Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

BÁO ĐỘNG VỀ SỰ PHỤ THUỘC VÀO NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC

Tham luận của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trước Quốc hội

Đôi lời của Ba Sàm: Tối qua báo Tuổi trẻ đăng bài tham luận trước Quốc hội của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nhan đề ”Lo lắng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc“. Tuy nhiên, so với bản gốc mà ông gửi cho các báo, bản trên Tuổi trẻ có thiếu vài đoạn.
Do đó, chúng tôi xin đăng toàn văn bài tham luận này. Toàn bộ phần chữ có màu xanh là nguyên văn bản tham luận, riêng phần màu danh dương ở đầu không có trên Tuổi trẻ. Phần chữ có màu đen là Tuổi trẻ thêm vào so với bản mà chúng tôi có được.
30/05/2013 21:12 (GMT + 7)

Lo lắng nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang phụ thuộc vào Trung Quốc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã có bài tham luận đăng ký phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 30-5.

 Do không đủ thời gian, ông đã gửi tham luận đến Ban thư ký kỳ họp. 
TTO xin gửi đến bạn đọc bản tham luận này.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết:

Kính thưa Quốc hội, kính thưa chủ tọa đoàn,

Tôi xin góp một số ý kiến như sau.

Các đại biểu QH, trong đó có tôi, với tinh thần chia sẻ khó khăn với Chính phủ, đã đem hết tâm huyết và trách nhiệm  để phân tích tình hình và đề ra giải pháp phát triển KT-XH cho năm 2013. Điểm nổi bật  là, tuy thừa nhận những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ trong 2012 và 4 tháng đầu 2013, khá nhiều đại biểu cho rằng Báo cáo của Chính phủ không phản ánh đầy đủ và xác thực tình hình khó khăn, yếu kém, cả về những con số lẫn đánh giá, nhận định. Mặt khác, 8 giải pháp của Chính phủ nặng về liệt kê các đầu việc, các yêu cầu và mục tiêu phán đấu, không ít nội dung chỉ mới là những khẩu hiệu. Ban Thư ký đã có bản tổng hợp rất đầy đủ những ý kiến của đại biểu, rất mong Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nghiên cứu kỹ các thông tin đó để vận dụng trong trọng trách của mình nhằm làm chuyển biến tình hình.

Tôi xin phép tập trung vào một điểm ít được nêu lên. Nhiều cử tri, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đã hết sức lo lắng về việc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước ta đã và đang phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ, qui mô và tính chất đáng báo động. 

Về đầu tư xây dựng, nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu nhiều (thậm chí phần lớn) dự án lớn, chủ yếu dựa vào tiêu chí giá rẻ, và những cam kết “muốn gì có nấy”, về sau mới thấy công nghệ, nhân lực và cả nguồn vốn của họ đều không đạt yêu cầu. 

Thương lái TQ xâm nhập sâu vào các vùng miền nước ta, chi phối thị trường bằng các thủ thuật giá, thu mua với giá rẻ những mặt hàng để lại tác hại nhiều mặt cho chúng ta (như vụ mua cây trâm cổ ở Quảng Ngãi). Có những thứ không biết họ mua để làm gì. Nông sản, thực phẩm  và hàng công nghiệp TQ giá rẻ tràn ngập nước ta mà không bị kiểm soát về chất lượng và vệ sinh, an toàn, thậm chí có những mặt hàng dán mác VN. Có trường hợp dán cờ TQ lên hàng hóa bày bán trong siêu thị Việt Nam, mà chẳng dán cờ của nước nào khác, kể cả cờ VN. Hình cờ TQ dùng minh họa trong sách học đánh vần trong nhà trường VN, với lý do sách dịch từ TQ nên phải in cờ họ. 

Do sức cạnh tranh giảm sút, thiếu công nghiệp hỗ trợ, ngày càng nhiều doanh nghiệp VN phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đầu vào và cả công nghệ thấp của TQ, bởi vì giá rẻ, cách mua bán linh hoạt, và VN thiếu rào cản kỹ thuật rào, quản lý cửa khẩu lỏng lẻo. Trước tình hình kinh tế suy thoái, đang có sự e ngại về việc VN có thể trở thành bãi đáp công nghệ thấp cho các nhà đầu tư TQ, vì giá lao động rẻ, và quản lý dễ dãi về an toàn, vệ sinh, môi trường. 

Đã có sự báo động là một số ngành công nghiệp VN có thể sẽ nhường chỗ cho doanh nghiệp TQ trên sân nhà. Có chuyên gia cung cấp số liệu là trong khi nước ta xuất siêu trong năm 2012, thì chúng ta lại nhập siêu trên 16 tỷ đô la từ TQ. Có thể nói, mọi nỗ lực và thành tích của chúng ta trong hơn hai thập kỹ qua trong việc đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư, thương mại, công nghệ và thị trường đang có nguy cơ bị xóa sổ. 

Tôi cho rằng, chúng ta chưa điều tra và nắm rõ  đầy đủ số liệu, thông tin về sự phụ thuộc của nền kinh tế VN vào nền kinh tế TQ, nhất là  trong lĩnh vực đầu tư tài chính, mua bán công ty khi những thương vụ ấy diễn ra ngoài quốc gia. Sự lệ thuộc về kinh tế, nếu không có giải pháp đối phó, sẽ được sử dụng để phối hợp nhịp nhàng với cuộc đấu tranh về chủ quyền lãnh thổ trong tình huống cần thiết. Khi Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, như báo chí đưa tin sáng nay, thì nguy cơ này càng hiển hiện.

 Trong thế giới ngày nay, dù toàn cầu hóa và hội nhập ở mức độ cao, tình trạng “mạnh được yếu thua”, “khôn sống mống chế” vẫn tồn tại và thách thức. Vì vậy, nhất là đối với các nước nhỏ yếu, hội nhập phải đi đôi với tăng sức cạnh tranh và bảo hộ hợp lý, nếu không thì chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà. Đó là lời cảnh báo chuẩn xác cách đây gần hai mươi năm, khi chúng ta gia nhập AFTA, sau đó là WTO. 

Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ. 

Rất mong Chính phủ sớm có giải pháp để khẩn trương, kịp thời ứng phó trước mắt, đồng thời có đối sách mang tính căn cơ, chiến lược lâu dài”. 

Xin cám ơn Quốc hội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Nguồn: Ba Sàm

 

5 nhận xét :

  1. Trong khi nhiều đại biểu như bị ma ám vì ăn phải thuốc lú của TC thì đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã giám cất tiếng nói cảnh báo. Tôi cảm phục anh.
    Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm: Chúng ta không những lệ thuộc về kinh tế mà cả giáo dục, chính trị, ngoại giao, ý thức hệ ... đều phụ thuộc TC. Đảng ta tài giỏi đâu không thấy chứ tôi thấy đảng tự đưa cái cổ của mình vào cái thòng lọng của TC.
    Các vị nên biết rằng, các vị cũng không được yên thân đâu, bởi nước mất thì nhà tan, khi đó dẫu có hối cũng không kịp đâu.

    Trả lờiXóa
  2. Hoan hô báo Tuổi Trẻ đã gọt dũa bài phát biểu của Đại Biểu Quốc Hội để có thể xuất hiện trên báo chi. Nghị Sĩ hay Dân Biểu là đại diện cho dân trong một cơ chế quyền lực nhất ( trên lý thuyết ) mà ý kiến còn bị cắt xén bởi thế lực tuyệt đối và ngầm, thì những ý kiến của nguời dân, trong đó co nhân sĩ trí thức, và những người trọn đòi hy sinh cho việc chung có được tôn trọng và không bị bóp méo không ?? - Trần Văn

    Trả lờiXóa
  3. Con nợ muôn đờilúc 03:36 1 tháng 6, 2013

    Nhà tôi có 1,5 lao động(vợ tôi làm nửa ngày vì còn chăm con nhỏ).Hàng xóm nhà tôi tứ đại đồng đường có tới 26 lao động nên họ kiếm rất khá.Tiền nhiều họ lên mặt dạy bảo như bố người ta đã đành,họ còn mua thuyền tôn trở cát lấp cái ao chung của làng để cơi nới diện tích,chia khoảnh làm ao cá cảnh và hố xí cầu tõm ngay cầu ao vợ tôi hay vo gạo rửa rau.Dưng mà khi con ốm,lúc sửa mái nhà dột thiếu quá tôi phải muối mặt vay họ vài chục triệu lãi mẹ đẻ lãi con ngày càng nợ chồng chất.Thằng con trai tôi có bận chửi đổng,họ lừ mắt nhìn tôi thế là tôi cho nó hai cái tát trời giáng.Họ vẫn không bỏ qua mà đòi nợ ráo riết thế là tôi phải từ con trai họ mới tạm để yên.Cứ nghe họ hay nói" đồng tiền liền khúc ruột" mà hóa ra không phải....

    Trả lờiXóa
  4. Đây là ý kiến rất nghiêm khắc không thể bỏ qua. QH có trách nhiệm đưa ra thảo luận làm rõ nguyên nhân. Thực chất v/đ nay đã xảy ra từ 15 năm trở lại đây, có rất nhiều v/đ phức tạp do TQ gây nên, đã ảnh hưởng nghiêm trong tới an ninh quốc phòng của nước ta. Tuy nhiên trong tất cả những phát biểu trước công chúng cũng như các báo cáo từ TW đến địa phương đều luôn khẳng định anh ninh quốc phòng được giữ vững hoặc đảm bảo. Đề nghi QH chất vấn trực tiếp Bộ trưởng QP tại kì họp này.

    Trả lờiXóa
  5. Thực trang vô cùng nguy hiểm của đất nước trên mọi phương diện hiện nay là hậu quả của việc lệ thuộc trung quốc về chính trị ( Thành đô 1990 ) mà ra , đó là nguyên nhân gốc của mọi nguyên nhân để lệ thuộc những mặt khác . Hậu quả to lớn này trách nhiệm hoàn toàn thuộc về đảng và chính quyền hiện nay . Họ đừng tưởng rằng sau này họ hạ cánh rồi là xong , họ đừng lầm chính gia đình họ cũng không an toàn đâu , chẳng lẽ họ không có con có cháu à ? con , cháu của họ sẽ chịu tội thay họ , còn họ khi đã nằm dưới mồ rồi thì bị " hại dân dân đái ngập mồ thối xương " . Qủa báo này truyền từ đời này sang đời khác không thể tránh khỏi đâu .

    Trả lờiXóa