Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

CỤ LÊ HIỀN ĐỨC TRẢ LỜI PHỎNG VẤN RFI VỀ VIỆC LẬP HỘI DÂN OAN VIỆT NAM


Việt Nam: Một hội bảo vệ dân oan tuyên bố ra mắt 
Trọng Thành (RFI)

Hôm qua, 30/12/2013, tại Việt Nam, một nhóm bảo vệ người dân khiếu kiện đã truyền đi bản Tuyên bố thành lập ban vận động Hiệp hội Dân oan Việt Nam. Bản Tuyên bố được gửi đến Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Nội vụ. Ban vận động thành lập Hiệp hội Dân oan Việt Nam đề cử bà Lê Hiền Đức, 83 tuổi, người được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) trao giải thưởng Liêm chính năm 2007, làm Chủ tịch danh dự của hiệp hội. 

Việc người dân khiếu kiện về đất đai và nhiều lĩnh vực khác không được chính quyền hồi đáp là một hiện tượng xã hội nhức nhối tại Việt Nam trong rất nhiều năm qua. Cho đến nay, tại Việt Nam, dường như chưa có tổ chức nào thuộc xã hội dân sự đứng ra hỗ trợ và bảo vệ những người dân oan, trong bối cảnh chính quyền liên tục trì hoãn việc thông qua bộ luật về lập hội [giữa tháng 12, tại tỉnh Hà Nam cũng xuất hiện một sáng kiến vận động thành lập Hội Dân oan Hà Nam]. Trả lời câu hỏi của RFI Việt ngữ về sự kiện này, bà Lê Hiền Đức cho biết :

 

RFI : Thưa bà, chúng tôi có nhận được thông tin về Thông báo vận động thành lập Hiệp hội Dân oan Việt Nam, mà bà được đề cử làm Chủ tịch danh dự. Xin bà cho biết suy nghĩ của bà về sự kiện này.

Bà Lê Hiền Đức : Hầu hết thời gian của tôi dành cho dân oan. Thành thực nói với quí vị nghe đài như vậy. Tôi nói điều này để nhấn mạnh rằng tôi không có đủ thời gian để suy nghĩ về việc thành lập, hay sáng kiến này khác. Thực chất, chính bản thân Lê Hiền Đức cũng rất bất ngờ khi nhận được điện thoại của một công dân tên là Nguyễn Xuân Ngữ, 70 tuổi, ở quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. (…) Sau đó ít giờ thì tôi nhận được mọi thông tin, kể cả thông báo gửi Quốc hội, chính quyền Việt Nam về việc vận động thành lập hiệp hội, khiến tôi cũng hơi bất ngờ.

Sau khi đọc thư đó, tôi rất phấn khởi. Vì nói đến chuyện dân oan mà lại đề cử mình làm Chủ tịch danh dự, thì tôi thấy phấn khởi rằng có người đã chia sẻ công việc của mình. Trước đây tôi cảm thấy công việc của tôi giúp dân nó đơn độc lắm. Sau khi tôi nghiên cứu kỹ, thì tôi thấy rất đồng ý, rất đồng ý. Chứ còn nghĩ ra (việc thành lập hiệp hội này), thì tôi không nghĩ được, vì thời gian của tôi ít lắm, thậm chí thời gian của tôi dành cho gia đình, cho bản thân, cho con, cho cháu, cho chắt, thì cũng rất hiếm hoi.

Được bạn bè, nhân dân cử tôi làm như thế, thì tôi nghiên cứu kỹ, tôi rất phấn khởi và tôi hoàn toàn nhất trí.

RFI : Xin bà cho biết « Dân oan » là những ai ? 

Bà Lê Hiền Đức : Dân oan là những người « dân lành » Việt Nam thân yêu của tôi bị các cấp chính quyền, từ cơ sở cho đến quận, huyện, tỉnh, thành phố và lên đến trung ương. Những người dân lành thân yêu của tôi, của chúng ta, bị chính quyền câu kết với nhau, nó đè nén, nó cưỡng bức, nó cướp đất, cướp nhà của người ta. Những người đó đi đấu tranh, tức là gửi đơn tố cáo, khiếu nại đến các cấp chính quyền, thì bị cấp dưới đẩy lên cấp trên. Khi lên đến quận huyện, thì nó đẩy lên cấp tỉnh, thành phố. Tỉnh lại đẩy lên trung ương. Và khi người dân đến trung ương, cụ thể là người dân 63 tỉnh thành phố bị oan ức đến trụ sở tiếp dân của Thanh tra chính phủ, thì trung ương lại « đá » xuống cấp dưới.

Tôi gọi là « dưới đẩy lên, trên đá xuống ». Chúng nó biến những người dân đi tố cáo thành những người « dân oan ». Có những người đi đấu tranh, gửi đơn khiếu nại, từ lúc tóc còn đen, mà nay đầu bạc trắng, bạc trắng hơn tôi (…)

RFI : Thưa bà, hiện nay tại Việt Nam đã có tổ chức nào bảo vệ những người dân oan chưa ? 

Bà Lê Hiền Đức : Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có các cơ quan chính quyền các cấp thôi… Chưa có một tổ chức nào đứng ra bảo vệ dân oan. Chính vì thế, tôi nói rằng công việc của tôi đi đấu tranh, kề vai sát cánh để bảo vệ quyền lợi của người dân oan, thì vô cùng đơn độc. Nay, thấy tổ chức gọi là Hiệp hội Dân oan này, tôi vui quá. Tôi nghĩ rằng, tôi không bị đơn độc nữa, sẽ có những người kề vai sát cánh với tôi. Chứ còn làm chủ tịch, chức này chức khác, thì thực sự tôi không bao giờ nghĩ đến, vì tôi đã 84 tuổi rồi, không quan trọng về chức tước. Nhưng tôi phấn khởi, tôi vui mừng là vì nếu có tổ chức này, thì sẽ có nhiều người như tôi, kề vai sát cánh với tôi.

Xin thưa rằng, ngày hôm nay, tôi ở trụ sở tiếp dân của Thanh tra chính phủ với dân oan các tỉnh, ví dụ Bình Phước, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Bình Dương, Bắc Giang, Đông Anh – Hà Nội…, nghĩa là trên khoảng 10 tỉnh. Khi nói chuyện với những người dân oan ở đấy, khi tôi mới nói là sắp có một hiệp hội bảo vệ dân oan, thì bao nhiêu người muốn liên lạc để gia nhập hiệp hội.

RFI : Khi tham gia vào Thông báo thành lập Hiệp hội bảo vệ Dân oan này gửi đến Quốc hội và chính phủ, bà có hy vọng gì không ? 

Bà Lê Hiền Đức : Trước hết, tôi có hy vọng. Từ xưa đến giờ tôi cảm thấy trong việc kề vai sát cánh đấu tranh bảo vệ những người dân oan, tôi cảm thấy vô cùng đơn độc. Sau khi biết được thông tin này, về cá nhân, tôi rất phấn khởi. Cộng vào đó, tất cả những người dân oan nào mà tôi gặp gỡ hôm qua và hôm nay, thì đều hoàn toàn hoan nghênh và muốn được tham gia hiệp hội này.

Còn khi đã gửi đến Quốc hội và chính quyền "Thông báo" đó, thì đó là việc làm cũng trên tinh thần gọi là mong đợi thôi. Mong đợi thôi ! Chứ tôi cũng chưa thấy có tia sáng nào để giúp cho tôi có được một niềm tin. Mong đợi là khác, mà niềm tin là khác !

Sau khi có Thông báo này, tôi hy vọng, tôi mong đợi những người dân oan sẽ được quan tâm hơn một chút. Chứ còn gọi là đặt niềm tin, thì tôi chưa thấy có gì để tôi tin tưởng được cả. Chỉ gọi là hy vọng !

RFI : Xin chân thành cảm ơn bà Lê Hiền Đức đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. 

Bà Lê Hiền Đức : Xin cảm ơn và xin gửi lời chúc mừng Năm mới mọi sự tốt lành đến các quý vị thính giả. 
 
Nguồn: RFI Việt ngữ.
 

9 nhận xét :

  1. Cảm ơn bác Đức đã nhận trọng trách,niềm tin của nhân dân.Năm mới xin kính chúc bác lời chúc sức khỏe,vững niềm tin

    Trả lờiXóa
  2. Đầu năm được nghe phỏng vấn của Cụ, trên 80 tuổi nhưng giọng nói của Cụ vẫn sang sảng đầy khí phách. Kính chúc cụ năm mới dồi dào sức khỏe!
    Cảm ơn Bác Tễu!

    Trả lờiXóa
  3. iPhone:
    Kinh tang Cu Ba Le Hien Duc

    Khoi tu Cach mang Mua Thu,
    Gop thanh xuan, duoi ke thu ngoai bang;
    Tam-muoi-ba - giup DAN OAN,
    Vi DAN, vi NUOC, lo toan tron doi,

    ME la guong de LAM NGUOI,
    Noi dong Trung, Trieu, rang noi Viet Nam!

    Tran tronh kinh but,
    Bui-Viet Van Duc.
    Nuoc Duc, 11:45, ngay 1 January 2014.

    Trả lờiXóa
  4. Hiệp Hội cũng là Hội. Hiến Pháp đã cho phép lập Hội thì khỏi cần xin. Không cần xin thì cũng chẳng cần đợi cho ? Tôi nghĩ Hiệp Hội to hơn Hội, mang tính chất quốc gia, nên câu Hội dân oan Hà Nam làm thành viên đầu tiên. Dân oan cả nước nhiều lắm. Nều Tỉnh Thành, Quận Huyện tổ chức được Hội dân oan như Hà Nam thì mặc sức ghi danh hội viên ?

    Trả lờiXóa
  5. Ủng hộ Việc thành lập Hiệp hội Dân oan!

    Trả lờiXóa
  6. Hiến pháp 2014 đã phát tác!
    Dân không còn con đường nào khác, ngoài con đường: TẬP HỢP NHAU LẠI ĐỂ ĐẤU TRANH!

    Trả lờiXóa
  7. Thật xúc động nghe lời phát biểu, trách nhiệm và tình cảm mà cụ bà Lê Hiền Đức dành cho dân oan Việt Nam. Cụ tuổi đã cao mà vẫn không ngần ngại gánh vác trọng trách giúp đỡ dân lành. Tinh thần và khí phách ấy thật xứng đáng là cháu con của Bà Trưng, Bà Triệu...

    Trả lờiXóa
  8. Theo ý kiến tôi thì định nghĩa Dân Oan ở Việt Nam không những bao gồm về mặt đất đai bị cướp mất nhưng phải tính luôn những nạn nhân bị đánh chết hay mang thương tích ở đồn công an mà không được bồi thường hay giải quyết, như vậy thân nhân của người bị đánh chết đã trở thành Dân Oan.

    Trả lờiXóa
  9. Nhân dịp năm mới, qua blog anh Tễu con chúc Bà cùng gia đình vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc. Con là thế hệ 7x rất hãnh diện và ngưỡng mộ Bà.

    Trả lờiXóa