Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

SỰ QUẪN CÙNG VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN CỦA BA TỜ BÁO LỚN

Sự quẫn cùng về phương pháp định hướng dư luận của ba tờ báo lớn: Nhân dân, Quân đội Nhân Dân và Đại Đoàn Kết

Trung Nghĩa

Từ khi có internet ra đời khoảng hơn 10 năm nay và hệ quả tất yếu kéo theo của nó là ra đời các trang mạng xã hội như web/blog các nhân, Facebook/Twitter,…. Công nghệ này là một tiến bộ vượt bậc của con người với bao nhiêu tiện ích nổi bật mà nhân loại được tận hưởng: thế giới phẳng mở ra, sự quảng bá và nổi tiếng vượt biên giới, thông tin khoa học công bố tính trên đơn vị từng giây, sự kết nối âm thanh, hình ảnh nhanh hơn tia chớp giữa những con người ở hai nửa địa cầu, mua bán hàng qua mạng, thậm chí một cuộc họp/hội nghị diễn ra trên một thế giới mạng.

Tiện lợi đấy nhưng sẽ là thảm họa cho thể chế độc tài muốn bít kín thông tin, muốn ngu dân để cai trị. Vì vậy mà sự tuyên truyền theo hướng một chiều theo truyền thống  đã phần nào giảm tác dụng.

Với một người chỉ cần có chút kiến thức căn bản về internet, họ có thể lục tung mọi thông tin trên mạng, tìm đọc bất cứ tin tức nào họ quan tâm.

Hôm nay, tôi lại một lần nữa phì cười trong nhiều chua chát vì cách định hướng dư luận và sự đồng loạt vào cuộc của ba tờ báo lớn: Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân và Đại Đoàn Kết để “đánh hội đồng” một nhân vật – Luật gia Lê Hiếu Đằng, một đảng viên kỳ cựu 45 năm tuổi đảng, một người từng xuống đường biểu tình phản đối chế độ VN cộng hòa- đưa ra lời kêu gọi thoái đảng cộng sản và cho ra một đảng Dân chủ Xã hội ở Việt Nam, tiến tới xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập. Lời kêu gọi của ông đã gây ra sự tranh luận sôi nổi, gần như là đột biến về số lượng người quan tâm tới tình hình kinh tế- chính trị- xã hội của đất nước, thu hút hàng nghìn người ngoài biên giới VN bày tỏ quan điểm.

Nếu ai quan tâm tới VN gần đây, không còn có thể né tránh được nữa, VN đang ở đáy chảo của mọi thứ khủng hỏang từ kinh tế, môi trường, giáo dục, văn hoá tư tưởng, chính trị … Khi mọi thứ đã ở mức tồi tệ nhất thì việc thay đổi sự lựa chọn bao giờ cũng là biện pháp tối ưu, bởi vì người ta biết chắc chắn một điều rằng thay đổi (dù chưa biết tốt hơn là ít hay nhiều) nhưng sẽ khác cái hiện có.

Đó là lý giải cho việc đại đa số người dân quan tâm tới lời kêu gọi, họ bàn luận, họ trao đổi, … Và rồi họ đồng tình.

Tuy nhiên, với cương vị là “lãnh đạo toàn diện dân tộc VN” theo điều 4 Hiến pháp, nếu xu hướng trên tất yếu xảy ra thì quyền lực và tầm ảnh hưởng của Đảng CS sẽ bị tác động. Để chống lại luồng tư tưởng này, ban tư tưởng văn hoá và các tờ báo đã vào cuộc.

Tuy nhiên cho tới thời điểm này, tất cả những bài viết cùng nhắm vào ý kiến của luật sư Lê Hiếu Đằng, bản thân tôi cảm nhận, hình như cả ba tờ báo lớn kể trên- chuyên về mảng tuyên truyền tư tưởng nhằm lôi kéo quần chúng nhân dân về phía mình- họ đã tung hết tất cả các vũ khí có thể phô diễn, dùng tất cả những bí kíp, bửu bối nhưng hiệu quả quá yếu kém. Càng viết người dân càng thấy cái dở, cái ngụy biện đến vô lý của họ. Nó chỉ ra sự cùng quẫn về phương pháp tuyên truyền, giống như một người bệnh đã hoàn toàn bất lực nhưng vẫn cố gào lên để gây chú ý bằng những tiếng thở thều thào, hổn hển.

Tôi xin chứng minh ngay cho lời nhận xét của mình.

Thứ nhất: Đối với tờ báo QĐND

Đây là tờ báo xung kích, mở màn đầu tiên bằng bài viết của tác giả Trọng Đức: Đôi lời với tác giả “Viết bên giường bịnh” ra ngày 18/08/2013 [1], bài báo đã nhận được rất nhiều phản hồi, phản đối mà chưa hề có một tác giả /bài báo nào đồng tình (theo quan sát của tôi). Bản thân tôi cũng có một bài phản hồi cho bài viết này [2] Thế nhưng, người đọc cũng quá quen với cái kiểu viết bài đả kích ai đó, tung lên mạng rồi bỏ chạy mất mặt của cách làm báo yếu kém và thiếu chuyên nghiệp của trang QĐND.

Hai ngày sau, tờ báo này cho ra hẳn một chuyên mục “Dư luận phê phán tác giả Lê Hiếu Đằng”, với lối quy chụp và công kích thiếu công bằng cá nhân ông Đằng. Những lời nhận xét này được đăng hai kỳ liên tiếp ngày 20 và 21/08/2013 qua hai bài [3 &4]. Chẳng quá lời nếu tôi nhận xét, đó là mảng lấy ý kiến dư luận một cách lệch lạc, thiên vị và vô đạo đức của một kiểu làm báo tuyên truyền. Bản thân tôi cũng đã có một bài viết để chỉ rõ những cái vô lý của tác giả cũng những những thiên kiến của những cá nhân được họ phỏng vấn [5]. Và như thường lệ họ cũng chẳng có hồi đáp.

Hôm nay, tờ báo QĐND lại giở một chiêu trò mới với một vẻ mặt “hiền lành hơn, nhã nhặn hơn” là chỉ thông qua bài báo của một tác giả ở hải ngoại có tên Amari TX – một người Mỹ gốc Việt [6].

Cả một bài viết tác giả Mỹ gốc Việt không hề nhắc dù chỉ một lần cái tên Lê Hiếu Đằng; chỉ nói bóng gió về nhân vật mà người Mỹ gốc Việt này phản hồi khi mô tả như sau: một “nhà bất đồng chính kiến” “phần tử cơ hội”, bất mãn đang ra sức tung hứng như “ngọn cờ” để chống phá Ðảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam. “ông là một trong những người đầu tiên ký vào “Kiến nghị 72″; là một trong những người đi đầu trong “phong trào biểu tình”.

Nếu chỉ căn cứ vào những cụm từ được mô tả ở trên, tôi có cảm giác ông/bà người Mỹ gốc Việt này đang nói về ông Hồ Ngọc Nhuận hay Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nên, vì cả hai người này đều có đầy đủ những “phẩm chất” nêu trên. Sao báo QĐND lại bảo rằng bài viết này là của ông /bà người Mỹ gốc Việt viết về luật sư Lê Hiếu Đằng?

Đọc toàn bài viết, với cá nhân tôi, đây là một bài viết phản biện “nhẹ nhàng”, cách nói chung chung cũng không quá gay gắt vì chẳng có chứng cớ và không chỉ đích danh ai hết. Nhưng hình như những thông tin mà ông/bà người Mỹ gốc Việt này đưa ra lại khiến tôi hình dung rằng ông/bà này là người Việt gốc Việt hay là người Việt gốc Mỹ hay gốc Pháp (những người từng tham chiến chiến ở Việt Nam) vì tác giả nhắc tới lịch sử cận/hiện đại của VN, nhắc tới giai đoạn 1954 của VN trong kháng chiến chống Pháp, rồi sau đó là chống Mỹ với những ngôn từ, cách hành văn mà tôi tin không phải của một người Mỹ gốc Việt. Nếu tìm vào trang chủ của ông /bà người Mỹ gốc Việt này thì dòng chữ “tiếng nói người Việt Hải Ngoại” bên tay phải ở trên cùng. Còn phía tay trái lại là thông điệp “tổ quốc là trên hết”, xin hỏi ông bà “tổ quốc” của ông bà hiện nay là tổ quốc nào nếu không phải là nước Mỹ? Bên dưới lại có một phát ngôn của ông Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, sau đó là toàn bộ tư tưởng chính kiến của tác giả xuyên suốt qua các bài viết cũng nhưng bài sưu tầm. Điều khác nữa mà lại càng được củng cố thêm khi ông/bà người Mỹ gốc Việt này giải thích về đa nguyên chính trị như sau:

“Xin nói để ông và các “chiến hữu” của ông biết: một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là chế độ đa nguyên về chính trị. Chẳng hạn, ở Mỹ hiện nay, tuy đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, nhưng nếu xem đó là chế độ đa nguyên về chính trị thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, hai đảng chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản; xét về bản chất giai cấp – xã hội, hai đảng là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau là củng cố và phát triển thể chế tư bản chủ nghĩa ở Mỹ…” 

Lạ chưa? Một người tự nhận là người Mỹ, tức là công dân Mỹ (ít nhất phải tham gia bầu cử ở Mỹ rồi) mà lại phát ngôn đến nực cười.

Theo Wikipedia thì “Đa nguyên theo nghĩa tổng quát là sự xác nhận và chấp nhận tính đa dạng”. Khái niệm này thường được dùng theo nhiều cách khác nhau trong nhiều vấn đề khác nhau. Trong chính trị, sự xác nhận tính phong phú về các mối quan tâm và niềm tin của toàn thể công dân là một trong số các đặc tính quan trọng của nền dân chủ hiện đại. Nói một cách khác, dân chủ đã bao hàm cả tính đa nguyên và đa đảng trong đó.

Ở Mỹ có hai đảng thay nhau lãnh đạo đất nước, trước khi có cuộc tranh cử tổng thống, trong nội bộ từng đảng cũng phải có sự tranh cử, đơn giản như ông Obama và bà Clinton cùng thuộc đảng Dân Chủ, nhưng họ phải cạnh tranh nhau để xem ai sẽ đại diện cho đảng của họ tranh cử tổng thống trong nhiệm kỳ hồi năm 2008. Tính đa nguyên này nó thể hiện rõ nhất ở chỗ, cùng là xu hướng phát triển đất nước nhưng có người chú trọng đối ngoại, có người xem trọng đối nội, kích cầu tiêu dùng. Hoặc cùng là chính sách đối ngoại nhưng có người chọn đối tác chiến lược là khối EU, có người nghiêng về tiềm năng của những con rồng mới nổi ở Châu Á/khối Asean,….Từ sự đa dạng đó, người dân sẽ lựa chọn ai thông qua bài phát biểu của họ trong cuộc vận động tranh cử.

Tác giả người Mỹ gốc Việt còn lập luận “Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến”. Nói như thế là không đầy đủ, ở các nước quân chủ lập hiến, nhà vua/nữ hoàng chỉ có vai trò tinh thần, còn quyền lực vẫn nằm trong tay quốc hội và chính phủ, do người dân bầu ra.

Bạn bè tôi người Mỹ gốc Việt có đến hàng chục, họ cũng có blog/web nhưng hình như cái ông Amari TX người Mỹ gốc Việt này có suy nghĩ, lập luận và cách hành văn không giống ai.

Bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” ông Lê Hiếu Đằng viết và gửi qua trang mạng xã hội (Bauxit VN), đây là trang ít nhiều bị chính quyền VN xếp vào loại “thù địch”, không chịu sự quản lý về tư tưởng của ban tư tưởng văn hóa trung ương; một điều đáng nói ở đây là, một tờ báo lớn, rất lớn của nhà nước VN là tờ QĐND khi muốn công kích phản đối ý kiến của một công dân là ông Lê Hiếu Đằng, lại dùng một trang báo mạng xã hội của một tác giả nặc danh, được giới thiệu ở bên Mỹ để phản bác lại? Chẳng lẽ báo QĐND đã hết cách để phản biện? Hóa ra báo chí chính thống quá quan tâm tới thông tin vỉa hè “thù địch” nhưng phải dùng tới thông tin vỉ hè “không thù địch” của mạng xã hội để phản bác ai đó họ muốn. Thế thì làm sao chính quyền lại chặn tường lửa các trang mạng xã hội được trong khi chính giới nhà báo chính thống cũng mò vào đọc và phải sử dụng bài viết của họ?

Thứ hai: Đối với tờ báo Nhân Dân

Tờ Nhân Dân hôm nay mới vào cuộc bằng một bài công kích ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng với một tác giả có tên Phạm Trung với bài viết “Màn tung hứng vụng về” [6].

Với cá nhân tôi, chính bài viết này mới là một bài viết vụng về, chỉ đưa ra quy chụp mà không đưa dẫn chứng để chứng minh kết luận của Phạm Trung. Toàn bài viết tác giả Phạm Trung cũng không chỉ ra ai là người tung, ai là người hứng. Tác giả đề cập tới đạo đức người làm báo, nhưng hãy xem ở những luận điểm sau để phải hỏi ngược lại: Tác giả Phạm Trung đã có đạo đức của người làm báo hay chưa?

1. Tác giả “phản biện lại luật gia Lê Hiếu Đằng thông qua bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” nhưng lại không trích dẫn bài viết đó ở đâu, trên trang nào, ra ngày tháng năm nào.

 2. Tác giả lập lờ chuyện Luật gia Lê Hiếu Đằng lên án thái độ “hiền lành” của lãnh đạo Việt Nam, rồi sau đó phán: “… trong khi chính ông cũng dẫn ra nào Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, gò Đống Đa và thừa biết tiền nhân của chúng ta đã ứng xử khôn khéo, thông minh thế nào trước khi có những trận đánh trời long đất lở, lập chiến công hiển hách ghi dấu son trong lịch sử dân tộc như vậy”. Lời khuyên chân thành cho Phạm Trung rằng, hãy về đọc lại cho kỹ lịch sử về những diễn biến của các cuộc chiến đấu đó, chỉ xin nhắc lại những tình tiết rất ngắn gọn để nhà báo/bút danh Phạm Trung nhớ:

- Sau khi giết chết Dương Đình Nghệ, do bị cô lập, Kiều Công Tiễn vội vã cầu cứu nhà Nam Hán, Ngô Quyền lập tức tập hợp lực lượng, kéo quân ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn rồi chuẩn bị quyết chiến với quân Nam Hán. Thắng lợi của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đã đặt dấu chấm hết cho mọi âm mưu xâm lược Tĩnh Hải Quân của nhà Nam Hán, đồng thời cũng kết thúc thời kì Bắc thuộc của Việt Nam [7]; hoàn toàn không có kiểu “ngoại giao chiến lược mềm dẻo” bằng đủ thứ công hàm, ký kết, văn bản với Trung cộng tới hơn nữa thế kỷ qua.

- Về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ: Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, cầu viện hoàng đế nhà Thanh là Càn Long. Cuối năm 1788, Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân Thanh hộ tống Lê Chiêu Thống về Đại Việt với danh nghĩa “phù Lê”, vào chiếm đóng Thăng Long.

Nghe tin báo, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788), Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Để lấy danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.

Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), tức là chỉ sau 28 ngày, đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, sau khi dẹp giặc thì cho quân đón tết tại Thăng Long [8].

Với những dẫn chứng trên thì kết luận của ông Đằng về lối ngoại giao của chính quyền VN là “thái độ hiền lành” là lối nói giảm nhẹ, còn nói rõ ràng và thẳng thắn là thái độ khiếp nhược, đớn hèn; nó không phải là tinh thần chống giặc ngoại xâm ngàn đời của cha ông ta trong lịch sử 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Thứ ba: Đối với tờ báo Đại Đoàn Kết

Tờ báo này lại có một cách thức phản biện khá “đặc sắc” qua bài viết “Khi người bệnh sám hối” của tác giả có tên Hà Trọng Nghĩa [9], người tự giới thiệu “Người viết bài này chưa có dịp gặp ông Lê Hiếu Đằng, nhưng đã vài ba lần gặp ông Trần Bạch Đằng”, đem cái sự giống nhau là cả hai ông cùng tên là Đằng để hy vọng “Trước, vẫn tưởng “hai ông Đằng” nhiều nét tương đồng”. Buồn cười thật, chẳng có cái mối quan hệ gì về tính cách với tên gọi cả nhất là Lê Hiếu Đằng là tên thật, còn Trần Bạch Đằng là bút danh, để rồi khi tác giả Hà Trọng Nghĩa phát hiện ra hai ông Đằng này “không giống nhau” thì tỏ ra “thất vọng”.

Nhà báo Trần Bạch Đằng là một nhà báo nổi tiếng với những phóng sự và sự lăn xả cho nghề, ông sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926 — 16 tháng 4 năm 2007, tức là vào thời điểm này ông đã mất cách đây 6 năm 4 tháng. Tôi đã nhiều lần đọc những bài viết của ông, cảm nhận cá nhân đó là nhà báo có tài. Có thể là một cơ duyên chăng khi tôi cũng đã đọc loạt bài Trần Bạch Đằng: cuộc đời và ký ức (5 kỳ) với số đầu tiên ra ngày 03/08/2006 trên báo tuổi trẻ online. Ngoài ra, tôi đã từng đọc quyển sách Đổi mới – Đi lên từ thực tế (NXB Trẻ, 2000), trong đó, nếu ai đã từng đọc sẽ tin rằng ông không hoàn toàn là viết theo định hướng. Ông đã có những bài viết thực sự là chỗ dựa công luận cho người dân oan ức và họ cũng thường tìm tới ông, gửi thư cho ông.

Tác giả nói rằng, đã vài ba lần gặp ông Trần Bạch Đằng, rồi “Trong một lần trò chuyện, ông Trần Bạch Đằng nêu câu hỏi: Nếu không có Đảng Cộng sản thì đất nước mình giờ ra sao? Rồi ông như tự nói với mình: Thì nước ta không giành được độc lập, Bắc – Trung – Nam không phải là con một nhà”.

Ai là người kiểm chứng thông tin trên?

Tôi lần tìm về cái tên nhà báo Hà Trọng Nghĩa trên google, thì ra tác giả này là giảng viên thỉnh giảng thuộc khoa Báo chí Truyền Thông, trường Đại Học Khoa Học Huế, đồng thời là phóng viên báo Đại Đoàn kết. Vừa là nhà báo, vừa là thầy giáo chắc tác giả này hiểu rõ phương pháp sư phạm và phương pháp tác nghiệp báo chí.

Để thuyết phục người nghe, việc tác giả phỏng vấn ngay ông Lê Hiếu Đằng, hay cho rằng bản thân mình đã từng gặp gỡ nhà báo Trần Bạch Đằng những lúc ông nằm trên giường bệnh như thế sao tác giả không có ngay hình ảnh khi đó mà lại mượn hình ảnh của người khác? Sao nhà báo Hà Trọng Nghĩa không có ngay bài báo sau khi gặp ông Trần Bạch Đằng mà phải đợi tới hơn 6 năm sau mới ghi ra những lời tâm huyết của ông mà chỉ có tác giả được nghe? Liệu đó là sự vô tình?

Người Việt có câu “người sắp chết hay nói thật”, tại sao lời trăng chối sắp chết của nhà báo Trần Bạch Đằng thì được cho là “tâm huyết” là “tốt đẹp, xây dựng” còn lời “sám hối” của luật sư Lê Hiếu Đằng lại là  tiêu cực, gán ghép một cách đầy ác ý cho rằng ông Lê Hiếu Đằng muốn “đánh bóng mình”. Nó tàn nhẫn hay bất lương hơn ở chỗ tác giả Hà Trọng Nghĩa đã gán cho luật sư Lê Hiếu Đằng là “tham vọng chính trị” bằng những câu ám chỉ cay độc khi nêu ra ví dụ về mùa xuân Ả Rập rồi phán xét những kẻ tham vọng chính trị kia là nguyên nhân gây ra sự chết chóc, nhà tan cửa nát. Và rằng “để mưu cầu một điều gì đó to tát hơn cho bản thân” mà ông Lê Hiếu Đằng “hy sinh quyền lợi của nhân dân”.

Chưa ai chết trước khi chết!!!

Nếu tác giả Hà Trọng Nghĩa sắp rơi vào cõi chết, liệu tác giả có nghĩ tới những việc làm như “đánh bóng tên tuổi”, rồi vì quyền lợi cá nhân” không?

Sáu năm là một quãng thời gian không phải quá dài nhưng đủ dài để cho bao nhiêu thay đổi có thể xảy ra, trong đó có cả nhận thức. Tác giả Hà Trọng Nghĩa có nghĩ rằng, với một con người vì dân, dám đấu tranh chống lại tham nhũng và hối lộ, lên tiếng cho đổi mới thì biết đâu vào thời khắc này ai có thể dám chắc rằng nếu còn sống nhà báo Trần Bạch Đằng không có khả năng là người kêu gọi đa đảng?

Hà Trọng Nghĩa có thể nói, có thể viết bất cứ điều gì, quy chụp cho luật sư Lê Hiếu Đằng rồi quăng lên báo chí, nhất là tờ báo Đại Đoàn Kết. Thế nhưng sự tin tưởng và phán xét sẽ thuộc về nhân dân. Đừng vì một lý do hay mệnh lệnh nào đó mà có hành động trái đạo, nhất là dựng dậy một người đã chết, mượn hình ảnh hay nhét chữ vào mồm họ để hạ bệ một người sắp chết.

Đó chỉ là hành động của kẻ vô liêm sỉ, không phải là hành xử của một kẻ làm thầy.

T.N.
Tài liệu tham khảo
[7]http://vi.wikipedia.org/wiki/Ngô_Quyền
[8] http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Huệ
[9] http://www.baomoi.com/Khi-nguoi-benh-sam-hoi/121/11772519.epi

 Nguồn: Ba Sàm

5 nhận xét :

  1. Thật tình mà nói đến thời điểm này không một ai, từ trí thức, công chức, người lao động... trong hay ngoài đảng có quan tâm đến chính trị, xã hội thì đều biết thực trạng nền chính trị đất nước như thế nào cả đấy thôi. Họ ngồi với nhau lúc trà dư tửu hậu, ai mà không chỉ trích đảng và nhà nước. Nhưng vì miếng cơm manh áo họ không dám lên tiếng trước công luận mà thôi. Hiện nay, họ cũng không dám tranh luận biện hộ cho đảng và nhà nước, chỉ những ai mê muội, vì tiền hay đã trên lưng cọp thì mới phần nào nói tiếng nói bảo vệ phe mình, nhưng cũng rất gắng gượng. Thực tiển rành rành ra đó, lý luận nào giải thích cho thực tiển mà lý luận được, chỉ là lý luận suông, lý luận cùn cho có từ một kiến thực chưa hoàn chỉnh, nên chỉ là trò cười cho người đời, chắc mấy ai thèm đọc.

    Trả lờiXóa
  2. Báo Đại đoàn kết hiện nay đã và đang Mất đoàn kết .Có lẽ nên đổi tên ra như thế cho đúng nghĩa. Nhưng việc đổi tên này còn tùy ở quyết định của ông Tổng biên tập và Ban tư tưởng văn hóa trung ương .Tuy nhiên để tờ báo được nổi tiếng là Đại Mất Đoàn Kết thì cần phải cơ cấu biên chế nhiều phóng viên có tầm như Hà trọng Nghĩa và tăng lương cho họ.Bởi lẽ họ lao động viết lách để có TIỀN chứ không phải có TÂM.

    Trả lờiXóa
  3. Bác LHĐằng nói thật suy nghĩ của bác về cần có đa đảng để cạnh tranh lành mạnh phụng sự dân tộc sau 45 năm là đảng viên ĐCS VN trên trang Bau xit VN mà Đảng CS VN hối thúc 3 tờ báo gộc phản bác điều đó nói lên ĐCS VN đang ở thế rất bí.Trước kia họ khai trừ Trần Xuân Bách,Trần Độ,...coi như xong việc.Nay họ chỉ phản bác lung tung vì biết rằng còn nhiều đảng viên kì cựu cũng nghĩ như bác LHĐ nếu làm mạnh có thể một số sẽ công khai rời khỏi ĐCS đã hết uy tín lãnh đạo để lập đảng mới(Lao Động mới ? Dân chủ Xã hội ? Xã hội Dân chủ ?...).Thực tiễn VN đang đòi hỏi điều đó,nhưng ĐCS cố tình nhắm mắt không chấp nhận sự thật đó thì bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát kẻ mù quáng mà đi tiếp.Điều đó cũng nói lên tính khoa học,tính dân tộc của lí thuyết CS đã đến hồi cáo chung.Bác LHĐ hi vọng bất bạo động và ĐCS VN sẽ chấp nhận tự cải tổ,cạnh tranh lành mạnh với các đảng khác sẽ giúp dân tộc VN chuyển mình nhẹ nhàng không đổ máu không đổ nát không bạo lực nhưng xem cách ĐCS VN hành động thì hoàn toàn ngược lại.

    Trả lờiXóa
  4. Mặt trận 46 Tràng Thilúc 10:24 25 tháng 8, 2013

    Hà Trọng Nghĩa là chân điếu đóm đ8ác lực cho Đinh Đức Lập mới chạy được cái ghế Thư ký tòa sọan báo Đại đòan kết. Hà Trọng Nghĩa tên thật là Văn Hà Thọ, nghe anh em báo chí nói y là một tay nghiện gái, bia rượu be bét chứ không phải thầy bà gì đâu ông Trung Nghĩa. Vấn đề hệ trọng nhưng trình độ lăng nhăng như Lập, Nghĩa không đủ lừa được cả trẻ con! Bằng cấp dỏm, kiến thức, nhân cách thì như giẻ rách dĩ nhiên chỉ có thể viết lách làm báo linh tinh nên Đinh Đức Lập xía vào chuyện này càng làm hại uy tín của Đảng ta mà thôi!

    Trả lờiXóa
  5. Các tác giả viết những bài mang tính chụp mũ, tố cáo ông Lê Hiều Đằng và bị nhiều tác giả viết bài phản biện lại rất sắc bén và có lập luận, căn cứ, chứng cứ.

    Nay các vị hãy viết bài phản biện lại những tác giả này đi và phải có lý lẽ, chững cứ, sự thật để chứng minh là các ông/bà mới là người đúng.

    Nếu không phản biện được thì các ông/bà toàn viết láo và không ai tin.

    Trả lờiXóa