Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

BBC: VIỆT NAM SẼ CẮT LÀM ĐÔI NẾU CÓ SỰ CỐ HẠT NHÂN

 Thảm họa hạt nhân ở Fukhushima để lại hậu quả lâu dài cho Nhật Bản

VN sẽ cắt làm đôi nếu có sự cố hạt nhân

Việt Nam có thể sẽ bị chia cắt ra làm đôi, trong khi xuất khẩu, kinh tế bị tê liệt ngay tức khắc và toàn bộ dải đất miền Trung sẽ bị ô nhiễm phóng xạ bao trùm trong nhiều năm nếu xảy ra một thảm họa hạt nhân như vụ Tchernobyl hay Fukushima, theo cảnh báo của một chuyên gia điện hạt nhân từ Pháp.


Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 05/9/2013 từ Paris, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF) cũng cảnh báo Việt Nam có thể sẽ phung phí hàng chục, hàng trăm tỷ đô-la mà không đem lợi ích gì cho đất nước trong khi sẽ để lại cho hàng chục thế hệ con cháu nguồn chất thải phóng xạ mà theo ông 'ngàn đời vẫn còn nguy hiểm.'

Cựu Giáo sư về điện và năng lượng hạt nhân ở Đại học Grenoble của Pháp đưa ra lời kêu gọi chính quyền Việt Nam khẩn trương tổ chức trưng cầu dân ý về các dự án phát triển điện hạt nhân và các lò phản ứng mà ông cho là quá tham vọng, lãng phí và đầy rủi ro trong khi Chính phủ cho rằng đây là lời giải cho khan hiếm năng lượng điện.


Việt Nam đang trong lộ trình thực hiện Định hướng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2030 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt hồi tháng 6/2010, theo đó 14 lò phản ứng hạt nhân được dự kiến bố trí chủ yếu ở miền Trung Việt Nam, gồm các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Hà Tĩnh, với các khoản kinh phí khổng lồ từ nguồn vốn ngân sách và vay nợ.


Bình luận của Giáo sư Nhẫn, người có trên 30 năm nghiên cứu về điện hạt nhân, được đưa ra sau khi Ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận cho truyền thông Việt Nam hay họ đã tổ chức tập huấn, tham quan một lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho hơn 15 đoàn đến từ Ninh Thuận để học tập kinh nghiệm, tìm hiểu năng lượng hạt nhân và an toàn phóng xạ.


Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Việc tỉnh Ninh Thuận đưa các đoàn đi tham quan Lò phản ứng Đà Lạt, như báo Đất Việt đưa tin, có tính chất tuyên truyền nhiều hơn là để cho dân chúng hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của phóng xạ. Lò nghiên cứu Đà Lạt (có công suất) 0,500 MW nhiệt, không nguy hiểm bằng lò Điện hạt nhân ở Ninh thuận 3000 MW nhiệt.


BBC: Theo ông, Ninh Thuận đang đứng trước nguy cơ gì khi nhận đặt 2 nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh của mình?


Ninh Thuận cũng như các tỉnh Quảng Ngải, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh đều sẽ gặp nguy cơ lớn nếu có biến cố xảy ra, vì theo chương trình Điện hạt nhân của Việt Nam, cả thảy 14 lò phản ứng (1000 MW đến 1500 MW điện) sẽ được xây cất ở 5 tỉnh miền Trung này từ 2014-30.


Nguy cơ bất cứ năm tỉnh đó (gặp phải) là lúc có một tai biến xảy ra, như thảm họa Fukushima chẳng hạn, phóng xạ sẽ lan toàn tỉnh và xung quanh vùng miền Trung. Vì vậy, dân chúng phải di tản. Tôi không biết chính phủ làm thế nào để dân phòng chất thải phóng xạ rất nguy hiểm cho tính mạng. Môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng.

'Thao túng thông tin?'


BBC: Theo ông người dân đã được hỏi ‎ ý kiến đầy đủ chưa, hay họ thiếu cung cấp thông tin hoặc bị thao túng?


Theo tôi người dân không thể nào được hỏi ý kiến đầy đủ vì thiếu thì giờ và trình độ hiểu biết về hiện tượng vật lý và hạt nhân. Lẽ cố nhiên họ bị thao túng vì không được cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ.


BBC: Một nhà khoa học Việt Kiều từ châu Âu, Tiến sỹ Trần Đại Phúc từng được báo Hà Nội Mới trích ý kiến nói ở Việt Nam "từ nay đến năm 2050, không gì thay thế được năng lượng hạt nhân." Giáo sư bình luận gì về nhận định này?


Nói rằng từ đây đến 2050, không gì thay thế được Điện hạt nhân thì hoàn toàn không đúng sự thật. Các nước trên thế giới, năm 2013, đã đầu tư 250 tỷ đô-la vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nhất là điện gió và mặt trời. Đan Mạch đến 2050 sẽ sử dụng 100% điện mặt trời, Đức đang dẫn đầu về điện gió và điện mặt trời. Thử hói tại sao Đức đã hy sinh hàng trăm tỷ đô-la, can đảm từ bỏ điện hạt nhân năm 2022 tới?
.

"Vì sự sống còn của đất nước, tôi thiết tha đề nghị Chính Phủ VN cấp tốc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về chương trình Điện hạt nhân quá tham vọng, không kinh tế và vô cùng nguy hiểm cho đồng bào vô tội" - GS Nguyễn Khắc Nhẫn (đứng)


Các cuộc lobby (vận động hành lang) hạt nhân tuyên truyền 'láo', đề cao điện hạt nhân đã lỗi thời thay vì khuyến khích việc khai thác triệt để năng lượng tái tạo. Hiện nay ở Pháp và ở Âu Châu, điện gió trên đất liền đã cạnh tranh được với điện cổ điển và hạt nhân.


BBC: Ý kiến chuyên gia nói các thảm họa hạt nhân từng biết đã xảy ra ở Ukraina, Mỹ, hay Nhật Bản đều xuất phát từ thiếu sót của con người, theo ông có khả năng nào con người sẽ kiểm soát được hết các sự cố?


Tất cả các biến cố đã xảy ra như Tchernobyl, Three Miles Island và Fukushima đều do con người mà ra, do sai lầm, do thiếu trình độ. Những rủi ro ấy, không phải vì thiết bị hay thiết kế, những thảm họa xảy ra hoàn toàn là do con người. Lẽ cố nhiên, có sơ suất về trang bị, về thiết kế, nhưng vấn đề nhân sự là chính.


Nếu Việt Nam chưa có đủ nhân tài, chưa có đủ chuyên gia, chưa đủ kỹ sư để xây cất, để khai thác, theo tôi, không nên làm điện hạt nhân, vô cùng nguy hiểm. 

'Bàn tay nhóm lợi ích?' 

BBC: Ông có nghĩ là có nhóm lợi ích trong và ngoài nước nào đã thao túng quyết định đặt "bằng được" các dự án hạt nhân ở Ninh Thuận? Có vấn đề gì từ những người buôn bán lò phản ứng cho Việt Nam như từ Nhật, từ Nga?


Ta có thể đặt câu hỏi vì lý do gì Việt Nam không chịu thay đổi chiến lược. Áp lực từ đâu đến? Vấn đề chính trị hay các tay buôn ngoại quốc lợi dụng chúng ta, một hai họ quyết tâm phải bán lò cho Viêt Nam mà sự thật là các lò phản ứng tồn kho.


BBC: Có thể biết các công ty trung gian nào có vai trò quyết định trong việc móc nối mua bán lò phản ứng cho Việt Nam?


Sự thật tôi không biết công ty ngoại quốc trung gian nào, ai có ảnh hưởng và quyền lợi lớn trong các lobby này, ai có cơ hội làm giàu trên đầu dân ta, bất kể sự nguy hiểm cho tính mạng con người.


BBC: Ông tư vấn gì cho người dân và chính quyền Ninh Thuận hiện nay và có lời khuyên gì với Việt Nam trong vấn đề điện hạt nhân nói chung và các tỉnh khác có liên quan nói riêng, nhất là trong tình huống xảy ra sự cố?


Nếu một thảm họa như Tchernobyl hay Fukushima xảy ra thì cả miền Trung sẽ bị phóng xạ bao trùm và đất nước ta sẽ bị chia đôi lâu dài, du lịch, xuất khẩu, kinh tế sẽ bị tê liệt trong chớp nhoáng. Ta sẽ phung phí hàng chục rồi hàng trăm tỷ đô-la mà không đem lợi ích gì cho đất nước.


Ta sẽ để lại cho hàng chục thế hệ con cháu chất thải phóng xạ ngàn đời vẫn còn nguy hiểm. Vì sự sống còn của đất nước, tôi thiết tha đề nghị Chính Phủ Việt Nam nên cấp tốc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về chương trình Điện hạt nhân quá tham vọng, không kinh tế và vô cùng nguy hiểm cho đồng bào vô tội.

Nguồn: BBC Việt ngữ


18 nhận xét :

  1. Những cảnh báo khủng khiếp ! Nhưng liệu các nhà lãnh đạo Đ và NN chú ý tới hay không ? Hay nó cũng như vụ bauxite ? Thảm họa hạt nhân còn kinh khủng gấp triệu lần bauxite . Các nhà lãnh đạo nếu còn chút trách nhiệm với tương lai đất nước hãy suy nghĩ và mời các chuyên gia như GS Nguyễn Khắc Nhẫn ra điều trần trước QH về vđ ĐHN. Việc điều trần này chắc chắn chỉ có lợi cho Đ và NN , có lợi cho toàn dân .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Duy Vật Biện Chứnglúc 06:54 8 tháng 9, 2013

      Chỉ cần yêu cầu những kẻ chủ trương làm điện hạt nhân ở đâu thì gia đình họ phải đến đó ở,đơn giản vậy thôi.

      Xóa
    2. Không họ chuẩn bị đâu vào đó rồi . Con cháu họ đang ở California , Newyork , Washington , Toronto , London , paris , Sydney ......Còn họ chỉ cần lái xe ra phi trường thì hảng hàng không quốc gia VN đưa họ đi gặp con cháu của họ . Chỉ tội cho 90 triệu dân còn ở lại , hít bụi phản xạ mà ung thư tới 3 đời ! trong đó có Duy Vật Biện Chứng và dân oan tôi !

      Xóa
    3. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 02:32 11 tháng 9, 2013

      VN chia cắt vì QG với CS đã khổ bao đời rồi ( ít nhất là ba đời ) vẫn chưa hàn gắn được nay mà bị chia cắt về ĐHN chắc Tổ Quốc sẽ tiêu tùng . Lúc đó thiếu gì chính trị gia cơ hôi nhảy ra cổ súy cho những MT kiểu như Fulro . Những cái đầu sáng suốt hiểu biết rõ về sự khủng khiếp của phóng xạ nguyên tử mách bảo cho NCQ mà nhất định NCQ không nghe mà lại chỉ vì những nhóm lợi ích tác động làm hại đến giang sơn tổ quốc thì NCQ đó chẳng phải do dân, của dân và vì dân .
      VN mà bị chia cắt vì ĐHN sẽ tốn bao nhiêu máu xương nữa để thống nhất, sẽ có bao nhiêu nghĩa trang Trường Sơn , sẽ còn bao nhiêu nắm mồ chiến sĩ vô danh . Có lẽ chẳng còn gì nữa . Cả nước chỉ là những đống xương trắng nạn nhân của phóng xạ nguyên tử !
      Chắc chắn các nước Lào, CPC, Thái Lan sẽ lên tiếng . Khói bụi vì cháy rừng ở Indonesia còn làm cho Singapore , Malaysia ngộp thở, huống chi phóng xa nguyên tử ở VN không ảnh hưởng gì đến Lào, CPC, Thái Lan ? Bụi than cũa núi lửa Pinatubo từ Philippines còn bay qua VN cách xa hàng ngàn Km, còn Ninh Thuận cách Lào, CPC, Thái Lan bao xa ?
      Dẫy Trường Sơn đâu có ngăn được phóng xạ ?

      Xóa
  2. Bằng mọi giá phải ngăn chặn việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên đất Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  3. Ta bỏ ra hàng 100 tỷ dollar để đặt ngay giửa cái thân hình chữ S của đất nước một quả bom hạt nhân.Nếu bom nổ lại bỏ ra hàng 100 tỉ để cứu vãng môi trường sống.Người Nga gọi nhà máy điện hạt nhân Tréc-nô-biu
    ,từng đầy tự hào ngày nào là " cái quan tài bê ton".Người Nga vẫn còn sợ nó ,người Nhật đang khổ vì nó.Còn ta thì cố rước về nhà gắn ngay vào cái cột xương sống của đất nước và trấn an cho nhau sẻ không có gì xảy ra đâu.Mỗi nhiệm kỳ 5 năm,2,3 nhiệm kỳ thì nhà máy khánh thành,người lãnh đạo quốc gia quyết định ,ký kết xây dựng cũng phải về hưu,và cũng thành người thiên cổ.Nhà máy còn đó,quả bom còn đó có thể nổ bất cứ lúc nào ,AI LO?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "không có gì xảy ra đâu" trước khi làm ai mà không nói thế

      Xóa
  4. Đừng vì "lợi ích nhóm" mà dẫn đến hủy diệt cả đồng bào nhiều thế hệ.

    Trả lờiXóa
  5. Phản đối việc xây dựng ĐHN trên đất nước này.Hãy dùng số tiền đó xây dựng điện gió vừa tạo ra môi trường yên lành vừa tạo nên phong cảnh yên bình và thơ mộng để thu hút du lịch.Không được để cho lớp con cháu sau này không còn đất sống vừa phải què quặt thể xác do phóng xạ vừa què quặt kinh tế do kinh phí chạy chữa di chứng do phóng xạ gây nên

    Trả lờiXóa
  6. Đến lúc đó thì những kẻ chén bẫm trong vụ điện hạt nhân này đều đã "hết trách nhiệm" hoặc chỉ còn nắm xương.
    Chỉ có thế hệ con cháu, chút chít của chúng ta là "lãnh đủ"! Sự ngu dốt bao giờ cũng sẽ bị trả giá!

    Trả lờiXóa
  7. Không sao. Nếu có sự cố thì chỉ dân đen chết thôi chứ đảng cộng sản Việt nam đâu có chết. Vì thế: Bằng mọi giá, đảng cộng sản Việt nam phải cương quyết làm điện hạt nhân cho bằng được. Nếu ai đứng ra góp ý, can ngăn, lập tức bắt nhốt với tội danh: Xuyên tạc, vu khống nhằm lất đổ....

    Trả lờiXóa
  8. Xin đừng nói là chủ trương lớn của Đảng nhé !lúc 21:45 7 tháng 9, 2013

    Nếu cũng giống những dự án điên trước kia (Bauxit, Đường sắt cao tốc ...) để rồi sau khi "lấy ý kiến nhân dân" chán chê rồi, để rồi bất luận dân tình phản đối, người ta mới chốt hạ một câu : "Đây là chủ trương lớn của Đảng, miễn bàn !". Thế là hết ! Thế là chết!

    Trả lờiXóa
  9. Bọn quan chức tham nhũng nhằm vào các dự án ,cứ có dự án là chúng ăn cắp được tiền của . Các dự án điện hạt nhân cả chục tỷ đôla ,rất béo bở nên chúng tìm mọi cách thực hiện ,bất chấp mọi lời cảnh báo .Nếu có sự trả giá thì dân tộc này ,nhân dân này gánh chịu ,chứ bọn chúng thì cao chạy xa bay .

    Trả lờiXóa
  10. Khi có sự cố hạt nhân tại Ninh thuận thì VN sẽ bị cắt thành đôi: bắc và nam. Khi có đường sắt cao tốc Bắc Nam, VN sẽ bị chia làm hai phần đông và tây, vì với tốc độ chạy tầu tới 300km/h thì mọi đường vượt qua đường sắt này phải giao lập thể, và như thế rất bất lợi cho quốc phòng . Với bâu xít, toàn bộ Tây nguyên bị khống chế. Các tầu chiến TQ áp sát đường biển. Tên lửa của quân khu TQ có thể bay tới Hà Nội trong vòng 18 phút. Các chốt biên giới TQ đã cài sẵn vì các chốt này dần được TQ tặng tiền thì làm gì còn sức mà giữ chốt nữa. Các thương nhân TQ sẽ trở thành sát thủ (đầu mưng mủ!), các công nhân TQ đang làm việc tại các công trường sẽ trở thành nội công . Thế là hết. Chẳng còn gì nữa, nào Đ lãnh đạo, nào Công nông liên minh, nào khối đại đoàn kết nhân dân, một đảng chẳng còn, đâu nói đến đa đảng. Ong poanh phi nan.

    Trả lờiXóa
  11. Hàng bao nhiêu người bị nhiễm chất độc màu da cam rồi mà không thấy sợ à ! Chất độc MDC phải ăn ,uống,dính phải mới có tác dụng . Còn phóng xạ chỉ cần ở gần đã bị nhiễm rồi ,mức độ nguy hiểm của phóng xạ hạt nhân lớn gấp nhiều lần chất độc màu da cam thế mà còn dám đem về . Với khả năng tài chính và KHKT như Nga,Mỹ,Nhật khắc phục sự cố hạt nhân còn là một điều vô cùng khó khăn . Với khả năng tài chính và KHKT của VN nếu sảy ra sự cố hạt nhân thì chết là cái chắc .
    Thật là ý tưởng điên rồ !

    Trả lờiXóa
  12. Đúng thế. Ý này cách đây mấy háng mình cũng có comment.
    Việt Nam sẽ bị cắt làm đôi. Chẳng phải tên đế quốc nào cắt, mà chính là nhà máy điện hạt nhân sẽ cắt. Miền Bắc, miền Nam lúc đó chỉ có đi đường không mới an toàn. Sự cố xảy ra thì không có ô tô, tàu hỏa nào chạy qua cả.
    Ta tự cắt ta làm hai mảnh. Từ sự chia cắt về địa lý sẽ dẫn tới sự mất thống nhất về mặt nhà nước. Miền Bắc sẽ dễ dàng trở thành một tỉnh của Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  13. Đem ra Hoàng sa mà làmlúc 15:16 8 tháng 9, 2013

    Có lẽ, nên triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Quần đảo Hoàng Sa là hay nhất, có thể tốn ít tiền cho đường cáp dẫn, nhưng được cái an toàn tối đa cho đất liền, vừa khẳng định và giữ được chủ quyền biển đảo.

    Trả lờiXóa
  14. Đường sắt cao tốc mới nguy hiểm chứ. Nguy hiểm hơn cả điện HN. Vì với tốc độ chạy tầu 250-300km/h thì phải hình thành 1 hành lang đường ray bất khả xâm pham. Không ai có thể qua, không thể có bất kỳ đường giao bằng. Mọi đường giao phải là lập thể. Đất đai phải chia làm hai. Sẽ hình thành hai nước Việt Đông và Việt Tây. Rất bất lợi cho Quốc phòng. Cộng với nếu có sự cố ĐHN Ninh thuận, VN sẽ bị chia làm 4. Các thế lực thù địch sẽ thỏa sức đục nước béo cò. Chính quyền TU sẽ bất lực.VN sẽ như phải trả lại đất cho Chiêm thành và Chân Lạp. trước đây để cho hai nước này trở về với chủ cũ của họ. Bắc phương sẽ kéo xuống và các thành phần bất hảo Lào và Myama do TQ đào tạo sẽ có thời cơ thúc sang. Nguy hiểm như thế mà các nhà lãnh đạo lúc nào cũng muốn hạt nhân, cao tốc. Buồn tủi thay.

    Trả lờiXóa