Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

TIN BUỒN: VĨNH BIỆT LÀNG CỔ YÊU DẤU CỦA TÔI

Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính

Vĩnh biệt hình ảnh làng cổ tôi yêu dấu
29/08/2013 05:08 (GMT + 7) 

TT - Sau bài báo “Chặt cổ thụ, lấp bến nước ở làng cổ” (Tuổi Trẻ ngày 26-8), Tuổi Trẻ đã nhận nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Rất bức xúc, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - người khởi xướng công cuộc nghiên cứu và bảo tồn làng cổ Phước Tích trong suốt nhiều năm liền - nói: Cách đây ba tuần, ông Nguyễn Sự - bí thư TP Hội An - gọi điện cho tôi trong trạng thái vô cùng bức xúc như việc nhà. Ông bảo GS là người nghiên cứu và đề xuất bảo tồn làng cổ Phước Tích. Thế mà người ta đi kè hết cả bờ sông Ô Lâu. GS phải làm gì đó, nếu không người ta công viên hóa làng Phước Tích mất! Lời báo động ấy, kèm theo diễn biến tại làng mà báo Tuổi Trẻ nêu khiến tôi vô cùng sửng sốt và đau xót. Bởi vì trước đó vài tháng, ở di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), người ta đã làm kè con suối Thẻ chảy qua các nhóm tháp mà báo chí và giới chuyên môn lên án. Việc làm này làm tổn thương nặng nề di tích Mỹ Sơn vốn đã chịu quá nhiều mất mát bởi chiến tranh, thiên nhiên và con người tàn phá. Đáng lẽ bài học Mỹ Sơn khiến mọi người phải thấy đó là sự mất mát. Vậy mà chỉ sau mấy tháng, sự việc tương tự lại xảy ra đối với làng Phước Tích...

Trong con mắt của tôi thì dòng sông Ô Lâu với bến nước, rặng tre, cây cối bao quanh là một bộ phận hữu cơ, là một trong những nhân tố quan trọng cấu thành ngôi làng di sản Phước Tích. Chúng đã tồn tại như một sự kỳ diệu trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Lại nữa, làng cổ Phước Tích là di sản còn sót lại rất quý giá và hiếm hoi của không chỉ khu vực Bắc Trung bộ mà còn đối với cả đất nước Việt Nam. Do đó không thể vì lý do này hay lý do kia mà lại can thiệp thô bạo, hay nói đúng hơn là triệt phá những thành tố mang tính bản chất, diện mạo cấu thành bản thân cơ thể di sản làng cổ.

Tôi được biết rằng bao lâu nay con sông ấy vẫn chảy rất êm đềm, rất nhẹ nhàng, không gây tác hại gì lớn, và là nơi để dân làng ra đó nghỉ ngơi, tắm mát... Vậy thì hà cớ gì lại cấp tập đầu tư xây dựng một cách thô bạo, thô thiển, biến ngôi làng có nguy cơ trở thành công viên. Việc công viên hóa làng cổ này vô hình trung đã biến di sản kiến trúc và nếp sống thôn quê truyền thống trở thành vật trưng bày theo kiểu “làng bảo tàng”.

Về những điều đau đớn đang diễn ra tại làng, lòng tôi muốn nói xin vĩnh biệt hình ảnh làng cổ Phước Tích mà tôi đã yêu dấu, gắn bó với nó trong gần 15 năm nay. Bây giờ có lẽ không thể đi phá bờ kè bêtông ấy được nữa rồi. Do đó, làng cổ Phước Tích đã bị mất đi một phần lớn giá trị. Và bờ kè đó trở thành sự tương phản, sự thách thức không những đối với di sản mà còn thách thức đối với thái độ ứng xử đối với văn hóa, đối với di sản.

Sao lại đi phá môi trường để chống sạt lở!

Những dự án bêtông hóa kiểu Phước Tích cùng lúc vừa hủy hoại sinh thái môi trường (đánh hết sạch sành sanh cây xanh, từ nhiều cây cổ thụ tỏa bóng cải thiện môi trường đến hàng loạt cá thể của các loài cây bán ngập đã một thời nổi tiếng là “vệ sĩ bảo vệ xóm làng”) làm đảo lộn cuộc sống của cộng đồng, vừa triệt tiêu bản sắc văn hóa làng xóm Việt (trục hết lũy tre làng, xóa đi hình ảnh cây đa bến nước) gây ra bao nuối tiếc cho ngành văn hóa, du lịch.

Công trình bêtông thì ai cũng biết tuổi thọ là bao, đặc biệt bêtông vùng sông nước, dù có kiên cố bao nhiêu cũng chỉ tính từng chục năm. 

Trong khi đó, tuổi đời một cây xanh đã dài, tuổi đời một quần xã cây xanh lại càng dài gấp bội, nếu không bị tác động tiêu cực của bàn tay con người hay thiên tai thì lắm khi vô hạn.

Tất nhiên nói gì thì cũng chuyện đã rồi, người viết chỉ còn biết mong sao cơ quan hữu trách có giải pháp lục hóa bờ sông đã bêtông hóa với bộ giống cây có chọn lọc và quy cách trồng hợp lý để trước nhất là cứu vãn phần nào sự mất mát về sinh thái môi trường, sau nữa là tạo được hiệu ứng xoa dịu bớt niềm đau sinh thái nhân văn của một làng cổ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Nhà giáo ưu tú ĐỖ XUÂN CẨM 
(nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế)
THÁI LỘC ghi
Nguồn: Tuổi trẻ

Bài đọc thêm:
Chặt cổ thụ, lấp bến nước làng cổ
26/08/2013 10:59 (GMT + 7) 

TT - Không gian làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) - làng cổ thứ hai sau Đường Lâm (Hà Nội) được xếp hạng di tích cấp quốc gia - đang bị biến dạng bởi một dự án “bêtông hóa” bờ sông từ đầu đến cuối làng.

Ngay từ cầu Phước Tích nhìn xuống, một bờ kè lát tấm bêtông đã được xây dựng ven sông Ô Lâu, ngăn cách hẳn dòng sông với xóm làng phía trên, trái ngược cảnh xanh tươi nhuần nhị như ngày nào. Con đường vào làng chang chang nắng vì cây cối ven sông đã bị chặt. 

Ông L.V.T, một người dân làng, cho biết việc xây kè đã ủi đi gần trọn lũy tre và nhiều cây cổ thụ ven sông đoạn từ bến Đình đến bến Cây Bàng. “Nhiều cây cổ thụ không nằm trên kè nhưng vướng việc thi công nên người ta cũng chặt bỏ không thương tiếc. May mà nhiều người làng đấu tranh họ mới để lại một cây bồ đề và cây cừa ở xóm Hội, nếu không cũng chẳng còn cây mô. Đường làng nắng không chịu nổi!” - ông L.V.T. xót xa nói. 

Dân “đòi” trả lại bến nước 

Không chỉ chặt cây, đơn vị thi công còn lấp cả ba bến nước gắn liền với cộng đồng xưa nay khiến nhiều người dân tiếc ngẩn ngơ. Theo trưởng thôn Hoàng Tấn Minh, người xưa đã để lại cho Phước Tích 12 bến nước, bố trí trên bờ sông từ đầu đến cuối làng. Thế nhưng trong lúc thi công, người dân phát hoảng vì các bến Lò, bến Miếu Vua và bến Cầu đã bị bờ kè xây lấp lên.

Theo một người dân, bến Lò có vai trò đặc biệt quan trọng với làng vì nằm sát lò gốm, là nơi thuyền bè cập bến đưa đất nguyên liệu về lò, đồng thời chuyển gốm đi bán ở khắp nơi... Trưởng thôn Hoàng Tấn Minh cho hay nhiều người trong làng đang kiến nghị hoàn trả ba bến nước đã bị lấp đi.

Ông Hoàng Ngọc Hòa - phó ban quản lý dự án kè Phước Tích - cho rằng bờ sông đoạn qua làng Phước Tích rất nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng nên phải xây toàn tuyến, nếu không sẽ tiếp tục xói lở. Vì đây là di tích quốc gia nên trước khi xây huyện đã có văn bản gửi Sở VH-TT&DL và Bộ VH-TT&DL. Tháng 11-2011, bộ có văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ, ban đã đáp ứng đầy đủ song chưa thấy bộ trả lời. Theo ông Hòa, vì bờ sông ngập lụt chính vụ nên không làm mái trồng cỏ mà phải xây kè. Mặt khác, khi khảo sát thì ba bến nước nói trên đã bị xói lở hoặc bồi lấp nên không biết để đưa vào thiết kế. Còn việc đốn cây, ông Hòa cho hay làm kè phải bạt mái nên cây nằm trên kè thì phải đốn.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, rất nhiều cây ở xa bờ kè vẫn bị đốn hạ; bờ sông chỉ sạt lở một vài điểm chứ không phải toàn tuyến, không nhất thiết phải xây kè từ đầu đến cuối làng. 

Nhà cổ chờ sụp! 

Cư dân làng cổ Phước Tích không chỉ đang lo lắng với dự án làm kè phá vỡ không gian xanh, mà còn “ngổn ngang trăm mối” với hàng loạt ngôi nhà rường cổ đang chờ sập nhưng không có tiền để tu sửa.

Đầu năm 2013, một chiếc đòn tay ngôi nhà cổ của ông Lê Trọng Nam ở xóm Lò bất ngờ rơi xuống nền nhà. Vài ngày sau, một đòn tay và một chiếc cột nhà cũng bung ra rơi xuống. Rất may lúc ấy trong nhà không có người. Qua kiểm tra, ngôi nhà được phát hiện hầu hết cấu kiện gỗ đều bị mối mọt ăn rỗng ruột, cho dù bên ngoài gỗ có vẻ trơn láng. Nhà cổ hơn 100 năm của ông Lê Trọng Phú ở gần miếu Cây Thị cũng bị rơi đòn tay. Ngôi nhà rường ba gian hai chái chạm trổ, khảm xà cừ tuyệt đẹp này sau khi kiểm tra thì phát hiện mục ruỗng phần mái, rầm thượng và rất nhiều kèo, cột. Với nhà cụ Trương Công Thị Thú đã hơn 120 năm tồn tại, tất cả cấu kiện đều bị mối mọt làm hỏng. Nghiêm trọng nhất là ngôi nhà tuyệt đẹp của ông Lương Thanh Phong. Toàn bộ mái ngói liệt và tường gạch phía sau bị sụp đổ từ năm 2009, ông thuê lợp tạm bằng ngói ximăng và xây một hàng bờ lô phía sau để chống trộm. Hầu hết các cấu kiện gỗ trong tình trạng xuống cấp nặng nề. Bất lực vì tiền sửa nhà quá lớn, ông Phong cho biết đã gửi đơn kêu cứu lên cơ quan quản lý làng cổ và UBND huyện Phong Điền từ nhiều tháng nay nhưng chưa thấy trả lời chính thức.

Trưởng thôn Hoàng Tấn Minh cho biết trong số 24 ngôi nhà cổ của làng, hiện sáu cái đang có nguy cơ đổ sụp. Phần lớn nhà cổ còn lại đều bị mối ăn, đang hư hỏng nghiêm trọng. Vì số tiền sửa nhà quá lớn, mất từ 400-500 triệu đồng trở lên nên người dân không có cách gì đầu tư sửa chữa.

Nguồn: Tuổi trẻ

Một số hình ảnh làng cổ Phước Tích năm 2009
Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

























 

8 nhận xét :

  1. Lại một sự ngu dốt của những kẻ mang tiếng là "lãnh đạo" nhưng vô văn hóa.
    Hãy nhìn sang Nhật, Hàn xem người ta trân trọng và bảo vệ các di sản cổ như thế nào để mà mở mắt ra.
    VN chỉ được cái to mồm "giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc" nhưng chỉ biết phá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chả nhẽ nhân loại văn minh người ta bảo tồn di sản văn hóa mà "mình" lại không? Thế thì có mà "man" mãi à! Thế kỷ 21 là thế kỷ của kinh tế tri thức, cứ "man" thì chẳng ai chơi với đâu, có nghĩa là ra ngoài hổ thẹn lắm. Nhận thức về bảo tồn văn hóa không phải chỉ "tập huấn" và ba bốn tháng là thành cán bộ , mà nó phải mấy đời ngấm vào gien may ra mới có thể. Nhưng làm sao có được gien ấy? có lẽ khó lắm vì làm cách mạng họ đã nhổ bỏ nó rồi. Làng xã nào mà chả phá đình phá chùa vì cho nó là phong kiến phải đào tận gốc trốc tận rễ. Âu là cái giá phải trả mà hôm nay vẫn không thể khắc phục được ! Trót ăn mặn thì khát nước thôi.

      Xóa
  2. Phải có LÀM mới có ĂN chứ.

    Trả lờiXóa
  3. Các quan nhà ta thuộc nằm lòng câu : " Có làm thì mới có ăn "...,ở khắp đất nước mình nhiều công trình vô bổ mọc lên cũng vì lẽ đó , dân ta không nghèo mới lạ !

    Trả lờiXóa
  4. Lỗi là do tiền nhiều từ chương trình nông thôn mới. Hết chỗ làm nó đổ tiền vào đấy.

    Trả lờiXóa
  5. 'LÀM CHO KHỐC HẠI CHẲNG QUA VÌ TIỀN"

    Trả lờiXóa
  6. Phó thường dânlúc 21:08 29 tháng 8, 2013

    Cây đa bến nước con đò năm xưa ! Thôi Good bye !

    Trả lờiXóa
  7. Bản chất thật con người con không giữ được,thì làm sao giữ được cây đa, bến nước?

    Trả lờiXóa