Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

GIÁO SƯ Y HỌC NGUYỄN VĂN TUẤN MỔ XẺ ĐỘI NGŨ TÁC GIA VĂN HỌC VIỆT NAM

Nhân đọc "Từ điển Văn học Việt Nam"
Việt Nam có bao nhiêu tác gia?
Nguyễn Văn Tuấn 

Tác giả bài viết: GS. Y khoa Nguyễn Văn Tuấn (trái)
Gặp lại một bài cũ (đã đăng trên Tạp chí Việt hơn 10 năm trước), nhưng chưa có dịp giới thiệu các bạn trong nước. Đọc lại vẫn thấy có ích. Nhân đọc "Từ điển Văn học Việt Nam", tôi thử đếm xem VN có bao nhiêu tác gia, họ sống thọ bao lâu, quê quán ở đâu, v.v. Nhìn sơ qua con số thì thấy dân Thanh Nghệ Tĩnh hơn hẳn Tràng An!
Gần đây, có một số ý kiến cho rằng nền văn học Việt Nam thời Trung đại, nhất là từ đầu thế kỉ 18 trở về trước, rất yếu kém, vì sáng tác của các tác gia thời đó còn rất khiêm tốn (xem, chẳng hạn như, Tạp san Việt với chủ đề "Văn học Việt Nam bước vào thế kỉ 21" [1]). Tuy nhiên, phần lớn những nhận xét như thế thường mang tính định chất và có khi dựa vào quan điểm chủ quan của tác giả. Thực vậy, cho đến nay, chưa có một phân tích định lượng một cách có hệ thống nào để cho thấy nhận xét trên có cơ sở hay không. Một câu hỏi hiển nhiên là tại sao mức độ sáng tác của những người làm văn nghệ thời trước lại kém. Ngoài vài nguyên nhân khả dĩ liên quan đến đề tài sáng tác, một giả thuyết có thể đặt ra ngay là số lượng người làm nghề sáng tác trong các thế kỉ trước chưa nhiều.
Giả thuyết đó nảy sinh ra vài câu hỏi khác mang tính định lượng mà tôi hằng thắc mắc là: có bao nhiêu tác gia Việt Nam trong thời kỳ lập quốc cho tới nay, thân thế họ ra sao, có bao nhiêu người là nữ, họ đã sáng tác và để lại được bao nhiêu tác phẩm lớn, v.v.. Thật là khó mà trả lời một cách chính xác cho những câu hỏi như thế, vì một phần nó nằm ngoài chuyên môn của tôi, và một phần sử liệu về văn học của nước ta chưa được soạn thảo một cách có hệ thống. Nhưng may thay, mới đây, soạn giả Lại Nguyên Ân cùng với Bùi Văn Trọng Cường đã sưu tầm tiểu sử và sáng tác của một số tác gia tiêu biểu từ nguồn gốc đến thế kỉ 19, và hệ thống hoá trong cuốn sách Từ điển Văn học Việt Nam (TĐVHVN) [2]. Những tác gia này được xem như là những người đã đặt nền móng cho nền văn học nước nhà trước thế kỉ 20. Thực ra, TĐVHVN không những trình bày tiểu sử của các tác gia, mà còn có nhiều thông tin liên hệ đến các tác phẩm cùng các hiện tượng đáng chú ý của tiến trình văn học dân tộc. Sách còn có những mục từ giải thích các thể loại thơ, văn, hát.
Vì thấy sách cung cấp những thông tin có thể dùng để trả lời những tò mò trên của tôi, nên tôi đã thử làm một vài phân tích thống kê về các dữ kiện trên [3]. Bài viết này chỉ nhằm tóm lại kết quả của phân tích đó nhằm cống hiến cho độc giả có một cái nhìn định lượng, nhưng tổng quan, về các tác gia và tác phẩm Việt Nam thời trước thế kỉ 20.
Số lượng
Theo TĐVHVN, tính từ đầu thế kỉ 1 đến cuối thế kỉ 19, Việt Nam có 276 tác gia [4]. Số lượng tác gia tăng dần theo thời gian. Trong những thế kỉ 2 đến 12, mỗi thế kỉ chỉ thấy có 1 đến 5 tác gia. Vào thế kỉ 13 đến thế kỉ 17, có 111 tác gia (tức là 40% trong tổng số tác gia). Sau thời kỳ này, số lượng tác gia tăng lên đến 71 người vào thế kỉ 18 và 78 người vào thế kỉ 19; như vậy, chỉ trong hai thế kỉ này số lượng tác gia chiếm gần 54% tổng số kể từ ngày khởi lập.
Tính theo niên đại, người mở đầu cho nền văn học Việt Nam là quan Thái thú người Trung Hoa, Sĩ Nhiếp, sinh năm 137 và mất năm 226. Sĩ Nhiếp có công truyền bá việc học chữ Hán và do đó Nho học vào nước ta vào thời Bắc thuộc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sử học có khi không đồng ý về ý nghĩa việc làm của ông. Có người cho là ông việc làm của ông là nhằm vào việc duy trì nền đô hộ của đế chế Hán, nên không được xét đến trong tiến trình lịch sử và văn hoá Việt Nam. Nhưng cũng có người suy tôn ông là "Nam bang học tổ", tức là "Ông tổ việc học ở nước Nam". Gần đây, tài liệu nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam cho thấy Sĩ Nhiếp là một ông quan cai trị tốt ("hương lại"), và việc làm của ông nên được ghi nhận như là một nghĩa cử cho nền văn học nước nhà.
Suốt từ thế kỉ 3 đến thế kỉ 6, sách không liệt kê một tác gia nào. Thế kỉ 7 có một tác gia, nguyên là một nhà sư, hiệu là Đại Thừa Đăng, không rõ tên thật cùng năm sinh, nhưng chỉ biết ông mất nào năm 601. Ông là một nhà sư đi chu du nhiều nơi, qua các nước Trung Hoa, Sư Tử (Sri Lanka ngày nay), Ấn Độ, v.v... và qua đó quen biết nhiều bạn bè trong Phật giáo. Một trong những người bạn thân của ông là Đạo Hy, một nhà sư Trung Hoa. Khi Đạo Hy qua đời, Đại Thừa Đăng có viết một bài thơ chữ Hán để khóc bạn có tựa đề là Điếu Đạo Hy. Theo giới nghiên cứu văn học Việt Nam, đây có thể là sáng tác văn học sớm nhất của người Việt mà hiện nay còn được biết.
Thế kỉ 8 và 9 có một tác gia tên là Khương Công Phụ, người gốc Thanh Hoá, không rõ năm sinh và năm qua đời, chỉ biết ông sống vào thời kỳ đất nước ta chịu sự cai trị của Nhà Đường (tức thế kỉ 8 và 9). Ông theo nho học, sang Trường An (kinh đô Nhà Đường) ứng thi và đỗ đầu khoa Hiền Lương Phương Chính năm Canh Thân (780) đời Đường Đức Tông. Sau này ông làm quan cho Tàu đến chức Gián nghị Đại phu, Đồng trung Thư môn Hạ bình chương. Về sau, ông bị truất phế làm Biệt giá ở Tuyên Châu, đến đời Thuận Tông lại được bổ làm Thứ sử ở Cát Châu, rồi mang bệnh và chết tại Tuân Hoá, Khâm Châu; tại đây còn có đền thờ. Tác phẩm duy nhất của Khương Công Phụ là Bạch vân chiếu xuân hải phú (bài phú Mây trắng chiếu biển xuân) chữ Hán. Tác phẩm này được Lê Quý Đôn nhận xét là "lời văn đẹp đẽ". Đây là một trong số rất ít những tác phẩm thành văn vào loại xưa nhất của tác gia người Việt hiện còn giữ được.
Từ thế kỉ 10 đến thế kỉ 12, số lượng tác gia vẫn chưa nhiều: chỉ 13 người. Trong số này có Ngô Chân Lưu (tức Khuông Việt, 933 - 1011), Nguyễn Vạn Hạnh (? - 1018), vua Lý Thái Tổ (974 - 1028), Mai Trực (tức Viên Chiếu, 999 - 1091), Lý Thường Kiệt (1019 - 1105, Lý Trường (Mãn Giác, 1052 - 1096), Từ Lộ (Đạo Hạnh, ? - 1117), Lê Thị Ỷ Lan (? - 1117), Pháp Bảo (thế kỉ 12), Dương Không Lộ (? - 1119), Nguyễn Công Bật (sống vào thế kỉ 11 hay 12), vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128), và Nguyễn Nguyên Ức (tức Viên Thông, 1080 - 1151).
Sau thời kỳ này, số lượng tác gia Việt Nam vượt lên con số 16 (thế kỉ 13), 21 người (thế kỉ 14), 36 người (thế kỉ 15), 19 người (thế kỉ 16), 19 người (thế kỉ 17). Trong thế kỉ 18, con số các tác gia tăng lên 71 người và đạt mức cao nhất vào thế kỉ 19 với 78 tác gia.
Giới tính
Trong số 276 tác gia, chỉ có 11 người là nữ. Những vị này là: Lê Thị Ỷ Lan, Ngô Chi Lan (? - 1401), Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), Lê Ngọc Hân (1770 - 1799), Hồ Xuân Hương (Thế kỉ 18-19), Nguyễn Thị Hinh (tức Bà Huyện Thanh Quan, (Thế kỉ 19), Công chúa Nguyễn Tĩnh Hoà (1829 - 1882), Công chúa Nguyễn Vĩnh Trinh (1824 - 1892), Công chúa Nguyễn Trinh Thận (1826 - 1904), Nguyễn Nhược Thị Bích (1830 - 1909), và một nhà sư hiệu là Pháp Tính (? - 1701).
Trong danh sách nhỏ này, ngoài Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Hinh, và Lê Ngọc Hân ra, các tác giả khác còn ít được biết đến trong công chúng. Ngô Chi Lan là một nhà thơ, nguyên quán ở làng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa (nay là Kim Anh), tỉnh Phúc Yên. Có sách chép rằng bà là con nuôi của Nguyễn Thị Lộ (vợ lẽ của Nguyễn Trãi). Bà sống vào thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), thuở nhỏ thông minh, đọc nhiều, và khi trưởng thành có tiếng là người làm thơ hay. Bà thường được vua Lê Thánh Tông vời vào cung hầu thơ, và còn được phong chức Phù gia Học sĩ, tức chuyên lo chuyện lễ nghi, văn chương cho các cung nữ trong triều đình. Tác phẩm của Ngô Chi Lan còn sót lại cho đến thế kỉ 15 (nhưng nay đã thất lạc) là tập thơ chữ Hán Mai trang tập, gồm 7 bài thơ vịnh cảnh, vịnh sử. Bà được coi là một nhà thơ nữ đầu tiên có những đóng góp đáng kể cho nền văn học nước nhà thời xưa.
Lê Thị Ỷ Lan (không rõ tên thật) nguyên quán làng Thổ Lỗi, lộ Bắc Giang (nay là ngoại thành Hà Nội), nguyên phi của Lý Thánh Tông, và mẹ của Lý Nhân Tông. Theo truyền thuyết, khi vua Lý Thánh Tông kinh du qua làng Thổ Lỗi, các cô thôn nữ đang hái dâu tràn ra đường xem xe vua, nhưng chỉ riêng có một cô gái đứng bên gốc lan mà hát, không màn đến việc diện kiến nhà vua. Vua Lý Thái Tông cho là người có bản lĩnh, nên đưa về cung lập làm phu nhân, đặt tên Ỷ Lan (có nghĩa là "dựa gốc lan"). Một số sách vở và tài liệu cho thấy bà có tham gia vào việc triều chính, khuyên vua ban hành chính sách cấm giết trâu bò bừa bãi. Khi vua đi đánh giặc, bà là người đứng ra lo việc nội chính rất vững vàng. Bà là người sùng đạo Phật. Tác phẩm của bà để lại là một bài kệ ngắn luận bàn về hai phạm trù "sắc" và "không" trong đạo Phật.
Công chúa Nguyễn Tĩnh Hoà là con gái thứ 34 của vua Minh Mệnh, em ruột Tùng thiện vương Miên Thẩm và công chúa Mai Am Nguyễn Trinh Thận. Bà có năng khiếu thơ văn trong giới cung đình, và còn rành cả nhã nhạc. Bà còn để lại một tập thơ Huệ Phố thi tập, gồm 260 bài thơ tức cảnh, đề vịnh, cảm hoài. Thơ của bà được anh trai (Tùng thiện vương) khen là "lời gọn gàng, ý lưu loát, văn trôi chảy, điệu mạnh mẽ."
Chị của Nguyễn Tĩnh Hoà là Nguyễn Trinh Thận, con gái thứ 25 của vua Minh Mệnh. Bà học giỏi, đọc nhiều, và có tiếng là làm thơ vừa thanh, vừa khoẻ, tự nhiên mà trau chuốt. Tác phẩm bà còn để lại là Diệu liên tập, in hai lần vào năm 1867 và 1883. Tập thơ này gồm 227 bài thơ viết bằng chữ Hán, cũng chủ yếu và vịnh cảnh vật, sử, cảm tác, xướng hoạ, khóc anh chị em trong triều đình ...
Nguyễn Nhược Thị Bích (còn có tên là Nguyễn Thị Bích), nguyên quán ở Ninh Thuận (tức Bình Thuận ngày nay), từng được vời vào cung và được phong chức Thượng nghi viện sự, "tài nhân", "mỹ nhân", "quý nhân", "tiệp dư" dưới thời của vua Tự Đức. Bà là người dạy học cho Kiến Phúc và Đồng Khánh (khi hai người này chưa lên ngôi vua). Bà còn tham gia biên soạn sắc dụ cho bà Từ Dũ (tức mẹ của vua Tự Đức) và bà Trang Ý (vợ vua Tự Đức). Sáng tác đáng kể và còn lưu lại đời sau của Nguyễn Nhược Thị Bích là Hành thục ca, gồm 1018 câu lục bát, chữ Nôm, nội dung kể lại các sự kiện ở triều đình Huế từ khi người Pháp vào Việt Nam.
Bà Hương Chân (sống vào thế kỉ 17), phật danh là Pháp Tính, có thể là người soạn cuốn Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, tức là Từ điển Hán Nôm đầu tiên ở nước ta. Thực ra, có bằng chứng cho thấy quyển này đã có từ đời Sĩ Nhiếp, nhưng mãi đến thế kỉ 17 mới được Pháp Tính chọn từ và sắp xếp lại cho có hệ thống như một cuốn từ điển.
Tuổi thọ
Trong số 188 tác gia có thể xác định được năm sinh và năm qua đời, tuổi thọ trung bình của 188 tác gia này là 62 tuổi. Khoảng 25% (trong số 188) tác gia có tuổi thọ dưới 50 tuổi, và 25% tác gia thọ trên 72 tuổi. Người có tuổi thọ ngắn nhất là Ngô Thì Ức, sinh năm 1709 và mất năm 1736, tức chỉ thọ 27 tuổi. Người có tuổi thọ cao nhất là Huỳnh Quỳ, sinh năm 1828 và mất năm 1926, tức thọ 98 tuổi. Huỳnh Quỳ, còn có danh hiệu là Tú Quỳ, là một nhà thơ sống vào đời vua Minh Mệnh, quê quán ở Quảng Nam, nhưng tổ tiên di cư từ Hà Tĩnh. Ông là tác gia của khoảng 300 đơn vị tác phẩm, gồm những bài văn tế và phú, và thơ vịnh thuộc loại trào lộng.
Điều tương đối thú vị là những tác gia nguyên quán ở Nghệ An, Huế, và Nam Định có tuổi thọ trung bình thấp hơn (khoảng 56-59 tuổi) những đồng nghiệp của họ thuộc các vùng khác của đất nước như Hà Nội (63 tuổi), Bắc Ninh (64), Hưng Yên (63), và Thanh Hoá (64).
Quê quán và quốc tịch
Phần lớn các tác gia có nguyên quán ngoài Bắc (166 người). Miền Trung có 75 tác gia, và miền Nam có 13 tác gia. Số còn lại không xác định được nguyên quán. Tuy đến từ nhiều vùng khác nhau trong nước, nhưng nguyên quán của phần đông các tác gia tập trung ở một số tỉnh như sau: ở miền Bắc có Hà Nội (34 người), Hải Dương (26), Bắc Ninh (25 người), Hà Tây (25), Nam Định (21), và Hưng Yên (13); ở miền Trung: Thanh Hoá (21), Nghệ An (17), Hà Tĩnh (13), và Huế (13); ở miền Nam: Gia Định (6).
Thực ra, nói là 276 "tác gia Việt Nam" cũng không hẳn chính xác, vì trong số này có 3 tác gia có quốc tịch nước ngoài: Girolarmo Majorica (1591 - 1656), Alexandre de Rhodes (1591 - 1660), và Sĩ Nhiếp (137 - 226).
Dòng họ
Trong số các tác gia, có tất cả 51 họ. Trong số này, họ Nguyễn chiếm đa số, với 80 (tức 29%) tác gia. Tiếp theo là các thường gặp phải là: Trần (19 tác gia, hay 7%), Lê (18 tác gia, hay 6.5%), Ngô (16 tác gia, hay 6%), Phạm (14 tác gia, hay 5.1%), Vũ (12 tác gia, hay 4.3%), Phan (10 tác gia, hay 3.6%), và Đặng (3.6%).
Một số tác gia xuất phát từ một dòng họ như họ Phan Huy có đến 4 người trong từ điển. Đứng đầu họ này là Phan Huy Ích (1751- 1822), con cả của Tiến sĩ Phan Huy Cận (1751 - 1822). Những người trong dòng họ Phan Huy khác là: Phan Huy Thực (1778 - 1844) và Phan Huy Chú (1782 - 1840), là hai con của Phan Huy Ích; và Phan Huy Vịnh (1800 - 1870), con của Phan Huy Thực.
Ngoài giòng họ Phan Huy, một họ khác có nhiều người nổi tiếng hơn là họ Ngô Thì. Người đứng đầu trong danh sách họ này là Ngô Thì Ức (1709 - 1736). Người thứ hai là Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), con của Ngô Thì Ức. Ngô Thì Sĩ cũng là bố vợ của Phan Huy Ích. Người thứ ba và có lẽ là người nổi tiếng nhất trong họ này là Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), con của Ngô Thì Sĩ. Em của Ngô Thì Nhậm là Ngô Thì Chí (1753 - 1788) và Ngô Thì Trí (1766 - ?) cũng là những danh sĩ nổi tiếng có tên trong Từ Điển. Ngoài ra, còn có Ngô Thì Hương (1774 - 1821) là con thứ của Ngô Thì Sĩ; Ngô Thì Du (1772 - 1840), cháu gọi Ngô Thì Sĩ bằng bác; và Ngô Thì Hiệu (1791 - 1830), không rõ quan hệ với các Ngô Thì Sĩ ra sao.
Trong các vị vua Việt Nam, có lẽ vua Minh Mệnh là người có nhiều con nhất, và họ cũng có mặt khá đông trong hàng ngũ tác gia. Trong nhóm con trai có Nguyễn Miên Thẩm (1819 - 1870, con thứ 10), Nguyễn Miên Trinh (1820 - 1897, con thứ 11), Nguyễn Miên Bửu (1820 - 1854, con thứ 12); và trong nhóm nữ, có Nguyễn Trinh Thận (con gái thứ 25) và em là Công chúa Nguyễn Tĩnh Hoà (con gái thứ 34) là những nhà thơ được chú ý.
Tất nhiên, sách không thể thiếu hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi, và hai cha con Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Dật, cũng là những tác gia nổi tiếng trong nền văn học cổ Việt Nam. Ngoài ra, trong gia phả của Nguyễn Du, ngoài ông ra, còn có Nguyễn Nghiễm (thân phụ, 1708 - 1775) và Nguyễn Hành (cháu gọi Nguyễn Du bằng chú, 1771 - 1824).
Nghề nghiệp
Trong tổng số tác gia, có 271 người có thể xác định nghề nghiệp. Và trong số 271 tác gia này, có đến 69% (hay 187) là quan chức. Phần còn lại là: nhà sư (7% người); nhà thơ ( trên dưới 7% người); vua, chúa (5%), và một số ngành nghề khác như nhà văn, nhà khảo cứu, tướng lãnh, thầy giáo, v.v.
Trong số các tác gia mà nghề nghiệp chính là tu sĩ gồm có Đại Thừa Đăng (? - 601), Ngô Chân Lưu (933 - 1011), Nguyễn Vạn Hạnh (? - 1018), Mai Trực (999 - 1091), Lý Trường, tức Mãn Giác (1052 - 1096), Pháp Bảo (? - 1111), Nguyễn Nguyên Ức (1080 - 1151), Dương Không Lộ (? - 1119), Trần Tung, tức Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 - 1291), Đồng Kiên Cương (1284 - 1330), Thường Chiếu (? - 1203), Lý Đạo Tài (1254 - 1320), Pháp Tính (? - 1701), và Hương Hải Thiền sư (1769 - 1832).
Một số khác là linh mục như Philip Bỉnh (1759 – 1832), Alexandre de Rhodes, và Lữ Y Đoan (? – 1678). Trong nhóm sau này, ngoài tác gia nổi tiếng là Alexandre de Rhodes, hai tác gia Philip Bỉnh và Lữ Y Đoan rất ít được nhắc đến, tuy công của họ không phải là nhỏ. Linh mục Philip Bỉnh (không rõ họ), nguyên quán Hải Dương, theo dòng Tên, và khi dòng này bị Toà thánh La Mã bỏ rơi, ông đã bỏ sang sống ở Bồ Đào Nha và sau này chết ở đó. Về văn học, có thể nói Philip Bỉnh là tác gia đầu tiên để lại tác phẩm bằng chữ Quốc Ngữ. Ông là người viết cuốn Sách sổ sang chép các việc, Chuyện Anam Đàng Ngoài, và Chuyện Anam Đàng Trong. Lữ Y Đoan (không rõ họ), còn có tên là Louis Đoan, người quê Quảng Ngãi, thụ phong linh mục năm 1676, lúc đã ngoài 60 tuổi. Ông là tác giả của Sấm truyền ca (1670), một tập thơ lục bát viết bằng chữ Nôm, nhưng là một phóng tác 5 quyển đầu của Kinh Thánh.
Trong số 13 tác gia có gốc vua, chúa, có đến 6 người thuộc nhà Trần: Trần Thái Tông (1218 - 1277), Trần Thánh Tông (1240 - 1290), Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Trần Anh Tông (1276 - 1320), Trần Minh Tông (1300 - 1357), và Trần Nghệ Tông (1321 - 1395). Đời Nhà Lý có hai vị vua là tác gia: Lý Thái Tổ (974 - 1028) và Lý Nhân Tông (1066 - 1128). Phần còn lại là các vị thuộc nhà Lê, nhà Nguyễn, và Chúa Trịnh: Lê Thánh Tông (1442 - 1497), Nguyễn Hồng Nhậm hay Tự Đức (1829 - 1883), Trịnh Doanh (1720 - 1767), và Trịnh Sâm (1737 - 1782).
Trong số các tướng lãnh kiêm tác gia gồm có: Lý Thường Kiệt (1019-1105), Trần Quốc Tuấn (1232 - 1300), Trần Quang Khải (1241 - 1291), Phạm Ngũ Lão (1256 - 1320), Nguyễn Hữu Dật (1604 - 1681), và Nguyễn Hữu Hào (1647 - 1718). Trong danh sách này, có lẽ hai người sau được ít người biết đến. Nguyễn Hữu Hào là con của Nguyễn Hữu Dật, người làng Gia Miêu, huyện Tăng Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Cả hai cha con đều là võ tướng Đàng Trong của chúa Nguyễn, và từng đánh thắng quân Trịnh nhiều lần. Về sáng tác, Nguyễn Hữu Hào viết nhiều hơn cha. Tác phẩm của Nguyễn Hữu Hào còn lưu lại [và chỉ tình cờ được phát hiện đầu thế kỉ 20] là truyện thơ nôm Song tinh truyện. Thực ra, đây chỉ là một bản diễn Nôm của truyện Định tình nhân của một tác giả người Trung Hoa. Điểm đáng chú ý của Song tin truyện là những diễn tả hồn nhiên về mối quan hệt thầm kín trong đời sống vợ chồng, một điều được xem là cấm kỵ thời đó. Nó cũng là một chứng tích về sự phát triển của văn học ở Đàng Trong.
Trong số các tác gia được xếp vào nhóm "Nhà thơ" và "Nhà văn", phần lớn là các nhà thơ (19 người), và chỉ có 4 người có thể cho là nhà văn. Trong nhóm nhà thơ "chuyên nghiệp" gồm có (xếp theo niên đại): Lê Cảnh Tuân (? – 1416), Lê Đức Mao (1462 – 1529), Ngô Chi Lan (thế kỉ 15), Ngô Thì Ức (1709 – 1736), Ngô Thế Lân (1726 - ?), Hồ Xuân Hương (? - 1801), Nguyễn Hành (1771 – 1824), Phạm Thái (1777 – 1813), Nguyễn Huy Hổ (1783 – 1841), Nguyễn Miên Thẩm (1819 – 1870), Nguyễn Miên Bửu (1820 – 1854), Nguyễn Miên Trinh (1820 – 1897), Huỳnh Quỳ (1828 – 1926), Nguyễn Văn Lạc (1842 – 1915), Trần Cao Vân (1866 – 1916), Trần Tế Xương (1870 – 1907), Nguyễn Hàng (thế kỉ 16), Bà Huyện Thanh Quan (tức Nguyễn Thị Hinh), và Vũ Quốc Trân (thế kỉ 19). Những người được liệt kê là nhà văn gồm có: Trần Thế Pháp (thế kỉ 14), Linh mục Lữ Y Đoan (? - 1678), Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), và Nguyễn Văn Cẩm (tức Kỳ Đồng, 1875 - 1926). Cần phải nói thêm rằng, như thấy trong danh sách này, do không xác định được chính xác năm sinh và nghề nghiệp chính, nên có thể một số người không sống bằng nghề chính là văn chương, mà có thể là quan chức hay hưởng bổng lộc triều đình (nếu là người thuộc hoàng tộc). Có thể nói trong danh sách này, không một ai sống bằng nghề chữ nghĩa cả.
Tác phẩm
Trong suốt từ năm 1101 đến cuối thế kỉ 19, các tác gia Việt Nam đã sáng tác hay biên soạn được 132 tác phẩm [5]. Tuy nhiên, chỉ riêng thế kỉ 19, có đến 68 tác phẩm (tức 51%); trước đó, số lượng rất khiêm tốn, như thế kỉ 18 có 22 tác phẩm, thế kỉ 16 và 17 có 14 tác phẩm, và phần còn lại (28 tác phẩm) trong suốt từ thế kỉ 12 đến thế kỉ 15.
Trong số 132 tác phẩm này, có 63 (hay 48%) được viết bằng chữ Hán, phần còn lại là chữ Nôm (62 tác phẩm, hay khoảng 47%) và Quốc ngữ (7 tác phẩm, hay 5.3%). Phần lớn tác phẩm viết bằng chữ Nôm chỉ xuất hiện khá nhiều kể từ thế kỉ 16 trở đi. Chẳng hạn như trong thời gian hai thế kỉ 16 và 17, có 14 tác phẩm (tức 64%), nhưng 9 được viết bằng chữ Nôm; tỷ lệ này giảm xuống còn 41% trong thế kỉ 18, nhưng tăng lên 63% trong thế kỉ 19.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng văn học chữ Nôm đã xuất hiện từ thế kỉ 13 hoặc sớm hơn nữa. Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An … là những tác gia dùng chữ Nôm đầu tiên, nhưng sáng tác tác của họ không còn lại bao nhiêu. Tác phẩm chữ Nôm xưa nhất của Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay là Quốc Âm Thi Tập (1442, đời Lê) của Nguyễn Trãi. Tác phẩm này gồm có 254 bài thơ, trong đó có những câu thơ 6 chữ xen lẫn 7 chữ khá phổ biến. Cũng trong thế kỉ 15, Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập là một thi phẩm khác còn tồn tại cho đến ngày nay. Thi phẩm này do vua Lê Thánh Tông và một số quan văn biên soạn. Sách gồm có 283 bài thơ, phần lớn được viết theo thể 7 và 8 chữ (thất ngôn bát cú), vịnh cảnh Tàu và Việt Nam, và ca ngợi triều đình.
Về các sáng tác bằng chữ Quốc Ngữ, trong thế kỉ 17, chỉ có một tác phẩm duy nhất, Phép giảng tám ngày (1651). Trong khi thế kỉ 18 vắng bóng tác phẩm Quốc Ngữ, thế kỉ 19 là giai đoạn "cực thịnh", với 6 tác phẩm được viết bằng chữ Quốc Ngữ: Sách sổ sang chép các việc (1822), Chuyện nước An Nam Đàng Ngoài chí Đàng Trong (1822), Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi 1876 (1881), Thầy Larazo Phiền (1887), và Đại Nam quốc âm tự vị (1895-1896). Trong phần này còn phải kể đến tờ báo Gia Định báo (1865 – 1909) và tạp chí Thông loại khoá trình (1888-1889), có ảnh hưởng lớn đến văn chương chữ Quốc ngữ trong thế kỉ 19, nhất là nhất là tờ Gia Định báo. Cả hai ấn phẩm đều do Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) khởi xướng và làm chủ bút, riêng Gia Định báo cóthời do Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.
Một vài nhận xét
Đi tìm nguồn gốc tác phẩm và tiểu sử tác gia là một việc làm khó khăn, đòi hỏi người biên soạn phải am tường lịch sử và có sự hiểu biết sâu sắc về văn học. Để soạn cuốn TĐVHVN, soạn giả đã tham khảo các nguồn tài liệu chính như sách Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn; Văn tịch chú, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm; các tác phẩm nghiên cứu của Trần Văn Giáp, Đỗ Đức Hiểu, Trần Nghĩa; và các tạp chí nghiên cứu văn học, văn hoá, Hán nôm ... ở trong nước từ năm 1960 đến 1997. Qua cách viết và trình bày trong Từ điển, tôi cảm thấy soạn giả là những người cẩn thận và có một sự dè dặt cố hữu của người làm khoa học.
Phải nói ngay rằng cuốn Từ điển Văn học này không phải là một công trình hệ thống tất cả các tác gia và tác phẩm trước thế kỉ 20; nó chỉ là một tác phẩm mang tính giáo khoa (được ấn hành bởi Nhà xuất bản Giáo dục), mà đối tượng chủ yếu là sinh viên và học sinh. Vì thế, những tác gia và tác phẩm của họ được trình bày trong Từ điển này là kết quả của một sự lựa chọn có hệ thống, tức là soạn giả chỉ chọn những tác gia quen thuộc nhất mà thôi. Thực vậy, qua trao đổi cá nhân, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc có cho tôi biết nếu căn cứ vào cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ 10 đến giữa thế kỉ 18 của tác giả Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, và Mai Cao Chương (Nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978), chỉ riêng đời Nhà Lý (thế kỉ 11) đã có hơn 40 nhà sư làm thơ; đời Nhà Trần và Hồ (thế kỉ 13-14), có hơn 60 tác giả ... Ngoài ra, theo cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập I, do Trần Văn Giáp chủ biên (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971), tổng cộng từ thế kỉ 11 đến cuối thế kỉ 19, có đến 735 tác gia sáng tác bằng chữ Hán và Nôm.
Tuy nhiên, dù các thông tin và dữ kiện trong TĐVHVN chưa đầy đủ, và có thể là chưa hoàn hảo, nhưng chúng cũng có thể cung cấp một bức tranh tổng quát về số lượng tác gia và tác phẩm thời trước thế kỉ 20 ở Việt Nam, nhất là những con số tương đối.
Nhưng dù không đầy đủ, một điều mà ai cũng có thể ghi nhận là số lượng tác gia Việt Nam, dù là 1000 người đi nữa, trong suốt 2000 năm lập quốc là một con số rất khiêm tốn. Thực ra, số lượng tác gia chỉ đông đảo kể từ thế kỉ 16 trở đi, chiếm khoảng 60% trong tổng số. Trong số này, phần đông là quan chức, vua chúa, tướng lãnh, và nhà sư . Ngay cả một số ít tuy mang danh hiệu là "Nhà thơ", nhưng trong thực tế chưa chắc là những người sống bằng nghề làm thơ, mà có thể là những quan chức hay ẩn sĩ. Chẳng hạn như ba anh em Nguyễn Miên Thẩm, Nguyễn Miên Trinh, và Nguyễn Miên Bửu, tuy danh hiệu là Nhà thơ, nhưng họ sống vì bổng lộc của triều đình, không phải bằng chữ nghĩa. Ngay cả Trương Vĩnh Ký, có lẽ là một người tận tụy nhất với chữ nghĩa thời thế kỉ 19, nhưng trước khi dấn thân vào viết sách báo, ông cũng từng làm thông ngôn, dạy học, và làm quan để sống.
Một lực lượng làm nghề văn chương bán chuyên nghiệp như thế có thể giải thích con số khiêm tốn về số lượng tác phẩm (132) của Việt Nam trong thời trước thế kỉ 20. Tính trung bình, mỗi thế kỉ cả nước chỉ có khoảng 7 tác phẩm. Và nếu tính theo số lượng cho mỗi tác gia, có thể nói năng suất còn quá thấp! "Năng suất" sáng tác cũng rất thấp. Suốt từ thế kỉ 12 đến 18, cứ 10 tác gia, Việt Nam có khoảng 3 tác phẩm. Tuy nhiên, đến thế kỉ 19, Việt Nam 78 tác gia và sáng tác được 68 tác phẩm đủ loại; tức là, năng suất có phần tiến bộ hơn các thế kỉ trước đó.
Nhìn qua nội dung các tác phẩm văn chương trong các thế kỉ trước, có thể nói là phần lớn những sáng tác chỉ nhắm vào ca ngợi thiên nhiên, quê hương, tình yêu, đạo đức làm người, tạp ghi, trào phúng, v.v. chứ chưa có những tác phẩm nào mang tính khai phá, hay đề xuất một tư tưởng mới. Về thể loại, phần lớn những sáng tác là thơ, rất ít sáng tác văn xuôi. Và phần lớn những sáng tác này cũng rất ngắn. Chưa có một tác phẩm nào của Việt Nam thời trước thế kỉ 20 với hàng chục ngàn câu thơ, mà phần đông chỉ là những bài thơ trung bình độ năm chục chữ. Tiểu thuyết trong thế kỉ 19 cũng chỉ gói gọn trong khoảng hai hay ba trăm trang.
Ngoài ra, mức độ lưu truyền các tác phẩm thời trước thế kỉ 20 chắc chắn là rất hạn chế, bởi vì số người biết đọc chữ Hán hay Nôm lúc đó chắc không nhiều. Chưa ai làm thống kê để biết có bao người biết đọc và viết chữ Hán hay Nôm thời đó, nhưng dựa vào khuynh hướng số người biết đọc và viết trong những năm đầu thế kỉ 20, có thể nói con số người thạo chữ Hán hay Nôm trước thế kỉ 20 chỉ khoảng 5% [6]. Vì thế, có thể nói rằng phần lớn những tác phẩm thời trước chỉ lưu truyền trong giới biết chữ. Những số liệu này cũng xác nhận những nhận xét của Nguyễn Hưng Quốc [7] rằng thời trước thế kỉ 20, văn học Việt Nam chủ yếu là một nền văn học tài tử.
Đại đa số các tác gia là nam giới, và điều này chắc cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì, vào các thế kỉ trước, nam giới được xã hội ưu tiên và do đó có cơ hội phát triển tài năng. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng ngay từ thế kỉ 12 và 13, nữ giới đã có mặt trên văn đàn Việt Nam qua sự đóng góp của Lê Thị Ỷ Lan và Ngô Chi Lan. Tất nhiên, trong các thế kỉ sau này, không thể nào không kể đến những Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương, và Bà Huyện Thanh Quan.
Những số liệu tác gia trong bài này còn cho thấy một số định kiến người ta thường hay nghĩ có thể không chính xác. Chẳng hạn như Hà Nội thường được xem là thủ đô của ngàn năm văn vật, nhưng nếu tính theo số lượng các tác gia thì sự xưng tụng này không hẳn đúng. Thật vậy, chí tính trong số 276 tác gia trong Từ điển, chỉ có 12% là nguyên quán ở Hà Nội, thấp hơn con số của vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh (Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh) cộng lại. Nam Định cũng từng nổi tiếng là một vùng đất của văn học, nhưng trong thực tế, số lượng tác gia từ Nam Định còn thấp hơn các vùng đất khác như Hải Dương, Bắc Ninh, và Hà Tây.
Tuổi thọ trung bình của dân số Tây Âu vào các thế kỉ 12 đến 17 thường dưới 50 tuổi, thậm chí dưới 40 tuổi [8]. Tuy nhiên phần đông các tác gia Việt Nam thời trước thế kỉ 20 có tuổi thọ khá cao (trung bình 62 tuổi). Ngay từ thế kỉ 10 và 11, tuổi thọ trung bình của các tác gia là 72 tuổi! Điều này cho thấy các tác gia Việt Nam thời trước thuộc thành phần trung lưu và có thể hưởng nhiều đặc ân trong xã hội thời đó.
Tóm lại, trong suốt 2000 năm hiện diện cùng thế giới, Việt Nam có một lực lượng tác gia rất khiêm tốn. Trong số này, phần lớn là quan chức nam giới, thuộc giai cấp trung lưu, và quan trọng hơn, nghề nghiệp chính của họ không phải là hoạt động văn học. Những yếu tố này có lẽ là một lời giải thích về số lượng sáng tác rất nhỏ và phẩm chất cũng không mấy cao trong các thế kỉ trước. Cho nên, có thể nói rằng nền văn học Việt Nam trước thế kỉ 20 là một nền văn học vừa nghèo nàn, vừa mang tính nghiệp dư.
N.V.T 
Chú thích và tài liệu tham khảo:
1. Tạp san Việt, số 6, năm 2000.
2. Từ điển Văn học Việt Nam, do Lại Nguyên Ân biên soạn, có sự cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường. Hà Nội: Nhà Xuất bản Giáo dục, 1999. Sách gồm 800 trang, khổ 14.5 x 20.5 cm.
3. Cũng như hầu hết các phân tích định lượng, trước hết tất cả các tác gia và các thông tin liên quan đến giới tính, quê quán, năm sinh và năm qua đời được đưa vào máy vi tính. Việc làm này (data entry) được kiểm tra một cách cẩn thận. 
4. "Tác gia" ở đây là cụm từ dùng để chỉ những người viết văn, thơ, hay tác phẩm nghệ thuật.
5. "Tác phẩm" ở đây chỉ kể những công trình sáng tác được in ấn thành tập. Do đó, số lượng tác phẩm dùng để phân tích trong bài viết này không kể đến những bài thơ rải rác, dù còn lưu lại và biết đến sau này. Chẳng hạn như bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, hay những bài thơ tương tự của nhiều tác gia khác không kể đến như là những đơn vị tính toán trong bài phân tích này. Những tác tác phẩm của sáng tác dân gian như An Dương Vương, Cây khế, Chàng Lía, Chu Mãi Thần, Đam Săn, Đẻ đất đẻ nước, Kim Nham, Liễu Hạnh, Ông Giống, Man Nương, Sọ Dừa, Sơn Tinh Thủy Tinh, Tấm Cám, Trạng Quỳnh, Trầu Cau, và Tuần Ty Đào Quế cũng không dùng trong bảng thống kê.
6. Xem bài "Một nền văn học nghiệp dư" in trong cuốn Văn Học Việt Nam, Từ Điểm Nhìn H(ậu H)iện Đại của Nguyễn Hưng Quốc, nxb Văn Nghệ, California, 2001, tr. 323-344.
7. Xem bài “Văn học trong một nước mù chữ” của Nguyễn Hưng Quốc, sđd, tr. 267-284. 
8. Theo Clinics in Geriatric Medicine, số đặc biệt về tuổi thọ và quá trình lão hoá (Aging process), số 1, năm 1985, trang 15-29.


Nguồn: FB Nguyen Tuan

5 nhận xét :

  1. Hình GS Tuấn bên trái mới đúng chứ

    Trả lờiXóa
  2. Chú thích ảnh sai bác Diện ơi. GS Tuấn là người bên TRÁI :D

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn anh Tuấn,
    Một bức tranh thống kê về văn học Việt Nam, một cách nhìn mới!
    Tôi đồng ý là số lượng không nhiều nhưng tôi không đồng tình lắm khi anh bảo là phẩm chất không cao!
    Chỉ mỗi truyện Kiều mà Nguyễn Du viết vào đầu thế kỷ 19 cũng đủ là minh chứng cho chúng ta có nhận định ít dứt khoát hơn...
    Nguyễn Đăng Hưng

    Trả lờiXóa
  4. Một độc giả gửi comment:

    Phần 1

    Tôi có vài comments khi đọc bài của Gs Nguyễn Văn Tuấn "Việt Nam có bao nhiêu tác giả" đã gửi lên một diễn đàn gồm nhiều học giả, xin gửi lại đây để các bạn tham khảo:

    Cảm ơn Gs Tuấn đã giới thiệu, tóm tắt bao gồm vài con số thống kê từ cuốn sách "Từ điển Văn học Việt Nam" của Lại Nguyên Ân. Tôi chưa đọc cuốn này, nhưng đọc qua bài viết của giáo sư cũng làm tôi quan tâm, tôi sẽ tìm mua để đọc.

    Tôi xin có vài ý kiến "rất thô sơ" về vài điểm giáo sư nêu trong bài:

    1- Một số học giả nói "Gần đây, có một số ý kiến cho rằng nền văn học Việt Nam thời Trung đại, nhất là từ đầu thế kỉ 18 trở vềtrước, rất yếu kém, vì sáng tác của các tác gia thời đó còn rất khiêm tốn". Theo tôi một trong những yếu tố cấu thành, là đa số các tác phẩm của ông cha ta trước đây đều viết bằng hán nôn, nên chúng ta thời nay rất khó tiếp cận và quảng bá, không may mắn phần lớn các tác phẩm này đều bị thất lạc, hay bị Tàu mỗi lần sang xâm chiếm chúng ta đốt phá hay cho xe ngựa chở về Tàu (đã có nhiều bằng chứng lịch sử chứng minh điều này).

    2- Một số bình luận của giáo sư dưới đây, xin trích:

    "Nhân đọc "Từ điển Văn học Việt Nam", tôi thử đếm xem VN có bao nhiêu tác gia, họ sống thọ bao lâu, quê quán ở đâu, v.v. Nhìn sơ qua con số thì thấy dân Thanh Nghệ Tĩnh hơn hẳn Tràng An! "

    "Phần lớn các tác gia có nguyên quán ngoài Bắc (166 người). Miền Trung có 75 tác gia, và miền Nam có 13 tác gia. Số còn lại không xác định được nguyên quán. Tuy đến từ nhiều vùng khác nhau trong nước, nhưng nguyên quán của phần đông các tác gia tập trung ở một số tỉnh như sau: ở miền Bắc có Hà Nội (34 người), Hải Dương (26), Bắc Ninh (25 người), Hà Tây (25), Nam Định (21), và Hưng Yên (13); ở miền Trung: Thanh Hoá (21), Nghệ An (17), Hà Tĩnh (13), và Huế (13); ở miền Nam: Gia Định (6)."

    "Những số liệu tác gia trong bài này còn cho thấy một số định kiến người ta thường hay nghĩ có thểkhông chính xác. Chẳng hạn như Hà Nội thường được xem là thủ đô của ngàn năm văn vật, nhưng nếu tính theo số lượng các tác gia thì sự xưng tụng này không hẳn đúng. Thật vậy, chí tính trong số 276 tác gia trong Từ điển, chỉ có 12% là nguyên quán ở Hà Nội, thấp hơn con số của vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh (Thanh Hoá -Nghệ An - Hà Tĩnh) cộng lại. NamĐịnh cũng từng nổi tiếng là một vùng đất của văn học, nhưng trong thực tế, sốlượng tác gia từ NamĐịnh còn thấp hơn các vùng đất khác như Hải Dương, Bắc Ninh, và Hà Tây."

    Trả lờiXóa
  5. Phần tiếp theo:

    My comments: Tôi thấy có gì đó khập khiễng và không ổn trong cách so sánh như thế. Thực ra Thăng Long (Hà Nội) xưa kia rất là nhỏ, nó là điểm giao thoa của dân Tứ Chiếng, ở đây là dân từ xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh+ Bắc Giang), xứ Đông (Hải Dương+ Hải Phòng, một phần Hưng Yên), xứ Đoài (Hà Tây, Vĩnh Phúc) và xứ Sơn Nam (Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình và một phần Hưng Yên), người ta nói Thăng Long (Hà Nội) là đất địa linh nhân kiệt.là bởi vì là nơi hội tụ của dân Tứ Chiếng, ngoài ra còn xứ Trại (Thanh, Nghệ An, Hà Tĩnh) và các nơi khác, điều này là hiển nhiên vì Hà Nội là thủ đô, các cơ quan hành chính các trường ĐH, viện nghiên cứu cũng tập trung ở đây... phần lớn các học giả ở Hà Nội xưa kia và hiện tại gốc gác đều là dân Tứ Chiếng và xứ Trại.

    Cái hay của dân Tràng An (tôi có thể tạm gọi từ trên 6 đời trở lên) chính là thanh lịch và nề nếp, điều này không phải là xa xưa và ngay cả bây giờ, chứ không phải phần lớn dân nhập cư được 1-2 đời ở HN hiện nay. Tôi có vài người bạn là dân ở HN gốc (8-10 đời ở HN), tôi thấy bạn tôi đều rất nề nếp, được bố mẹ đều hướng dẫn những kỹ năng sống, những tập tục văn hóa dân tộc rất cẩn thận, từ ăn nói đến nấu ăn đều giỏi, thơ văn, nhạc cổ truyền, dân ca, chèo cũng rất am hiểu...tôi hỏi sao bạn tôi sao lại thích chèo, thì được biết hồi bé được mẹ dẫn đến các rạp xem và từ đó có cảm hứng với chèo, tôi hỏi làm sao lại biết nấu ăn tốt như thế, được biết từ khi là thiếu nữ mẹ mỗi làn nấu nướng mẹ đều bắt đúng bên cạnh để học (giáo dục trong gia đình quan trọng như thế đấy)...tôi không có ý nói dân nhập cư xấu xa gì, mà chỉ nói dân Tràng An họ có những nét riêng, ngoài những nét trên tôi thấy họ không thích bon chen, sống ầm ĩ....

    Còn nói về quê quán, gốc gác cũng rất khó, ví dụ cụ Nguyễn Du sinh ra ở Thăng Long, gốc gác, tổ tiên thì ở Hà Tây, sau đó ông bà, cụ kị chuyển và trong Hà Tĩnh, sau đó bố ra Thăng Long công tác lấy vợ người Kinh Bắc rồi sinh ra Nguyễn Du ở Thăng Long.

    Hay Phạm Quý Thích. một thầy giáo nổi tiếng bậc nhất đất kinh kỳ xưa kia, bạn thân của Nguyễn Du, đào tạo ra rất nhiều trò giỏi trong đó có Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Siêu, Nguyễn Văn Lý...lại là người làng Hoa Đường, Hải Dương (làng của Phạm Quỳnh, Vũ Đình Hòe, Võ An Ninh, Vũ Đình Liên...). hay nhà văn nổi tiếng của Hà Nội, Vũ Bằng với tác phẩm Thương Nhớ Mười Hai cũng là dân làng Hoa Đường.

    Hay ngay thời bây giờ nói GS Ngô Bảo Châu sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng gốc (quê nội) lại là người Ứng Hòa, Hà Tây, hay Gs Đàm Thanh Sơn cũng vậy quê lại là ở Từ Sơn, Bắc Ninh, hay GS Vũ Hà Văn cũng sinh ra và lớn lên ở HN, nhưng quê lại là Hải Hậu, Nam Định...

    Nói chung tôi thấy so sánh người quê Thăng Long (Hà Nội) với người Thanh-Nghệ Tĩnh có gì đó khập khiễng, không nói lên được điều gì. Thanh-Nghệ Tĩnh là một vùng rất rộng lớn, hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An là 2 tỉnh lớn nhất VN, cả vùng Thanh-Nghệ Tĩnh đã gần 8 triệu dân...trong khi Thăng Long (Hà Nội) xưa kia và bây giờ toàn là dân tứ xứ...

    Tôi xin có vài comments rất thô sơ như vậy, tôi sẽ tìm đọc cuốn sách của nhà văn Lại Nguyên Ân sớm, để có cái nhìn thấu đáo hơn. Cảm ơn giáo sư đã giới thiệu và tóm tắt cuốn sách.

    HẾT

    Trả lờiXóa