Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Hà Sĩ Phu: VĨNH BIỆT NHÀ VĂN HÓA, HỌC GIẢ NGUYỄN KIẾN GIANG

Vĩnh biệt nhà văn hóa, học giả Nguyễn Kiến Giang 
Hà Sĩ Phu

Sáng 2-12-2013 đã ngừng đập trái tim một con người Việt Nam, một trí thức mà cuộc đời in đậm dấu ấn từng giai đoạn của xã hội Việt Nam từ 1945 tới nay.

Nguyễn Kiến Giang sinh ngày 22 tháng 1 năm 1931 tại Quảng Bình, bên dòng sông Kiến Giang quê ông. Mười bốn tuổi đã tham gia Việt Minh và trở thành Cộng sản, sau đó thành huyện ủy viên rồi tỉnh ủy viên. Sau chiến tranh chống Pháp ông trải qua chức Phó Giám đốc nhà xuất bản Sự thật ở Hà Nội rồi được cử đi học trường đảng cao cấp tại Liên Xô nhưng bị gọi về nước sau khi có nghị quyết 9 chống chủ nghĩa Xét lại.

Do có tư tưởng tiến bộ, khác với Đảng của ông, ông bị hai lần can án. Lần thứ nhất (1967-1976) vì “tội Xét lại chống Đảng” với 6 năm tống giam và 3 năm quản chế không qua xét xử. Lần thứ hai (1996) bị ra tòa cùng với Lê Hồng Hà và Hà Sĩ Phu về tội “làm lộ bí mật nhà nước”. 

Tuy có giai đoạn làm cán bộ chính trị, song tâm huyết và dấu ấn của ông để lại cho đời thuần là những sản phẩm của tư duy trong các tác phẩm, các bài viết. Những lĩnh vực nghiên cứu của ông trải rộng từ chính trị, triết học, sang lịch sử, kinh tế, văn hóa, Nho giáo - tôn giáo và tâm linh, nông dân và nông nghiệp… Ông đọc nhiều nhưng không tầm chương trích cú mà luôn nổi bật bằng một phong cách tư duy độc lập, tiên phong. 

Từ 23 năm trước, đầu năm 1990, khi “bàn về sự lãnh đạo của Đảng” ông đã thẳng thắn yêu cầu phải bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, quả là một đề xuất đi trước xã hội. Tuy vậy, là một đảng viên khi mới 14 tuổi (!), việc từ bỏ một quá khứ dấn thân quá dài cho một lý tưởng không hề đơn giản, khiến nhiều người chúng ta thấy cần phải bàn thêm. Năm 2004 ông đã trả lời đài BBC: “Trước đây tôi để chủ nghĩa Mác Lênin lên đầu và coi là giá trị lớn nhất, giá trị cao nhất của tư tưởng loài người và tôi bị cái vòng kim cô của chủ nghĩa Mác Lênin xiết chặt đầu tôi lại. Bây giờ tôi làm một việc khác, tức là tôi đặt bàn thờ chủ nghĩa Mác Lênin sang một bên, chứ không đặt lên đầu tôi nữa, tức là ngang với những nhà tư tưởng lớn của loài người như Rousseau, Robespierre, Montesquieu, v.v. Tôi coi mỗi nhà tư tưởng đều có đóng góp của mình vào trong tiến triển của tư tưởng loài người cả” (!). 

Mặc dù bị kết án chính trị, song Nguyễn Kiến Giang chủ yếu không phải là một người dấn thân chính trị như Hoàng Minh Chính, như Trần Độ…, ông là một cây tư duy độc lập, một nhân cách độc lập, dâng hiến cho xã hội những hiểu biết và nhận định nghiêm túc, bình tĩnh, dũng cảm, sắc bén, công bằng của một bộ óc, một tấm lòng mà đời sau vẫn có thể tham khảo và thấy hữu ích. Chính vì không bị lôi cuốn để thuộc hẳn một phe phái nào, vì tuy vẫn gắn với từng biến động của thời cuộc nhưng không hề lên gân, ông cũng cam chịu những hạn chế nhất định của hoàn cảnh… nên ông là tấm gương phản chiếu khá đầy đủ những tâm trạng, tình huống, số phận phức tạp và cay đắng của một trí thức điển hình giữa trận phong ba của Chân lý và Nhận thức có một không hai trong lịch sử dân tộc. Vượt lên trên hết vẫn giữ bền một nhân cách.

Ở tuổi 83, ông từ biệt một đất nước mà vì nó ông đã vắt kiệt suy tư của mình. Xin được cùng với trang Bauxite Việt Nam, tiễn đưa ông về cõi Vĩnh hằng với niềm tiếc thương và quý trọng.

H. S. P. (chiều 2-12-2013)
Nguồn: BVN

Gặp mặt tại nhà riêng Đỗ Lai Thúy. Từ trái sang: Đỗ Lai Thúy, Trần Đình Sử, Nguyễn Kiến Giang, Trần Ngọc Vương, và anh Niêm. (Trần Đình Sử chú thích ảnh)

GS. TS. Trần Đình Sử: Vô cùng thương tiếc anh Nguyễn Kiến Giang, một học giả tài năng, uyên bác đã ra đi. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến tang quyến.

3 nhận xét :

  1. "Mặc dù bị kết án chính trị, song Nguyễn Kiến Giang chủ yếu không phải là một người dấn thân chính trị như Hoàng Minh Chính, như Trần Độ…, ông là một cây tư duy độc lập, một nhân cách độc lập, dâng hiến cho xã hội những hiểu biết và nhận định nghiêm túc, bình tĩnh, dũng cảm, sắc bén, công bằng của một bộ óc, một tấm lòng mà đời sau vẫn có thể tham khảo và thấy hữu ích" (Hà Sỹ Phu)
    "Bổn phận của kẻ sỹ là phải cất tiếng nói" (Ma Văn Kháng - Truyện Người đánh trống trường). Và bác Nguyễn Kiến Giang đã cất tiếng nói trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Bác Giang là kẻ sỹ thời hiện đại.

    Trả lờiXóa
  2. Ông xứng đáng nhận những câu thơ này của Henrich Hainơ:
    Kể những tên hay nhất
    Trong đó có tên anh
    Kể nỗi đau lớn nhất
    Có đau khổ của anh.

    Trả lờiXóa
  3. Lần lần ra đi ... Không còn mấy người nữa Bác Hà Sĩ Phu ôi !

    Trả lờiXóa