Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

TS. Tô Văn Trường: NƠI CẦN PHÒNG LŨ PHẢI BỎ PHẦN ĐIỆN

Thủy điện địa phương xả lũ, khiến người dân phải lên nóc nhà, theo báo VN (BBC)

Nơi cần phòng lũ phải bỏ phần điện
Tô Văn Trường  

Mùa mưa lũ năm nay đang gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho miền Trung. Lý do chủ yếu là mưa, bão liên miên nhưng có một lý do càng ngày càng rõ và không thể biện minh là do việc xả lũ đồng loạt, thậm chí có nơi vỡ đập gây tác hại nghiêm trọng cho vùng hạ lưu. Người dân đang gồng mình chống chọi với thảm họa kép “lũ chồng lên lũ”!

Thuật ngữ "lũ chồng lũ" lâu nay xuất hiện để phản ảnh thực trạng xả lũ từ các hồ thủy điện xuống vùng hạ du vốn đang bị ngập lụt do lũ và mưa lớn nhiều ngày. Con lũ "chồng" lên ấy do con người tạo ra. Một hồ thủy điện cần được tính đến việc vận hành cân bằng giữa các lợi ích ngay từ khi lập và duyệt dự án. "Cân bằng" không chỉ là vận hành cân bằng để giảm thiểu tác động mà còn là cơ chế chủ nhà máy lấy lợi ích của mình để chia sẻ cho những người bị thiệt hại. Trong trường hợp thiên tai gây ra tình trạng bất khả kháng "lũ chồng lũ" thì cơ chế mua bảo hiểm cho hạ du là rất cần thiết.

An toàn về tính mạng con người cần ưu tiên, cho nên mỗi hồ chứa nước đều phải có kế hoạch khẩn cấp trước khi đưa vào vận hành. Kế hoạch đó chỉ rõ các kịch bản và các hành động ứng phó cũng như chế tài.

Lũ chồng lũ xảy ra do "nhân tai" tác động rất lớn. Rừng bị phá hủy nhiều dẫn đến không có vùng đệm để giảm lũ. Hệ thống hạ tầng như đường giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch.... ngày càng phát triển, đặc biệt các trục quốc lộ I, đường sắt Bắc-Nam, quốc lộ ven biển và các trục đường nối các khu kinh tế ven biển nhiều nơi cắt ngang dòng chảy lũ... được tôn cao, làm mới, đã làm mực nước lũ cao lên, thời gian lũ lâu hơn. Quá trình đô thị hóa san lấp nhiều khu vực đã làm tăng dòng chảy tràn, thu hẹp hành lang thoát lũ.

Quy trình vận hành đơn hồ dù đã có nhưng vẫn chỉ tối ưu đơn mục tiêu, không phải đa mục tiêu.  Quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ vẫn đặt vấn đề lợi nhuận về điện năng, tối ưu về thủy điện, không đặt mục tiêu chống lũ cho hạ du, do vậy khi có mưa, các hồ vẫn chủ động tích nước vào hồ chứa để dự trữ (vấn đề này vẫn được sự cho phép của quy trình vận hành liên hồ chứa).

Trong khi đó, công trình thủy điện cần giải quyết tốt mâu thuẫn giữa phòng lũ và phát điện, nếu muốn có nhiều điện thì mực nước hồ phải trữ cao  vì công suất N = kHQ. Trong đó,  H là cột nước, Q là lưu lượng,  có nghĩa hồ càng đầy càng phát nhiều điện, lợi nhuận lớn. Phòng lũ lại cần có dung tích chứa lũ, khi lũ đến  bụng hồ phải rỗng, mực nước hồ phải thấp để có dung tích chứa lũ.

Khai thác một dòng sông và hệ thống sông trước tiên là phải xây dựng quy hoạch hệ thống nguồn nước, đề xuất giải pháp tổng hợp để lợi dụng thật tốt nguồn nước, giảm thiểu hoặc hạn chế tác hại mà nguồn nước có thể gây ra. Sau đó các ngành mới căn cứ vào quy hoạch đó để lập riêng quy hoạch cho ngành mình, không được vi phạm quy hoạch tổng thể. Trớ trêu là ở nước ta, thì làm ngược lại: ngành điện, thuỷ lợi, rồi công nghiệp (boxit Tây Nguyên), cấp nước dân sinh vv. .. đều có quy hoạch riêng mà không có “nhạc trưởng” chỉ đạo chung.

Trên một con sông, một lưu vực có ít nhất 4 ngành có quyền phê duyệt quy hoạch, đó là Bộ Công thương duyệt quy hoạch thủy điện. Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt quy hoạch thủy lợi. Bộ Xây dựng duyệt quy hoạch cấp nước đô thị, lấy nước. Bộ Tài nguyên & Môi trường duyệt quy hoạch tài nguyên nước vv…chưa kể thẩm quyền duyệt quy hoạch của các địa phương đã băm nát bài toán quy hoạch tổng thể!

Do đó, các hồ chứa thuỷ điện lớn do tư nhân đầu tư hầu hết không có dung tích phòng lũ vì không mang lại lợi ích cho họ, mà tăng chi phí đầu tư. Đáng lẽ ra,  nếu có quy hoạch tổng thể, các hồ thuỷ điện phải có dung tích phòng lũ, dung tích đó trong mùa lũ không được sử dụng, để chờ đón lũ, sẽ có tác dụng giảm lũ cho hạ du. Nếu dự báo tốt, sẽ tránh được tổn thất về điện cũng như đảm bảo dành nước phục vụ cấp nước tưới cho mùa khô năm sau.

Cần rà soát quy hoạch các ngành, xây dựng quy hoạch tổng thể sử dụng tổng hợp nguồn nước, nhất là quy hoạch phòng lũ, chỗ nào cần phòng lũ phải hy sinh phần điện, không thể vì lợi ích điện của nhóm người mà gây thiệt hại cho toàn thể xã hội. Xây dựng các giải pháp phòng lũ cho từng sông, xây dựng thêm các hồ chứa phòng lũ nếu có điều kiện hoặc các biện pháp ngăn lũ (đê), thoát lũ khác ..

Khẩn trương xây dưng và xem xét lại quy trình vận hành hồ chứa, Nhà máy thủy điện bảo đảm vận hành nghiêm chỉnh theo quy trình, khi xả lũ phải thông tin đầy đủ kịp thời cho đia phương bằng tất cả các biện pháp như còi hú, điện thoại, phát thanh, nếu không làm tốt phải trừng phạt, đền bù. Cần có cam kết giữa chủ đầu tư thuỷ điện và chính quyền địa phương, tăng cường giám sát của nhân dân.

T.V.T


6 nhận xét :

  1. E rằng ông đang nói vào hư không. Người tử tế nay còn đâu...

    Trả lờiXóa
  2. Xin lỗi quý vị, "NÓI thì như RỒNG LEO, còn LÀM thì như MÈO MỬA" nên mới ra cơ sự này!

    Quá chán cho một đất nước mà người dânn tầng lớp tận cùng xã hội thì khổ trăm đường, chết đủ kiểu! Giới trí thức thật sự thì đa phần đều "ngủ"! Quan chức lãnh đạo hàng đầu thì hoặc "nhắm mắt bịt tai" lẩn tránh trách nhiệm, hoặc dốt nát nhưng nói phét "một tấc lên đến trời" (!!!)

    Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!!!

    Trả lờiXóa
  3. Lại một lần nữa xin phép anh Diện cho tôi tiếp tục có vài phản biện với ông Ts.Trường!
    Ngay từ tiêu đề ông Trường đã mắc lỗi rồi? " NƠI CẦN PHÒNG LŨ PHẢI BỎ PHẦN ĐIỆN"!?!?!?
    Về nguyên tắc chọn vùng để làm thủy điện thì phải chọn nơi có độ dốc lớn,nhiều trữ lượng nước,và lợi dụng vách sườn núi cả...quả núi nữa cơ! chứ không ai đi chọn làm thủy điện ở xứ sở như Mông Cổ!?
    Cho nên nơi nào trên dãi đất miền trung này cũng phải cần phòng lũ cả!!! và như vậy theo logich suy luận của ông thì phải...bỏ phần điện! đúng không thưa ông Trường?
    Nói vậy chứ không phải vậy!?cái quan trọng là chúng ta hiệu chỉnh sao cho phù hợp số lượng thủy điện với S(diện tích đất rừng) cân bằng thì họa may mới chống lũ khả thi được!
    Rồi ông đưa ra công thức tính: N=kHQ!? thế sao ông không đưa ra cả công thức S(tính diện tích) nữa đi? và S của tôi đưa ra đây là diện tích của đất rừng đấy!
    Ông bảo khi Q(lưu lượng) tăng thì N(công suất) tăng! thế khi N tăng thì cái S(diện tích đất rừng) của tôi tăng hay giảm!?
    Bởi vậy! khi mùa lũ về thì cái Q, cái N, cái H(và tất nhiên hệ số k của mấy ông này là không đổi rồi) của ông thủy điện giảm thì vùng hạ du chúng tôi đây không những tăng mà còn tăng mạnh nữa là khác!? tăng từ V(thể tích nước lũ đấy!) S(diện tích đất bị ngập lụt) và cả hệ số k cũng thay đổi luôn(vì tim đậm nhanh vì người dân quá bồn chồn lo lắng!)hi...hi...hu...hu!!!!!!!!
    Đây là vài ngu ý của thằng nông dân Quảng Nam gởi tới ông Ts.Trường! mong anh Diện cho đăng nha!cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  4. Chả bỏ chỗ nào hết! Chỗ nào cũng phải xây dựng thủy điện, vì cứ xây là quan có tiền bỏ túi! Làm gì có quan nào chê tiền đâu, nên chẳng có chỗ nào phải bỏ cả! Nếu sau này phải phá... cũng tốt, vì quan lại được tiền! Còn chống lũ là việc của dân. À mà, dân ta "sống chung với lũ" quen rồi mà!

    Trả lờiXóa
  5. Lại Mạnh Cườnglúc 19:50 20 tháng 11, 2013

    Xin chân thành cám ơn tác giả đã giải thích rất khúc chiết một nan đề đất nước, tuy không mới với những người như tôi, nhưng chưa từng có cơ hội tiếp cận qua thực tế, để nắm bắt thật đầy đủ và chính xác như lần này.

    Amsterdam, 20 tháng 11 năm 2013
    Lại Mạnh Cường

    Trả lờiXóa
  6. Sau nầy có sinh con phải cho con học vào làm thủy điện vì buôn gổ giàu lắm ,thủy điện thì phải có hồ chứa nước ,muốn có hồ chứa thì phải đốn rừng lấy gổ mà bán ,chưa xong thủy điện đả trúng quả to HỎI TẠI SAO KHÔNG NHÀ NHÀ LÀM THỦY ĐIỆN ?nhưng đừng léng phéng nhá dân đen thì chớ héo lánh vào vì toàn cocc không thôi ..mất cái dự án 6a Đồng nai thật là .......

    Trả lờiXóa