Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

BBC, RFI ĐƯA TIN ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG QUA ĐỜI

BBC: Ông Lê Hiếu Đằng qua đời
Cập nhật: 16:09 GMT - thứ tư, 22 tháng 1, 2014
Ông Lê Hiếu Đằng, cựu quan chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người tuyên bố ly khai Đảng hồi đầu tháng 12/2013, vừa qua đời ở Bệnh viện 115, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 70 tuổi.

Một người bạn, giáo sư Tương Lai, nói ông được báo tin này lúc khoảng 10 giờ tối 22/1 từ Giáo sư Hoàng Dũng, người đã vào viện để đưa ông Đằng vào "nhà lạnh" cùng gia đình và bạn bè. Ông Tương Lai nói các bác sỹ cũng đã báo cho gia đình và bạn bè biết về khả năng ông Đằng sẽ sớm ra đi.

"Ông ấy đau quá và các bác sỹ cũng chỉ có thể tiêm thuốc giảm đau thôi. "Ông cũng muốn về nhà nhưng gia đình muốn ông ở bệnh viện để còn nước còn tát."

Ông Đằng đã phải nhập viện hồi giữa tháng 12/2013 và khi đó người ta đã nói ông ở trong "tình trạng sức khỏe nguy kịch". Tuy nhiên sau đó sức khỏe ông có những lúc hồi phục.

Ông Đằng là người thẳng thắn chỉ trích chính sách mà ông coi là trấn áp quyền con người của chính quyền Việt Nam. Ông cũng cho rằng chính phủ ở Hà Nội không đủ dũng khí trước Trung Quốc.

Tháng 12 năm ngoái, ông tuyên bố rút khỏi Đảng Cộng sản.

“Chế độ này đã quá tệ, mọi lĩnh vực đều xuống cấp không thể nào cứu vãn được, mà các ông ấy vẫn chỉ đặt lợi ích của các tập đoàn, của gia đình và bản thân chứ không còn đặt lợi ích của đất nước lên trên.”

“Vì thế tôi thấy không còn có thể chịu đựng được nữa,” ông Đằng khi đó nói với trang mạng Bauxite Việt Nam.

Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

RFI: Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần
Luật gia Lê Hiếu Đằng - RFI /Capdevielle
Luật gia Lê Hiếu Đằng - RFI /Capdevielle

Thụy My

Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu lãnh tụ sinh viên từng bị kết án tử hình thời Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là khuôn mặt đấu tranh hàng đầu cho dân chủ và nhân quyền, chống bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông ; vừa qua đời vào khoảng 19 giờ hôm nay 22/01/2014 tại Saigon ở tuổi 70.

Ông Lê Hiếu Đằng quê ở Quảng Nam, học trung học ở Đà Nẵng và theo học trường đại học Luật khoa và Văn khoa ở Saigon, thành viên ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Saigon. Ông là một trong những khuôn mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975, và từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử.

Là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nguyên là Phó chủ tịch của Ủy ban này tại Thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng trong những năm gần đây được xem như ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi các quyền công dân và đặc biệt là trong phong trào biểu tình chống các hành động xâm lược của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Luật gia Lê Hiếu Đằng là một trong những người đầu tiên ký vào Kiến nghị 72 ngày 19/01/2013 của nhóm 72 nhân sĩ trí thức góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, gồm bảy đề nghị cụ thể nhằm phát huy dân chủ và hòa hợp dân tộc.

Ông cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam, khi những hành động gây hấn trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông làm sôi sục lòng dân. Luật gia thẳng thắn phê phán việc trấn áp những cuộc biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh là vi phạm nhân quyền.

Đặc biệt luật gia Lê Hiếu Đằng đã gây chấn động với bài viết « Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh » đề ngày 12/08/2013. Trong đó ông nhận định « chủ nghĩa Mác-Lê đã lạc điệu, bị sụp đổ tan tành ngay trên quê hương Xô Viết », « đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành kiêu binh ». Luật gia mạnh dạn đề nghị thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội tại Việt Nam, « vì không có một văn bản luật pháp nào cấm đoán điều này ». Ông cho rằng « một khi xã hội dân sự mạnh lên sẽ kìm hãm được khuynh hướng độc tài của một Nhà nước toàn trị ». 

Cách đây một tháng, vào ngày 04/12/2013 ông Lê Hiếu Đằng một lần nữa lại gây rúng động dư luận khi ra tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Người đảng viên 45 tuổi đảng, từng là giảng viên Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (1975-1983) nhận định, đảng Cộng sản « đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc ». 

Luật gia mất đi mang theo những hoài bão chưa thành, một tấm lòng trăn trở vì dân vì nước. Ông luôn đau đáu ngóng về Biển Đông, lãnh thổ cha ông để lại cho con cháu đẩt Việt đang bị đe dọa từng ngày từng giờ.

Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết một ngày trước khi bệnh trở nặng khiến ông hôn mê hôm 14/12/2013, ông Lê Hiếu Đằng đã cố gắng viết một lá thư dài ba trang gởi cho các bạn thanh niên, sinh viên học sinh. Đây có thể là bản di chúc của ông gởi lại cho các thế hệ đi sau. Ông cũng biết các tin tức về các hoạt động kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa vừa qua.

Các bạn bè thân hữu của ông hầu hết là những khuôn mặt trong phong trào sinh viên trước đây như ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu…đều có mặt tại bệnh viện 115 hôm 14/12, lúc biết tin bệnh tình ông trở nặng, và tất cả đều bị theo dõi chặt chẽ, có lẽ do trùng hợp với dịp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Saigon. Hôm nay các bằng hữu cũng đang đổ về bệnh viện để bàn bạc hậu sự cho ông.

Theo ước nguyện của người quá cố, ông sẽ được hỏa táng. Linh cữu của luật gia Lê Hiếu Đằng dự kiến được quàn tại chùa Xá Lợi ở quận 3 Sài Gòn, hoặc tại Dòng Chúa Cứu Thế.



17 nhận xét :

  1. Thân xác Lê Hiếu Đằng dù có về với lòng đất mẹ, nhưng tinh thần Lê Hiếu Đằng chắc chắn sẽ sống mãi .
    Xin thắp một nén hương và nghiêng mình trước Anh Linh Ô. LÊ HIẾU ĐẰNG . Một vì sao sáng đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ VN vừa vụt tắt !

    Thành Kinh Phân Ưu cùng tang quyến . Nguyện chúc cho Anh Linh Ô. Lê Hiếu Đằng sớm về Nơi Vĩnh Phúc .
    Lê Hiếu Đằng mãi mãi là biểu tượng của đấu tranh cho Tự Do , Dân Chủ . Tinh Thần Lê Hiếu Đằng bất diệt .

    Trả lờiXóa
  2. Một mất mác lớn cho phong trào dân chủ và canh tân đất nước-Xin thành kính phân ưu !

    Trả lờiXóa
  3. Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa người trí thức yêu nước chân chính, một người thẳng thắn trung thực, một người tử tế. Xin chia buồn cùng gia đình Bác Lê Hiếu Đằng.

    Trả lờiXóa
  4. YÊU BÁC ĐẰNG !

    Trả lờiXóa
  5. Thành kính nghiêng mình tiễn đưa một trí thức yêu nước. Xin chia buồn cùng gia đình bác Lê Hiếu Đằng, Bác ra đi nhưng tinh thần của bác sống mãi với những nười con Việt.

    Trả lờiXóa
  6. Vĩnh biệt bác, người con mến yêu của VN. Xin nguyện noi theo tấm gương tranh đấu không mệt mỏi của bác Xin chia xẻ nỗi đau cùng gia đình!

    Trả lờiXóa
  7. Mong Anh yên nghỉ nơi cỏi vỉnh hằng,không còn đau đáo cho đât nước nhân dân.

    Trả lờiXóa
  8. Chúa ơi? sao Chúa bắt đi những người tốt lên thiên đàng theo Chúa?

    Tiếng chim hót trong bụi mận gai ... Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân ... nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi.

    Trả lờiXóa
  9. Xin thành kính phân ưu với Đại gia đình ông và toàn thể Nhân dân Việt nam yêu nước, đã mất đi một con người yêu nước.

    Trả lờiXóa
  10. Báo lề phải cũng đã đưa tin.
    Ông Lê Hiếu Đằng qua đời
    (TNO) Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên Tổng thư ký Ủy ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, đã qua đời vào tối 22.1 tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM).
    Ông Lê Hiếu Đằng sinh năm 1944, nguyên quán Thừa Thiên-Huế, hưởng thọ 70 tuổi.

    Lễ nhập quan được tiến hành vào lúc 9 giờ sáng 23.1 tại Trung tâm Pháp y TP.HCM.

    Sau đó, linh cữu của ông được quàn tại chùa Xá Lợi (đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3). Lễ di quan bắt đầu lúc 6 giờ sáng 25.1.

    Được biết, ông Đằng đã phải nằm viện từ giữa tháng 12.2013.

    Nguyên Mi


    Trả lờiXóa
  11. Trong nước hình như chỉ có báo Saigon Tiep Thi đăng tin http://sgtt.vn/Thoi-su/187089/Luat-gia-Le-Hieu-Dang-qua-doi.html

    Trả lờiXóa
  12. Một người tử tế nữa ra đi.
    Vẫn biết mang theo chẳng được gì ?
    Tình nước, tình dân hơi thở cuối.
    Lòng Anh sử sách rồi sẽ ghi . Thương nhớ anh Lê Hiểu Đằng.

    Trả lờiXóa
  13. Thành kính nghiêng mình tiễn đưa một trí thức yêu nước.

    Trả lờiXóa
  14. Người Thăng Longlúc 14:21 23 tháng 1, 2014

    Một mất mát lớn cho sự nghiệp tranh đấu lấy lại quyền làm chủ của nhân dân. Lịch sử đất nước này sẽ phải nhớ nhớ ơn Lê Hiếu Đằng. Hàng triệu người dân "thấp cổ bé họng" biết ông hay không biết ông đều chịu ơn ông không nhỏ. Không một thế lực cường quyền tha hóa nào có thể bôi nhọ nhân cách tử tế và tư tưởng tiến bộ vì nước vì dân của Ông. Cầu chúc Ông siêu thóat trong cõi vĩnh hằng tiếp tục phù hộ những điều tốt đẹp cho quốc gia dân tộc.

    Trả lờiXóa
  15. HÃY SỐNG, HỌC TẬP, THỰC HIỆN LÝ TƯỞNG NHƯ LÊ HIẾU ĐẰNG

    Trả lờiXóa
  16. thành thật chia buồn , một con người tốt với dân tộc

    Trả lờiXóa
  17. Thành kính phân ưu cùng gia đình luật gia Lê Hiếu Đằng.Cầu chúc ông siêu thoát vào cõi vĩnh hằng.

    Trả lờiXóa