Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, QUỐC HỘI VIỆT NAM CHẲNG GIỐNG AI

Lấy phiếu tín nhiệm:
LẠI THÊM MỘT CÁCH LÀM PHI CHÍNH THỐNG
GS. Nguyễn Văn Tuấn (Úc) 
Xin nói cho rõ, “phi chính thống” ở đây là unorthodoxy, là cách làm chẳng theo một qui tắc khoa học nào cả. Tôi đang nói về cái thang điểm lấy ý kiến tín nhiệm của Quốc hội Việt Nam. Theo thang điểm này, mỗi đại biểu có thể đánh giá thành viên Chính phủ bằng cách chọn một trong 3 điểm như sau:

• Tín nhiệm cao
• Tín nhiệm
• Tín nhiệm thấp

Những ai am hiểu khoa học xã hội nhận ra ngay rằng đây là thang điểm Likert. Xin nhắc lại (vì có người hiểu lầm rằng Likert là lấy từ chữ Like!) rằng người phát kiến ra thang điểm này tên là Rensis Likert, một nhà tâm lí xã hội học. Likert đề xuất thang điểm này vào năm 1932 và sau đó hoàn thiện vào năm 1934. Thang điểm này dùng để đánh giá thái độ, hành vi, sở thích, v.v. của con người. Đây là những biến khó định lượng, nên phát kiến của Likert rất quan trọng, dù nó rất ư đơn giản. 
Nhưng thang điểm Likert là thang điểm hai chiều – bipolar scale. Nói cách khác, thang điểm này phản ảnh tất cả những thái độ đi từ tiêu cực đến tích cực. Chẳng hạn như trong trường hợp lấy ý kiến tín nhiệm, thì thang điểm Likert có thể là 4 điểm như:

• Rất tín nhiệm (very trustworthy)
• Tín nhiệm (trustworthy)
• Không tín nhiệm (untrustworthy)
• Rất không tín nhiệm (very untrustworthy)

Còn đằng này, Quốc hội chỉ dùng thang điểm chẳng giống ai, vì chỉ có 1 chiều! Ngay cả cách soạn câu trả lời (“Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp”) đã là bất bình thường. Cái điểm “Tín nhiệm” có nghĩa là gì? Tại sao không cho đại biểu bày tỏ sự “Không tín nhiệm”? Đúng là những kiểu lấy ý kiến như thế này chẳng có ý nghĩa gì và rất khó diễn giải kết quả. Chẳng có ý nghĩa là vì nó không phản ảnh được tâm tình và thái độ của đại biểu. Kết quả khó diễn giải là vì thang điểm chỉ có 1 chiều. 
Vậy thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm nên được hiểu như thế nào? Tôi nghĩ vì vấn đề phương pháp, nên chúng ta chỉ có thể mô tả mà thôi. Qua mô tả, chúng ta có thể so sánh giữa các thành viên trong Chính phủ. Để so sánh, chúng ta cần phải tổng hợp 3 giá trị “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, và “Tín nhiệm thấp” thành một điểm tổng hợp (điểm quân bình). Nhưng vấn đề là làm sao tính điểm trung bình cho từng cá nhân?

Báo chí có vẻ lấy số phần trăm “Tín nhiệm cao” để so sánh, nhưng cách làm này không công bằng. Để minh hoạ, chúng ta có thể xem hai trường hợp sau đây: Ông Nguyễn Tấn Dũng, có tỉ lệ “Tín nhiệm cao” là 43%, và ông Nguyễn Văn Hiện cũng có tỉ lệ “Tín nhiệm cao” 43%. Chúng ta có thể xem hai vị này cùng thứ hạng? Câu trả lời là không. Lí do là vì ông Dũng có 25% phiếu “Tín nhiệm”, thấp hơn ông Hiện với 52% phiếu “Tín nhiệm”. Do đó, để đánh giá và xếp hạng công bằng, cần phải định lượng thang điểm. 
Tôi nghĩ có cách định lượng thực tế hơn. Ở đây, mấy người trong Quốc hội chỉ cho các điểm “tích cực” (tín nhiệm), nhưng chúng ta có thể hiểu rằng những người đánh giá điểm “Tín nhiệm thấp” có nghĩa là “Không tín nhiệm” và “Rất không tín nhiệm”. Những người cho điểm “Tín nhiệm” có thể phản ảnh cả đánh giá “Không tín nhiệm”. Giả định đằng sau của thang điểm Likert là có một biến số liên tục. Trong trường hợp chúng ta đang bàn, từ “Rất không tín nhiệm” đến “Rất tín nhiệm” là một dãy số liên tục từ -1 đến +1 (trung bình là 0).

• Rất tín nhiệm cao: trọng số từ 0.5 đến 1 (trung bình là 0.75).
• Tín nhiệm: trọng số từ 0 đến 0.5 (trung bình 0.25)
• Tín nhiệm thấp: trọng số 0 đến -1 (trung bình -0.50)

Do đó, trong trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng, với 210 phiếu “Tín nhiệm cao”, 122 phiếu “Tín nhiệm”, và 160 “Tín nhiệm thấp”, chúng ta có thể tính điểm quân bình là:

(210*0.75 + 122*0.25 – 160*0.50) / 492 = 0.22

và ông Hiện:

(210*0.75 + 253*0.25 – 28*0.50) / 491 = 0.42

Nói cách khác, điểm của ông Dũng trên trung bình chỉ 0.22, và “điểm thật” của ông Hiện cao gần gấp 2 lần điểm ông Dũng. Tính tương tự, và xếp hạng, tôi có bảng số liệu sau đây. Theo bảng này thì bà Kim Ngân có điểm cao nhất (0.61), kế đến là bà Trương Thị Mai, ông Phùng Quang Thanh, ông Uông Chu Lưu, Nguyễn Sinh Hùng, và Trương Tấn Sang. Năm người có điểm thấp nhất là ông Nguyễn Văn Bình (0.02), ông Phạm Vũ Luận (0.07), bà Nguyễn Thị Kim Tiến (0.13), ông Hoàng Tuấn Anh (0.16), và bà Phạm Hải Chuyền (0.19).

Nhưng tất cả chỉ là vui thôi, chứ số liệu thu thập theo kiểu phi chính thống, bất chấp qui tắc khoa học, và 1 chiều thì rất khó diễn giải. Dù sao đi nữa, những số liệu này cũng nói lên một điều là các thành viên trong Chính phủ có độ tín nhiệm thấp. Người cao nhất cũng chỉ 0.61, tức chỉ hơn trung bình 0.11 điểm!

0.61 Bà Nguyễn Thị Kim Ngân
0.58 Bà Trương Thị Mai
0.57 Ông Phùng Quang Thanh
0.56 Ông Uông Chu Lưu
0.55 Ông Nguyễn Sinh Hùng
0.54 Ông Trương Tấn Sang
0.54 Bà Tòng Thị Phóng
0.53 Ông Phùng Quốc Hiển
0.52 Ông Nguyễn Hạnh Phúc
0.52 Ông Phan Trung Lý
0.52 Bà Nguyễn Thị Nương
0.51 Ông Nguyễn Kim Khoa
0.50 Ông Nguyễn Văn Giàu
0.50 Bà Nguyễn Thị Doan
0.50 Ông Trần Đại Quang
0.49 Ông Trần Văn Hằng
0.47 Ông Ksor Phước
0.47 Ông Đào Trọng Thi
0.46 Ông Phạm Bình Minh
0.45 Ông Huỳnh Ngọc Sơn
0.45 Ông Phan Xuân Dũng
0.45 Ông Nguyễn Xuân Phúc
0.43 Ông Vũ Đức Đam
0.42 Ông Nguyễn Văn Hiện
0.42 Ông Bùi Quang Vinh
0.42 Ông Nguyễn Hòa Bình
0.40 Ông Trương Hòa Bình
0.37 Ông Nguyễn Bắc Son
0.37 Ông Hoàng Trung Hải
0.37 Ông Hà Hùng Cường
0.35 Ông Nguyễn Thiện Nhân
0.35 Ông Cao Đức Phát
0.33 Ông Vũ Văn Ninh
0.32 Ông Nguyễn Minh Quang
0.31 Ông Giàng Seo Phử
0.31 Ông Nguyễn Quân
0.29 Ông Đinh La Thăng
0.28 Ông Huỳnh Phong Tranh
0.24 Ông Nguyễn Thái Bình
0.23 Ông Vũ Huy Hoàng
0.23 Ông Trịnh Đình Dũng
0.22 Ông Nguyễn Tấn Dũng
0.19 Bà Phạm Thị Hải Chuyền
0.16 Ông Hoàng Tuấn Anh
0.13 Bà Nguyễn Thị Kim Tiến
0.07 Ông Phạm Vũ Luận
0.02 Ông Nguyễn Văn Bình
Nguồn: https://www.facebook.com/drtuannguyen/posts/10200232988014475

13 nhận xét :

  1. Nếu chia làm hai khung tín nhiệm và bất tín nhiệm thí còn lại mấy người làm việc hả bác Diện.

    Trả lờiXóa
  2. Cái việc này nó tế nhị với VN mình .xưa nay thích khen hơn chê Ví dụ đến thăm một người ốm người ta thường động viên :"chú (em) thuốc thang rồi dạo này cũng khá ! an tâm điều trị thêm cho khỏi !người bệnh nhẹ thì cố đ /t khỏe lên .còn bệnh nặng thì được phần an ủi cũng mát lòng !Có lẽ vậy GS ạ nên ít người dám từ chức ? (hoặc do mình thiếu người tài -không biết ? riêng tôi thấy mạnh dạn ra thì ông Phạm vũ Luận cũng nên nghỉ -ông lúng túng ngay từ khi được bổ nhiệm, mà hôm đó ông Thiện Nhân phải đỡ lời chứ chưa nói ở bộ học mà điểm thi sử kém ông nói là "bình thường "-"Dân ta phải biết sử ta"... )

    Trả lờiXóa
  3. Có nên phân ra ba bậc : +1, 0 và -1?

    Trả lờiXóa
  4. Quốc Hội không dám dùng mức "Không tín nhiệm" vì sợ sẽ có một số chức danh chủ chốt bị trúng loại phiếu này, thay vào đó dùng mức "Tín nhiệm thấp", được dư luận hiểu ngầm là "Không tín nhiệm".
    Đồng chí 3X và 5 vị nữa đồng ngũ với 3X lọt vào số phiếu "Không tín nhiệm" khá nhiều.
    Phen này đồng chí 3X phải giương mắt "Ếch" mà nhìn cho rõ xem mình phạm phải những sai lầm nào mà bị phiếu "Không tín nhiệm" nhiều vậy?
    Đừng đổ lỗi cho cơ chế nữa nhé. Hay đừng đổ lỗi cho Đảng CSVN nữa nhé. Hay là đồng chí lập lại bài cũ sau kỳ bị phát hiện vụ Vinashin, đứng trước nguy cơ mất uy tín nặng, đồng chí đến Khánh Hòa hô to phản đối Trung Quốc, bảo vệ Biển Đảo để lấy lại lòng tin của người dân?
    Đồng chí đã không còn được "Lòng tin chiến lược" ngay tại địa bàn Quốc Hội của đồng chí. Vậy mà lại đi khuyên ông bạn Trung Quốc có "Lòng tin chiến lược"?

    Trả lờiXóa
  5. Mua vui cũng được một vài trống canh. Chỉ có dân tiếp tục khổ!

    Trả lờiXóa
  6. VN mình kể cũng hay. Nền kinh tế đang lao dốc không phanh, cuộc sống của người lao động nghèo đang vô cùng khốn đốn nhưng lúc nào cũng có chuyện hài để bà con cười. Trong lĩnh vực nào, cơ quan, ban ngành nào cũng có chuyện hài. Từ chuyện chỉnh huấn để bắt sâu trong đảng nhưng chẳng bắt được con nào, đến những phát ngôn động trời nhưng hài hước của các quan chức chính phủ (ông Thăng nói về giao thông; ông Bình nói về ngân hàng, vàng; bà Tiến nói về y tế...), giờ đến lại đến "lấy phiếu tín nhiệm" của QH.
    Trên thế giới liệu có nước nào lạc quan như VN không?

    Trả lờiXóa
  7. Chỉ ngay việc dùng các từ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp đã chứng tỏ QH Việt Nam làm trò bịp bợm, thế mà hàng trăm tờ báo vẫn tung hô. Đúng là đất nước này đã trở thành con đĩ mất rồi.

    Trả lờiXóa
  8. P. THƯỜNG DÂN NAM BỘlúc 11:40 12 tháng 6, 2013

    Lấy phiếu tín nhiệm chẳng giống ai. Chế độ chính trị cũng chẳng giống ai . Thế nhưng ăn xài thì còn hơn thiên hạ, không thiếu những tiện nghi hiện đại, vung tay xài của công do tiền dân đóng thuế hơn công tử Bặc Liêu . Hèn chi cứ khư khư giữ lấy ghế, hưởng bổng lộc cho đến khi về hưu và cho đến chết .

    Trả lờiXóa
  9. K/G GS Tuấn
    Thang đo Likert thường có 5 mức chứ ko phải 4 mức, trong đó sẽ có mực trung dung nữa

    Trả lờiXóa
  10. LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, QUỐC HỘI VIỆT NAM CHẲNG GIỐNG AI!!!

    "Nhưng tất cả chỉ là vui thôi, chứ số liệu thu thập theo kiểu PHI CHÍNH THỐNG, BẤT CHẤP QUY TẮC KHOA HỌC, VÀ MỘT CHIỀU thì rất khó diễn giải. Dù sao đi nữa, những số liệu này cũng nói lên một điều là CÁC THÀNH VIÊN TRONG CHÍNH PHỦ CÓ ĐỘ TÍN NHIỆM THẤP. người cao nhất cũng chỉ 0.61, tức là chỉ hơn trung bình 0.11 điểm!"

    Xin cảm ơn GS.Nguyễn Văn Tuấn với bài phân tích khoa học, chặt chẽ, dễ hiểu để rút ra được kết luận rất chính xác về cách làm việc CHẲNG GIỐNG AI, BẤT CHẤP QUY TẮC KHOA HỌC của Việt Nam!
    (Thưa GS, vì trình độ bằng cấp "TÍN NHIỆM THẤP" CAO NHẤT nên mới ra nông nỗi này đấy ạ! Huhu)

    Trả lờiXóa
  11. GS. Nguyễn Văn Tuấn có ý tưởng rất hay là định lượng sự đánh giá rất "mu mơ" đó.

    Có lẽ GS nên dùng số mờ và logic mờ để phân tích thì sẽ phù hợp!

    Một Đv nhưng mà tốt nói.

    Trả lờiXóa
  12. Tại sao không làm phiếu tín nhiệm về 'ăn'? Các đại biểu quốc hội nên bỏ phiếu bầu về vụ 'ăn' thì hợp với tình trạng của đất nước hơn, cũng chia làm 3 loại: ăn nhiều ăn vừa ăn ít. Dân sẽ không phàn nàn khi không có loại "không ăn".

    Trả lờiXóa
  13. Khi đặt vấn đề về niềm tin mà chỉ có một chiều-Đó là TÍN NHIỆM mà không có BẤT TÍN NHIỆM thì hiểu làm sao đây hả trời?Đàng nào cũng phải tìn nhiệm, đúng không?Vậy thì bỏ phiếu để làm gì???

    Trả lờiXóa