Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

TIN VUI: MỘT TỜ BÁO KHOA HỌC QUỐC TẾ CỦA NGƯỜI VIỆT RA ĐỜI


GS Nguyễn Đăng Hưng vốn là một nhà nghiên cứu, một giáo sư đại học có thời gian tác nghiệp tại Bỉ dài 40 năm, làm đủ các chức năng, từ nghiên cứu sinh cho đến giáo sư trưởng khoa. Ông là tác giả của trên 200 bài báo khoa học, thường xuyên tham dự các hội nghị hội thảo khắp nơi. Ông cũng đã được mời thăm viếng cộng tác làm khoa học hay đi thỉnh giảng thuyết trình khoa học tại các đại học hay viện nghiên cứu tăm tiếng trên thế giới, chia sẻ với họ thông tin khoa học, trao đổi thảo luận với họ về những giải đáp cho những bài toán mũi nhọn đương đại Ông cũng đã đào tạo được khá đông đảo các môn đệ nay đã thành danh, đã trở thành nhà khoa học, giáo sư tại các đại học, các trung tâm nghiên cứu cao cấp ở các nước tiên tiến.
Vì những mối thâm tình ấy mà khi Ông quyết định đưa ra đề nghị thành lập một ban biên tập quốc tế cho tờ báo mới, chỉ trong vòng hai tuần lễ đã có trên 40 nhà khoa học trả lời đồng ý trực tiếp tham gia. Và cũng vì có được một lực lượng hùng hậu trong ban biên tập bao gồm 45 nhà khoa học tiếng tăm trên thế giới trong lĩnh vực đặc thù này mà nhà xuất bản danh giá vào bực nhất SPRINGER đã đồng ý đứng ra tài trợ xuất bản, ngay sau bức thư tham khảo đầu tiên tiên được gởi đi.

Vĩnh Thắng

TIN VUI:
Một tờ báo khoa học quốc tế của người Việt

Tháng 4 năm nay một sự kiện đáng chú ý cho giới làm khoa học Việt Nam là một tạp chí quốc tế đã ra đời với sự ủng hộ của nhà xuất bản lừng danh SPRINGER (Đức). 

Đó là tạp chí “Asia Pacific Journal on Computational Engineering”  (APJCEN), chuyên ngành vể lĩnh vực tính toán mô hình mô phỏng  cho các ngành công nghệ.  Rõ hơn là chuyên ngành dùng máy tính phân tích hay thiết kế vật thể, môi trường phức tạp. Mục đích rộng là đăng tải quảng bá những công bố khoa học độc đáo và mới mẻ trong khuôn khổ ấy. Mục đích cục bộ hơn là tạo điều kiện khuyến khích các nhà nghiên cứu Việt Nam công  bố ra quốc tế các thành quả nghiên cứu của mình.

Sau khi cân nhắc APJCEN đã chọn hình thức “ truy cập mở (open access)”, có nghĩa là độc giả có thể vào xem hay chuyển tải về mà không phải tốn phí. Ngược lại người đăng tải thường có quỹ tài trợ sẽ phải đóng phí cho mỗi bài đăng lên. Nhà xuất bản danh giá gốc Đức SPRINGER sẽ đứng ra đầu tư chu toàn các kinh phí hoạt động và đồng ý là các tác giả đến từ các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có chế độ miển phí. Hình thức “truy cập mở” là xu thế xuất bản hiện đại, ngày càng phổ biến trên thế giới. 

Lấp một lỗ hổng cho khoa học Việt Nam 

Gần đây giới lãnh đạo khoa học công nghệ Việt Nam chợt thức tỉnh về tình trạng tụt hâu thê thảm trong công bố khoa học quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam, tụt hậu so với các nước phát triển đã đành mà còn tụt hậu so với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai đã từng đứng sau lưng Việt Nam trước năm 1975! Có một tờ báo khoa học quốc tế do một ê kíp người Việt đề xướng và điều hành là đáp ứng một đòi hỏi bức thiết: khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh Việt Nam công bố các công trình nghiên cứu, vươn ra quốc tế. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế cho ra đời một tờ báo khoa học quốc tế trong năm 2013 là một động tác rất khó, khả năng thành công rất hạn hẹp. Thật vậy, sau những năm 90, các nước Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Nga và các nước Đông Âu đã hòa nhập nền khoa học của họ vào phương Tây và các nhà xuất bản danh giá của các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Đức đã đi đến chỗ bão hòa trong việc ủng hộ các tạp chí mới ra đời tại các nước trên. Thêm vào đó Trung Quốc trổi dậy với khả năng tài chính dồi dào ủng hộ việc xuất bản sách vở báo chí khoa học quốc tế phát xuất từ Trung Quốc. Rồi Hàn Quốc, rồi Ấn Độ, rồi Singapore… Sự cạnh tranh thật là khốc liệt và việc “chen chưn” bước ra quốc tế không đơn giản chút nào… Còn nếu cho xuất bản tại Việt Nam, không có một nhà xuất bản danh giá ủng hộ thì có lẽ phải duy trì cho được ít ra 20 năm, quốc tế mới biết đến. Kinh nghiệm cho thấy tại Pháp, tại Ỳ, tại các nước phát triển các tạp chí khoa học mũi nhọn tầm cỡ quốc gia đều gặp khó khăn trong việc gây ảnh hưởng quốc tế. Các tờ này kết cục phải hoặc đóng cửa ngưng sinh hoạt, hoặc cải tiến theo hướng kêu gọi các nhà xuất bản danh giá đứng ra đỡ đẩu lo việc quảng bá!

Vì ý thức rõ những khó khăn này nên chúng tôi đã rất băn khoăn. Nhưng ban lãnh Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã không ngừng hối thúc và cam kết là ngay cả không có quốc tế ủng hộ, họ cũng sẽ đứng ra bảo trợ việc xuất bản tạp chí khoa học này. Chính quyết tâm ấy đã xua tan những do dự ban đầu.

Hiện nay, TDTU là thành viên sáng lập, sẽ đứng ra đảm đương việc thực hiện bản in, hỗ trợ tổng biên tập thông qua một ban thư ký thường trực, nhất là tạo điều kiện phòng ốc để APJCEN có đại bản doanh tại Việt Nam. 

Chỗ hội tụ của các nhà khoa học 

Là một tờ báo khoa học quốc tế liên kết với một nhà xuất bản danh giá có mặt trên 20 nước, APJCEN có chế độ duyệt bài chuyên nghiệp bảo đảm cho chất lượng của các công bố khoa học.

APJCEN đã qui tụ được sự ủng hộ góp sức của 45 nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đến từ các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu uy tín hàng đầu trên thế giới.  Ta có thể đơn cử GS Giulio Maier đã từng là Giám Đốc Viện Cơ học Châu Âu Udine (Ý), Giáo sư  Pierre Ladevèze nhân vật nổi trội của nền cơ học tính toán Pháp, GS Wing Kam Liu của Northwestern University, Mỹ , GS Franz G Rammerstorfer, thành viên Hàn Lâm Viện Áo, GS Manolis Papadrakakis, Chủ tịch Công đồng Châu Âu về khoa học tính toán. Phần lớn các nhà khoa học gốc Việt Nam có tiếng trên thế giới về các ngành liên quan đều có mặt: GS Bùi Huy Đường thành viên Hàn Lâm Viện khoa học Pháp (rất tiếc vừa mới qua đời), các GS Nguyễn Quốc Sơn, Đặng Văn Kỳ (Bách Khoa Paris), GS Phan Thiện Nhân (Đại học quốc gia Singapore), GS Vũ Khánh Toàn (Đại học Québec, Canada), GS Trần Công Thành (Đại học Southern Queensland, Úc)… Về phía Việt Nam, chúng ta có thể để ý đến sự hiện diện của các giáo sư năng động nhất trong nghiên cứu khoa học, như GS Vũ Đức Chính, Viện khoa học công nghệ Việt Nam, GS Võ Văn Hoàng (Đại học Bách khoa Tp HVM) , PGS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Tôn Đức Thắng), GS Võ Văn Tới hồi hương từ Mỹ nay đang giảng dạy tại Đại Học quốc tế Tp HCM… 

Độc lập trong điều hành, minh bạch trong biên tập 

Ngay từ ngày đầu ê kíp biên tập đã cùng nhà xuất bản SPRINGER thỏa thuận trong việc bảo vệ tính độc lập khoa học của Ban Biên Tập, tuyệt đối không để cho bất cứ thế lực bên ngoài nào có thể ảnh hưởng đến nội dung tạp chí. Trên trang mạng của APJCEN đã công bố qui chế minh bạch và chặt chẽ trong việc thẩm định xét duyệt các bài gởi đăng, đảm bảo thường trực tính độc đáo và mới mẻ của các công bố. Chính uy tín khoa học công nghệ của  45 thành viên trong ban biên tập sẽ là cơ sở thuyết phục nhất cho việc bảo đảm chất lượng tương lai cho tờ báo.

APJCEN là tờ báo của các nhà khoa học quốc tế. Chính sự có mặt của tờ báo tại Việt Nam, chính sự có mặt của một ê kíp người Việt trong vai trò chủ biên và điều hành sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại Việt Nam nhất là tăng cường chất lượng cũng như số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học trẻ Việt Nam. 

GS Nguyễn Đăng Hưng 
(Tổng Biên Tập APJCEN)
Hân hoan chúc mừng Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng - người bạn lớn và thân thiết của gia đình chúng tôi! Xin chúc mừng giới khoa học người Việt trên khắp thế giới về tin vui này!

12 nhận xét :

  1. Phan Thành Khươnglúc 18:53 27 tháng 8, 2013

    Đúng là một tin vui! Một tin vui thứ thiệt!

    Trả lờiXóa
  2. Xin chúc mừng công lao to lớn của GS.Nguyễn Đăng Hưng!
    Xin chúc mừng giới khoa học người Việt trên khắp thế giới!

    Tin tưởng rằng sự ra đời tờ Tạp chí khoa học quốc tế của người Việt sẽ lấp một lỗ hổng khổng lồ cho khoa học Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, tăng cường chất lượng cũng như số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
    Và hy vọng tờ báo sẽ góp phần làm TRONG SẠCH ĐỘI NGŨ "những nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ " học giả bằng giả, học giả bằng thật đang đầy rẫy, nhan nhản xung quanh chính phủ... trong vai trò cố vấn khoa học kiểu "còn đảng còn mình", trong các công trình "nghiên cứu cóp nhặt" của Việt Nam bấy lâu nay (!!!)

    Xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản SPRINGER!

    Trả lờiXóa
  3. Xin kính chúc mừng GS Nguyễn Đăng Hưng,nhưng không biết lần này GS có gặp phải những trục trặc không đáng có của CQ VN như trước đây nữa hay không?

    Trả lờiXóa
  4. Các tác giả tương lai có thể đăng bài sau khi truy cập website sau đây:
    http://www.apjcen.com/

    Trả lờiXóa
  5. Ôi, mình thật sự hạnh phúc khi nghe tin này, dù còn đang lưỡng lự có nên theo khoa học hay không.

    Trả lờiXóa
  6. Hoan hô anh Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học được đào tạo và thành danh từ lâu ở nước ngoài nhưng có tấm lòng yêu nước cao quý đã gắn bó với đất nước từ lâu nên đối với nhiều trí thức người Việt không xa lạ. Vừa qua tại diễn đàn tôn vinh hành động vì biển đảo Việt nam, anh đã có bài phát biểu được cả hội trường hàng trăm người nhiệt liệt vổ tay rầm rộ.
    Những ai muốn biết về anh hơn hãy vào "nhà" Facebook của anh.
    Với thành công thành lập tờ báo khoa học quốc tế của người việt bước đầu quy tụ 45 nhà khoa học của nhiều nước trên thế giới hưởng ứng tham gia là 1 thành công to lớn góp phần làm rạng danh tổ quốc Việt nam .
    TS Hoàng Quý Thân

    Trả lờiXóa
  7. Khi nào sửa được lỗi hệ thống thì mới có thể có tin vui , đừng lạc quan sớm!

    Trả lờiXóa
  8. Nền khoa học kỹ thuật của VN chỉ trưởng thành khi chúng ta có được nhiều nhà khoa học LÀM KHOA HỌC THẬT SỰ .Tin rằng tạp chí khoa học nói trên do GS Nguyễn Đăng Hưng khởi xướng sẽ bắc cầu nối tới thành công cho các bạn trẻ VN có chí hướng khoa học .Cảm ơn GS NDH đã không mệt mỏi vì đất nước ,dân tộc .

    Trả lờiXóa
  9. Sáng lập một tờ báo khoa học theo chuẩn quốc tế quả là một sự kiện chưa từng có trong hoạt động khoa học VN.

    Trả lờiXóa
  10. Mot tin vui. Se tot hon neu to bao nay co muc diem tin cac bai bao KH cua cac ban tre dang lam nghien cuu sinh tren toan the gioi.

    Trả lờiXóa
  11. Gs Nguyễn đăng Hưng , một nhân tài VN đã góp phần làm cho nước Bỉ nhỏ bé chỉ có dt hơn 10 ngàn Km 2 thành một nước giàu có, nhân dân sung túc, kinh tế phát triể là một nước có viện trợ ODA cho VN . Nhiều nhân tài VN góp phần làm giàu cho các nước tư bản như Pháp. Mỹ. Úc, Nhật đều có viện trợ cho VN trong chương trình ODA hoặc nhân đạo . Nhiều nhân tài này cũng từng giúp việc cho LHQ và các cơ quan của LHQ cũng giúp rất nhiều cho VN như FAO, UNESCO, UNHCR, WHO . vậy mà các nhân tài này cũng giúp cho VN, từng làm cố vấn cho CPVN , mà VN vẫn không cất cánh được là sao ? Nhân tài VN làm việc trong cơ quan NASA của Mỹ, góp phần vẽ ra quĩ đạo cho những vệ tinh nhân tạo tới được Mặt Trăng và nhiều hành tinh xa xôi khác và đã thành công, còn về VN thì nhiều cái bó tay là sao ? Bụt nhà không thiêng, hay bụt nhà mà ở ngoài nhà lâu quá cũng mất thiêng ?
    Nhưng GS Nguyễn đăng Hưng và những nhân tài VN như ông không hề nản. Nhất định một ngày kia chất xám của họ sẽ là muối làm cho đất khoa học của VN phải mặn lên , sẽ là men cho khoa học VN và đất nước VN dậy . Những nhà khoa học chân chính không bao giờ thù oán quê hương mình mà trái lại trái tim yêu quê hương không bao giờ ngưng đập, vì hết lớp này qua đi lại có những lớp khác kế thừa, hết trái tim Nguyễn đăng Hưng , trái tim vợ chồng Gs Trần Thanh Vân , Trịnh Xuân Thuận . v.v...lại có những trái tim Ngô Bảo Châu, trái tim Đàm Thanh Sơn và các nhà khoa học trẻ VN khác đang làm việc ở nước ngoài và trong nước .
    Chúc mừng Gs Nguyễn đăng Hưng và các nhà khoa học thành công . Chúc APJCEN sống mãi để giúp cho Khoa Học và Đất Nước VN cất cánh !

    Trả lờiXóa
  12. Tuy rất mừng nhưng có hai điều khiến tôi băn khoăn. Thứ nhất : trong tờ báo này, các vị có dám đăng những bài thuộc lĩnh vực kHXH không ? Chẳng hạn : Sự ra đời và biến tướng của CNXH ở VN , Đi tìm những mô hình quản lý xã hội tối ưu trong thế giới hiện đại, những nguyên lý lý luận về dân chủ và sáng tạo v.v.Nếu có thì tôi tin rằng, chẳng mấy chốc nó sẽ bị Nhà nước VN đóng cửa cái rụp.
    Thứ hai : những công trình khoa học thực sự có giá trị liệu có được ứng dụng phục vụ đất nước VN không, hay chỉ đắp chiếu nằm chờ vì đụng chạm vào lợi ích nhóm X, Y ?Nghe thì vui nhưng ngấm lại buồn !

    Trả lờiXóa