dung hòa với cái tính
“thiết thực” của Vũ Trọng Phụng: “Hai người ấy bây giờ đã là ma, cùng thở hơi
cuối cùng ở một xóm Cầu Mới, số nhà 71 và 73, cùng yên nghỉ ở một nghĩa trang.
Chắc ở dưới ấy, giờ gặp lại nhau, hai người tránh sao được cái lủng củng, nếu
hai hồn ma không chịu nghĩ đến cái tàn lạnh cuộc đời chung của tài hoa mà chịu
đựng lấy nhau” (Một đêm họp đưa ma Phụng,
1939).
“Vênh”
nhau như thế, nhưng trước cái chết của bạn, họ đã rất đẹp. Đẹp ở chỗ bỗng nhận
ra vẻ đẹp của người bạn xấu số: những sự “thiết thực” của Vũ là chu đáo, thủy
chung và tài thượng phân minh hiếm có. Đẹp ở chỗ bỗng thấy thương nhau hơn, tìm
cách xích lại gần nhau hơn. Họ “thức cả
đêm bàn tán về chuyện nên sớm nghĩ đến việc Hội Ái hữu Nhà văn”. Riêng Nguyễn
Tuân còn đẹp cả quần áo, khi ông cố “nương nhẹ” bộ sơ mi, “giữ sao cho vẹn màu
hồ, để ngày mai đưa Phụng nó lên đường”.
Trở
lại, xung quanh cuộc lên đường của nhà chí sỹ Lê Hiếu Đằng (khi nào có điều
kiện, tôi sẽ nói vì sao tôi dùng danh xưng này cho ông; có lẽ cho đến bây giờ
chỉ có tôi và TS. Nguyễn Xuân Diện dùng như thế), tôi thấy có rất nhiều tấm
lòng đẹp, cử chỉ đẹp, dù họ ở “lề trái” hay “lề phải”, ở bên “thắng cuộc” hay
bên “thua cuộc”.
(Xin
không bàn ở đây những hành động phá đám của mấy côn đồ vô danh ẩn mặt. Dù đằng
sau họ là ai, thì rốt cuộc họ đã không phá đám nổi. Và cuối cùng, như ta thấy,
cái đẹp đã chiến thắng)
Là đẹp,
khi các thầy thuốc ở Bệnh viện 115 Sài Gòn đã tận tâm chạy chữa, bày tỏ thiện
cảm ngầm với một nhà “bất đồng chính kiến” đang bị theo dõi và báo chí chính
thống mạt sát.
Là đẹp,
khi nghe tin ông Lê Hiếu Đằng lâm bệnh, khắp nơi, cả đồng bào trong nước và đồng
bào ở nước ngoài, cả trí thức và những
người công nhân, nông dân đã thăm hỏi, quyên góp và làm mọi việc có thể, mong
giúp ông Đằng qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Và khi nhà chí sỹ nằm xuống thì có rất
nhiều người (kể cả không quen biết) đến viếng và tình nguyện giúp rập việc tang
ma. Đám tang ông có ngót một nghìn người tham gia. Nếu không sợ bị liên lụy,
chắc số người đi tiễn đưa nhà chí sỹ còn đông hơn nhiều.
Là đẹp,
khi thành phần Ban lễ tang có cả “lề trái” và “lề phải” mà linh hồn trung tâm,
theo tôi, là Bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm (Phó ban Lễ tang), một người đồng chí của
Luật gia Lê Hiếu Đằng suốt từ thời phong trào sinh viên, trí thức Sài Gòn trước
1975, cho đến hôm nay, vẫn cùng trong đội ngũ của cuộc tiên phong bảo vệ Tổ
quốc và dân chủ hóa đất nước.
Là đẹp,
khi khách viếng có cả những quan chức mà tuy hiện nay không còn đứng chung đội
ngũ với ông Lê Hiếu Đằng nhưng vẫn coi trọng tình bạn, tình đồng chí năm xưa.
Là đẹp,
khi trong số quan chức đến viếng còn có cả cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
và phu nhân, có cả phu nhân của đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (lẽ tất
nhiên phải có sự đồng ý của Chủ tịch Trương Tấn Sang). Tôi tin rằng đây không
chỉ là chuyện “nghĩa tử là nghĩa tận”, không chỉ là tình đồng chí đồng đội năm
xưa, mà còn có phần sâu sắc hơn thế nhiều. Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ghi
vào sổ tang những lời mà nếu suy nghĩ kĩ, ta thấy ông đã nhắn gửi trong đó một
sự đồng cảm sâu sắc: “Cuộc đời này còn
lắm gian truân. Chúc người bạn Lê Hiếu Đằng siêu thoát”. Cựu Chủ tịch nước
Nguyễn Minh Triết và phu nhân, đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu
nhân, khi ở trong hệ thống bộ máy công cụ không phải bao giờ cũng (được) hành
động đúng, nhưng khi ở tư cách cá nhân, tôi tin các ông đã hành động theo sự
mách bảo của lương tri.
Là đẹp,
khi trong lễ truy điệu nhà chí sỹ đã vang lên bài ca Tự nguyện, một bài hát mà thế hệ ông Lê Hiếu Đằng đã hát vang trong
các cuộc tranh đấu vì dân tộc và dân chủ. “Nếu
là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng... Là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”.
Đó là sự nguyên khối trong lý tưởng và tình cảm của những Lê Hiếu Đằng, Huỳnh
Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu,… những sinh viên xuống đường năm xưa và những
trí thức mái đầu bạc xuống đường hôm nay. Cái
cao cả, thứ tưởng như xa xỉ của hôm nay, lại vút lên từ cái bi thương, cũng
như sự sống đã phát sinh từ cái chết.
Bóng ma
một ách thực dân mới đến từ phương Bắc ngày càng trùm lên đất nước, trong khi
đất nước ngày càng lún sâu vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Nhưng khả năng
hội tụ những tấm lòng từ các ngả khác
nhau cũng lớn dần lên. Trong cuộc mít tinh (bất thành) hôm 19-1 vừa rồi có
những cựu chiến binh (cộng sản) Bắc Việt khóc thương cho những người lính Việt
Nam Cộng hòa hy sinh vì Hoàng Sa là điều mà chỉ cách đây 5 năm cũng khó tưởng
tượng được. Trong đám tang nhà chí sỹ Lê Hiếu Đằng có cả hai “lề”, như là sự
chấp nhận lẫn nhau, trong đó chắc chắn có cả những sự cảm thông nhất định giữa
một số cá nhân với nhau. Hy vọng một lúc nào đó, trong khoảnh khắc mất còn của
Tổ quốc, những người yêu nước, yêu dân chủ, bất kể ở “lề” nào, sẽ xiết chặt tay
nhau cùng chống giặc ngoại xâm. Và tất nhiên, muốn chống được giặc ngoại xâm,
thì nhân dân phải là người làm chủ đất nước, tức là phải xây dựng một chế độ
dân chủ, pháp quyền.
ĐTT
(Đêm giao thừa Quý Tỵ - Giáp Ngọ)
Người viết văn có 2 loại:CHÂN và TÀ,tà là loại ma quỉ,dùng khả năng viết lách của mình để uốn cong hay thậm chí bẻ gãy một sự thật- hòng đánh lạc hướng nhận của một số người,cạn hay chưa kịp nhận thức chính xác về trọng tâm vấn đề,trong mưu đồ đen tối hoặc ví đồng tiền(xã hội ta ngày nay loại này nhiều lắm)-Riêng Đào Tiến Thi nhà ta là một trong những người chân hiếm hoi tính cho đến thời điểm này,tôi rất ngưỡng vọng- xin được chúc tốt lành nhất tới ông trong suốt năm Giáp Ngọ 2014 với những thắng lợi vẻ vang ! MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG ông Thi nhá ! Đa tạ.
Trả lờiXóaCảm ơn bác ND 9:37. Những gì viết ra chưa phải là đã nói hết được sự thật, nhưng tôi luôn xác định những gì viết ra là phải thật với lòng mình. Trong bối cảnh quá hiếm hoi điều tốt, tôi cố gắng chắt chiu, nâng niu những gì là tốt đẹp, hoặc chỉ cần tiệm cận, chỉ cần đang hướng tới cái tốt, cái đẹp.
XóaMỗi chuyện mấy bác công an và dân phòng đi canh gác có ai đốt pháo hoa không thôi mà cũng thấy...zdui rồi!?
Trả lờiXóaLàng tôi nghèo thì làm gì ai có tiền triệu mà mua pháo...khủng để bắn? Rứa mà mấy bác này canh gác rất tốt! Còn làng đại gia bên cạnh thì hổng thấy ai đi tuần cả!? Đến phút giao thừa thì bên làng đại gia thì bầu trời sáng ngập đầy sắc màu, những tiếng nổ đì đùng vui tai làm sao?
Dân cả làng tôi kéo nhau ra đường ngó qua làng đại gia để chiêm ngưỡng! và kèm theo mấy bác công an và dân phòng...!!!
Rứa không thôi cũng đủ hiểu!?...rứa đó...rứa đó...!!!???
Gần 40 năm sau ngày thống nhất Đất Nước mà hận thù chưa nguôi . Nhưng vừa qua một số người thành lập Nhịp cầu Hoàng Sa trong đó có ô. Đỗ thái Bình, NB Huy Đức, NB Vũ Kim Hạnh, NB Nguyễn thế Thanh và cựu binh trận chiến Hoàng Sa 1974 Lữ Công Bảy , đã làm một việc thật ý nghĩa, quyên góp được 900 triệu để giúo đỡ gia đình các tử sĩ đã bỏ mình vì Hoàng Sa ngày 19.1.1974 như quả phụ Trung Tá HQ VNCH Ngụy Văn Thà ( tin BBC ) ! Thật đáng trân trọng .
Trả lờiXóaNgười nói và làm hòa giải phải là người thắng cuộc ( làm gương trước và làm thật sự,chứ không phải làm bằng đầu môi chót lưỡi,khi người thua cuộc cảm thấy tâm phục khẩu phục,không còn gì để nói nữa-khi đó HÒA GIẢI THÀNH CÔNG )-trong bối cảnh hiện tại của đất nước ta,XIN THƯA, CÒN LÂU MỚI CÓ HÒA GIẢI !!! nói cho vui thôi !
Trả lờiXóaBác ND 21: 18 ạ, tôi thấy rất nhiều người bên "thua cuộc" cho đến nay vẫn còn đầy hận thù, cay cú. Ngay cả bác, nhưng lời bác nói ra cũng còn thành kiến và mặc cảm đấy. Cho nên hòa giải thực sự phải là thiện chí cả hai phía.
XóaVả lại, bên "thắng cuộc" hay bên "thua cuộc" tôi nghĩ chủ yếu là một cách nói thôi và ranh giới của nó ngày càng mờ nhạt. Biết bao người lính và thanh niên xung phong miền Bắc sau năm 1975 trở về sống trong nghèo khó, bệnh tật, cô đơn, thậm chí bị những nỗi bất công, oan ức tày đình. Thử hỏi họ ở bên "thắng cuộc" hay "thua cuộc" đây? Nhà thơ - người lính (cộng sản) Nguyễn Duy viết :
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...
Nhân ngày Tết, chỉ mới đến thăm hỏi tại nhà một cựu tù nhân lương tâm thôi, thế là cả nhóm những người chân chính đã bị cầm quyền xã, huyện câu lưu cả mấy tiếng đồng hồ rồi. Nói chi đến chuyện hoà hợp hoà giải với kẻ thù xưa. Có mà mơ!
Trả lờiXóa