Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

LOẠT BÀI CỦA LS. TRẦN VŨ HẢI NHÂN KỲ HỌP 6 QH KHÓA XIII - BÀI 1


Những bài viết của LS Trần Vũ Hải 
nhân Kỳ họp 6 Quốc hội Khóa 13 (Bài 1)

Giới thiệu của Diễn Đàn Xã hội Dân sự: Nhân kỳ họp rất quan trọng của Quốc hội, kéo dài hơn thường lệ (44 ngày), sẽ dứt khoát thông qua Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai 2003, LS Trần Vũ Hải đã gửi tới Diễn đàn Xã hội Dân sự Bài viết số 1, trong loạt bài và thư phân tích các khía cạnh pháp lý của các văn bản mà Quốc hội sẽ thông qua lần này, cùng một số vấn đề liên quan khác. 

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với độc giả và chân thành cám ơn Luật sư Trần Vũ Hải. 
BT
————

Thư gửi Đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (đề nghị ông Tổng Bí thư yêu cầu các Đại biểu Quốc hội là đảng viên khi thông qua Dự án sửa đổi Hiến pháp phải tuân theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam về nội dung xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp).

Kính gửi:   Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam

Đồng kính gửi: -  Ông Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị,  Chủ tịch nước
Ông Nguyễn Sinh Hùng –  Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội
-  Ông Nguyễn Tấn Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ

Tôi – Trần Vũ Hải, công dân Việt Nam, hành nghề luật sư tại 81 phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội và 66 Huỳnh Khương Ninh, quận 1, Tp Hồ Chí Minh, xin gửi tới các ông lời chào trân trọng.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII (khai mạc hôm nay) sẽ thông qua Dự án sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Với tư cách một người nghiên cứu về Hiến pháp và hành nghề luật sư, tôi đặc biệt quan tâm đến cơ chế bảo hiến được quy định trong Hiến pháp.

 Đảng Cộng sản Việt Nam (“ĐCSVN”) đã thông qua Nghị quyết Đại hội lần thứ X vào ngày 25/4/2006, trong đó có nội dung Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng  khóa IX tại Đại hội X này. Điểm 2 (tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa) mục XI của Báo cáo này có nêu: “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Do trong Hiến pháp 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) chưa quy định về cơ chế phán quyết này, nên phải được hiểu khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 sau Đại hội X, nội dung này phải được thực hiện.

Nghị quyết của Đại hội XI của ĐCSVN năm 2011 đã không hủy bỏ nội dung trên. Như vậy, nội dung này vẫn có giá trị đối với các đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa.

Trước kỳ họp này, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chánh Văn phòng Quốc hội đã cho biết, có 02 phương án liên quan đến cơ chế bảo hiến: phương án 1 quy định việc tổ chức Hội đồng Hiến pháp (với chức năng kiến nghị là chính, không có chức năng phán quyết), phương án 2 giữ nguyên như hiện hành. 

Nếu đúng như vậy, theo chúng tôi cả 02 phương án này đều không phù hợp với nội dung trên của Nghị quyết X của ĐCSVN.  Theo nội dung đã dẫn của Nghị quyết X, thiết chế bảo hiến được xây dựng có quyền phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nói cách khác, thiết chế này sẽ xem xét những khiếu nại về vi hiến của những cơ quan quyền lực Nhà nước và xác định có việc vi hiến hay không, giải quyết vụ việc vi hiến như thế nào? Thiết chế này tương đương với Tòa bảo hiến ở nhiều nước.

Do có quan điểm cho rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất tại Việt Nam, nên không thể có thiết chế hủy bỏ quyết định của Quốc hội. Tức cho rằng thiết chế bảo hiến ở Việt Nam (nếu có) không có quyền hủy bỏ Luật, Nghị quyết của Quốc hội khi có những quy định vi hiến trong Luật, Nghị quyết, nên cơ chế Tòa án bảo hiến khó hiện thực tại Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng, Hội đồng Hiến pháp có thể là một cơ chế phù hợp thực tế hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, Hội đồng Hiến pháp phải có chức năng phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tức có quyền xác định có vi hiến hay không và giải quyết vụ việc vi hiến, khi có khiếu nại  của công dân, tổ chức. Riêng đối với hoạt động lập pháp của Quốc hội, Hội đồng Hiến pháp có quyền xác định nội dung trong một đạo luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội là vi hiến, nhưng không có quyền hủy bỏ đạo luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, Hội đồng Hiến pháp có quyền đình chỉ hiệu lực của đạo luật, Nghị quyết (hoặc đình chỉ hiệu lực một phần của đạo luật, Nghị quyết) có nội dung vi hiến. Quốc hội có trách nhiệm phải kịp thời sửa đổi nội dung vi hiến của đạo luật, Nghị quyết liên quan theo khuyến nghị của Hội đồng Hiến pháp. Xây dựng một thiết chế như trên trong Hiến pháp vẫn đảm bảo nội dung xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Vì vậy, chúng tôi kêu gọi ông Tổng Bí thư ĐCSVN yêu cầu các Đại biểu Quốc hội là đảng viên ĐCSVN phải tuân thủ nội dung trên của Nghị quyết X khi thông qua Dự án sửa đổi Hiến pháp 1992, một việc phải làm để đảm bảo Hiến pháp là một đạo luật có hiệu lực trực tiếp.

Trường hợp lãnh đạo ĐCSVN cho phép đảng viên không có nghĩa vụ phải tuân theo một nội dung quan trọng của Nghị quyết Đảng (mà nội dung đó lại tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế), sẽ là một tiền lệ xấu cho việc giữ gìn kỷ luật Đảng, vốn là thế mạnh của một Đảng Cộng sản.

Xin cám ơn các ông đã quan tâm đến Thư này của tôi.

Trân trọng.
Hà Nội, ngày 21/10/2013
Công dân Trần Vũ Hải 
_______________



1 nhận xét :

  1. Nếu như TBT NPT thực hiện theo yêu cầu của LS Hải thì hóa ra Quốc Hội biến thành Đảng Hội

    Trả lờiXóa