Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

TS. TÔ VĂN TRƯỜNG BÌNH LUẬN VỀ PHÁT BIỂU CỦA ĐBQH LÊ ĐÌNH KHANH

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: “Cần tiếp tục lấy ý kiến nhân dân…”


Đại biểu Lê Đình Khanh - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ ý kiến về dự thảo Luật đất đai sửa đổi.



Đại biểu Khanh nói:
"Trong khi còn một số nội dung quan trọng có ý kiến trái chiều và chưa thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thì cần tiếp tục lấy ý kiến nhân dân để xem xét thông qua sau khi đã thông qua Hiến pháp sửa đổi.

 Đại biểu Lê Đình Khanh. Nguồn Internet

Vì nhiều đại biểu đã phát biểu và tôi là người phát biểu cuối cùng nên xin đi thẳng vào vấn đề:

Thứ nhất, về quyền sở hữu đất đai. Tôi nhất trí với dự thảo của luật, đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Vì nhất trí với điều này nên tôi đề nghị không sử dụng những từ như "giao đất", "cho thuê đất", "thu hồi đất", "người có đất", "tranh chấp đất đai", "định giá đất", "khung giá đất", "bảng giá đất", v.v... trong dự thảo. Vấn đề này tôi đã góp ý ở Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tôi đề nghị, tất cả những cụm từ trên phải thêm từ "quyền sử dụng" trước những từ "đất", tránh làm nhầm lẫn là mua đất, bán đất hay thu đất mà chỉ là chuyển nhượng, thu hồi, giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thôi.

Mặt khác, dự thảo luật ở Mục 3 Chương VIII có tên là "đấu giá quyền sử dụng đất", nhưng ở Mục 2 của chương này lại ghi là "giá đất", như vậy là không lôgic, không có giá đất mà chỉ có giá về quyền sử dụng đất. Tôi cho là những từ như vậy sử dụng trong luật là không chính xác.

Thứ hai, vì nhà nước chỉ giao quyền sử dụng đất mà quyền sử dụng đất là quyền tài sản, luật quy định được phép mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nên tôi đề nghị như nhiều đại biểu trước tôi là nhà nước chỉ thu hồi quyền sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đề nghị thực hiện trưng mua quyền sử dụng đất đối với người sở hữu đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng, hài hòa các lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người bị thu hồi quyền sử dụng đất.

Thứ ba, trách nhiệm nhà nước về quản lý đất đai, ở Điều 23. Tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp một cách cụ thể vào điều này, đảm bảo tính thống nhất. Hiện điều này chỉ mới quy định trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Tài nguyên môi trường là chưa đầy đủ.

Thứ tư, về nguyên tắc bồi thường quyền sử dụng đất khi nhà nước thu hồi, Điều 73 Khoản 1. Tôi đề nghị thay cụm từ "nếu không có đất hoặc nhà ở để bồi thường" bằng cụm từ "nếu không có nhu cầu nhận đất ở hoặc nhà ở". Sửa như vậy để làm rõ trách nhiệm của nhà nước và quyền lợi của người dân khi họ không còn đất ở hoặc nhà ở, nhà nước phải cho dân đăng ký nhu cầu đất ở, nhà ở để trước khi thu hồi đất, nhà tái định cư, để rồi thu hồi quyền sử dụng đất của dân, tránh tình trạng áp đặt trả bằng tiền, dành quyền chủ động cho cơ quan nhà nước, bắt dân phải tự lo, dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Ở Khoản 3 điều này cũng cần quy định rõ thời hạn chi trả tiền bồi thường trong bao nhiêu ngày để nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tránh tình trạng như vừa qua vì giá đất thị trường tăng nhanh, nhà nước chậm trả dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Năm là về thời hạn giao quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Điều 124, đa số đại biểu đồng tình với việc quy định của dự thảo là 50 năm, kéo dài thêm tối đa thêm 50 năm, nhưng tôi đề nghị giao không thời hạn tức là giao lâu dài, Nhà nước chỉ thu hồi khi người sử dụng đất vi phạm Luật đất đai. Việc quy định thời hạn 50 năm tuy có dài hơn 20 năm hiện nay nhưng vẫn gây thắc mắc, trông chờ sự thay đổi của người dân và đặc biệt khi tính giá quyền sử dụng đất, kể cả tính giá theo thời hạn còn lại hoặc không tính đến thời hạn còn lại cũng rất phức tạp. Cũng vì quy định có thời hạn tại Khoản 2, Điều 128, Mục a có ghi: hộ gia đình, cá nhân đã được nhà nước giao đất nông nghiệp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng theo thời hạn giao đất còn lại. Vậy khi hết thời hạn giao đất còn lại thì sao và ngay năm 2013 này thì hầu hết diện tích đất nông nghiệp đã hết hời hạn.

Sáu là về tư vấn định giá quyền sử dụng đất, quy định trong luật tại Điều 113, 114 ít khả thi và dễ dẫn đến tiêu cực vì 5 năm mới có một lần xây dựng bảng giá, khung giá và phải được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc các bên liên quan có tranh chấp yêu cầu thì tổ chức tư vấn mới có việc làm. Điều này cũng dễ gây tiêu cực trong việc móc ngoặc khi được quyền chọn và thuê tư vấn.

Bảy là ý kiến cuối cùng, “Tôi đề nghị Luật đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến mọi cơ quan, tổ chức và trực tiếp đến đời sống của mọi người dân, nếu dự thảo sửa đổi không cân nhắc kỹ thì hậu quả sẽ khó lường. Vì vậy trong khi còn một số nội dung quan trọng có ý kiến trái chiều và chưa thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thì cần tiếp tục lấy ý kiến nhân dân để xem xét thông qua sau khi đã thông qua Hiến pháp sửa đổi”.

Lam Giang (ghi)
Nguồn: Dân Việt.

Bình luận của TS. Tô Văn Trường:
Mặc dù "Đảng cử - Dân bầu" nhưng vẫn có những vị đại biểu Quốc hội biết lắng nghe tiếng lòng của Dân, am hiểu luật pháp,  phát biểu về sửa Luật đất đai như đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) rất đáng trân trọng.
Năm ngoái, theo gợi ý của báo Người Lao Động, tôi “rủ rê” Anh Bẩy Nhị (nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang), nhà sử học Dương Trung Quốc, Gs Đặng  Hùng Võ, PGS Vũ Trọng Khải, Ts Thang Văn Phúc (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ) vv... cùng tham gia diễn đàn bàn về sửa luật đất đai.
Phát biểu của ông Lê Đình  Khanh  rất hợp lý và đúng với ý kiến trong bài viết của PGS Vũ Trọng Khải đã đăng trên diễn đàn  báo Người Lao Động “Sửa luật đất đai phải  dựa trên quan điểm và nguyên tắc  nào” ?  
Những người soạn thảo luật sửa đổi luật  đất đai cần phải hiểu rằng quyền tài sản là một loại hàng hóa nên phải mua bán chứ không có chuyện thu hồi. Ví dụ ở chợ Bến Thành hay Đồng Xuân người có kiot khi cần,  có quyền bán lại quyền thuê kiot (tức là quyền tài sản) có nghĩa là phải mua lại. 
Khi Nhà nước không cho quyền mua bán, quyền sử dụng đất thì không có giá trị thị trường, do đó nói khung giá đất sát với thị trường chỉ là ngụy biện, rất “tù mù” chỉ làm lợi cho người có quyền thu hồi đất , mầm mống gây bất ổn xã hội bấy lâu nay. Quyết định của đa số đại biểu QH hoãn việc thông qua Luật sửa đổi đất đai, tiếp tục lấy ý kiến nhân dân  là rất sáng  suốt , hợp lòng dân.  

6 nhận xét :

  1. Đất đai cần phải đa sở hữu. (sở hữu nhà nước, sở hửu tập thể, tổ chức, sở hữu tư nhân) không thể "sở hữu toàn dân do nhà nước là chủ " nhà ,đất là mồ hôi, nước mắt tiết kiệm bao đời mới có, không phải do cướp được ,nó phải là sở hữu riêng ;thực chất của cụm từ đánh lừa dân "sở hữu toàn dân" nhưng là quyền của "nhà nước". mà nhà nước ở VN là ai ? là những người có quyền không giới hạn, họ muốn lấy đất của dân lúc nào họ sẽ ra quyết định "thu hồi", dân không nghe thì cho công an, quân đội "cưỡng chế" thực chất của "cưỡng chế" là ăn cướp có vũ trang, chống lại thì lại quy tội "chống người thi hành công vụ"....

    Trả lờiXóa
  2. Hoan nghênh Đại biểu Quốc hội LÊ ĐÌNH KHANH ! Xin ủng hộ Bình luận của Tiến sĩ TÔ VĂN TRƯỜNG ! Đất nước và Nhân dân ta mong có nhiều người như hai Anh !

    Trả lờiXóa
  3. Không phải tất cả đều là 'nghị gật', có những vị 'không gật' rất đáng trân trọng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Càng ngày càng thấy là không nên gật . Không gật để giữ lấy phẩm giá con người . Cọp chết để da, người chết để tiếng . Ông , bà nghị nào cũng gật thì QH và ĐBQH mang tiếng muôn đời : Cái QH gật, các ông, bà nghị gật . Lịch sử sau này coi không ra gì . Những người thẳng thắn không gật sẽ được phong thánh !

      Xóa
  4. Ông Lê Đình Khanh chỉ được phát biểu có 5 phút vì là người cuối cùng phát biểu trong ngày thảo luận. Tuy vậy chỉ cần 5 phút cũng còn hơn có người chuông đã reo mà còn nói cố để rồi người nghe chẳng được thêm điều gì.Tôi mừng là vì biết được nhiều người cùng như tôi đánh giá cao ý kiến ông Khanh.Ông xứng đáng được kính trọng.

    Trả lờiXóa
  5. Hoan nghênh đại biểu quốc hội Lê ĐÌnh Khanh, ông đã ghi điểm cho quốc hội. Cảm ơn lời bình kịp thời của TS Tô Văn Trường.

    Trả lờiXóa