MỘT CUỐN TỪ ĐIỂN SONG NGỮ HÁN NÔM
VỪA ĐƯỢC XUẤT BẢN
Nguyễn Xuân Diện
Đó là cuốn từ điển song ngữ Hán
Nôm Đại Nam Quốc ngữ (Hải Châu tử
Nguyễn Văn San soạn), vừa được xuất bản tại Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. Sách
do Tiến sĩ Lã Minh Hằng ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm khảo cứu, phiên dịch, chú giải.
Trong kho tàng di sản Hán Nôm của
chúng ta, loại sách từ điển song ngữ Hán Nôm rất hiếm và quý, chỉ có thể kể
trên đầu ngón tay. Đó là các cuốn: Chỉ
nam ngọc âm giải nghĩa (bản in thể kỷ XVII), Tam thiên tự giải âm (Ngô Giáp Đậu), Nam phương danh vật bị khảo (Đặng Xuân Bảng soạn), Nhật dụng thường đàm (Phạm Đình Hổ soạn đầu
triều Nguyễn) và Tự Đức Thánh chế giải
nghĩa ca (Tự Đức soạn), Đại Nam Quốc
ngữ (Hải Châu tử Nguyễn Văn San soạn)…Những cuốn từ điển song ngữ như vậy
là tài liệu rất quý báu để nghiên cứu: văn tự học, ngữ âm học, lịch sử tiếng
Việt, quá trình tiếp thu và phổ biến chữ Hán ở Việt Nam, và đặc biệt nhất, đó
là một kho tàng từ vựng về sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Việt trong
quá khứ.
Trước nay, Chỉ Nam
ngọc âm giải nghĩa đã được Trần Xuân Ngọc Lan chọn làm đề tài luận án tiến
sĩ. Tuy vậy đến nay giới nghiên cứu Hán Nôm vẫn tiếp tục khai thác các giá trị
khác nhau của văn bản này. Tự Đức Thánh
chế giải nghĩa ca cũng đã từng được biên dịch và xuất bản tại Sài Gòn.
Riêng Nhật dụng thường đàm và Đại Nam quốc ngữ thì mới chỉ được
nhắc đến trong các bài khảo cứu, chuyên khảo với tần suất khá cao, nhưng chưa
được khảo cứu công phu và phiên âm, dịch, chú giải.
Đại Nam
Quốc ngữ là từ điển song ngữ, phần từ vựng là bằng chữ Hán, phần giải thích
bằng tiếng Việt được ghi bằng chữ Nôm. Sách do Hải Châu tử Nguyễn Văn San biên
soạn xong và viết bài lệ cho sách ngày Đoan Ngọ năm Canh Thìn, niên hiệu Tự Đức 30 (1877).
Sách này được khắc in và lưu truyền rộng rãi trong dân gian vào năm đầu niên
hiệu Thành Thái (1899).
Từ điển song ngữ Hán Nôm Đại Nam Quốc ngữ có 50 môn loại (Chỉ Nam ngọc âm chỉ có 40 môn loại), bao
gồm: Thiên văn, Địa lý, Nhân luân, Thân thể…Canh nông, Tằm tang, Ẩm thực, Bách
quả, …cung cấp cho chúng ta từ vựng và giải nghĩa hàng vạn mục từ có liên quan
đến toàn bộ đời sống quá khứ.
Ví dụ, qua mục Ẩm thực môn, chúng
ta có thể biết được các món ăn rất quen thuộc và phổ biến trong dân gian, cứ như là bày cỗ trước mặt.
Mục về các giống cây cỏ côn trùng
cung cấp cho chúng ta về các phương thuốc quý được điều chế từ các cây cỏ và
côn trùng mà chúng ta gặp hàng ngày (Xem Phụ lục đính kèm). Một vài chỗ khác cho
các vị thuốc chữa bệnh phong, ung nhọt, thương hàn, chữa bệnh thai chết lưu…thậm
chí còn hướng dẫn cả cách kiểm tra trinh tiết của phụ nữ.
Mục Biện ngọc trân. Xoát chi nữ tử lưỡng mi nguyên hồng tồn tắc mi mao bất loạn, nguyên hồng bất tồn mi mao loạn [ Biện ngọc trân. Xoa vào đôi lông mày của con gái, trinh tiết còn thì lông mày vẫn thẳng (không bị rối loạn), trinh tiết không còn thì lông mày bị rối loạn].
TS. Lã Minh Hằng, bằng vào kinh
nghiệm lâu năm và với một phong cách làm việc cẩn trọng, nghiêm túc, dụng tâm
đã đưa lại cho chúng ta một bản khảo cứu và biên dịch, chú giải từ điển song
ngữ Đại Nam Quốc ngữ đáng tin cậy. Sách
lại được in và trình bày đẹp, sáng sủa, dễ xem; mà đằng sau lại có mục từ vựng tra cứu tiện lợi, có cả nguyên bản in kèm nữa, khiến cho nội dung và hình
thức ấn phẩm xứng đáng được xem như là một món quà tặng ý nghĩa mà những
người hiếu cổ có thể dùng để tặng nhau.
Một trang trong cuốn sách Đại Nam quốc ngữ
Vòng tròn 1: Âm hộ (chữ to): Lồn (chữ nhỏ)
Vòng tròn 2: Âm mao (chữ to): Lông lồn (chữ nhỏ)
Đây là một cuốn từ điển rất nên
có trong mỗi tủ sách của bất cứ ai đã từng có những khoảnh khắc muốn tìm hiểu
một chút gì đó của quá khứ và trong quá khứ cha ông. Những người làm công tác
ngôn ngữ, văn hóa, hoặc bước chân vào ngành Hán Nôm rất nên có cuốn sách này
làm tài liệu học tập, nghiên cứu, tham khảo.
Đáng tiếc là với một cuốn sách
hay và quý, làm trong nhiều năm như vậy mà tác giả chỉ có thể dám bỏ tiền túi ra in
được 300 cuốn. Vì thế, ai trong số các vị may mắn đọc được bài giới thiệu này
mà muốn sở hữu 01 bản sách, hoặc mua vài cuốn (giá 180.000 đ/cuốn) để biếu tặng thì xin nhanh chóng liên hệ với tác giả: Lã Minh Hằng,
qua hộp thư lahang@gmail.com.
N.X.D
PHỤ LỤC
GIÁ TRỊ VỀ PHƯƠNG DIỆN Y HỌC CỦA ĐẠI
NAM QUỐC NGỮ
(qua khảo cứu các giống cây cỏ, các loài
côn trùng)
LÃ MINH HẰNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tiểu dẫn: Với phương châm dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người
Nam, y học cổ truyền Việt Nam từ xa xưa đã biết sử dụng các giống cây cỏ, các
loài côn trùng để trị bệnh rất hiệu quả mà lại không tốn kém về kinh tế. Hiện
nay, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ khá nhiều sách đông
y ghi lại các phương thuốc chữa bệnh đơn giản, hiệu quả từ các giống cây cỏ,
các loài côn trùng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Lâu nay, Đại Nam quốc ngữ (ĐNQN)
được biết đến như một cuốn từ điển song ngữ Hán Việt. Các nhà nghiên cứu chữ
Nôm, nghiên cứu Ngôn ngữ học chỉ nhắc đến ĐNQN như là một cứ liệu để nghiên cứu
tiếng Việt, nghiên cứu chữ Nôm cuối thế kỷ 19. Thế nhưng chưa thấy ai đề cập
đến giá trị về khoa học kĩ thuật, đặc biệt là về phương diện y học của ĐNQN.
Trong bài viết này, thông qua
khảo cứu tác dụng của các loài cây cỏ và các giống côn trùng được ghi trong văn
bản, chúng tôi muốn khẳng định giá trị về phương diện y học của ĐNQN.
1. Đại Nam quốc ngữ trong sự so sánh với
các văn bản cùng thể loại
Quá trình tiếp nhận và sử dụng chữ Hán đã lưu lại
ở Việt Nam một số bộ tự điển, từ điển tiêu biểu như: Chỉ Nam ngọc âm giải
nghĩa, Tam thiên tự giải âm, Nhật dụng thường đàm, Tự học tiết lục, Tự học cầu
tinh ca, Thiên tự văn giải âm, Nam phương danh vật bị khảo… Trong các bộ tự
thư này, nếu quan sát kĩ về nội dung thì có thể phân biệt như sau: có loại đơn
thuần chỉ là sách dạy viết chuẩn chính tả chữ Hán (như Tự học cầu tinh ca);
có loại được biên soạn trên cơ sở rút gọn bộ Khang Hi tự điển, sắp xếp
theo bộ thủ Hán (như Tự điển tiết lục); có loại lại mang tính chất như
một quyển sổ tay học từ ngữ Hán (như: Tự học huấn mông, Tự học tứ ngôn thi…).
Thế nhưng, chiếm phần nhiều hơn cả vẫn là nhóm các bộ tự điển, từ điển Hán được
sắp xếp theo môn loại (nghĩa là được sắp xếp xuất phát từ ý nghĩa của chữ Hán,
từ ngữ Hán).
Trong nhóm các bộ từ điển song ngữ được sắp xếp
theo môn loại, có thể kể đến 3 đại diện tiêu biểu:
- Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (gọi tắt: Chỉ
Nam ngọc âm) được coi là đại diện tiêu biểu cho giai đoạn đầu của việc biên
soạn từ điển song ngữ Hán Việt(1);
- Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca
(gọi tắt: Tự Đức thánh chế) được biết đến bởi tác giả của cuốn sách
không ai khác là một vị vua triều Nguyễn. Cuốn sách là một minh chứng cho sự
lên ngôi của chữ Nôm trên văn đàn;
- ĐNQN được coi là đại diện thứ ba cho hệ
thống từ điển song ngữ bởi lẽ: các mục từ khá nhiều, bao trùm nhiều lĩnh vực và
được giải thích khá tường tận chính xác.
ĐNQN thuộc nhóm bộ từ điển được sắp xếp theo môn loại. Sách do Hải Châu tử
Nguyễn Văn San(2) biên soạn, bài lệ được viết vào ngày Đoan Ngọ (mồng 5 tháng
Năm) năm Canh Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 30 (1877). Sách được khắc in và lưu
truyền rộng rãi trong dân gian vào năm đầu niên hiệu Thành Thái (1899).
Để có thể giới thiệu đặc điểm
của bộ từ thư này, phần dưới đây xin được đối chiếu 3 bộ: Chỉ Nam ngọc âm,
Tự Đức thánh chế và ĐNQN ở 2 khía cạnh: cách phân môn bộ và cách
giải thích nghĩa trong các mục từ ghi về các giống cây cỏ, các loài trùng.
1.1. Cách phân môn bộ
Chỉ Nam ngọc âm chia làm 40 môn bộ (gồm: từ Thiên văn bộ, Địa lí
bộ, Nhân luân bộ, Thân thể bộ… đến Công khí bộ, Nhạc khí bộ, Binh khí bộ và
cuối cùng là Pháp khí bộ). Tự Đức thánh chế có xu hướng thu gọn lại, chỉ
sắp xếp trong 7 loại (7 môn loại, gồm: Kham dư loại, Nhân sự loại, Chính hoá
loại, Khí dụng loại, Thảo mộc loại, Cầm thú loại và Trùng ngư loại). ĐNQN
là cuốn từ điển ra đời muộn hơn cả, đã kế thừa truyền thống phân loại tỉ mỉ của
bộ từ điển cổ là Chỉ Nam ngọc âm, nâng tổng số môn bộ của sách lên 50
môn.
So sánh sự phân chia môn/bộ trong Chỉ Nam ngọc
âm và ĐNQN thì thấy Tạng phủ bộ và Bì đằng bộ không được tác giả ĐNQN
tách riêng thành môn bộ độc lập như trong Chỉ Nam ngọc âm mà lại được
đặt trong Thân thể môn và Chức nhậm môn. Nhìn trên đại thể có thể thấy rõ: so
với Chỉ Nam ngọc âm thì ĐNQN có xu hướng phân loại tỉ mỉ hơn nhiều. Các
môn bộ như: Trân bảo môn, Chúng hương môn, Hoa quả môn, Thảo mộc môn, Sơ thái
môn, Trùng trãi môn, Thủy bộ, Thổ bộ... hầu như không được tác giả Chỉ Nam
ngọc âm đề cập đến (đã không đưa vào môn bộ độc lập).
Khi so sánh nội dung ghi chép trong từng mục từ
thì thấy: cả Chỉ Nam ngọc âm và Tự Đức thánh chế đều chỉ dừng lại
ở việc gọi tên sự vật. Thế nhưng trong ĐNQN lại có sự sai khác: không
chỉ dừng ở việc giới thiệu tên gọi sự vật, mà tiến hơn một bước, tác giả Nguyễn
Văn San đã giải thích khá tường tận về đặc điểm, công dụng, cách sử dụng, cách
chế biến của sự vật đó. Về điểm này ĐNQN như một cuốn cẩm nang cần thiết
cho mọi người, dùng để tra cứu các sự việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, nó
gần đạt được tiêu chuẩn của một bộ bách khoa thư(3). Làm được những điều này,
Nguyễn Văn San cũng đã tự khẳng định được khả năng vượt trội về khoa học tự
nhiên của mình so với các nhà nho đương đại.
1.2. Cách giải thích nghĩa trong các mục
từ ghi về cây cỏ, loài trùng
Các loài cây cỏ, các loài trùng(4) được tác giả ĐNQN
đề cập đến trong các môn: Thúc túc môn, Tằm tang môn, Bách quả môn, Sơ thái
môn, Bách thảo môn, Bách mộc môn, Vũ trùng môn, Mao trùng môn, Bách hoa môn,
Lân trùng môn, Giáp trùng môn và Trùng trãi môn.
Ứng với nội dung nêu trên
chúng ta tìm thấy các mục từ được ghi trong Hòa cốc bộ, Tàm thất bộ, Vũ trùng
bộ, Mao trùng bộ, Lân trùng bộ, Giáp trùng bộ, Mộc bộ, Hoa bộ và Quả bộ của Chỉ
Nam ngọc âm; cũng ứng với Thảo mộc loại, Cầm thú loại và Trùng ngư loại của
Tự Đức thánh chế (từ quyển 10 đến quyển 13).
a. Khảo cứu các mục từ ghi về con lợn trong Mao
trùng môn của hai bộ Chỉ Nam ngọc âm và ĐNQN, có thể thấy:
- Ở Chỉ Nam ngọc âm các mục từ ghi về con
lợn chỉ được ghi gọn trong 3 câu thơ lục bát (5 dòng thơ), giới thiệu tên gọi
của 5 giống lợn:
Hoàng miêu mèo vàng tốt thay,
Đặc thỉ lợn đực hoạn rày dái năng.
Trường thỉ anh hào tướng quân,
Tẫn trư lợn nái nhọc nhằn nuôi con.
Ba trư lợn con có đàn,
Tịnh trư lợn hoạn béo tròn tựa trâu.
- Với ĐNQN, các mục từ có nội dung liên
quan đến con lợn được ghi trong các trang từ 75a,4 đến 75b,6 gồm tổng cộng 29
mục từ. Trong số 29 mục từ này, ngoài các mục từ giới thiệu các tên gọi khác
nhau của con lợn, còn có các mục từ ghi tên các giống lợn, các bộ phận trong cơ
thể lợn cùng tác dụng chữa bệnh của chúng. Ví dụ: các mục từ trư nhục, trư
não, trư ủyỷ và trư huyết đã được tác giả ĐNQN giới thiệu khá
tỉ mỉ về công dụng chữa bệnh của chúng như sau:
Trư nhục giải nhiệt, khử thũng, đa thực sinh đàm.
Trư não hữu độc niêm thư thống tức tán.
Trư tủy bổ hư, trị phác tổn sang lạn.
Trư huyết trừ trúng phong, vựng huyễn.
b. Tiếp tục tiến hành đối chiếu hai bộ Tự
Đức thánh chế và ĐNQN qua việc khảo cứu các mục từ ghi về con cá,
cho thấy: Tự Đức thánh chế đã bao quát được hầu hết các giống cá xuất
hiện trên các sông ngòi và vùng biển Việt Nam. Điều đáng tiếc là Tự Đức thánh
chế mới chỉ dừng ở việc giới thiệu tên gọi của các giống cá, không cho biết
thêm một thông tin nào khác.Ví dụ:
Thất cá thất, đề cá đề
Tích giếc, thu gáy, ban mè, di
liêu
Trác cá trác, điêu cá điêu
Khoá là cá khóa cũng kêu cá tràu… (Tự Đức thánh chế)
Không giống như Tự Đức thánh chế,
bên cạnh các mục từ ghi tên gọi của một số giống cá, trong ĐNQN còn có
các mục từ ghi khá tỉ mỉ về hình dạng, tên gọi và tác dụng y học của các giống
cá:
- Giới thiệu đặc điểm hình dạng và tác
dụng y học của các giống cá, xem ví dụ sau:
Tông ngư cá rồng. Khẩu tại hàm hạ, tế lân, phúc bạch, đại
nhị tam thập cân. Bổ ngũ tạng, ích cân cốt, hoà tì vị (nghĩa “cá rồng. Miệng ở
dưới hàm, vảy nhỏ, bụng trắng, lớn khoảng 2, 30 cân. Có tác dụng bổ cho ngũ
tạng, tốt cho gân cốt, có tác dụng hoà tì vị”).
- Giới thiệu tên gọi, môi trường sống, đặc
điểm hình dạng, cách chế biến và tác dụng y học của các giống cá chạch, các
lác, cá nhám (cá cám), ĐNQN ghi:
Thu ngư cái chạch. Sinh nê
trung, trường tam tứ thốn. Đồng mễ phấn chử canh thực, diệc bất khả hợp khuyển
huyết thực (nghĩa: “cá chạch. Sinh ở trong bùn, dài ba bốn tấc. Dùng bột gạo
đun thành canh ăn, cũng không thể ăn cùng với tiết canh chó”).
Hải man ly cá lác, sinh hải trung, tự man ly nhi đại, trị
sang giới, cam trĩ (dịch nghĩa: “cá lác. Sống ở biển, giống con man ly nhưng to
hơn, có tác dụng chữa bệnh ghẻ lở, mụn nhọt, bệnh cam, trĩ”).
Giao ngư cá nhám. Cổ viết giao, kim viết sa, bì hữu sa. Tác
quái bổ ngũ tạng, tác trả thậm mĩ (dịch: “cá cám. Xưa gọi là giao, nay gọi là sa, da có cát. Làm nem
ăn rất bổ cho ngũ tạng, làm cá hộp ăn rất ngon”).
2. Dược tính của các loại cây cỏ, côn trùng được
ghi trong ĐNQN
Trong ĐNQN có 10 môn (/bộ) có các mục từ
ghi tên gọi các loài cây cỏ, các loài trùng(5). Trong số đó, 4/10 môn bộ (gồm:
Thúc túc, Sơ thái môn, Trùng trãi và Lân trùng)
có các mục từ ghi khá tỉ mỉ về các loại cây lương thực, các giống rau và các
loài côn trùng cùng khả năng chữa bệnh của chúng.
2.1. Việt Nam là nước có lịch sử trồng lúa nước lâu đời, cây lúa, gốc mạ rất
thân quen với người nông dân. Thế nhưng tác dụng chữa bệnh của chúng thì không
phải ai cũng biết. Mục từ đề bại trong ĐNQN đã giới thiệu đặc
tính của gốc mạ, đó là có thể cầm máu và sát trùng vết thương rất hiệu nghiệm:
Đề bại miêu căn, trị kim
thương hựu tổn thương. Huyết xuất bất dĩ, đảo phu thậm hiệu, hựu sát trùng, chử
dĩ ốc địa sâu thẩn giai tử. (Dịch: “gốc mạ, trị các vết thương do dao, kiếm.
Khi bị chảy máu nhiều sát vào thì rất hiệu nghiệm, lại có thể sát trùng vết
thương, lấy đất tốt (đất màu mỡ) nung lên thì sâu bọ đều bị chết”).
- Các loại ngũ cốc, đặc biệt là các giống đậu có
giá trị dinh dưỡng cao, được gọi là lương thực của dạ dày và thận: đậu đen hay
đậu trắng đều rất tốt cho những người mắc bệnh thận:
Bạch đậu nhất danh phạn đậu, sắc bạch diệc hữu thổ hoàng
sắc. Điều trung, bổ tạng, noãn tràng. Vị
thận chi cốc dã. Thận bệnh nghi thực bổ hư lao. (dịch “Còn có tên phạn đậu, màu
trắng, cũng có loại pha màu vàng đất. Ăn vào có tác dụng bổ tạng, làm ấm bụng
(ruột). Là loại cốc (lương thực) của dạ dày và thận. (người) mắc bệnh thận nên
ăn để bồi bổ sức khoẻ”) (ĐNQN).
- ĐNQN ghi
rõ khả năng đặc trị các bệnh về thận của đậu đen :
Hắc đậu đậu đen. Đậu giả mạch, cốc chi tổng danh. Đại giả
vị chi thúc; tiểu giả vị chi đáp, diệp vị chi hoắc. Diêm chử hắc đậu năng bổ
thận. Cái đậu nãi thận chi cốc. Hắc thông thận dẫn chi dĩ diêm thậm diệu. (dịch
“đậu đen. Đậu là tên gọi chung của mạch, ngũ cốc. Loại lớn thì gọi là thúc,
loại nhỏ thì gọi là đáp, lá đậu gọi là hoắc. Lấy muối nấu với đậu đen thì có
tác dụng bổ thận. (Vậy nên) đậu được gọi là loài cốc của thận. Loại đậu đen có tác dụng thông thận, cho thêm muối
vào thì càng hiệu nghiệm”).
2.2. Trong số các loài trùng, lần khảo cứu này, chúng tôi tập trung tìm hiểu
dược tính của các loài côn trùng (được ghi trong Trùng trãi môn của ĐNQN):
a. Lâu nay, con tằm được biết đến là thực phẩm có
giá trị dinh dưỡng cao, mọi người thường truyền nhau rằng ăn tằm rất bổ, nhưng
bổ như thế nào thì không phải ai cũng rõ được. Đến như con tằm đã chết cũng có
dược tính rất cao. ĐNQN ghi rằng, sao khô con tằm chết có thể dùng để chữa một
số bệnh nan y như: bệnh cấm khẩu, bệnh mụn nhọt, sa đì… sách cũng ghi rõ cách
thức chế biến phương thuốc đó:
Bạch cương tàm con tằm chết. Trị khẩu cấm, phong
hầu kết đồi, huyết băng, chư sang. Thủ nhu mễ tỉnh tẩm nhất nhật, tẩy ngoại bì,
khử khẩu túc, sao dụng. (nghĩa : “con tằm chết. Có tác dụng chữa bệnh cấm khẩu,
phong hầu (bệnh họng kết thành hạch), bệnh sa đì, băng huyết, chữa khỏi các mụn
nhọt. Ngâm trong gạo nếp 1 ngày, rửa sạch vỏ ngoài, bỏ miệng và chân đi, sao
khô dùng”).
- Phân con tằm còn có thể chữa được
một số như: bệnh tê buốt, bệnh sởi, chữa các chứng nghiện hay các khối u trong
bụng. Cách sử dụng cũng thật đơn giản:
Tàm sa phân tằm. Phong
thấp, ti ma cập ẩn chẩn, kết chưng lậu huyết. Dụng đại tàm can phấn thủy đào
sái can dụng. (nghĩa “phân tằm. Chữa các bệnh phong thấp, bệnh tê buốt, các
chứng nghiện, bệnh sởi, các khối u trong bụng, bệnh lậu huyết (chảy máu). Lấy
phân khô con tằm to nhào với nước, phơi khô dùng”).
b. Mật ong (cái con ong) có tác
dụng rất tốt để cải thiện nước da, làm cho da sáng, đẹp. Còn có thể dùng mật ong
để chống nhiễm độc thức ăn, cách thức chế biến khá đơn giản:
Phong mật tử cái con ong, tại mật tì trung tử vị
thành như tàm dũng nhi sắc bạch. Tự cổ cúng thực hữu độc dĩ đông qua, sinh
khương, tử tô chế chi. Cửu phục quang trạch, mĩ nhan sắc. (nghĩa: “cái con ong.
Sống ở trong tì, mật, chưa thành con, giống như tằm nhộng nhưng có màu trắng.
Tự xưa, các đồ ăn, đồ cúng bị nhiễm độc thì dùng bí đao, gừng tươi và tía tô
chế thành. Ăn nhiều thì làm cho nước da sáng, đẹp”).
- Đặc biệt, tổ con ong cũng có tác
dụng chữa các bệnh như: bệnh động kinh, bệnh trĩ và bệnh lị rất hiệu nghiệm:
Phong phòng tổ ong, trị kinh giản, trĩ lị, âm
nuy, thư thũng. (nghĩa: “tổ ong. Chữa các bệnh động kinh, bệnh trĩ, lị, liệt,
chữa các nốt sưng đỏ”).
3. Kết luận
Bước đầu khảo cứu có thể nhận định rằng ĐNQN
mang tính chất của một bộ bách khoa thư thu nhỏ. Sách không chỉ ghi lại các từ
ngữ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (các từ chỉ quan hệ thân tộc, các câu thành
ngữ tục ngữ, các từ chỉ mối quan hệ con người với con người, các từ chỉ quan hệ
hôn nhân…) mà còn cung cấp khá nhiều mục từ (có liên quan đến lĩnh vực khoa học
tự nhiên, như: thiên văn, địa lí, y học...) với lời giải thích tỉ mỉ, chính
xác. Thông qua các môn như Bách
thảo môn, Bách mộc môn, Bách hoa môn, Vũ trùng môn, Mao trùng môn, Lân trùng môn, Giáp trùng môn…độc
giả biết được rất nhiều bài thuốc chữa bệnh khá đơn giản mà lại có hiệu quả
(được chế biến từ các loài cây cỏ, các loài côn trùng…).
Với các giá trị nêu trên, ĐNQN
xứng đáng nhận được sự quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nữa từ các nhà nghiên cứu.
Có thể khẳng định rằng khảo cứu tỉ mỉ ĐNQN là việc làm thiết thực đóng
góp hữu ích cho việc nghiên cứu nền văn hoá truyền thống Việt Nam.
Phụ lục
CÁC LOÀI CÂY CỎ, CÔN TRÙNG VÀ DƯỢC
TÍNH CỦA NÓ
TT
|
Mục từ
|
Công dụng
|
Trang trong văn bản
|
1
|
Phù mạch(gạo mạch)(6)
|
Trừ nhiệt, ích khí.
|
28a
|
2
|
Đề bại (giống
lúa có vị đắng)
|
vết thương do dao, kiếm; sát trùng vết
thương; cầm máu.
|
28b
|
3
|
Bạch đậu
|
Bổ tạng, làm ấm bụng; tốt cho dạ dày và thận;
mắc bệnh thận nên ăn để bồi bổ sức khoẻ.
|
28b
|
4
|
Hắc đậu đậu đen(7)
|
Muối nấu với đậu đen thì có tác dụng bổ thận.
|
28b
|
5
|
Diệp
|
Tiêu nóng, hạn chế tiểu tiện, làm cho mắt
sáng.
|
29a
|
6
|
Đậu phấn
|
Tỳ vị hư không thể ăn nhiều.
|
29a
|
7
|
Diệp
|
Trị bệnh thổ tả; vắt nước hoà với dấm thì bệnh
thuyên giảm.
|
29a
|
8
|
Ý dĩ
|
Dưỡng tim phổi; (có tác dụng) kiện tỳ, ích
vị, bổ phổi, giải nhiệt, tránh phong, chữa thấp khớp, tiêu giảm phù thũng, chữa
bệnh gân co rút, bệnh can thấp; chữa bệnh cước khí; uống lâu dài sẽ trừ được
tà.
|
29b
|
9
|
Căn (rễ
cây ý dĩ)
|
Trị bệnh bị rắn và côn trùng (cắn); nước của
nó có thể làm sảy thai.
|
29b
|
10
|
Điển cố (hạt
ý dĩ làm thành viên tễ)
|
Chữa bệnh sán, bệnh phổi thổ ra huyết, bẹnh
giun đũa, đau tim, đau răng, phong thống, bệnh ho do lạnh
|
29b
|
11
|
Thái (rau)
|
Dùng điều phế, chữa các bệnh về
phủ tạng và khí huyết hư tổn
|
65b
|
12
|
Hiện thái (rau
dền)
|
Có nhiều loại: loại Bạch hiện có tác dụng bổ
khí huyết; loại Trư hiện có thể chữa lị.
|
66a
|
13
|
Thủ cung cái
mối
|
Trị trúng phong, lịch
tiết thống, tiểu nhi cam lị cập kinh giản.
|
77a
|
14
|
Tàm dũng
nhộng
|
Sao khô ăn thì chữa được bệnh phong, lao, gày ốm, giảm nóng, chữa bị rắn
độc cắn và các bệnh trẻ con cam sài, gày yếu.
|
81b
|
15
|
Sào ti
thang nước ươm tơ
|
Trị nhiệt,
giải khát.
|
81b
|
16
|
Bạch
cương tàm con tằm chết
|
Chữa bệnh
cấm khẩu, phong hầu, bệnh sa đì, băng huyết, chữa khỏi các mụn nhọt.
|
81b
|
17
|
Tàm sa phân
tằm
|
Chữa các
bệnh phong thấp, tê buốt, các chứng nghiện, bệnh sởi, các khối u trong bụng,
bệnh lậu huyết (chảy máu).
|
81b
|
18
|
Tàm kiển xác
kén
|
Chữa bệnh
băng huyết, cam sài, mụn nhọt.
|
81b
|
19
|
Thiền duyệt
xác ve
|
Chữa các
bệnh mụn nhọt, đau mắt, hoa mắt, chứng nóng.
|
81b
|
20
|
Phong mật mật ong
|
Trừ
phong, lị, giảm đau, tiêu khử trùng.
|
81b
|
21
|
Phong lạp
sáp ong
|
Làm tiêu
mủ, ích cho tâm khí, xương cốt, chữa bệnh lị và có tác dụng an thai.
|
82a
|
22
|
Phong
phòng tổ ong
|
Chữa các
bệnh động kinh, trĩ, lị, liệt, các nốt sưng đỏ.
|
82a
|
23
|
Phong mật
tử
|
Khử độc đồ ăn đồ cúng, có tác dụng đẹp da.
|
82a
|
24
|
Đại hoàng phong tử
|
Khinh thân, ích khí.
|
82a
|
25
|
Thanh phù
cái cà cuống
|
Bổ trung ích khí, làm
cho người ấm và vui vẻ, tinh thần bền vững, chữa bệnh bí tiểu tiện.
|
82a
|
26
|
Bích tiền bao
trứng nhện
|
Chữa chảy máu cam, buồn, bệnh đản, bệnh tê.
|
82b
|
27
|
Tử quáng cánh kiến
|
Giảm đau, ích tinh, trừ
mụn nhọt.
|
82b
|
28
|
Thiên mã bọ ngựa
|
Bệnh trẻ con kinh hãi.
|
82b
|
29
|
Tang
phiêu sao tổ bọ ngựa
|
Trị bệnh
sa đì, âm nuy, đau lưng, bệnh về đường tiết niệu.
|
82b
|
30
|
Ban miêu cái
sâu đậu
|
Phá khối, thông lâm, trị cuồng khuyển, trị
sang, hạ thai.
|
82b
|
31
|
Thuỷ điệt cái
đỉa
|
Trị tích huyết. (tụ máu)
|
83a
|
32
|
Tào tề cái
tằm đất
|
Phá huyết, thông kinh,
chiết thương.
|
83a
|
33
|
Y ngư rệp
sách
|
Chữa bệnh trẻ con bị phong, bệnh bướu cổ, động
kinh.
|
83a
|
34
|
Ngô công cái
rết
|
Trúng phong, ứ huyết,
chư sang.
|
83a
|
35
|
Khâu dẫn cái
giun
|
Trị thương hàn, bạo
nhiệt, trùng cổ, kinh giản, phong cuồng.
|
83a
|
36
|
Thổ phong
sào
|
Chữa bệnh phong, tiêu trừ ung nhọt, chữa bệnh
thổ tả
|
84b
|
37
|
Lang chuyển ngõa
|
Chữa bệnh ung nhọt, thương hàn, hoàng thư,
hoắc loạn và bệnh u phiền
|
84b
|
38
|
Nghị phong thổ đất kiến đùn
|
Chữa bệnh thai chết lưu, tiêu ung thũng.
|
84b
|
39
|
Bạch nghị nê
đất tổ mối
|
Chữa trị các nốt ung
nhọt, có thể làm tan các nốt nhọt bọc mủ.
|
84b
|
40
|
Khâu dẫn nê đất
giun đùn
|
Chữa các nốt mụn nhọt,
bệnh lị, có tác dụng cầm máu, hòa với nước có thể trị bệnh bị chó cắn.
|
84b
|
41
|
Đang hắc nhọ
nồi
|
Chữa bệnh họng, giải độc, cầm máu, bệnh hoắc loạn, các vết nhọt
tụ máu.
|
84b
|
42
|
Ô long vĩ mạng
nhện
|
Có tác dụng cầm máu, an thai, chữa chứng
đau bụng.
|
85a
|
Chú thích:
(1) Tác
giả Trần Xuân Ngọc Lan cho rằng “Chỉ Nam ngọc âm chỉ có thể ra đời trong
khoảng thời gian từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII”. Xem Trần Xuân Ngọc Lan, Chỉ
Nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985, tr.60.
(2) Nguyễn
Văn San (1808 - 1883) tự là Hải Châu, hiệu Văn Sơn phủ quân, biệt hiệu Văn Đa
cư sĩ, là Tú tài sáu khoa triều Nguyễn, Hội trưởng Hội Tư văn Thọ Quan. Ông
sinh ngày mồng 9 tháng 6 nhuận năm Mậu Thìn (tức ngày 31/7/1808) trong một gia
đình có nề nếp thi thư tại làng Đa Ngưu,
tổng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến,
huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
(3) Về
điểm này, ĐNQN có nhiều điểm tương đồng với các bộ từ điển song ngữ Hán Nhật.
Phải chăng tác giả ĐNQN đã có sự tham chiếu hệ thống từ điển song ngữ
Setsuyoshu của Nhật Bản.
(4) Trùng: Đại Nam quốc ngữ phân biệt có: vũ
trùng (chim, gà…), mao trùng (hổ, báo, voi, trâu…), lân trùng (rồng, rắn…),
giáp trùng (rùa, cua cáy, hến…) và trùng trãi (còn gọi côn trùng, như tằm, ong,
kiến…).
(5) Chúng tôi phân biệt 2 khái niệm: loài
trùng nói chung (chỉ các giống được tác giả ĐNQN xếp vào
loại có dùng chữ trùng
ở sau) và côn trùng. Chi tiết xem chú thích 2 trang 3 của bài này.
(6) Chữ trong ngoặc: lời giải thích thêm của tác giả bài viết, văn bản không có.
(7) Chữ in nghiêng: là phần mục từ (ghi bằng
chữ Hán), được in khổ chữ to
trong văn bản; chữ in thẳng: phần giải thích (ghi bằng chữ Nôm), được in
với co chữ nhỏ hơn trong văn bản.
Tài liệu tham khảo chính
A. Sách tiếng Việt
1. Chỉ Nam ngọc âm
giải nghĩa, Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm chú giải, Nxb. KHXH, H.1985.
2. Thơ văn Tự Đức,
Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca, Phan Đăng phiên âm, Nxb. Thuận
Hóa, Huế.1996.
3. Đại Nam quốc ngữ
- phiên dịch, giải thích, sách dẫn, Lã Minh Hằng chủ biên, Tokio Gakugei
daigaku Kojisho kenkyuukai, Japan, 2007.
4. Danh nhân Hưng Yên,
phần giới thiệu về tác gia Nguyễn Văn San, Sở Văn hóa - thông tin, Hội Văn học
nghệ thuật Hưng Yên, 1997.
B. Sách Hán Nôm
5. Đại Nam quốc ngữ,
kí hiệu AB.106, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
6. Trùng san chỉ Nam
bị loại các bộ dã đàm đại toàn, kí hiệu AB.372, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
7. Tự Đức thánh chế
tự học giải nghĩa ca, kí hiệu VHv.626/1-4, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
8. Nam phương danh
vật bị khảo, kí hiệu AB.106, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
9. Thực vật bản thảo
khúc, kí hiệu VNv.105, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
10. Nhật dụng thường
đàm, kí hiệu VHc.1921, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.391 - 405
Khiếp, quảng cáo hay quá ta.
Trả lờiXóaDân chí là đây, từ những quyển Từ Điển như thế này; Sao không thấy nhà nước, các Bộ, Ngành có chính sách đầu tư để chuyển thể các loại Từ Điển sách in thành "sách mạng" - thậm chí các sách giáo dục phổ thông cũng nên chuyển theo dạng này để phỏ cập toàn dân?
Trả lờiXóaThiết nghĩ chuyển hóa kinh phí hàng năm cho việc in sách sang dạng này thừa sức!
Một cuốn sách hay như vậy mà tác giả chỉ dám bỏ tiền túi ra in 300 cuốn ! Thật đáng tiếc . Không có nhà tài trợ nào kể cả Nhà Nước ? Xem thế thì biết những cuốn sách loại này thật khó lòng được phổ biến và các tác gia, soạn giả các loại sách này càng ngày càng hiếm . Nói về Ban Tuyên Giáo TW chắc loại sách này nằm ngoài danh mục cần thiết cho Văn Hóa, Văn Học, KHKT nước nhà ! Không bằng ông Nguyễn Hùng Trương , chủ nhân nhà sách Khai Trí ở Saigon trước 1975 đã có kế hoạch tài trợ cho nhiều loại sách như thế này . Và chính NN VNCH cũng rất khuyến khích và tài trợ cho việc xuất bản các loại sách như vậy .
Trả lờiXóaKhông rõ khoảng bao nhiêu tiền một quyển đây?Nếu ở Nghệ an thì có thể mua bằng cách nào cho thuận tiện.Mong TS tư vấn hộ
Trả lờiXóaHoan nghenh tac gia nhung khong cho gia thi biet xem tui minh mua the nao?
Trả lờiXóaTôi ở Vũng Tàu tìm mua sách về Hán Nôm khó quá!
Trả lờiXóa