Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

GS. NGUYỄN ĐĂNG DUNG: LỰA CHỌN TÊN NƯỚC KHÔNG THỂ CHỈ BẰNG TÌNH CẢM

LTS: Theo kế hoạch, hôm nay 2-5, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) sẽ khai mạc. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị lần này là thảo luận về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, trong đó có vấn đề hai phương án tên nước (giữ nguyên hay trở lại với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận với những lập luận, đề xuất khác nhau trong giới chuyên gia thời gian qua. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến với mong muốn góp phần làm sáng rõ các quan điểm xung quanh vấn đề hệ trọng này. 

Trong hàng triệu ý kiến đóng góp của người dân về sửa đổi Hiến pháp (HP) có một nội dung rất quan trọng - tên nước - tập trung ở hai luồng ý kiến: Giữ nguyên như hiện nay - Cộng hòa XHCN Việt Nam, hay trở lại với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ý kiến của nhân dân đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP 1992 tiếp thu và thể hiện thành hai phương án trong bản dự thảo sửa đổi HP tiếp thu ý kiến nhân dân, để tiếp tục thảo luận.

Bên nào cũng có lý lẽ, tình cảm 

Với người dân, có lẽ kiến nghị lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra chủ yếu trên cơ sở tình cảm cũng như suy tưởng về lịch sử đất nước. Bởi lẽ với nhiều người, đây là tên gọi thiêng liêng, gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của Cách mạng tháng Tám. Tên gọi ấy đã được long trọng tuyên bố với nhân dân và toàn thế giới qua bản tuyên ngôn độc lập do Hồ Chủ tịch tuyên đọc ngày 2-9-1945 trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Tên gọi ấy gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - thống nhất non sông và cũng gắn với giai đoạn khó khăn hậu chiến, khi cả nước một lần nữa phải chống chọi với hai cuộc xâm lược ở biên giới phía Bắc, phía Tây Nam.

Còn với nhiều người khác, Cộng hòa XHCN Việt Nam lại có ý nghĩa riêng khi nó được lựa chọn làm tên cho nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975 và được chính thức xác định về mặt pháp lý trong HP 1980 và HP 1992 hiện hành.

Nhưng lựa chọn tên nước thế nào không thể chỉ được thảo luận bằng tình cảm. Tên nước, được ghi trong HP, cần được nghiên cứu trên cơ sở lý luận chặt chẽ của chủ nghĩa HP. Ở góc độ ấy, tên nước trước hết phải phản ánh đúng chính thể mà quốc gia đó lựa chọn. Đây là cách đặt tên của 80% quốc gia, vùng lãnh thổ trên trái đất này.

Một đề xuất đáng cân nhắc 

Trên thế giới, có hai hình thức chính thể cơ bản: quân chủ và cộng hòa. 

Quân chủ là hình thức chính thể phổ biến của tổ chức nhà nước phong kiến, mà ở đó thần dân không có quyền hoặc quyền rất hạn chế trong tham gia việc nhà nước. Với sự phát triển của dân chủ, ở các nước như Anh, Nhật Bản, mặc dù vẫn giữ tên nước - chính thể là quân chủ nhưng trên thực tế vai trò của nhà vua (nữ hoàng) ngày càng trở nên hình thức, ở mức biểu tượng của quốc gia bằng nguyên tắc “trị vì nhưng không cai trị”. 

Cộng hòa là hình thức chính thể phổ biến ở các nhà nước hiện đại, mà ở đó nhân dân được coi là chủ thể của quyền lực. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua bầu cử, hình thành nên nghị viện (quốc hội) và nguyên thủ quốc gia (tổng thống). Bên cạnh yếu tố “cộng hòa”, ở nhiều quốc gia, để nhấn mạnh bản chất dân chủ của thể chế và khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, đã thêm yếu tố “dân chủ” vào tên nước.

Theo cách ấy, nhân dân Việt Nam, bằng Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, bằng tổng tuyển cử toàn quốc, bầu ra QH đầu tiên, ban hành HP năm 1946, đã lựa chọn tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với tên nước hiện tại - Cộng hòa XHCN Việt Nam - tiền tố “Cộng hòa” đã phản ánh đúng chính thể mà nhân dân đã lựa chọn. Tuy nhiên, với yếu tố XHCN trong tên nước thì có nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng Cương lĩnh của Đảng ta xác định xã hội XHCN là một mô hình nước ta đang hướng tới, các đặc trưng của nó đang tiếp tục được nghiên cứu, làm sáng rõ hơn. Xây dựng xã hội XHCN là một tiến trình lịch sử lâu dài mà ở ta các văn kiện mới thể hiện ở mức “định hướng XHCN”. Gắn một nội dung chưa phải là hiện thực vào tên gọi quốc gia, quả thật đáng suy nghĩ.

Theo các ý kiến này, trở lại với tên gọi khai sinh của nước Việt Nam mới - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là điều đáng cân nhắc.

GS-TS Nguyễn Đăng Dung,  
thành viên Ban Biên tập Dự thảo Hiến pháp sửa đổi
Hai phương án về tên nước


10 nhận xét :

  1. sau ngày thống nhất Nam-Bắc, đảng CS xác định XHCN là tảng chính trị đất nước. Loay hoay mất 38 năm các văn kiện mới được thể hiện ở mức “định hướng XHCN” . Ngẫm lại, 38 năm là khoảng thời gian dài hơn một thế hệ, đảng và nhà nước vẫn đeo đuổi và bế tắc trong cái ý thức hệ.

    Cứ suy nghĩ, tương lai 38 năm nữa, đảng CS sẽ đặt nền tảng chính trị VN ở vị trí nào ???

    Trên thông lệ quốc tế, tiếng tỉnh từ thường được đặt trước tên nước. Chẳng hạn "Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam"

    Trả lờiXóa
  2. Tên VNDCCH hoàn toàn xa lạ, dị ứng với dân miền Nam (và VK hải ngoại), và gợi toàn ấn tượng xấu ("CS Bắc Việt", đấu tố,quan liêu bao cấp, nghèo đói, quê mùa). Còn tên CHXHCNVN thì hoang tưởng, chuyên chế kiểu Stalin, không giống ai trên thế giới. Tên gì thì tên, làm ơn tránh giùm hai tên ấy, nếu muốn đoàn kết dân tộc và hướng tới tương lai!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với Bác , Theo tôi có thể đổi là Cộng Hòa Việt Nam , chữ Dân Chủ không có ý nghĩa gì khi không có ...Dân chủ thực sự . Mà rồi có tên gì thì tên nhưng thể chế không đổi thì cũng ...Rứa mà thôi

      Xóa
  3. Tôi tôn trọng tác giả bài viết GS-TS Nguyễn Đăng Dung , nhưng tôi lại đồng ý với rất nhiều ý kiến khác cho rằng chỉ đổi tên nước mà thể chế chính trị không thay đổi thì chẳng giải quyết được gì, chỉ thêm tốn kém.
    Có vẻ đây cũng là một cách để 'Lái " sự quan tâm và chú ý của dư luận khỏi " Điểm nóng " kiến nghị 72 chăng- rất có thể.

    Trả lờiXóa
  4. TÊN NƯỚC LÀ " NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA",
    QUỐC CA LÀ "TIẾNG QUÂN CA" ,
    CỜ NƯỚC LÀ "CỜ ĐỎ SAO VÀNG"
    TẤT CẢ ĐÃ THÀNH HỒN DÂN TỘC.MANG TÍNH THIÊNG LIÊNG, NẾU ĐỔI TÊN LÀ CHXHCN VN THÌ NÊN ĐỔI CẢ QUỐC CA,ĐỔI CẢ CỜ TỔ QUỐC .
    VIỆC TỰ TIỆN ĐỔI TÊN NƯỚC CHO GIỐNG LIÊN XÔ LÀ SAI LẦM.SAI THÌ SỬA CÓ GÌ MÀ SỢ ,

    Trả lờiXóa
  5. Luẩn quẩn quá đi mất thôi. Tên nước mà 70 năm vẫn chưa xong, hiến pháp thì thay đổi 3-4 lần rồi,kinh tề thi trường xã theo định hường XHCN là cái thứ gì ?. Ngay cả thiên đường XHCN cũng chỉ là một thứ mơ tưởng (nếu chưa muốn nói là ảo tuởng) vì chưa có quốc gia mệnh danh XHCN nghĩa nào thực hiện đuợc mà phải "bỏ quách cho xong" như khôi Liên Sô và Đông Âu. Mong rằng dân tộc chúng ta tỉnh táo để đưa đất nước đến dân chủ, tư do và phú cường.

    Trả lờiXóa
  6. Cảm phiền GS-TS Nguyễn Đăng Dung cho biết: cơ sở nào Gs nói là "Với tên nước hiện tại - Cộng hòa XHCN Việt Nam - tiền tố “Cộng hòa” đã phản ánh đúng chính thể mà nhân dân đã lựa chọn"? Từ lâu tôi đã đi tìm cơ sở để yên tâm một điều thực sự là "nhân dân đã lựa chọn".
    Xin cảm ơn Gs.

    Trả lờiXóa
  7. TÔI ĐỔNG Ý TÊN ĐỔI TÊN NƯỚC LÀ: CỘNG HÒA VIỆT NAM, NGẮN GỌN.
    MỘT SỐ Ý KIẾN CHO RẰNG: ĐỔI TÊN NƯỚC MÀ GIỮ NGUYÊN THỂ CHẾ CŨNG CHẲNG ÍCH GÌ THÌ TÔI KO ĐỒNG TÌNH.
    DĨ NHIÊN, CHIẾC ÁO CHẲNG LÀM NÊN THẦY TU, NHƯNG ĐÃ LÀ THẦY TU THÌ KHÔNG THỂ KO MẶC ÁO THẦY TU.

    Trả lờiXóa
  8. Xưa xửa xừa xưa.. có một nhà nọ sinh được một cô con gái rất xinh xắn đáng yêu được cha mẹ đặt cho một cái tên giống như bao nhiêu gia đình khác lúc đó thường đặt, hy vọng cô con gái của mình sẽ có một tương lai như bao người khác...

    Thời gian trôi qua người con gái lớn lên trong cảnh đói nghèo, loạn lạc nên èo uột mãi vẫn chẳng lớn được là bao, cha mẹ nàng buồn lắm!
    Rồi một ngày kia loạn lạc không còn nữa, người con đã quá tuổi cập kê mà chẳng có ai thèm nhòm ngó đến bởi nàng vẫn không lớn lên dược... thấy làng bên họ khắm khá nhung lụa tưởng như trên thiên đường, cha mẹ nàng quyết định đổi tên cho nàng theo cách đặt tên của họ!
    Biết đâu con mình lột xác, đổi đời, ha ha ha!!!

    Thời gian thấm thoắt thoi đưa, gần hết cả đời cha mẹ mà cô con gái được đổi tên mới vẫn "chẳng chịu lớn thành người" dù cho cha mẹ nàng đã gần đất xa trời...

    Vào một ngày đẹp trời cha mẹ nàng mới nghĩ ra một kế, hay thử trả lại tên cho con mình xem sao, phải trả lại tên cho cô con gái để cho nó HOÀ NHẬP VÀO THẾ GIỚI BÊN NGOÀI như khi nó vừa sinh ra, chắc tại cái tên chúng ta nhẹ dạ cả tin bắt chước làng bên đổi cho nó mấy chục năm trước đã phạm phải điều gì cấm kỵ của làng ấy chăng???

    Vừa nói dứt lời cả cha lẫn mẹ có cô con gái "chẳng chịu lớn thành người" lần lượt qua đời, cô con gái được trả lại cái tên thật thủa ấu thơ của mình tuy đã già... và cô thấy mình thật hạnh phúc!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ( Xin lỗi chư vị, vì đọc & viết bằng iPhone trên xe, trên đường CAO TỐC THẬT... nên sai lỗi & trình bầy không được theo ý muốn... rất mong được lượng thứ! )

      Xóa