Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

VIỆT NAM ĐƯỢC - MẤT GÌ TỪ QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC

Trần Kinh Nghị 

 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ đến Việt Nam ngày 13/10 trong một chuyến thăm chính thức cấp cao nhất kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979. Sự trùng hợp ngẫu nhiên của chuyến thăm vào thời gian quốc tang của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, biểu tượng cuối cùng của thế hệ chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam khiến người ta liên tưởng đến một điềm báo trong quan hệ Việt-Trung. Sự trùng hợp này có thể gây ra một vài khó khăn trong việc thu xếp nghi thức sao cho phù hợp và tránh gây hiểu nhầm, nhưng là một thời điểm chín mùi để người Việt Nam nhìn lại quá trình đã qua và định hình mối quan hệ với nước lớn láng giềng phương Bắc trong tương lại. Bài viết ngắn này không có tham vọng trình bày cặn kẻ toàn bộ chủ đề rộng lớn này mà chỉ đề cập một khía cạnh thiết thực: Việt Nam được-mất gì từ quan hệ với Trung Quốc?

Quan hệ bất bình đẳng 

Nhiều người coi sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam đã hoàn thành bằng việc đánh đuổi thực dân Pháp và can thiệp Mĩ. Nhưng thực ra đó chỉ là một giai đoạn của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn chưa hoàn thành kể từ thời kỳ "nghìn năm Bắc thuộc". Lập luận này không phải là vô lý, nhất là nếu biết rằng đó là cách hiểu phổ biến của  người Trung Quốc, điển hình là Giáo sư-tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh khi ông này hùng hồn tuyên bố trước Hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2010:  “Cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”. Và ông ta sử dung luận điểm này để biện minh cho đường ranh giới dứt đoạn hình lưỡi bò bao trọn 80% diện tích Biển không khác nào một hàng rào thô sơ dựng lên bởi một lão địa chủ tham lam trong sân nhà người hàng xóm!. Điều trớ trêu là đường lưỡi bò này vừa được Bắc Kinh lôi ra từ sọt rác tư liệu vốn chỉ là một đường chấm phá ngẫu hứng của một viên sĩ quan thời Tưởng Giới Thạch. Rõ ràng cách hiểu này cho thấy vì sao Bắc Kinh đã rất sẵn sàng hậu thuẫn Việt Nam chống Pháp, Nhật, Mĩ và cả Nga. Đó cũng là lý do tại sao sau chiến thắng và thống nhất năm 1975, Việt Nam đã lập tức bị chính người đồng chí phương Bắc tấn công từ biên giới Tây Nam lên biên giới phía Bắc, từ Hoàng Sa xuống Trường Sa. Nếu không vì ảo vọng khôi phục bá quyền thì Bắc kinh đã không hành động như vậy.
 
Về phần mình, người Việt Nam tự hào đã đánh bại thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mĩ và coi đó là hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tổng Bí thư Lê Duẩn từng đánh giá (đại ý): Từ nay không kẻ nào dám đánh Việt Nam nữa! Nhưng nhận định đó đã mau chóng cho thấy là viễn hoặc khi nước lớn láng giềng phương Bắc vẫn còn đó lăm le phục hồi vị thế vương triều đã có trước thời Pháp thuộc. Đó là nội dung chính của bài học mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã muốn "dạy" người Viêt Nam.
 
Tóm lai, có đầy đủ chứng cứ để nói rằng, không chỉ thời Vương triều mà thời Xã hội chủ nghĩa, người Trung Quốc vẫn tiếp tục coi Việt Nam là phiên thuộc, và rõ ràng có sự khác nhau trong cách hiểu về chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ giữa người Việt Nam và người Trung Quốc. Do sự khác biệt này, rất khó (nếu không nói là không thể) có mối quan hệ bình thường giữa hai nước. Nó không  giống quan hệ Mỹ - Mêhicô, cũng không giống quan hệ Mỹ-Cu Ba....mà là một loại quan hệ gượng ép, trong đó phía Việt Nam dù luôn cố tỏ ra khiêm nhường theo kiểu "tránh voi chẳng xấu mặt nào" nhưng  phía Trung Quốc bao giờ cũng muốn áp đặt và khuất phục.     
 
Muốn độc lập và phát triển Việt Nam phải giữ khoảng cách trong quan hệ với nước lớn phương Bắc    

Vẫn biết do thế đất trời và do truyền thống lâu đời, người Việt Nam không thể không giao hữu  với láng giêng phương Bắc. Nhưng đó là quan hệ để tồn chứ không phải để phát triển . Người Việt có câu ngạn ngữ mang tính thực dụng: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" đồng thời cũng có nhận xét bỗ bã nhưng thâm thúy: "Xa thơm, gần thối". Có lẽ hai câu ngạn ngữ trên hợp thành một thứ triết lý sống của người Việt Nam trong ứng xử với nước lớn láng giềng phương Bắc. Mặt khác, các chí sĩ thuộc nhiều thế hệ người Việt vẫn luôn đau đáu tìm lối thoát qua các phong trào Duy tân, Đông kinh nghĩa thục hay "thoát Á" và hiện nay là phương châm "Làm bạn với tất cả".

Giờ đây sau khi đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, người Việt Nam chợt nhận ra rằng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi "nước ngoài"- một cách diễn đạt mơ hồ vì lý do tâm lý và chính trị- dù ai cũng biết nó đến từ phương Bắc. Đây thực sự là một nghịch lý đối với bản thân người Việt Nam chừng nào họ vẫn tin rằng thế núi liền núi sông liền sông buộc mối quan hệ Việt-Trung muôn đời không thể khác. Đồng thời, trãi qua "nghìn năm Bắc thuộc" và "trăm năm Pháp thuộc" người Việt Nam nhận ra rằng không sự lệ thuộc ngoại bang nào là tốt cả,  nhưng trong thời kỳ Pháp thuộc bờ cõi đất nước được giữ vững từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ Hoàng Sa xuống Trường Sa. Về cơ hội phát triển cũng thấy hiện tượng tương tự, đó là các cơ sở hạ tầng và công-thương nghiệp (dù hạn chế do "cách bóc lột bủn xỉn" của người Pháp) vẫn tạo nên sự khác biệt so với thời Vương triều. Thực tế cũng cho thấy viện trợ từ Trung Quốc chỉ  giúp Việt Nam tiến hành chiến tranh nhưng không giúp Việt Nam phát triển. Nền kinh tế Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc sau khi bị Trung Quốc cắt viện trợ. Từ khi hai nước "bình thường hóa quan hệ" lại xuất hiện tình trạng trì trệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và khoa học-kĩ thuật, vì Trung Quốc toàn đưa sang những máy móc, trang thiết bị lạc hậu cùng các thủ đoạn kiềm chế vốn có của họ. Dự án khai thác bauxit Tây Nguyên và hàng loạt các công trình nhiệt điện, khai thác tài nguyên khoáng sản v.v... là những ví dụ. Sự tràn ngập hàng hóa thứ cấp rẽ tiền và hàng có độc tố xuyên qua biên giới đang thực sự đe dọa nền kinh tế Việt Nam. Trong cơn sốt vốn đầu tư hiện nay, không loại trừ khả năng một ngày kia nhà máy, hầm mỏ, ruộng đồng, rừng, biển sẽ rơi vào tay các ông chủ  Trung Quốc.
 
Đã đến lúc để giới lãnh đạo chính trị và giới doanh nhân Việt nam phải tỉnh táo nhận ra nguy cơ càng xích gần với Trung Quốc sẽ càng hạn chế cơ hội tiếp cận với thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới. Về điểm này Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Đông Nam Á nhờ biết giữ khoản cách cần thiết với Trung Quốc đã  có thể phát triển vượt trội chỉ trong thời gian trên dưới 30 năm. Trong khi đó Việt Nam để tuột mất hết cơ hội này sang cơ hội khác  do lấn bấn không thể thoát khỏi vòng cương tỏa của ông bạn lớn.  Tuy vây, cơ hội vẫn còn đó, và nên nhớ rằng, dù được coi là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng còn lâu Trung Quốc mới thực sự thoát khỏi tình trạng lạc hâu và nghèo đói.  
 

Cảnh giác với bẩy "chia để trị"

Xin quay lại với chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc thay nhau đến các nước ASEAN. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình tranh chấp Biển Đông có những diễn biến bất thường, đặc biệt nền kinh tế Mĩ rơi sâu vào khủng hoảng  khiến nội bộ chia rẽ và Chính phủ Liên bang hết tiền tiêu(!) đến nỗi Tổng thống Obama không thể tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAC) và Hội nghị cấp cao APEC 21. Đó là một cơ hội hiếm có  đối với Bắc Kinh để phát huy vai trò nước lớn tại các diễn đàn khu vực, không bị thúc bách trong vấn đề giải pháp Biển Đông. Với khả năng tài chính dồi dào hơn Mĩ, Bắc Kinh giờ đây có thể "mua" các đối tác khu vực đang đói vốn nhằm thực hiện ý đồ chia rẽ nội bộ khối ASEAN (cụ thể đã đạt thỏa thuận hợp tác quy mô lớn với Indonessia, trong đó có hiệp định đánh cá xuyên biển Đông, ký đối tác chiến lược với Malaysia, tăng cường quan hệ toàn diện với Thái Lan, Singapore và các nước khác) Có thể nói đến nay hầu hết các nước thành viên ASEAN đã được "tranh thủ", riêng Campuchia đã bị khống chế, bởi Bắc Kinh,  chỉ còn  Philipin và Việt Nam là hai nạn nhân phải chật vật tìm cách riêng của mỗi nước để đối phó với kẻ thù chung. Điều này có nghĩa Bắc Kinh đã cơ bản hoàn thành âm mưu chia rẽ khối ASEAN - một việc mà cách đây vài năm tưởng còn rất xa vời. Trong khi đó cái gọi là "chủ trương xoay trục" của Mĩ thực tế bị gián đoạn, nếu không nói là "đánh trống bỏ dùi".

Trong bối cảnh nêu trên, không khó để dự đoán sứ mệnh của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là nhằm hoàn thiện chiến dịch chia để trị theo kịch bản đã hình thành từ chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam và được "follow up" bằng việc giảm cường độ lấn chiếm trên biển khiến người ta nhầm tưởng rằng đó là sự thực tâm đáp lại thái độ khiêm nhường của giới lãnh đạo Việt Nam. Nói cách khác, Bắc Kinh đang chủ động thực hiện kịch bản mà họ đã dàn dựng nhằm kéo dài thời gian chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Trong kịch bản này Việt Nam dù giữa vị thế một vai diễn chính nhưng phải diễn theo kịch bản của họ. Về quan hệ song phương thuần túy, chưa biết khách mang theo những gì trong hầu bao, nhưng chắc chắn mục đích chính sẽ nhằm "nắn dòng" Việt Nam vào vùng ảnh hưởng Trung Quốc. Những lời hay ý đẹp sẽ được nhắc đến nhiều hơn.
 
Xem ra chuyến thăm của Lý Khắc Cường mang đến cho Việt Nam nhiều điềm xấu hơn là điềm tốt và đó là một phép thử nữa đối với giới lãnh đạo Việt Nam trong trong việc lựa chọn chiến lược cho đất nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may, hy vọng rằng sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang đánh thức tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của cả dân tộc. Đó là sự tái hiện hiếm hoi sau nhiều năm vắng bóng sự đồng tâm, đồng lòng của toàn thể dân tộc trước vận nước. Và điều này sẽ góp phần hóa giãi những mưu toan của kẻ thù, nhắc nhỡ  giới lãnh đạo chính trị và giới doanh nhân đề cao cảnh giác và tĩnh táo trong đàm phán ký kết./.  
T.K.N

12 nhận xét :

  1. Bản chất của bọ Tàu là thâm độc, đểu giả - ngàn năm nay vẫn thế! Đối với Việt Nam thì bọ chúng LUÔN LUÔN TÌM MỌI CÁCH XÂM LƯỢC NƯỚC TA, ĐÔ HỘ DÂN TA! Không bao giờ "được" trong quan hệ với bọn Tàu. Tốt nhất là: KHÔNG CÒN BÓNG BỌN TÀU TRÊN ĐẤT NƯỚC TA!

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã đọc bài này bên Bách Việt và bây giờ đọc lại ở đây .Cảm ơn GS TKN với những nhận định cực kỳ xác đáng . Tôi biết ông là người rất chừng mực ,nên ý kiến của ông có độ tin cậy cao . Về âm mưu của Trung cộng ,các cựu tướng lĩnh ,các nhà cựu ngoại giao ,các nhân sĩ trí thức đã không ngớt cảnh báo .Nhưng với nhà cầm quyền hiện nay thì như nước lã đổ đầu VỊT .Với Nhân Dân sự cảnh báo nói trên góp phần nâng cao cảnh giác ,hun đúc ý chí ,nâng cao dân trí .

    Trả lờiXóa
  3. http://caunhattan.wordpress.com/2013/10/13/tot-cung-hon-lao-voi-dan-toc-viet-nam-va-dai-tuong-vo-nguyen-giap/

    Trả lờiXóa
  4. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 00:25 15 tháng 10, 2013

    Giao thiệp với Trung Hoa xưa nay luôn luôn là mất với mất . Trong cái đầu của người Hán thì thế giới và nhất là ĐNÁ chỉ là điểm đến của họ . Cứ nhìn lịch sử Trung Hoa và sức bành trướng của họ thì trong 30 tk họ đã loang ra có đến 2/3 thế giới . Có lẽ chỉ còn Mỹ châu La Tinh là ít người Hoa và họ đang nhắm tới đó !
    Cho nên VN muốn có chỗ đứng trước sức bành trướng của Đại Hán chỉ có cách làm theo người Nhật và người Hàn . Tuy vậy chỗ đứng của VN trước Đại Hán mỏng manh hơn người Nhật và người Hàn vì cho đến bao giờ VN mới bằng Nhật và Hàn !

    Trả lờiXóa
  5. Bản chất hung hăng của anh ba..tàu...ai cũng biết ...họ đã từng ngàn năm đô hộ... dạy cho VN. một bài học....đã đánh úp cướp HS. và một phần TS...? vậy mà một số người...nhóm đỉnh cao....cứ ôm nhau thắm thiết thì....thôi rồi....VN....quê hương tôi...cứ mãi ca bài ca mười sáu....chữ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bởi vì họ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân và phe cánh họ , chứ đâu thèm nghĩ cho lợi ích của toàn dân , đất nước?

      Xóa
  6. Bài viết của nhà nghiên cứu Trần Kinh Nghị hoàn toàn đúng. Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của bài viết. Với tinh thần bạn bè, đồng chí chân thành thực sự thì trong lúc khó khăn, hoạn nạn thì phải giúp đỡ nhau chứ. Nhưng với những người láng giềng xấu bụng thì trong lúc khó khăn, họ lại càng làm cho gia chủ khó khăn chồng chất khó khăn.Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, họ đặt viện nghiên cứu Khổng tử tại trường Đại học Hà Nội. Nhưng thực chất người Trung Quốc có bao giờ làm đúng những lời của Khổng Tử đâu. Việc đó diễn ra từ ngay khi Khổng Tử còn sống cho đến tận mãi sau này. Đó chỉ là một mớ lý thuyết giáo điều, một thứ "Treo đầu dê, bán thịt chó"...

    Trả lờiXóa
  7. Những kẻ chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ thì sao có thể hy vọng một chút lương tâm?! Chỉ còn cách, Nhân Dân phải biết tự làm chủ vận mệnh của mình !

    Trả lờiXóa
  8. Trung quốc chính là kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của ta, không phải các nhà lãnh đạo ta không biết điều nầy. Nhưng vì những tính toán sai lầm trong Lịch sữ mà các ông bị lệ thuộc cho đến bây giờ, chưa có cách nào gỡ ra được. Chỉ cần họ đặt lợi ích của quốc gia trên lợi ích Đảng( cũng là lợi ích cá nhân họ). Thì chúng ta sẽ thoát khỏi sự lệ thuộc TQ. Nếu không có một áp lực mạnh mẽ của xã hội thì chắc chắn họ sẽ không thay đổi. Mọi đề nghị, khuyên can đều vô ích, không có ai dại gì lấy dao chặt tay mình, những người đang có được mọi thứ(quyền lực, tiền bạc) lại càng không.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kể từ sau 1945, không ai chống Tàu triệt để bằng Việt Nam Cộng hòa! Tôi chả biết VNCH "phản động" thế nào, nhưng tôi cũng như bạn: "Trung Quốc chính là kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của ta", thì việc họ kiên quyết chống giặc Tàu là biểu hiện rõ nhất của tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm.

      Xóa
  9. TQ là một CẬU BÉ TO XÁC được dúi vào tay rất nhiều tiền và đồ chơi súng ống đao búa thật, cho dù nếu có ai đó muốn so sánh với các cường quốc quân sự nào đó chỉ ra cho thấy về cơ bản vẫn chưa bằng, nhưng cũng đủ gây thương tích và tử vong thực sự cho bất kỳ ai, giống như việc nếu một đứa trẻ con dù sử dụng súng cao su bắn chim nếu bắn đúng chỗ vẫn có thể gây chết người thực sự. Cậu lỏi con này lại có một thái độ trịch thượng, kẻ cả, ngông nghênh kiểu của một anh cao bồi xóm đang nghĩ mình thật là vĩ đại và quyền năng, đã làm cho khối kẻ to con, mà lại còn là dân slicker thực sự, không thể ngó lơ trước một cậu lỏi peasant đầy chất tăng động, và dọa được khối anh nhát gan. Nhưng trong số đó cũng khối anh lợi dụng kiếm chác: mất gì của bọ, miễn là có tiền trong lúc khó khăn, còn đối đầu thì chỉ có ... VN và Phi, chẳng liên quan gì đến mình. Hơn 60 năm trở lại đây VN chưa có bất kỳ một trí tuệ và nhân cách nào thực sự đủ tầm mức để nhìn thấu và tìm được giải pháp cho dân tộc tiến lên phía trước. Nhìn về tương lai có lẽ còn phải mất vài chục năm nữa mới biết liệu một tầm cỡ như vậy có xuất hiện hay không. Tuy nhiên người VN cần phải nhìn nhận lại mình đừng có tư tưởng lại bấu víu vào những thiên tài quân sự, như Thục Quyên vừa đề cập trong bài "Trận đánh tối thượng bị bỏ lỡ ...", ở cái thời đại mà nhiều người vẫn mắc như các bậc tiền bối đã từng lo sợ về sự đe dọa của chủ nghĩa thực dân và đế quốc trước đây, kéo dài mức độ đe dọa không ngừng của nó một cách tuyến tính từ thế kỷ 19 sang tận thế kỷ 21, và vì thế người ta hoang tưởng căng hết sức lực của toàn dân tộc, của toàn bộ tài sản, của cải và tài nguyên tự nhiên của đất nước ra để chống chọi với cái ... cuối cùng chẳng có cái gì cả - một lầm tưởng ảo giác, đó là cả một thời kỳ chiến tranh lạnh và cuộc chiến tranh giai cấp một mất một còn vô cùng khốc liệt với biết bao dân tộc trên thế giới. Thật đáng buồn cho dân tộc này trong suốt thời gian qua vẫn thể hiện nguyên đặc tính ấy, trong khi các dân tộc khác đã nhận ra sau biết bao tổn thất kiệt quệ cả về vật chất, tinh thần và nhân cách, để uốn trở lại với quỹ đạo thực của thế giới văn minh. Cái sự biểu cảm vừa qua như Thục Quyên chỉ ra, cho thấy quả đúng vẫn chỉ là một nỗi thèm khát mang đầy chất vô thức, thiếu vắng những khát vọng vươn tới bằng trí tuệ, tài năng và văn hóa bậc cao mà không cần tới bất kỳ một phẩm chất võ biền nào mà vẫn làm cho những kẻ vũ dũng nào đó phải kính sợ. Có lẽ cái sự "cộng nghiệp" mà Thục Quyên nói tới nó vẫn còn kéo dài nữa ở cái đất nước này. Vậy thì kết quả nào, sản phẩm nào sẽ ra đời trong tương lai từ những cộng nghiệp của những hôm qua, hôm nay và còn sang cả ngày mai nữa? Nản quá khi nghĩ tới cái "sản phẩm" tương lai của cộng nghiệp đó có hình dáng và đặc trưng rất "lạ".lkk

    Trả lờiXóa
  10. Đừng bao giờ nghe người Tàu nói. Ta quan hệ với các nước nhưng đừng bao giờ mất cảnh giác với thằng Tầu!

    Trả lờiXóa