Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Đào Tiến Thi: PHẢN BIỆN BÀI VIẾT CỦA GS. HOÀNG CHÍ BẢO


Đâu là “sự thật”, “công lý” và “trách nhiệm” qua bài viết của Giáo sư Hoàng Chí Bảo?

Đào Tiến Thi

Giáo sư Hoàng Chí Bảo (ảnh trên) vừa có bài Trọng sự thật và công lý để hành động có trách nhiệm nhằm bác bỏ những ý kiến (chủ yếu là của ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận) về việc thành lập Đảng Dân chủ xã hội ở Việt Nam.

Toàn bài của Giáo sư Hoàng, từ tiêu đề, đều toát lên tiếng nói của kẻ có quyền phán quyết và dạy dỗ. Ví dụ ngay đoạn đầu đã đóng đinh bằng hàng loạt nhận định mang tính tiên đề, không có chứng minh, phân tích, biện bác gì cả: “Ý Đảng – Lòng dân – Phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một, tạo thành sức mạnh thúc đẩy đổi mới, làm nên sức sống của đổi mới, thành tựu phát triển đất nước như hiện nay. Đổi mới là sự gặp gỡ tất yếu và tự nhiên giữa những hối thúc của đời sống thực tiễn với những sáng kiến, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ cơ sở, cùng với quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng”.

Giáo sư dựa vào đâu để nhận định: “Ý Đảng – Lòng dân – Phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một”? Và nếu thế không có gì phải bàn, phải làm nữa. Chẳng lẽ Giáo sư không hề biết chỉ trong mấy năm qua hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước đổ vỡ, hàng nghìn dân oan bị tước đoạt ruộng đất, phải đi khiếu kiện năm này qua năm khác mà vẫn không có kết quả gì; hàng chục nghìn người phải ra nước ngoài làm thuê; hàng ngàn phụ nữ phải lấy chồng ngoại, thực chất là những cuộc bán mình; hàng trăm người yêu nước và đấu tranh cho chủ quyền dân tộc và lẽ công bằng bị kết tội tuỳ tiện hoặc thường xuyên bị sách nhiễu, bất chấp luật pháp. Cả xã hội gần bất lực trước nạn tham nhũng, lạm quyền và các loại tội phạm. Biển đảo thì ngày càng bị nhà cầm quyền Trung Cộng ngang nhiên xâm lấn, ngư dân luôn bị khủng bố mà không có một chiến lược, một quyết sách gì để ngăn chặn và hy vọng. Và còn bao nhiêu nan giải khác về xã hội, giáo dục, y tế,… Là một nhà khoa học, nhất là khoa học xây dựng Đảng, lẽ ra Giáo sư Hoàng phải cảnh báo cho Đảng để có sự điều chỉnh về đường lối chính sách; còn đối với những tiếng nói đối lập, phải đối thoại cởi mở trên cơ sở chân lý và đạo lý; nhưng qua bài trên, tôi thấy Giáo sư chỉ ra sức tô hồng hiện thực và kết tội những người khác ý kiến, như thế còn đâu là “sự thật”, còn đâu là “công lý” với “trách nhiệm” như tiêu đề của bài?

Giáo sư Hoàng khen ngợi thành tựu đổi mới của Đảng. Đồng ý. Nhưng là một bài tranh luận, Giáo sư phải bác bỏ từng luận điểm của đối phương. Khi ông Lê Hiếu Đằng nêu những cái phi lý, bất cập, tội lỗi của chính thể hiện nay, lẽ ra Giáo sư phải bác bỏ từng điểm một mới phải, chứ sao lại lấy cái hay để thay thế cho cái dở? Làm cho “Ông nói gà, bà nói vịt”, chẳng ăn nhập gì cả. Công là công, tội là tội, làm sao lấy công thay cho tội được?

Bây giờ tôi xin tập trung phân tích hai ý chính trong của Giáo sư Hoàng Chí Bảo:

- Ca ngợi công lao của Đảng, chủ yếu là giai đoạn từ phát động “đổi mới” đến nay.

- Coi sự độc quyền lãnh đạo của Đảng là hợp lý, hợp tình.

Về ý thứ nhất, khi Giáo sư Hoàng ca ngợi công lao của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước (từ cuối 1986, khi chấp nhận kinh tế thị trường, kinh tế tư bản, tư nhân) không phải là sai nhưng coi đấy là tất cả do “thiên tài Đảng ta” thì thật không khách quan, không vô tư. Cuộc “đổi mới” này, nói cho công bằng, là cuộc gỡ bớt (bớt thôi chứ không hết) những cái ách phi lý đè nặng bấy nhiêu năm. So với trước đó (kinh tế tập thể, tập trung, cấm tiệt kinh tế tư nhân, tư bản) thì đúng là mới. So với Bắc Triều Tiên và Cu Ba, hai quốc gia kiên định giữ nguyên mô hình CNXH, thì bước đi của Đảng Cộng sản Việt Nam là rất mới, rất táo bạo. Nhưng so với Đảng Cộng sản Trung Quốc (tiến hành cải cách mở cửa từ năm 1978), thì ta cũng bình thường thôi (chậm hơn Trung Quốc gần một thập kỷ và tốc độ cũng chậm hơn nhiều). Còn so với sự đòi hỏi của thực tiễn, so với quy luật chung của cuộc sống, so với con đường của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đi thì sự “đổi mới” của ta chẳng có gì mới, thậm chí là quá chậm. Sự đổi mới ấy chẳng qua là quay về với cái cũ (ở Việt Nam thời Pháp thuộc đã có kinh tế tư bản không đến nỗi nhỏ). Kinh tế thị trường (tư bản) đã ra đời ở Âu – Mỹ, Nhật Bản hàng trăm năm trước. Và thị trường của họ ngày nay đã tiến tới sự hoàn thiện dưới sự điều hành, giám sát của nhà nước pháp quyền, của xã hội dân sự (trong đó đặc biệt là vai trò của nghiệp đoàn, của tự do ngôn luận, tự do báo chí), chứ không phải thị trường hoang dã, méo mó như Việt Nam hiện nay.

Tất nhiên là khi gỡ bớt những cái ách trên thì nhân dân phấn khởi, sức lao động và sức sáng tạo bao nhiêu năm bị kiềm toả bỗng nhiên được giải phóng. Lại thêm tư bản nước ngoài vào đầu tư, tất cả đã khiến kinh tế Việt Nam khởi sắc hẳn lên. Tức là kinh tế bước đầu được vận hành theo quy luật. Cứ nhìn vào hình ảnh người nông dân trên đồng ruộng khi vừa mới có chính sách chia ruộng những năm cuối thập niên tám mươi, đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước so với giai đoạn hợp tác xã trước đó thì đủ biết. Thời hợp tác xã, người ta đệm cho cày nông choèn, rồi cày một đường lại bỏ “lỏi” nửa đường là chuyện thường. Việc bừa cũng tương tự như vậy. Nhưng đến lúc chia ruộng, bà con làm ruộng nhuyễn như nồi cháo nấu kĩ. Rồi bao nhiêu phân gio được chiu chắt, chăm bẵm,… do đó lúa tốt hẳn lên chứ không “chó chạy hở đuôi” như thời hợp tác xã. Trời còn mờ tối, bà con đã lục tục ra đồng, tối nhọ mặt vẫn chưa chịu về, khác hẳn thời hợp tác xã, mặt trời còn con sào mới gọi nhau xuống đồng, lại còn giải lao giữa giờ, trà thuốc chán chê, cho đến khi mặt trời sắp lặn mới xuống làm tượng trưng một chút nữa rồi về.

Viết đến đây tôi muốn muốn minh hoạ thêm bằng một ý của Mạc Ngôn (nhà văn Trung Quốc, giải Nobel 2012). Năm 1993, Mạc Ngôn qua thăm một thành phố vùng biên giới Nga – Trung. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy cùng thảo nguyên ấy, bên Nga đất đai hết sức phì nhiêu và rộng rãi so với Trung Quốc, nhưng dân Nga lại nghèo khổ hơn hẳn dân Trung Quốc (lúc ấy Trung Quốc đã cải cách được 15 năm, còn Nga vừa mới tan rã đế chế Xô Viết). Mạc Ngôn nhận định: “Người dân dưới bất kỳ chế độ xã hội nào đều là một quần thể cần lao, dũng cảm, giàu sức sáng tạo nhất. Chỉ cần nới lỏng một chút bàn tay xiết trên cổ họ, để họ có thể hít thở được, chỉ cần nới lỏng một chút cái sợi dây xiềng xích giữ tay và chân họ, để họ có thể lao động được, họ có thể sáng tạo ra cả một nền văn hoá rực rỡ và những của cải lớn lao[1].

Dẫu sao thì dân ta hiện nay cũng “vênh mặt” được với Bắc Triều Tiên và Cu Ba. Nhưng so với Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước cho đến tận đầu thế kỷ XIX chỉ tương đương mình như, thì mình thật đau xót; còn so với những nước lân bang như Thái Lan, Singapore, cho đến tận đầu thế kỷ XIX, vẫn còn là “đàn em” của ta, thì thật hổ thẹn.

Và đúng là cuộc đổi mới đã giúp Đảng Cộng sản thoát hiểm như nhận định của Giáo sư Hoàng Chí Bảo. Nhưng cuộc thoát hiểm đó mang tính chất tình huống, tạm thời. Bởi vì chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kinh tế là cơ sở hạ tầng, quyết định kiến trúc thượng tầng, tức hình thái nhà nước;  và kiến trúc thượng tầng phải phù hợp với cơ sở hạ tầng. Lực lượng sản xuất phát triển đến độ như bây giờ thực sự đã mâu thuẫn gay gắt với kiến trúc thượng tầng. Kinh tế thị trường do không đi đôi với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự đã dẫn đến những nhóm lợi ích, những sự cạnh tranh mang tính maphia,… Và đặc biệt là tình trạng tham nhũng vô phương cứu chữa. Càng duy trì tình trạng này sẽ càng tiếp tục khủng hoảng, cả kinh tế và chính trị. Chính nó đe doạ sự tồn vong của Đảng, chứ không phải “các thế lực thù địch”.

Về ý thứ hai, Giáo sư Hoàng nêu: “Dân ủy thác cho Đảng trọng trách. Sứ mệnh, địa vị và trọng trách của Đảng là sự lựa chọn của dân, là sự tin cậy mà dân dành cho Đảng…”. Thế nhưng giáo sư lại không biện luận, không chứng minh được điều này. Thử hỏi, dân uỷ thác cho Đảng bao giờ, dưới hình thức nào? Đã gọi là uỷ thác thì phải qua một hình thức “khế ước” như qua hiến pháp, qua các bộ luật, qua việc bầu cử tự do. Hiến pháp hiện hành có ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (Điều 4) nhưng nhân dân chưa bao giờ được phúc quyết điều này. Tất cả các chức danh lãnh đạo của Đảng hoàn toàn do Đảng bầu, Đảng cử chứ dân không có quyền gì. Giáo sư lý giải thế nào hình ảnh một xã hội được gọi là dân chủ nhưng người đại diện cho mình, thực thi những quyền lợi của mình, quyết định số phận của mình, lại không phải do mình bầu lên?

Giáo sư viết tiếp: “Phản ứng và thái độ của cá nhân là quyền của mỗi người, nhưng quyền ấy phải thuận theo đạo lý và luật pháp”. Không hiểu đó là đạo lý gì và luật pháp nào? Ở dưới, Giáo sư có giải thích nhưng cũng chẳng sáng tỏ gì hơn: “Đó là lẽ phảiđạo lý ở đời và làm người mà Bác Hồ gọi là Thân dânChính tâm. Với những đảng viên của Đảng Cộng sản, đòi hỏi này càng cần phải tôn trọng nghiêm ngặt hơn bởi sự dẫn dắt của lý trí tỉnh táo, sáng suốtthái độ chính trị nghiêm túc, biết tự mình trung thành với lý tưởng và nguyên tắc, cùng với giữ trọn đạo làm người cách mạng” (nhấn mạnh của ĐTT). Thật quá nhiều ngôn từ to tát nhưng lại không nói được điều gì. Thử hỏi ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận,… vi phạm đạo lýlẽ phải ở chỗ nào? Không thân dân, không chính tâm, không tỉnh táo,… ở chỗ nào?

Lại nữa, Giáo sư viết: “Khi đã giác ngộ chân lý thì phải phục tùng chân lý”. Không hiểu Giáo sư nói chân lý nào đây? Sống dưới chế độ Sài Gòn, ông Lê Hiếu Đằng thấy không có tự do, độc lập; Đảng nêu cao tự do, độc lập, ông thấy đấy là chân lý nên đi theo. Nay ông Lê Hiếu Đằng thấy Đảng không coi trọng tự do, độc lập nữa, ông muốn thành lập một đảng khác để thực thi tự do, độc lập, thì đó cũng là chân lý. Chân lý là quá trình nhận thức, quá trình tìm kiếm không ngừng chứ đâu phải là cái gì bất biến.

Phần cuối, Giáo sư Hoàng vô tình hay hữu ý đã đánh tráo khái niệm khi ông bàn sang vấn đề đa đảng ở các nước tư bản (dân chủ): “Có một thực tế lịch sử hiển nhiên cũng cần được làm rõ, trong các nước tư bản chủ nghĩa, dù tồn tại đa đảng và các đảng đối lập, nhưng vẫn định hình một đảng cầm quyền. Chính trường ở đó thường xuyên diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị tư sản. Họ chỉ đa nguyên, đa đảng trên hình thức, còn trên thực tế đều tỏ rõ sự nhất nguyên, bởi đảng chính trị tư sản nào cũng không bao giờ xa rời mục đích bảo vệ cho quyền thống trị và sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản”.

Đúng là trong chính thể đa đảng của các nước dân chủ luôn diễn ra cuộc tranh giành và tất nhiên rốt cuộc có một đảng thắng và lên cầm quyền. Nhưng sự cầm quyền ấy khác hẳn sự độc quyền của đảng cộng sản ở các nước cộng sản. Trước hết sự cầm quyền của họ là do nhân dân quyết định (phải thắng phiếu trong bầu cử); thứ hai, khi cầm quyền, họ buộc phải thực thi pháp luật và thực thi những điều đã cam kết; nếu không làm được, sẽ bị nhân dân phế truất bằng nhiều cách khác nhau.

Chưa kể, đảng cầm quyền luôn đối mặt với đảng đối lập, với xã hội dân sự, với tự do ngôn luận và báo chí, do đó luôn luôn bị chỉ trích nếu có khuyết điểm. Vì vậy đảng cầm quyền khó có cơ hội chỉ vơ vén cho quyền lợi ích kỷ của mình. Tuy vậy, một đảng cầm quyền lâu ngày vẫn thường dẫn đến tha hoá. Do đó như ta thấy ở Mỹ và một số nước, mỗi đảng (cũng như tổng thống) giỏi lắm chỉ cầm quyền được hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ hai thường là đuối sức, nhiều tổng thống buộc phải từ chức giữa nhiệm kỳ. Nền chính trị dân chủ của họ do đó luôn luôn được “thay máu”, có lẽ vì thế mà chế độ tư bản “giãy” mãi mà không “chết”!

Giáo sư Hoàng cũng lặp lại một điều mà các đồng nghiệp của ông ai cũng bám lấy: “Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ”. Đúng. Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ. Cũng như không phải cứ ăn chất đạm thì khoẻ mạnh, cứ dùng thuốc thì chữa được bệnh. Nhưng muốn khoẻ mạnh thì không thể từ chối ăn chất đạm, muốn chữa được bệnh thì không thể không dùng thuốc. Cho nên cái mệnh đề trên của Giáo sư Hoàng và một loạt giáo sư Mác – Lê-nin khác chả có gì đứng vững. Nhưng điều này thì có: Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ nhưng muốn xây dựng xã hội dân chủ, không thể không đa nguyên, đa đảng. Điều này thực tế đã chứng minh: chưa hề có nước nào độc đảng mà có dân chủ, nhưng nhiều nước đa nguyên đa đảng thì đã có dân chủ, ít nhất cũng dân chủ hơn các nước độc đảng. Tại sao ta không đi con đường mà thế giới đã đi, cứ nhất nhất đi con đường riêng chưa ai đi, và con đường riêng ấy luôn luôn phải loay hoay, chật vật? Và thỉnh thoảng, ở tình huống bế tắc quá thì lại làm cú “phá rào” để thoát hiểm?

Cuối cùng, Giáo sư Hoàng lại quay về với Điều 4 Hiến pháp để bảo vệ sự độc quyền của Đảng: “Điều 4 trong Hiến pháp đã khẳng định về vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Đó là ý chí của dân, nguyện vọng của dân, đạt được sự đồng thuận rất lớn của xã hội. Đảng ta trong nhận thức và đánh giá của dân, có đầy đủ tính chính đáng pháp lý và sự xứng đáng về phẩm giá và uy tín của một Đảng lãnh đạo và cầm quyền”.

Sao Giáo sư lại dùng Điều 4 Hiến pháp thay cho lập luận? Lẽ ra Giáo sư phải làm ngược lại: dùng lập luận để biện giải, chứng minh cho sự đúng đắn của Điều 4. Dựa vào đâu mà Giáo sư bảo Điều 4 là “ý chí của dân”? Đã bao giờ Hiến pháp được phúc quyết chưa? Đã bao giờ Điều 4 được đem ra trưng cầu dân ý chưa?

Mấy năm trước, tôi thấy một số chuyên gia Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương lo lắng không biết nên “diễn giải” như thế nào về Đảng bây giờ. Trong tình hình hiện nay, vấn đề có lẽ càng cấp bách hơn. Người như Giáo sư Hoàng, lẽ ra có nhiệm vụ biện giải để làm sao sáng ngời tính chính danh của Đảng (chứ không phải càng nói càng hỏng). Hoặc là phải tham mưu cho Đảng, làm sao có đủ chính danh. Và nhất là làm sao “thay máu” để Đảng lành mạnh trở lại, chứ không phải nói lấy được những điều trên.

Một người “gác cổng” lâu năm cho Đảng về mặt lý luận lại có học hàm giáo sư, tôi thật buồn khi thấy bài của Giáo sư Hoàng chỉ ở tầm “dư luận viên” mà thôi. Thực tình tôi nghĩ không phải trình độ Giáo sư Hoàng Chí Bảo như vậy. Vì tôi đã từng nghe Giáo sư Hoàng giảng về Nghị quyết Trung ương IV khá hay. Lần giảng về NQ Trung ương IV đó, cách đây chưa lâu, Giáo sư đã phân tích nguyên nhân thoái hoá chính là từ trong Đảng (do tham nhũng, lộng quyền, dối trá,… mà ra chứ không phải do “thế lực thù địch” dùng thủ đoạn “diễn biến hoà bình” nào cả). Vậy bây giờ có lẽ do Giáo sư không nói thật, không căn cứ vào sự thật, cho nên gần như chẳng biện bác được gì ngoài những khẩu hiệu khô cứng. Thiết nghĩ bảo vệ Đảng như thế thật hoá ra hại Đảng. Như cụ Nguyễn Du đã viết: Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.

Đ.T.T.



[1] Tạp văn Mạc Ngôn, Nhà xuất bản Văn học, 2005.

19 nhận xét :

  1. Thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng

    TP HCM, ngày 26 tháng 8 năm 2013

    Kính gửi: - Các ông Giám đốc Đài Truyền hình Trung ương, TP HCM

    - Tổng biên tập các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đại đoàn kết, Công an Nhân dân, Sài Gòn Giải phóng và các báo do sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương đã và sẽ đăng bài phê phán bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của tôi.



    Mời mọi người xem chi tiết lá thư ngỏ tại Bauxite Việt Nam:

    http://boxitvn.blogspot.com/2013/08/thu-ngo-cua-ong-le-hieu-ang.html

    Trả lờiXóa
  2. Thầy Mạnh tử nói: dân vi quý, xã tắc chi thứ, quân vi khinh.

    Trả lờiXóa
  3. " Người như Giáo sư Hoàng, lẽ ra có nhiệm vụ biện giải để làm sao sáng ngời tính chính danh của Đảng (chứ không phải càng nói càng hỏng). Hoặc là phải tham mưu cho Đảng, làm sao có đủ chính danh. Và nhất là làm sao “thay máu” để Đảng lành mạnh trở lại, chứ không phải nói lấy được những điều trên."
    Cá nhân tôi có cảm giác thật buồn cho những trụ cột về tư tưởng Mác-Le6nin, càng ra sức lý luận thì sau cùng bí thế phải lòi ra cái ngang ngược, nói lấy được mà thôi.
    Kính xin ông Đào Tiến Thi giữ gìn sức khỏe, vì hẳn ông đã mất thì giờ chỉ cho những trụ cột hệ tư tưởng Mác-Lênin cái phải làm trong nghề của họ. Ông Đào Tiến Thi ăn cơm nhà mà làm việc trong khi họ, dù nói bậy quấy quá nhưng cũng có công mập mờ đánh lận dư luận mà được ưu đãi hậu hỉ (càng nói càng hỏng).

    Trả lờiXóa
  4. Giáo sư Hoàng Chí Bảo vẫn quen thói cửa quyền ,áp đặt quan điểm của mình cho người khác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vũ Minh Giang, Hoàng Chí Bảo là một thế hệ giáo sư, "tiến sĩ vẹt". Khác với tiến sĩ giấy là họ không viết gì còn "tiến sỹ vẹt" vẫn có kiến thức nhưng họ phải nói và chỉ biết nói như những con vẹt.

      Xóa
  5. Cở như Hoàng chí Bảo, với những suy nghỉ ngượng ngạo, kiểu kể lể để lỉnh tiền mà lên chức đến giáo sư, thì cái nền giáo dục ở Viêt nam mình nó không bị "lủng đáy" mới là lạ .
    Và nói chuyện với những giáo sư đầu đất như thế này, thì nói với cái đầu gối của mình vẫn thú vị hơn nhiều .

    Trả lờiXóa
  6. Hay quá, xin ngài Chí Bảo rửa tai nghe rồi trả lời hộ.

    Trả lờiXóa
  7. Xin trân trọng cảm ơn Anh Đào Tiến Thi đã dùng lý lẽ sắc bén và đanh thép để chỉ mặt vạch tên gã giáo sư họ Hoàng nói như con vẹt, nói như mê sảng trước những vấn nạn của đất nước ! Gã giáo sư họ Hoàng này là một trong những hòn đá độc ngăn cản tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam !.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính xác ! Xin trân trọng cảm ơn Anh Đào Tiến Thi nhưng đề nghị bác nặc danh 14:26 ngày 27/8/13 đừng đánh đồng gã con vẹt đó làm ô danh họ Hoàng chúng em.(Em cũng họ Hoàng đây!). Mong các bác thông cảm, con vẹt nói còn được ăn quả chuối thì gã GS kia cũng phải cãi "củ chuối" để được ăn tí nhuận bút chứ lị !

      Xóa
  8. Ban TGTW đang tung ra những nhân vật cứng cáp nhất với những danh vị cao sang nhất như Gs Hoàng chí Bảo để bảo vệ Đảng . Đảng đánh giá những tác động trong bài viết của ô. LHĐ . Ảnh hưởng LHĐ đang lan tỏa trong đầu những đảng viên lão thành điều mà ô. TBT đương nhiệm đã chỉ rõ là những suy thoái chính trị và đạo đức trong đảng viên . ô TBT Đảng không nói cụ thể những suy thoái đó là gì, chỉ nói chung. Thì nay những suy thoái đó đang hiện hình rất cụ thể từ KN SđHP 1992 , đến KN 72 mà trong đó không thiếu những gương mặt đáng kính của Đảng từng là UVTW, từng là bộ trưởng , thứ` trưởng .. Nay thi đến ô. LHĐ , HNN, xuất thân từ PT HSSV đấu tranh chống chế độ VNCH , chính thức được kết nạp Đảng từ năm 1968 , đi một bước quyết định ở cuối đời : muốn thành lập một đảng đối lập với ĐCS là Đảng DCXH !
    Những tay viết như Phạm Trung, Trọng Đức trên báo ND và QĐND, thậm chí như một tay VK giả dạng tên gì đó ở TX ( có lẽ là Texas ) và những bài , những giọng búa bổ trên VTV, HTV , dường như chưa đủ mạnh , hay độ đả kích ô. LHĐ cứ tăng đô dần lên với những người như GS Hoàng Chí Bảo .
    Đảng thì chưa bao giờ chịu thua cả, chỉ có ta thắng địch thua thôi và dù có thiệt hại ta cũng nhất định thắng , địch nhất định thua . Cuộc đấu còn đang tiếp diễn .
    Làn gió LHĐ mới nhóm lại nay đang có cơ mạnh thêm . Hy vọng nó sẽ không ít thì nhiều làm dịu đi cơn sốt cứ hầm hập trên chính trường nước ta bấy lâu nay !

    Trả lờiXóa
  9. Ngôn từ, ý , tứ của GS.Chí Bảo nghe qua thì sang sảng như chuông chùa nhưng cũ và nhàm chán quá. Sự thật nền chính trị và xã hội VN hiện nay không nằm trong những câu khẳng định hùng hổ của ông Bảo, sự thật phơi bày giữa ban ngày ai cũng thấy , cũng hiểu. Sự thật đó là : ĐCSVN đang đưa cả dân tộc theo con đường sai lạc, ngược lại xu thế dân chủ của thời đại. Hệ lụy là: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN VN (không giống ai) đang lao xuống vực suy kiệt; Chế độ chính trị độc đảng chuyên chế, gây ra sự bất công, bất bình, vô đạo lý và khủng hoảng tinh thần trong xã hội. Nhà nước VN hiện nay đang dùng bạo lực, cường quyền cai trị nhân dân, trong đó có đồng bào, đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.Sự thật là VN đang tự cô lập với thế giới Dân chủ, văn minh.. G.S Chí Bảo hãy dũng cảm nhìn thẳng và nói lên sự thật đau lòng của nhân dân và Tổ quốc hiện nay, đừng vì "số hưu" mà đánh rơi lòng tự trọng của người trí thức. Nếu G.S không dám nhìn và nói lên sự thật này thì nên im lặng sống nốt ngày còn lại và đổi tên "Chí thường" thôi.

    Trả lờiXóa
  10. Đề nghị Giáo sư,tiến sĩ Hoàng Chí Bảo?hồi đáp phản biện của Bác Đào Tiến Thi,bằng không ,chắc là con,cháu khó có cơ hội ngẩng mặt nhìn mọi người xung quanh.

    Trả lờiXóa
  11. Nhìn ông ngoại này giống con cú vọ quá!

    Trả lờiXóa
  12. Quí vị thông cảm . Họ cũng chỉ là những CON VẸT không hơn không kém, lí luận một chiều. Bó tay

    Trả lờiXóa
  13. Mong sao trong ĐCS có thật nhiều vị đảng viên còn trăn trỡ với vận mệnh đất nước, se thắt trước nổi cơ cực của nhân dân. Cho dù đứng ở hàng ngũ nào chăng nữa quí vị cũng biết dân tộc mình, đồng bào mình luôn có tâm hiếu sinh và nhân ái,quí vị nên mở rộng tấm lòng mình ra một tí để dân bớt khổ quí vị nhé.
    Kính chúc quí vị an lành ,hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  14. Mặt đeo kính sáng mà tâm thì mù tịt.Nói thật chứ tầm thượng cấp của vị GS này cũng như thằng mù khuơ gậy đêm đông.Có giỏi giang thì tiếp tục tranh luận với anh Thạc sỹ này thêm ít bài nữa chứ đừng trốn như khỉ sợ mắm tôm nhé !

    Trả lờiXóa
  15. Thông cảm cho ông Bảo, bởi vì sự thật chỉ có 1, mà cái này đã thuộc về ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận rồi thì ông Bảo cũng phải nói đại, chứ chẳng lẽ đảng của ông giao mà lại không nói gì. Thành ra ông phải nói quanh, nói quẩn, nói như mấy bà bán hành cá ngoài chợ (xin lỗi các bà đừng tự ái khi tôi ví ông Bảo giống các bà nha)

    Trả lờiXóa
  16. Xin đọc thêm phản biện bài viết của GS Hoàng Chí bảo tại:
    http://lenguyenhong.blogspot.com/2013/08/phan-bien-bai-viet-cua-giao-su-tien-si.html#more

    Trả lờiXóa
  17. Đôi lời với ông giáo sư Chí Bảo
    Căn nguyên của sự suy thoái trong chính nội bộ đảng hiện nay đó chính là xuất phát từ độc đảng cầm quyền đã dẩn đến độc quyền trong mọi sự lãnh đạo. Mà đã nói đến độc quyền thì muốn gì chẵng được tỷ như chính ông Chí Bảo nói “Ý Đảng – Lòng dân – Phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một” vậy nó đã có từ khi nào hay tự chính đảng bộc phát ra, nhân dân ai xác quyết?
    Xưa nay không ai lại tự cho mình, tổ chức mình là tự cao tự đại cả đó là điều tối kỵ, đặc biệt đối với nền văn hóa phương đông như ở nước ta vốn thật thà khiêm tốn. Vậy mà đảng lại có thể nghiểm nhiên tự đánh bóng tổ chức của mình bằng hằng hà sa số các băng rôn khẩu hiệu được thống nhất hoành tráng với nền đỏ chữ vàng:”Đảng cộng sản Việt nam quanh vinh muôn năm”! Được trưng đầy ở mọi nơi công sở đường đi lối lại trên khắp cả nước.
    Sao không phải là “TỔ QUỐC VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM!”, “NHÂN DÂN VIỆT NAM ANH HÙNG MUÔN NĂM!”? Mà lại muốn giành lấy phần cho riêng mình, còn TỔ QUỐC và NHÂN DÂN đâu hở đảng quang vinh, hở ông Chí Bảo?!
    Nếu đảng quả đúng là quang minh chính đại được Nhân dân tung hô như khẩu hiệu trên của đảng. Thì đảng cũng phải có cách ứng xử công tâm rằng: Chúng tôi xin cám ơn giành lại sự quang vinh muôn năm đó chính là Tổ quốc và Nhân dân, đó mới là phải đạo chứ. Độc đảng độc quyền thì muốn gì cũng được, đến mức không còn phân biệt đâu là phải trái phân minh trong cách ứng xử thông thường trước cộng đồng xã hội.
    Bài viết của ông Lê Hiếu Đằng và lời kêu gọi thành lập thành lập đảng dân chủ xã hội Việt nam là một tất yếu. Cám ơn ông Lê Hiếu Đằng đã tiên phong dũng cảm đi đầu.

    Trả lờiXóa