Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

LS. TRẦN VŨ HẢI BÌNH LUẬN TIẾP VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

LS. Trần Vũ Hải: Kết quả của một năm rầm rộ góp ý, chỉnh lý của Dự án sửa đổi Hiến pháp 1992 với  chi phí chi phí ít nhất lên đến nhiều trăm tỷ đồng (đã có hàng chục triệu bản Dự thảo Hiến pháp được in để chuyển đến các hộ dân và có hàng trăm nghìn cuộc họp góp ý) là một bản Dự thảo 4 được trình ra Quốc hội với nội dung cơ bản như Dự thảo 1. 
Bài 3: Bình luận tiếp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sau đúng một năm tiếp thu, chỉnh lý (từ chương III đến hết Dự thảo)
                                                                                                            Trần Vũ Hải
I/. Chương III ( Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường) 

1, Chương III của Dự thảo 1 đề ngày 18/10/2012 (“DT1”) có 16 điều từ điều 54 đến điều 69. Chương III của Dự thảo 4 đề ngày 17/10/2013 (“DT4”) có 14 điều từ điều 50 đến điều 63, rút ngắn 02 điều so với DT1. Sự khác biệt giữa hai Dự thảo này ở chương III chủ yếu do sự sắp xếp lại một số quy định của DT1 ở chương II vào chương III của DT4 và ngược lại. Tuy nhiên, liên quan đến chương III có một số điều chỉnh đáng kể được liệt kê dưới đây.

2, Điều 55 DT1 bê gần nguyên si một số nội dung của Cương lĩnh 2011 của Đảng cộng sản Việt Nam, có liệt kê những thành phần kinh tế. Trong khi điều 51 DT4 (tương ứng với điều 55 DT1) không liệt kê những thành phần kinh tế, nhưng vẫn xác định (như DT1) nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo....Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật... 

Bình luận: Điều khoản này chứa đựng những nội dung mâu thuẫn và không rõ về pháp lý. Cụ thể không rõ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Và kinh tế nhà nước bao gồm những gì? Kinh tế nhà nước là thành phần chủ đạo, vậy làm thế nào để bình đẳng với các thành phần kinh tế khác? 

3,  Khoản 2 điều 57 DT1 Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh” đã bị loại bỏ khỏi chương III DT4. 

Bình luận: Không rõ Nhà nước Việt Nam định gửi thông điệp gì cho nhân dân và các nhà đầu tư thông qua việc loại bỏ nội dung quan trọng này. 

4, Việc thu hồi đất theo khoản 3 điều 59 DT1 có các trường hợp: vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, khoản 3 điều 54 DT4 bổ sung thêm các trường hợp: vì lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. So với DT1, DT4 bổ sung thêm trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt do luật định. 

Bình luận: Bộ luật Dân sự Việt Nam đã thừa nhận quyền sử dụng đất là một loại tài sản – quyền tài sản (nhưng Bộ luật này xác định đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, không ghi là sở hữu toàn dân như Hiến pháp 1992). Hiến pháp 1992 không quy định về thu hồi đất. Với việc ghi và điều chỉnh như trên trong DT4, không rõ quyền sử dụng đất có còn được coi là một loại tài sản hay không? Rõ ràng, so với DT1, DT4 là một bước lùi trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất của người dân. 

5. DT4 không khắc phục được nhược điểm của chương III DT1, khi có nhiều điều khoản là những nội dung mang văn phong của một văn kiện chính trị, không phải của một văn bản pháp lý quan trọng (nhất), ví dụ như điều 50 DT4 cơ bản giữ nguyên nội dung của điều 54 DT1 Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, hoặc như điều 60 DT4 (lấy ví dụ khoản 1) ghi  “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. 

Nhận xét chung:  Ngoài vài điều chỉnh đáng kể nêu trên, DT4 không thay đổi nhiều so với DT1 liên quan đến chương III. Việc tiếp tục quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo, không công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai (ít nhất là đất ở), mở rộng phạm vi thu hồi đất là những nội dung quan trọng của DT4. Nếu tiếp tục thông qua Hiến pháp theo hướng như vậy, tất yếu sẽ khó giải quyết được những vấn đề nổi cộm, bế tắc chưa giải quyết được như hiện nay (gánh nặng của doanh nghiệp nhà nước và những hậu quả phức tạp của việc thu hồi đất) trong thời gian tới. 

II/. Chương IV (Bảo vệ Tổ quốc) 

Chương IV DT4 gồm 5 điều từ điều 64 đến điều 68, tương ứng với 5 điều từ điều 70 đến điều 74 DT1. Về cơ bản, chỉ có một số chỉnh sửa câu từ giữa hai Dự thảo. Đáng chú ý có những điểm chỉnh sửa dưới đây:

a, Điều 65 DT4 bổ sung cụm từ “với Đảng và Nhà nước” sau đoạn “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân(điều 71 DT1 không có cụm từ này).

b, Theo điều 66, quân đội gồm lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên và có thêm dân quân tự vệ (theo DT1 và Hiến pháp 1992, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ có vẻ thuộc một nhóm không đồng nhất với quân đội).

c, Điều 74 DT1 (và Hiến pháp 1992) chỉ nhắc đến công nghiệp quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Điều 68 DT4 đã điều chỉnh, đưa ra những khái niệm mới công nghiệp quốc phòng – an ninh, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh. 

Vấn đề đặt ra: An ninh kết hợp với kinh tế và kinh tế kết hợp với an ninh là như thế nào? 

III/. Chương V (Quốc hội) 

Chương V DT4 (từ điều 69 đến điều 85) về cơ bản không khác chương V DT1(từ điều 75 đến điều 91). Chỉ có vài sự khác biệt như vị trí một số khoản trong một điều được hoán đổi hoặc chỉnh sửa một số câu từ. Ví dụ điều 74 DT4 (tương ứng điều 80 DT1) có khoản 7 quy định về thẩm quyền thành lập, tách, nhập đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, trong khi điều 80 DT1 quy định vấn đề này tại khoản 9.
Tuy nhiên, có một sự chỉnh sửa  đáng tiếc ở điều 77 DT4 so với điều tương ứng là điều 83 DT1. Theo điều 83 DT1, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin hoặc giải trình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, báo cáo hoặc giải trình về các vấn đề mà Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội yêu cầu.

Trong khi điều 77 DT4 chỉ quy định Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và viên chức nhà nước hữu quan khác báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời những kiến nghị, yêu cầu của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. 

Có vẻ DT4 đã ghi không chính xác cụm từ viên chức nhà nước hữu quan khác trong điều 77 DT4 (thay từ viên chức có thể là cán bộ, công chức hoặc người đứng đầu cơ quan nhà nước hữu quan khác).

Theo chúng tôi, ghi theo điều 83 DT1 sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của các Ủy ban (như nhiều Ủy ban của Quốc hội các nước khác). Ví dụ, Ủy ban về Môi trường của Quốc hội có quyền yêu cầu một doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về môi trường  đến phiên họp công khai của Ủy ban báo cáo, giải trình về vụ vi phạm (như vụ Nicotex Thanh Hóa), mời các chuyên gia về pháp luật, môi trường nghiên cứu và trả lời về xử lý vụ vi phạm. Nếu có thẩm quyền như vậy, nhiều vụ việc gây bức xúc cho dư luận, nhân dân sẽ được kịp thời mổ xẻ công khai tại các Ủy ban của Quốc hội.
IV. Chương VI (Chủ tịch nước) 

Chương VI DT4 (từ điều 86 đến điều 93) về cơ bản không khác chương VI DT1 (từ điều 92 đến điều 99). 

V. Chương VII (Chính phủ) 

1, Chương VII DT4 (từ điều 94 đến điều 101) về cơ bản không khác nhiều so với chương VII DT1(từ điều 100 đến điều 107), chỉ thay đổi một số câu từ, vị trí khoản và vài điều chỉnh, bổ sung khác (được liệt kê dưới đây).

2, Điều 95 DT4 về thành phần Chính phủ tương ứng với điều 101 DT1 có những điều chỉnh, bổ sung (so với điều 101 DT1) như:

a, Xác định Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao 

b, Quy định Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ 

c, Bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội…..

3, Nội dung khoản 1 điều 104 DT1 “lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban dân dân các cấp; định hướng chính sách và điều hành hoạt động của Chính phủ được điều chỉnh thành nội dung khoản 1 và khoản 2 của điều 98 DT4. Theo đó Định hướng và điều hành hoạt động của Chính phủ; lãnh đạo việc tổ chức thi hành pháp luật (khoản 1); Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia (khoản 2).

4, DT4 bổ sung tại điều 99 khoản 2 trách nhiệm của Bộ trưởng (so với điều 106 DT1) thực hiện chế độ báo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý. 

VI. Chương VIII (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân)
Chương VIII DT4 (từ điều 102 đến điều 109) tương ứng với chương VIII DTI (từ điều 108 đến điều 115) về cơ bản giữ nguyên nội dung của DT1. Có vài khoản được rút ngắn nội dung, lược bỏ nội dung đã quy định ở chương khác của DT4, chuyển đổi nội dung từ điều khoản này sang điều khoản khác. Thay đổi đáng kể là lược bỏ quy định tại khoản 3 điều 108 DT1 “trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt” và cụm từ “trừ các Viện kiểm sát quân sự” tại điều 115 DT1.
VII. Chương IX (Chính quyền địa phương) 

1, Chương IX DT4 (từ điều 110 đến điều 116) tương ứng với chương IX DT1 (từ điều 116 đến điều 120), so với DT1, là phần được thay đổi, điều chỉnh nhiều nhất của DT4. Số điều của chương này được tăng lên từ 05 điều của DT1 lên 07 điều của DT4.

2, Có những thay đổi, điều chỉnh đáng chú ý sau:

a,  Với quy định tại khoản 1 điều 111 DT4 “Chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, mở khả năng cho phép tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị khác ở nông thôn.

b, Với quy định tại khoản 1 điều 114 DT4 “Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu hoặc do Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp”, cho phép khả năng không nhất thiết hình thành Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân song hành ở mọi cấp hành chính (Hội đồng nhân dân không nhất thiết hình thành ở mọi cấp hành chính).

c, Theo khoản 2 điều 114 DT4, Ủy ban nhân dân ngoài chức năng cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, được giao tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương. 

3, Ngoài những thay đổi, điều chỉnh nêu trên,  những sửa đổi, điều chỉnh khác của chương IX DT4 so với DT1 không đáng kể, chủ yếu thay đổi vị trí điều khoản, ngôn từ. 

VIII. Chương X ( Hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán Nhà nước). 

Chương X DT4 gồm 2 điều 117 và 118 tương ứng với chương X DT1 (từ điều 121 đến điều 124). Chương này của DT4 không thay đổi nội dung gì so với DT1, ngoài việc rút gọn từ 4 điều trong DT1 xuống 2 điều. 

IX. Chương XI (Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp) 

Chương XI DT4 gồm 2 điều 119 và 120 tương ứng với các điều 125 và 126 chương XI DT1. Ngoài bổ sung thêm đoạn “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý” một vài điều chỉnh lặt vặt về câu từ, chương này không thay đổi so với DT1. 

Bình luận: Quy định bổ sung trên khá quan trọng, nhưng không có cơ chế giải quyết, phán quyết khi DT4 đã loại bỏ cơ chế bảo hiến ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội (sau khi đã được nhắc trong các Dự thảo 2 và Dự thảo 3 của Dự án sửa đổi Hiến pháp). 

X. Nhận xét chung về những chỉnh lý, tiếp thu của DT4 so với DT1 sau một năm lấy ý kiến các cơ quan Nhà nước và nhân dân: 

1, DT4 không có thay đổi, điều chỉnh đột phá nào so với DT1.

2, Có vài thay đổi, điều chỉnh đáng kể (về chính quyền địa phương, mở rộng phạm vi thu hồi đất….) và một số thay đổi, điều chỉnh không đáng kể. Nhìn chung, trừ thay đổi, điều chỉnh về chính quyền địa phương (nhưng chưa rõ nét), những thay đổi, điều chỉnh trong DT4 so với DT1 không theo chiều hướng tốt hơn đối với quyền con người, quyền công dân, thể chế kinh tế, thể chế chính trị.

3, Một số góp ý quan trọng cho Dự án sửa đổi Hiến pháp đã từng được ghi nhận trong DT2, DT3 và một Dự thảo khác (đã được hình thành nhưng chưa thấy công bố công khai) đã không thấy xuất hiện trong DT4 (đặc biệt cơ chế bảo hiến).

4, Nhiều nội dung góp ý tích cực, đột phá không chỉ từ nhóm Kiến nghị 72 (và một số nhóm công dân khác), mà còn từ một số cơ quan, tổ chức như Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc… đã không được ghi nhận trong DT4 (chúng tôi sẽ trở lại về nội dung này cũng như so sánh giữa Hiến pháp hiện hành và DT4 trong những bài viết sau). 

5, Kết quả của một năm rầm rộ góp ý, chỉnh lý của Dự án sửa đổi Hiến pháp 1992 với  chi phí ít nhất lên đến nhiều trăm tỷ đồng (đã có hàng chục triệu bản Dự thảo Hiến pháp được in để chuyển đến các hộ dân và có hàng trăm nghìn cuộc họp góp ý) là một bản Dự thảo 4 được trình ra Quốc hội với nội dung cơ bản như DT1.

                                                                                                  Hà Nội, ngày 25/10/2013.


12 nhận xét :

  1. Bao nhiêu ý kiến hợp tình hợp lý của nhân dân- nhất là các nhà trí thức cũng chẳng thay đổi được gì. Ngôn từ có tình lách, chứ thực chất "Vũ Như Cẩn". Ngán!

    Trả lờiXóa
  2. Cơ quan mình tổ chức đến 3 cuộc họp thảo luận ở cấp tổ, nhóm rồi trình lên lãnh đạo.... mất thời gian một người ít nhất là 4 giờ để đọc và góp ý, vậy mà...Mình nghi ngờ không biết họ có đọc không vì riêng cơ quan mình có đến hơn 50 ý kiến rồi còn các cơ quan ban ngành khác nữa. Lãng phí quá.

    Trả lờiXóa
  3. Ngay khi toàn dân bước vào "đợt sinh hoạt chính trị" góp ý sửa đổi hiến pháp, thì nhiếu người, kể cả tôi đều nói rằng, cuối cùng sẽ là
    SAO Y BẢN CHÍNH.

    Giờ thì thấy rồi

    Trả lờiXóa
  4. Vốn dĩ nguời dân không còn quan tâm đến dự thảo hiến pháp nữa, vì có ý kiến cũng chẳng được tiếp thu. Nhưng nhân chuyện báo Tuổi trẻ đăng lời bình của ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng về lời nói đầu của hiến pháp, đại ý theo ông là chưa chặt chẽ, chưa lô gích và không hùng tráng, kẻ hèn này cũng vọng cao bàn thêm một chút:
    1. Lối hành văn tự sự của lời nói đầu hiến pháp đọc lên nghe thật nhàm chán. Mấy chục năm gần đây học sinh cấp 3/trung học phổ thông khi làm văn bài về truyền thống yêu nước/cần cù lao động của nhân dân Việt Nam (đề bài này bất kỳ học sinh cấp 3/trung học phổ thông nào cũng làm ít nhất một lần) đa phần đều khởi đầu bằng " Trải qua bốn ngàn năm dựng nước/giữ nước..." , sau này vì giai đoạn huyền sử còn có nhiều tranh luận nên chuyển thành "Trải mấy ngàn năm...", vì vậy khổ văn đầu đọc lên nghe nhàm quá. Đoạn này, xét theo lăng kính câu chuyện Đại thi sĩ Lý Bạch đời Đường bên Trung Quốc đến thăm Hoàng Hạc Lâu muốn làm thơ vịnh cảnh đẹp nhưng thấy bài thơ của Thôi Hiệu đề vách lâu quá hay đành phải quăng bút, thì Ban soạn thảo hiến pháp cũng không nên sử dụng tứ văn mà cả hàng chục triệu học sinh các thế hệ đã liên tục lặp đi lặp lại mấy chục năm qua.

    Trả lờiXóa
  5. 2. Lịch sử dựng nước, giữ nước của các thế hệ nhân dân Việt Nam, ngoài phần huyền sử, trong hơn 2 ngàn năm trở lại đây, có nhiều giai đoạn hào hùng đã được biết rõ, vậy mà lời nói đầu HP chỉ dành cho 3 dòng, trong khi đó 80 năm từ năm 1930 đến nay được dành tới 10 dòng, có cái gì như là bất kính với tiền nhân.
    2.1 Lịch sử dựng nước và giữ nước của tiền nhân Việt Nam có khoảng 3-4 ngàn năm, nhưng lịch sử lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng của tiền nhân thì có nhiều hơn mấy ngàn năm. Từ những nhóm nhỏ trong hang động, tổ tiên đã miệt mài hái lượm trái cây, săn thú, trồng cây lương thực, thuần hoá gia súc, gia cầm để sinh tồn, phát triển; sáng tạo ra dụng cụ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt... lịch sử ấy có chiều dài 20 ngàn năm (văn hoá Hoà Bình có niên đại 20.000 năm) chứ không chỉ có mấy ngàn năm.
    2.2 Mệnh đề "trải qua mấy nghìn năm lịch sử" có sự gờn gợn về ngữ pháp, trong tiếng Việt từ "lịch sử" có khi là danh từ, có khi là tính từ tuỳ cách dùng. Khi đứng ở đầu mệnh đề, thí dụ "lịch sử Việt Nam" , "lịch sử thế giới" thì đóng vai trò danh từ; khi đứng cuối mệnh đề, thí dụ, 'sự kiện lịch sử", "sứ mạng lịch sử" thì đóng vai trò tính từ; khi là danh từ nó có nghĩa là "quá trình phát sinh, phát triển đã qua hay cho đến tiêu vong của một hiện tượng, một sự vật nào đó diễn ra theo thứ tự thời gian", khi là tính từ nó có nghĩa là "thuộc về lịch sử của các quốc gia, dân tộc, có tính chất, ý nghĩa quan trọng trong lịch sử" (Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm từ điển học Vietlex). Cách dùng từ lịch sử trong mệnh đề "trải qua mấy nghìn năm lịch sử" (= trải qua mấy nghìn năm của quá trình phát triển) trong đoạn mở đầu hiến pháp là dùng với vai trò, ý nghĩa danh từ, không phải là dùng với vai trò, ý nghĩa tính từ (= trải qua mấy nghìn năm thuộc về lịch sử/có ý nghĩa lịch sử) nhưng đứng ở vị trí của tính từ, vì thế đọc nghe gờn gợn. Khi viết văn có thể viết "trải qua mấy nghìn năm lịch sử..." vì văn chương có thể đại khái, nhưng đối với hành văn hiến pháp cần phải viết thật chuẩn xác, không thể viết lôm nhôm, đại khái được.

    Trả lờiXóa
  6. 3. Đoạn 2 có ý: nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Ý này không ổn, đấu tranh thống nhất đất nước thì nhân dân chia làm hai phía, bên này thắng thì bên kia thua, cả hai đều là nhân dân cả, không thể gộp nhân dân thua đứng vào hàng ngũ nhân dân thắng được. Bên cạnh đó, ý về làm nghĩa vụ quốc tế cũng cần phải cân nhắc có nên nêu ra hay không, vì, nói chung trên bình diện quốc tế việc can thiệp của một nước vào một nước khác luôn có ý kiến trái chiều, trong quá khứ Nhà nước Việt nam cũng thường phản đối chủ nghĩa can thiệp.
    4. Hiến pháp là sáng tạo của nền pháp lý dân chủ tư sản, đối vớ các nước tư bản hiến pháp là văn bản tối thượng, thể hiện ý chí của đa số công dân thực thụ qua trưng cầu dân ý, có giá trị hàng trăm năm. Hiến pháp của Việt nam không có được địa vị như hiến pháp các nước tư bản, vì nó chỉ là văn bản thể chế hoá cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, có khi nó còn có vị trí pháp lý thấp hơn Nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản.
    Việc hiến pháp có địa vị pháp lý thấp là thực tiễn ở Việt Nam, không thể chối cãi, nhưng thực sự cũng không cần thiết phải khẳng định rõ như tại đoạn 3 của lời nói đầu "Thể chế hoá Cương lĩnh ... của Đảng Cộng sản" như cha ông ta hay nói: tốt khoe, xấu che.
    5. Nếu không viết được lời mở đầu hùng tráng thi nên bỏ trống, không cần lời nói đầu./.

    Trả lờiXóa
  7. Đại biểu quốc hội không có nhiều kiến thức về luật pháp, nhưng họ có quyền làm luật và có quyền giơ tay biểu quyết những điều luật mà chính họ cũng chẳng hiểu mô tê gì cả. Đó chính là nguyên nhân của việc cả rừng luật nhưng phải xử bằng luật rừng trong thực tế hành pháp hiện nay. Những người như ông Trần Vũ Hải sẽ không bao giờ được tham gia làm luật trong một cơ chế như thế này bởi ông là người không biết "vâng lời" và luật của những người như ông đồng hành với dân quyền nhưng mâu thuẫn nặng nề với luật của các nhóm lợi ích...

    Trả lờiXóa
  8. " Kết quả của một năm rầm rộ góp ý, chỉnh lý của Dự án sửa đổi Hiến pháp 1992 với chi phí ít nhất lên đến nhiều trăm tỷ đồng (đã có hàng chục triệu bản Dự thảo Hiến pháp được in để chuyển đến các hộ dân và có hàng trăm nghìn cuộc họp góp ý) là một bản Dự thảo 4 được trình ra Quốc hội với nội dung cơ bản như DT1."
    Còn bao nhiêu việc tương tự như vậy. Đất nước này không bội chi NS mới là chuyện lạ.
    Xót tiền dân quá!

    Trả lờiXóa
  9. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 00:10 26 tháng 10, 2013

    HP qui định mọi định chế chính trị trong nước CHXHCNVN đều do QH và chịu trách nhiệm trước QH . CTN, TTCP, TAND TC , KTNN đều do QH bầu ra và chịu trách nhiệm trước QH. Còn chính QH lại khô ng tuyên bố chịu trách nhiệm trước Quốc Dân . QH tự tuyên bố là Cơ Quan quyền lực cao nhất nước do QD bầu ra . Vậy thì còn QD cao hơn QH nên QH phãi chịu trách nhiệm trước QD ! và QD phải được hỏi ý kiến về toàn bộ HP bằng Trưng Cầu Ý Dân ! Rõ ràng không ai có thể tuyên bố đa số QD đồng ý với DTHP vì thực tế là nhiều ý kiến đóng góp của ND về SĐHP đã không được tiếp thu như KN 72, Ý Kiến đóng góp SĐHP của HĐGMVN . Nếu những ý kiến đóng góp này được tiếp thu thì nó đã thể hiện trong DT đệ trình QH ! Vì vậy cần phải có TCYD về HP sau khi QH thông qua DTHPSĐ.
    HP cũng qui định ĐCS lãnh đạo NDVN ( tuy không còn dùng từ " duy nhất " ) . CTN, TTCP khi nhậm chưc phải tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc và Bảo vệ HP mà không hề qui định LĐ Đảng là TBT cũng phải tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc và bảo vệ HP. Điều này đặt LĐĐCS ra ngoài
    HP, trong khi HP lại qui định ĐCS phải dưới sự chi phối của Luật pháp tức là Đảng CS cũng phải tuân theo HP !

    Trả lờiXóa
  10. Cái cơ bản nhất là chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất rất giả cầy. Tư duy "công hữu về tlsx" vẫn tồn tại trong não trạng của những người hoạch định chính sách, họ trung thành với tuyên ngôn ĐCS mà lẽ ra VN phải uyển chuyển để thay đổi. Có đến 70% doanh nghiệp là của tư nhân. Thế nhưng HP vẫn quy định chế độ công hữu về tlsx, mà đất đai là tlsx chủ yếu.
    Nếu đất đai được quy định đa sở hữu thì mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều, kể cả quy định về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nhân quyền .... vì TLSX là cơ sở hạ tầng. Một khi cơ sở hạ tầng được xác lập đúng với bản chất của nó thì kiến trúc thượng tầng phải phù hợp với nó. Vì là "giả cầy" nên cứ hết nghiên cứu này, hội thảo kia đều lúng túng như gà mắc tóc. Sử dụng hết các chuyên gia lý luận về CNXH viết bài phân tích về mặt lý luận để bảo vệ, để "kiên định" sở hữu toàn dân, thậm chí mạt sát những ý kiweesn trái chiều cũng không thuyết phục nổi. Vì lý luận của họ cứ lộn tùng phèo cả lên. Bịt đầu này, hở đầu kia.
    Rõ ràng là chế độ sở hữu là cái quyết định hết thảy. Không thay đổi chế độ sở hữu tòa dân về đất đai thì mọi quy định khác trong hiến pháp nếu có tiến bộ chỉ là hình thức. Có thực mới cực được đạo. Câu nói dân gian, đơn giản của ông bà để lại xem ra đáng để các nhà lập pháp suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  11. Quốc hội có tới >90% đại biểu là đảng viên thì chỉ có giơ tay biểu quyết theo N/Q của đảng , đ/c nào dám không? Vậy có nên góp nữa hay không đây, chỉ phí thời gian và tâm huyết của nhân dân. N/Q XI ĐH ĐCSVN vẫn khẳng định con đường đi theo CNXH, tức là công hữu mọi thứ, ( trừ vợ - chồng), trong đó có đất đai. hết ý kiến !

    Trả lờiXóa
  12. Trích: " ... cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta dã dành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh ... thống nhất đất nước" (hết trích). Việc nhờ ngoại bang giúp đỡ trong các cuộc nội chiến (đặc biệt rõ nét là giai đoạn 1973-1975 sau khi người Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam), xưa nay là một việc không nên làm vì cái giá phải trả là rất đắt, vinh quang gì mà đưa vào hiến pháp, vinh danh việc đó là đại nghịch vô đạo. Ai biết được trong số hàng triệu binh lính, viên chức dân sự, dân thường Việt Nam Cộng Hoà bị giết, bị chết trong chiến tranh Bắc Nam, trong hàng chục ngàn người bị đày đoạ, giam giữ đến chết trong các trại cải tạo sau khi đã buông súng chịu thua người Cộng sản miền Bắc có bao nhiêu người mang huyết thống Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi,, Quang Trung và bao nhiêu anh hùng tiền nhân tiết liệt khác?
    Có sự liên hệ nào chăng giữa việc nợ ơn Trung Quốc giúp đỡ súng đạn, quân nhu trong cuộc chiến tiêu diệt chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, giành quyền cai trị miền Nam Việt Nam với sự im lặng trước nhân dân miền Bắc khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 và trước nhân dân cả nước khi TQ chiếm mấy đảo ở Trường Sa năm 1988, mãi đến năm 2011 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai trước Quốc hội nhân dân mới được biết chính thức?

    Trả lờiXóa