Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

MỘT CƠ QUAN TRÍ THỨC XÔI THỊT

Một cơ quan trí thức xôi thịt
Trực Ngôn


Trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN
Đó chính là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN). Nghe cái tên thì rõ là sang, chức năng của nó cũng sang không kém, đó là làm nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Theo Chỉ thị 42/CT của Ban chấp hành Trung ương Đảng (ngày 10/4/2010), thì LHHVN được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động như các đoàn thể chính trị khác. Kinh phí cấp cho tổ chức này không nhỏ, như năm 2012 vừa rồi được Nhà nước phân bổ gần 26 tỷ đồng cho cái gọi là “chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ” (quyết định phân bổ ngân sách số 2879/QĐ-BTC). Vậy nhưng họ đã làm được gì để đóng góp cho sự nghiệp KHCN nước nhà?

 Hẳn chúng ta còn nhớ trong năm 2012 sự kiện thủy điện Sông Tranh gây ồn ào dư luận. Rất nhiều nhà khoa học, nhà báo cũng như nhân dân nói chung mong muốn LHHVN với tư cách là tiếng nói đại diện cho trí thức lên tiếng kiến nghị với Nhà nước, tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học, phân tích rõ sự nguy hại của thủy điện Sông Tranh và tìm biện pháp khắc phục. Nhưng LHHVN “mũ ni che tai”, im lặng, không dây vì sợ đụng chạm thế lực, hay vì dốt không biết gì mà nói?

Còn rất nhiều những ví dụ khác như hiện tượng xe máy cháy bất thường khi đang lưu thông hay hiện tượng sụt lún các “hố tử thần” trên quốc lộ… LHHVN cũng không tập hợp các nhà khoa học để nghiên cứu, phân tích nguyên nhân để có câu trả lời cho xã hội. Mang tiếng là cơ quan trí thức hàng đầu của đất nước mà việc lớn việc bé gì (dính đến khoa học chứ có phải việc tào lao đâu), cũng “I don’t know” như thế thì thật không còn gì để nói về năng lực của họ.

Cả năm 2013 hầu như LHHVN không có hoạt động gì đáng kể, chức năng chính là tư vấn phản biện và giám định xã hội, vậy nhưng họ không có hoạt động nào thuộc về chức năng này cả. Trong những báo cáo của LHHVN nhắc đi nhắc lại việc đã làm từ hàng chục năm trước như phản biện cho Thủy điện Sơn La, hoặc phản biện cho việc xử lý dịch cúm gia cầm (từ hồi GS.VS Vũ Tuyên Hoàng – nguyên Chủ tịch LHHVN còn sống, tức là từ trước năm 2008). Đến nỗi có vị đại diện cho một hội khoa học kỹ thuật là thành viên thuộc LHHVN còn phải góp ý rằng: Hội chúng tôi một năm làm hàng chục cuộc phản biện, hội thảo khoa học, LHHVN ít hoạt động quá thì ghép phần việc mà các hội đã làm vào báo cáo chung cho phong phú mà báo cáo lên cấp trên, vì các hội cũng là thành viên trong gia đình LHHVN cả. Vị này còn nói vui, “con làm thì bố cứ tính công bố cũng được”.

Vậy số tiền 26 tỷ hàng năm LHHVN tiêu gì cho hết? Ngoài việc “vẽ” ra những cuộc hội nghị hội thảo vô bổ để chi tiêu vô tội vạ. Chẳng hạn tổ chức Hội nghị của Ủy ban Kiểm tra LHHVN, họ dẫn nhau xuống tận Cửa Lò, “nghị” thì ít mà “hội” thì nhiều, vì chủ yếu lấy cớ đi chơi, nghỉ mát, tắm biển. Hội nghị làm hết 1 ngày thì lấy hóa đơn 3 ngày để thanh toán, ăn cắp tiền Nhà nước. Rồi thì tổ chức những cuộc giao ban 3 miền, đại biểu được cấp tiền ăn ở khách sạn, đi lại, lưu trú, công tác phí… nhậu nhẹt chúc tụng nhau tơi bời. Đặc biệt là chi cho lãnh đạo LHHVN đi công tác toàn bằng máy bay, mỗi năm tiền vé máy bay với công tác phí của ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch LHHVN lên tới 2-3 trăm triệu đồng. Vấn đề là những chuyến đi công tác này hoàn toàn vô bổ, không có giá trị gì, ông Minh chỉ đi trao giải thưởng các cuộc thi nọ kia, với đi dự Đại hội các LHH địa phương, đi “úy lạo” các nhà khoa học già, v.v… Số tiền còn lại, họ đem “ban lộc” cho một số Hội KHKT thành viên để tổ chức hội nghị hội thảo của các hội này và chia cho các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc LHHVN để làm đề tài. Nhưng khốn nạn ở chỗ, tiền Nhà nước, vậy mà họ xem như tiền của họ, bắt các đơn vị phải nộp lại 5% để cho vào quỹ đen LHHVN tự ý chi tiêu. Cũng có nhiều đơn vị thành viên có đề tài nghiêm túc, có giá trị, nhưng nếu không nộp lại 5% tiền đề tài thì họ không cho giải ngân, không cấp tiền. Nhiều đơn vị “ma cô” lợi dụng điều này, vẽ ra nhiều đề tài vô bổ, thậm chí trộm đạo những đề tài đã có từ trước để rút tiền Nhà nước. Dịp cuối năm này thì LHHVN từ lãnh đạo đến nhân viên đều nhăm nhăm nghĩ cách làm thế nào để tiêu hết tiền được Nhà nước cấp, vì nếu không hết thì sang năm sẽ bị cắt bớt.

Có một chuyện đau lòng mà chúng tôi chứng kiến: Một hôm có nhà khoa học nọ là giám đốc một trung tâm KHCN trực thuộc LHHVN đến xin thanh toán tiền đề tài. Đây là một đề tài nghiêm túc, có giá trị, làm thật, do đó các khoản chi phí thật đã hết, ông phải bỏ tiền túi ra ứng trước cho cộng tác viên để thực hiện đề tài. Nay ông đề nghị thanh toán, thì được trả lời là do chưa nộp phí 5% nên chưa được thanh toán, thế là ông lại phải bỏ tiền túi ra trả cái phí 5% vô lý kia.

Ảnh bên: Ông Đặng Vũ Minh, chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Thường trực Đoàn Chủ tịch LHHVN hiện nay có 4 người, gồm 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch. Trong 4 người này thì 3 ông đã về hưu, vậy nhưng họ mặc dù đã hưởng lương hưu rồi, nhưng vẫn đòi hưởng nguyên mức lương trước khi nghỉ hưu do LHHVN trả (mỗi người tới cả chục triệu), lại còn được tính thêm cả phụ cấp trách nhiệm, tính bằng mức phụ cấp của Bộ trưởng và Thứ trưởng. Không chỉ có thế, 4 ông này mỗi ông một ô tô riêng, một lái xe riêng, được cơ quan cấp điện thoại di động và tiền gọi điện thoại hàng tháng (tính đúng bằng tiêu chuẩn của Bộ trưởng, Thứ trưởng). Sướng như thế nên mới có chuyện một ông Phó Chủ tịch trong một cuộc họp bị một ông Trưởng ban cũng thuộc LHHVN (ông Trưởng ban này sắp đến tuổi nghỉ hưu nên coi giời bằng vung) mắng cho là dốt nát, không xứng đáng ở cương vị này, nếu có liêm sỷ thì từ chức đi. Ông Phó Chủ tịch nọ “cố đấm ăn xôi” không nói gì, ngồi im chịu trận để giữ ghế.

Một cơ quan trí thức nghe sang trọng mà mục ruỗng, thối nát như thế, mới biết đạo đức xã hội đã xuống cấp quá thể. Trí thức ngày xưa sẵn sàng từ quan để về ở ẩn, nay nhiều kẻ bất tài vô tướng được giữ ngôi cao bị tố cáo vẫn cố tình chạy chọt giữ ghế. Ghê tởm lắm thay!

Viết ra những lời này, chúng tôi không có ý phủ nhận vai trò của LHHVN. Dưới thời những lãnh đạo có tâm, có tầm như GS.VS Vũ Tuyên Hoàng – Chủ tịch; PGS.TS Hồ Uy Liêm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, LHHVN đã hoạt động sôi nổi, có nhiều phản biện gây được tiếng vang trong xã hội, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Thế mới biết khi quyền lực rơi vào tay kẻ thất phu sẽ gây hậu quả nguy hại đến thế nào.

14 nhận xét :

  1. Còn đầy cơ quan kiểu đấy, họ không phản biện không phải họ không biết mà lý do rất đơn giản là họ không dám vì : phản biện thì nghỉ ngay,nếu không bị nghỉ thì bị cắt giảm ngân sách năm sau. Các tổ chức như : đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ,cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc cũng đều một kiểu như thế cả .

    Trả lờiXóa
  2. Đã vậy thì tồn tại chỉ vô ích! "Xôi thịt" đang ở giai đoạn cuối của quá trình tiêu hóa đây mà!

    Trả lờiXóa
  3. P.THƯỜNG DÂN NAM BỘlúc 01:18 22 tháng 12, 2013

    Đ và NN ưu ái các nhà trí thức khoa bảng trong LHCHKHKTVN đến thế là cùng . Các ngài đã học hành vất vả ( chắc một số không nhỏ đỗ đạt bằng ngân sách NN), nợ sách đèn đã trả xong, bằng cấp đem về treo đầy tường. chức vụ vị nào cũng tai to mặt lớn cả , đi nước ngoài như đi chơi, vợ con béo tốt, nhà cao cửa rộng. Cho nên các vị cứ an hưởng. Việc nước có người lo rồi . Ấy vậy người ngoài mới gọi trí thức là trí ngủ đấy. Các vị cứ ăn ngủ , chơi bời , đừng chạy ra nước ngoài làm mang tiếng Đ và NN không biết giữ chất xám cứ để chảy máu hoài !

    Trả lờiXóa
  4. Nên đuổi bớt cái loại ăn hại đái nát này đi cho đỡ phí tiền mồ hôi , công sức của dân đóng thuế ..

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  5. Vấn đề nằm ngay ở chỗ: một "HỘI" của một bộ phận quần chúng có thể được xem như một "CƠ QUAN" - hiểu như một cơ quan công quyền, tức một phần của guồng máy nhà nước - không? Theo tôi, nếu hiểu như vậy thì hỏng rồi.

    Quyền tự do hội họp và lập hội là một phần của nhân quyền. Giới khoa học kỹ thuật chẳng hạn, có quyền cùng nhau tự lập hội, thậm chí "liên hiệp hội", quy tụ những người cùng sở thích hay cùng mối quan tâm. Cũng như vậy về tất cả các đoàn thể, hội đoàn, phong trào... trong mọi lãnh vực đa dạng của xã hội như nghề nghiệp, học thuật, văn hóa, thể thao, chính trị, thiện nguyện, tôn giáo v.v...

    Nhưng, đồng thời với việc các hội viên có toàn quyền đề cử ra những đại diện của mình để điều hành hội, họ cũng phải tự bỏ tiền túi ra mà duy trì cái hội đó của mình. Chính quyền không có trách nhiệm - hay nói chính xác hơn là không được quyền - lấy ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của toàn dân, mà chu cấp cho những hội đoàn quần chúng đó.

    Cũng vậy, chính quyền chẳng có quyền xen vào những công việc nội bộ của một hội đoàn, trừ phi vi phạm pháp luật. Các hội đoàn có quyền làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm.

    Thành ra cái gốc của vấn đề nằm ở... điều 4 Hiến pháp. Ban điều hành một hội hay hiệp hội lại được coi như những "quan chức" do chính quyền bổ nhiệm và được ăn lương từ ngân sách; các hội đoàn của chỉ một bộ phận quần chúng lại bắt toàn dân phải è cổ ra đóng thuế nuôi. Thế là hỏng ngay từ căn rồi!

    Trả lờiXóa
  6. Nhân tiện, bên chén trà quán bác Tễu ngày cuối tuần, xin kể hầu các bác quý mến hai chuyện vui vui này. Tôi chỉ nghe nói lại chứ thú thực chưa có khả năng kiểm chứng:

    1. Ở Mỹ, nếu bác nào nổi hứng muốn... lập một giáo phái và tự xưng giáo chủ, hì hì, xin bác cứ tự nhiên, đó là quyền tự do mà lại.
    Nếu bác quy tụ được đủ số 5 ngàn tín đồ, thế là cái "giáo hội" của bác đã được công nhận như một pháp nhân tôn giáo rồi đó, và tất nhiên được hưởng một số quy chế mà Hiến pháp cũng như Pháp luật đã quy định rất chi tiết.
    Giả dụ, giáo hội của bác cần mua một miếng đất, xây cất một cơ sở làm nơi hội họp và phụng tự, và các tín đồ của bác đã đóng góp được 1 triệu đô cho mục đích này? Vâng, giả dụ thế, thì chính quyền liên bang sẽ hỗ trợ cho giáo hội đúng bằng 1 triệu đô nữa cũng và chỉ cho mục đích ấy.
    Sướng chưa ạ? Bác nào muốn "lập giáo" thì xin mời qua Mỹ nhé.

    2. Ở Úc, sau một cuộc bầu cử Thủ tướng / Chính phủ, liên danh về đầu tất nhiên sẽ lên chấp chính.
    Nhưng một điều đặc biệt mà trên thế giới chưa đâu có: liên danh về thứ nhì đương nhiên cũng lên "phụ chấp chính" trong một vị thế đặc biệt, gọi là "chính phủ đối lập".
    Cái chính phủ đối lập cũng đầy đủ ban bệ không khác gì chính phủ thắng cử cả. Nghĩa là bên cạnh vị thủ tướng chính thức của chính phủ chính thức của nước Úc, còn có vị "thủ tướng đối lập" đứng đầu "chính phủ đối lập".
    Các "ban bệ" của chính phủ đối lập này không phải chỉ có ở cấp trung ương mà còn xuống tận từng địa phương, không thua gì chính phủ cầm quyền.
    Và điều vô cùng đặc biệt: các thành viên của chính phủ đối lập này cũng được hưởng lương từ ngân sách.
    Như vậy là dân Úc chơi ngon: người dân sẵn sàng đóng thuế nuôi các ông bà để các ông bà làm một nhiệm vụ quan trọng: nhiệm vụ đối lập.
    Vì sao mà dân Úc chơi ngon vậy các bác nhỉ? Tôi nghĩ vì họ tâm tâm niệm niệm một điều: quyền lực thì luôn đưa đến tha hóa, cho nên phải có cái gì ngăn sư tha hóa đó lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đúng, rất hay. Thế mới biết khi quyền lực rơi vào tay kẻ thất phu sẽ gây hậu quả nguy hại đến thế nào??? Quyền lực thì luôn đưa đến tha hóa, cho nên phải có cái gì ngăn sư tha hóa đó lại. Triệt tiêu nó đi.

      Xóa
    2. P.THƯỜNG DÂN NAM BỘlúc 02:24 23 tháng 12, 2013

      Ở CHXHCNVN cũng có cơ quan phản biện cho CQ từ TW đến ĐP là UBMTTQ đấy . Có điều nó cũng chỉ là bàn tay nối dài của Đ nên ô. LHĐ mới bỏ Đ !

      Xóa
  7. "Giả dụ, giáo hội của bác cần mua một miếng đất, xây cất một cơ sở làm nơi hội họp và phụng tự, và các tín đồ của bác đã đóng góp được 1 triệu đô cho mục đích này? Vâng, giả dụ thế, thì chính quyền liên bang sẽ hỗ trợ cho giáo hội đúng bằng 1 triệu đô nữa cũng và chỉ cho mục đích ấy."

    Điều này không có thật. Chính quyền (tiểu bang và liên bang) không can thiệp vào hoạt động của bất cứ một tôn giáo nào. Nói cụ thể, chính quyền không cản trở và cũng không trợ cấp cho hoạt động tôn giáo.

    Đây là kinh nghiệm bản thân. Nhà em đã nhiều lần tham gia trong việc mua bán bất động sản và xây cất cho mục đích tôn giáo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Dân Đen. Bác đã từng có kinh nghiệm về chuyện này thì tôi phải nghe bác rồi. Khi nghe kể câu chuyện trên thì tôi cũng ngạc nhiên, vì nguyên tắc là nhà nước đâu có quyền dùng ngân sách quốc gia mà trợ cấp cho một đoàn hội hay tôn giáo.

      Nói về tôn giáo thì theo tôi hiểu, ở Mỹ, một cơ sở tôn giáo chủ yếu là do cộng đoàn giáo dân địa phương đóng góp và họ tự quản trị mọi thứ, cho nên nhà thờ là tài sản chung của cộng đoàn đó chứ không phải của Tòa Giám mục. Hội đồng giáo xứ do giáo dân bầu lên sẽ quản trị tài sản này. Vị linh mục được phái đến phục vụ thì không có quyền quản trị đó. Ông hưởng lương từ quỹ lương của Tòa Giám mục địa phận và cũng phải đóng thuế như mọi người, lương cũng chỉ bằng một người lao động bình thường như tôi. Tôi nghe các linh mục gốc Việt nói đùa rằng ở VN cha xứ đặt đâu giáo dân ngồi đó, chứ bên này thì ngược lại.

      Xóa
  8. Ăn cây nào thì họ phải rào cây đó, tiền cấp cho các vị ấy là từ tiền chùa, ăn rồi phải ủng hộ chùa ít nhất là bằng các bài phản biện ủng hộ một cách rất chi là liên hiệp khoa học hợp tác xã đổi công, các vị đã hưu nên kinh nghiệm phản biện cho đẹp thì rất siêu? Họ thừa biết, nếu phản biện đúng lần sau sẽ hết nguồn cấp bởi nhiều lý do đã chờ sẵn?

    Trả lờiXóa
  9. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam , có chức năng là làm nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
    Liên hiệp các Hội nầy đã làm được gì cho xã hội ta ?
    Vẫn cứ phơi phới hưởng thụ bổng lộc.
    Nhưng quan trọng nhất, đó là nó đang choán chỗ, nó đang bịt miệng những tiếng nói phản biện chân thành, vì nó nhân danh tư thế chính thức của nó.
    Bọn ăn hại đái nát, tàn phá xã hội ta.

    Trả lờiXóa
  10. Đọc bài viết mà thấy xấu hổ cho những GS, TS đã được dân nuôi ăn học thành tài nhưng không mang lại lợi ích cho nước cho dân mà ăn tàn phá hoại một cách vô liêm sỉ, xấu hổ thay, xấu hổ thay!!!

    Trả lờiXóa
  11. Hệ thống công quyền ở Vn chỗ nào chả là xôi thịt, co thế mới phải đấu thầu mua bán chức tước chứ. Không có xôi thịt thì chả có ai dự thầu và mua bán nữa. Nhất là cái hội đồng chức danh nhà nước. hội đồng thi đua khen thường thì hết chỗ nói

    Trả lờiXóa