Tìm trong tiếng Việt,
có hai thứ văn bản được gọi là “Đạo”. Thứ nhất là Đạo sắc phong của vua.
Ví như bản hiệu “Tiết hạnh khả phong” vua ban cho bà góa trẻ thờ chồng
trọn đời. Cái thứ hai là Đạo luật. Chữ “Đạo” ở cả hai trường hợp cùng
một ý, có lẽ xuất phát từ chữ Đạo(*), gốc Hán-Việt là cờ tiết, biển hiệu
nhà vua. Chắc các cụ nhà ta ngày xưa ghép từ gốc Hán tạo ra hai thứ văn
bản có chữ Đạo này với ý cái văn bản nào được vua ban, thì gọi là đạo.
Như vậy, đạo luật phải chăng là hàm ý của vua ban luật cho dân. Điều suy
đoán đó có thể đúng, có thể sai. Nhưng trên thực tế thì cung cách làm
luật, tư duy làm luật, cách thảo luận và thông qua luật của nước ta ngày
nay vẫn mang đậm dấu ấn của việc ban cho dân cái luật. Nói khác đi,
luật là để cho đối tượng bị luật điều chỉnh chấp hành, còn người thảo ra
và thi hành luật đó thì không thể bị ràng buộc. Chỉ lấy một thí dụ nhỏ,
luật đã soạn ra, được thông qua rồi, mà còn phải chờ thông tư, nghị
định mới thi hành được là một kiểu ban luật như vậy.. Đọc văn bản luật
giấy trắng mực đen rồi nhưng hiểu luật thế nào, giải thích thế nào… thì
không được phép, nếu không có văn bản dưới luật của bên thực thi luật
ban hành.. Chưa nói đến việc thực thi hay không, thực thi thế nào, có
đúng luật hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào bên thực thi luật, cho
thế nào dân được thế ấy.
Chẳng
hạn đã có phán quyết về việc người dân phạm “tội lợi dụng sơ hở của
pháp luật để…”. Rõ ràng phải xử người tạo ra sơ hở của pháp luật, sao
lại xử người sử dụng nó!
Thật
chẳng khác gì câu cửa miệng của dân gian ngày xưa: Vua ban, Quan dạy,
Dân chạy ngược chạy xuôi. Chuyện này kéo dài quá lâu đã thành điều mặc
nhiên đối với các chính khách lập pháp, hành pháp và tư pháp Việt nam.
Chả
thế mà vừa qua Quốc hội có quyết định chưa thông qua luật đất đai sửa
đổi, tuy là việc bình thường của lập pháp các nước, nhưng ở ta lại có
một hiệu ứng đặc biệt. Một tờ báo đã viết, quyết định không thông qua
theo đúng lộ trình này khiến nhiều vị đại biểu quốc hội thở phào. Còn
với những người dân bình thường, ít chữ nghĩa, thì nói, thế là hợp đạo
lý.
Khái niệm đạo lý ở đây
chẳng liên quan gì đến cái đạo sắc của vua ban cả. Đạo lý (**) tự cổ chí
kim, ở các nước có văn hóa, đều có nghĩa như nhau, cả nghĩa đen lẫn
nghĩa bóng. Đạo là con đường sáng phải đi. Lý là cái lẽ đúng phải theo.
Như vậy đạo lý chính là cái cơ sở đúng đắn cả phần xác lẫn phần hồn, là
chuẩn mực đầu tiên của xã hội con người.
Hiến
pháp là đạo luật gốc của xã hội vì vậy khi xây dựng Hiến pháp, vì vậy
phải lấy Đạo lý làm tiêu chí khởi thủy. Đạo lý không phải và không thể
là ý chí của một người, một nhóm người, một tổ chức. Nó phải được toàn
nhân loại thừa nhận. Đó là đạo lý phổ quát.
Dù
rất tôn thờ Nho giáo, và thừa nhận Nho giáo là học thuyết có ngàn năm
lịch sử, đã dẫn dắt ông cha ta xây dựng đất nước, truyền thống văn hóa
xã hội, nhưng chắc rằng không thể lấy học thuyết “tu thân, tề gia, trị
quốc, bình thiên hạ” coi là đạo lý mở đầu cho Hiến pháp. Không phải vì
học thuyết đó không xuất phát từ Việt nam, đơn giản, đó không phải là
đạo lý phổ quát, nó chỉ dành cho nhóm gọi là “người quân tử”, còn bình
dân, không phải ai cũng muốn, cần và có thể trị quốc, bình thiên hạ. Lại
càng không thể dựa vào đó để đưa vào Hiến pháp, giả dụ theo quan điểm
của nho gia, Điều X: Vua là người thay trời trị dân. Toàn bộ quyền lực
quốc gia tập trung vào tay vua, từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp… Hoặc
viết Điều Y: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung…(***)
Những
dòng đầu tiên bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 1945 là lấy từ Tuyên
ngôn độc lập Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo
hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền
ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", và
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyên Pháp: ”Người ta sinh ra tự do và bình
đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền
lợi”. Với khẳng định tại Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt nam: “Đó là
những lẽ phải không ai chối cãi được”, dân tộc Việt nam đã công nhận đó
chính là đạo lý của loài người, của xã hội, và nướcViệt nam độc lập cũng
nằm trong tập hợp văn minh đó, dù xuất xứ đầu tiên những tuyên ngôn đó
từ đâu.
Hiến pháp cũng như
luật pháp được lập ra để xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh. Nó phải
tuân thủ và giải quyết nhiều yêu cầu của xã hội con người, mà các yêu
cầu đó về nguyên tắc có thể ảnh hưởng lẫn nhau và có khi loại trừ nhau.
Vì vậy các yêu cầu đó phải có một thứ tự ưu tiên, cái trước được ảnh
hưởng cái sau, nhưng không có chuyện ngược lại. Khoa học đã xác định,
thứ tự đó là : Đạo lý, Lợi ích, Hậu quả và tính Khả thi.
Theo
dõi các phiên thảo luận Hiến pháp vừa qua ở quốc hội, có thể thấy các
đại biểu đa phần là xem xét theo thứ tự đảo ngược. Thậm chí, nguyên tắc
tối thượng là tôn trọng đạo lý thì không mấy người đề cập tới. May mắn
là hãy còn có cơ hội để các đại biểu tự nhắc mình, làm sao cho hợp đạo
lý. Còn người dân ít chữ thì hiểu và đòi hỏi điều đó từ lâu rồi.
Hiến pháp 1992 sửa đổi có tôn trọng đạo lý hay không, trách nhiệm đang chờ ở các đại biểu quốc hội trong kỳ họp tới.
---
(*) Đạo 纛, theo tìm hiểu của người viết, thuật ngữ “Đạo luật” không thông dụng trong ngôn ngữ Trung hoa
(**) Đạo lý 道理, justification basis
(***) Vua xử bầy tôi chết, bầy tôi không chết là không trung thành
Một bài viết rất hay , nhưng không biết vị lãnh đạo QG, các vị ĐBQH có đọc và hiểu như vậy không ? Chắc các vị đảng viên thì phải nằm lòng các chỉ thị, chỉ đạo của Đảng và nội nhiêu đó cũng đủ làm cho các vị đảng viên đau đầu . Đảng thì họp thường xuyên , các bí thư có nhiệm vụ đưa đảng viên vào lề lối của Đảng . Đảng có đủ ban bệ để chỉnh đốn đang viên . Sinh hoạt đảng thường xuyên và kỉ cương của Đảng không thể buông lỏng. Ngoài ra còn công việc phải làm trong nhiệm vụ, các đảng viên khó có thời giờ đọc những thứ ngoài văn kiện của Đảng . Người dân thì ít người đọc và nghiên cứu các văn kiện của Đảng và cũng chẳng cần phải tuân theo các chỉ thị của Đảng .Cho nên đảng viên và ngoài đảng viên có nhiều điều không hợp nhau . Bài viết thì viết vậy . Hay thì có hay nhưng đối với các đảng viên chưa chắc đã hay !
Trả lờiXóa