Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

NGUYỄN THỊ HƯỜNG: "ĐẢNG CHƯA RA KHỎI CÁI BÓNG CỦA MÌNH"

‘Đảng chưa ra khỏi cái bóng của mình’
Nguyễn Thị Hường
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hoa Kỳ
Cập nhật: 13:07 GMT – thứ sáu, 24 tháng 5, 2013

Sau những cuộc “lấy ý kiến nhân dân” rầm rộ, và với những bản báo cáo choáng ngợp như 20 triệu lượt ý kiến của nhân dân, 28,000 hội thảo hội nghị góp ý hiến pháp từ các cấp các ngành, có lẽ Đảng Cộng sản nghĩ đó là đủ để tạo cái vỏ bọc dân chủ cần thiết cho dự thảo Hiến pháp của họ.
.
Nguyễn Thị Hường - tác giả bài viết
Nhưng trong thực tế, những con số đó không thuyết phục được ai về tính dân chủ của cuộc sửa đổi Hiến pháp và cũng chẳng nói lên điều gì về “nguyện vọng của đa số nhân dân”.

Cho đến nay Việt Nam vẫn không có truyền thông độc lập, không có các tổ chức dân sự tự do cũng như các tổ chức đối lập nên không có kiểm soát và phản biện rộng rãi trong quá trình “lấy ý kiến” nhân dân.

Kết quả cuộc thu thập các ý kiến về sửa đổi Hiến pháp do Đảng Cộng sản tiến hành khó có thể được coi là trung thực.

Kiến nghị 72 và khảo sát trên mạng của trang Cùng viết Hiến pháp – những ý kiến và khảo sát độc lập – phản ánh những nguyện vọng trái ngược so với những gì Đảng Cộng sản đang cố níu kéo, đặc biệt là về điều 4, về vai trò của quân đội cũng như về quyền tư hữu đất đai và bản chất của chế độ chính trị.

Tất nhiên, nói về số lượng thì Đảng Cộng sản, với vị thế độc quyền lãnh đạo cả bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, với nguồn ngân sách và nhân lực khổng lồ do nhân dân đóng thuế nuôi, áp đảo những khởi xướng độc lập của những nhóm trí thức ít người và và không có phương tiện cũng như môi trường chính trị tự do để vận động cho quan điểm của họ hay thực hiện những cuộc khảo sát độc lập mang quy mô rộng lớn hơn để rộng đường dư luận.

Chúng ta đang thấy một cuộc cạnh tranh về tư tưởng hiến pháp và chính trị trong đó xã hội đang lép vế trước thiểu số cầm quyền. 

Phúc quyết và sửa hệ thống

Tôi vẫn cho rằng nếu không có một cuộc phúc quyết hiến pháp minh bạch, dân chủ thì mọi sửa đổi Hiến pháp chỉ là vô nghĩa, tốn tiền bạc của nhân dân một cách vô ích.

Tôi nhấn mạnh yếu tố “minh bạch” và “dân chủ” bởi tôi biết rằng có những người quan ngại rằng một cuộc phúc quyết hiến pháp trong tình trạng không có tự do chính trị như hiện nay có thể củng cố quyền lực và tính chính danh của chế độ thay vì thực sự phản ánh ý nguyện của nhân dân một cách trung thực. Nhưng chúng ta cần phân biệt giữa nguyên tắc và phương thức tiến hành.

Về mặt nguyên tắc, chúng ta cần thống nhất rằng phúc quyết Hiến pháp là điều kiện để Hiến pháp thực sự là khế ước xã hội qua đó nhân dân trao quyền cho nhà nước. Có những Hiến pháp dân chủ mà không quy định phúc quyết hiến pháp, đúng vậy.

Nhưng đó là những quốc gia đã có dân chủ, Quốc hội hay cơ quan lập hiến trong thể chế chính trị của họ do nhân dân bầu ra qua bầu cử tự do, công bằng, đại diện cho quốc dân và chịu trách nhiệm trước quốc dân của họ. Đó là điều Việt Nam chưa có.

Và phúc quyết Hiến pháp là một cơ hội trong thời điểm hiện tại để nhân dân Việt Nam bày tỏ nguyện vọng về những vấn đề chính trị căn bản nhất của quốc gia.

Sau khi thống nhất về nguyên tắc như vậy, việc tổ chức như thế nào để cuộc trưng cầu dân ý được minh bạch, dân chủ, là điều quan trọng cần bàn. Những người lãnh đạo thức thời trong Đảng Cộng sản nên ngồi lại cùng giới trí thức, đảng viên cấp tiến, và cả những tổ chức đối lập, để bàn thảo và thương lượng những điều kiện tiến hành cuộc phúc quyết Hiến pháp.

Đó là cách khôn ngoan để họ vừa có thể đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, vừa giữ thế chủ động và thể diện để có cơ may bảo đảm vị thế chính trị của họ trong tương lai. Vị thế chính trị của họ trong tương lai chỉ có thể dựa vào sự đồng thuận của nhân dân mà thôi.

Tất nhiên, thay đổi Hiến pháp không phải là tất cả những gì Việt Nam cần. Chẳng ai ngây thơ đặt niềm tin vào những điều kỳ diệu nào đó mà một cơ chế hiến pháp dân chủ sẽ tự động mang lại cho Việt Nam.

Đất nước cần rất nhiều cải cách trên nhiều phương diện, giáo dục, kinh tế, y tế; cần những người có tâm, có tài, có trách nhiệm để thực hiện các cải cách đó một cách khôn ngoan và hữu hiệu. Pháp luật chỉ là một phần của những gì Việt Nam cần mà thôi.

Tuy vậy, đất nước nào cũng cần một hệ thống pháp luật chuẩn mực, một cơ chế nhà nước dân chủ quy định trong bản Hiến pháp để tiến hành những cải cách khác một cách hiệu quả với sự đóng góp của những người hiền tài. Như nhiều người đã nói: vấn đề của Việt Nam là vấn đề cơ chế, là “lỗi hệ thống.” Mà viết lại Hiến pháp chẳng phải là tổ chức lại hệ thống quyền lực nhà nước đó hay sao? 

Cơ hội đoàn kết

Sửa đổi hiến pháp còn có thể là cơ hội để những người Việt Nam cả trong lẫn ngoài đảng, cả giới lãnh đạo lẫn đối lập, cả trí thức và người dân thường suy nghĩ sâu sắc về những nguyên tắc và giá trị nền tảng kết nối chúng ta như một xã hội, một cộng đồng, một quốc gia, lên tiếng thể hiện sự đồng thuận về những giá trị và nguyên tắc đó và hiến định chúng.

Nếu vẫn còn sự bất đồng về những hệ giá trị căn bản nhất – chất keo gắn bó chúng ta với tư cách là những thành viên của cùng một cộng đồng, liệu những lời kêu gọi đoàn kết, hòa hợp, phát triển, có thực hiện được hay không?

Điều gắn bó người Việt chúng ta là gì? Là một ý thức hệ ngoại lai hay những giá trị tư tưởng nhân bản, bao dung, như sự tổng hòa tam giáo đồng nguyên là một niềm tự hào và là một ví dụ? Là rập khuôn giáo điều an phận hay tinh thần ham học hỏi và dám “ra biển lớn”?

Là một thể chế chính trị tập quyền áp đặt hay một cơ chế hạn chế quyền lực nhà nước, một xã hội dân sự đầy khí lực và một hệ thống khuyến khích người tài tham gia quản trị quốc gia?

Chúng ta có dám “vượt qua cái bóng của chính mình” bằng việc mạnh dạn gỡ bỏ những gì đang làm trì trệ sự phát triển và hoà nhập quốc tế của quốc gia, và đặt nền tảng là những nguyên tắc mới, những hệ giá trị cầu thị mới trong bản khế ước xã hội – Hiến pháp?

Chúng ta sẽ làm thế nào để bước cái bước tiến “vượt qua cái bóng của chính mình” đó mà không lặp lại những sai lầm lịch sử gây thêm chia rẽ, thù hận hay nghi kỵ giữa người Việt lẫn nhau? Không một cá nhân hay một nhóm người nào trong xã hội có thể áp đặt câu trả lời cho những câu hỏi quá lớn đó.

Đó phải là một câu trả lời đồng thanh, tập thể, sau một cuộc thảo luận công khai, tự do, bởi toàn thể công dân Việt Nam qua một cuộc trưng cầu ý dân dân chủ và minh bạch.

Hiến pháp không chỉ là một điều luật thông thường.

Có học giả đã nói rằng Hiến pháp là một bộ luật chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam đừng cho rằng họ có thể làm ngơ trước những đòi hỏi về chính trị của người dân Việt Nam thể hiện qua những cuộc thảo luận trên truyền thông xã hội và các kiến nghị về Hiến pháp.

Làm ngơ trước những đòi hỏi về Hiến pháp đồng nghĩa với việc làm ngơ trước những đòi hỏi ôn hòa về chính trị. Mà ý dân là nền tảng của quyền lực chính trị của một chế độ.

Đảng Cộng sản Việt Nam có sự lựa chọn giữa một cải cách ôn hòa và củng cố vị thế chính trị của họ thông qua việc cải tổ hiến pháp, hoặc tiếp tục thách thức sức mạnh tiềm ẩn của nhân dân, vốn chỉ bùng phát khi giới lãnh đạo mà họ từng kỳ vọng không còn lắng nghe họ nữa.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cô Nguyễn Thị Hường, nghiên cứu sinh Luật, Đại học Indiana, Hoa Kỳ.Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cô Nguyễn Thị Hường, nghiên cứu sinh Luật, Đại học Indiana, Hoa Kỳ.
.

14 nhận xét :

  1. Tôi thấy bài viết rất hay, chặt chẽ và súc tích. không dài mà lại không thiếu sót điểm nào cần nói cả.

    Đặc biệt thích câu hỏi "Điều gắn bó người Việt chúng ta là gì?" và những câu trả lời của tác giả:

    + là sự đồng thuận về những hệ giá trị căn bản nhất - chất keo gắn bó chúng ta với tư cách là những thành viên của cùng một cộng đồng;

    + là những giá trị tư tưởng nhân bản, bao dung, như sự tổng hòa tam giáo đồng nguyên là một niềm tự hào và là một ví dụ;

    + là không rập khuôn giáo điều an phận; là tinh thần ham học hỏi và dám “ra biển lớn”;

    + là tránh một thể chế chính trị tập quyền áp đặt và thay vào đó là một cơ chế hạn chế quyền lực nhà nước, một xã hội dân sự đầy khí lực và một hệ thống khuyến khích người tài tham gia quản trị quốc gia.

    Một nghiên cứu sinh ngành Luật (chắc là một phụ nữ còn trẻ tuổi?) mà bài viết thật sắc sảo và sáng suốt thế này! Nước ta đâu hề thiếu người tài?

    Trả lờiXóa
  2. Trời, tôi mới vừa qua trang BBC và đã xem thấy hình của tác giả. Không ngờ cô Nguyễn Thị Hường còn rất trẻ như thế này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế mới là hậu sinh khả úy . Mà hậu sinh lại là một nữ nhi từ bên Tây bán cầu vọng về Tổ Quốc . Các bậc tu mi nam tử đang nắm quyền sinh sát nhân dân có nghe chăng tâm nguyện thiết tha của con cháu mình ?
      Chẳng hổ danh con cháu Bà Trưng , Bà Triệu mà lại càng tự hào là hậu duệ Bà Hồ Xuân Hương, Bà Đoàn Thị Điểm , Bà Huyện Thanh Quan !
      Mong các vị tai to mặt lớn hãy mau mau thoát khỏi cái bóng của mình . Cái bóng của một người già nua mang trong mình nhiều bệnh hiểm nghèo .

      Xóa
  3. Bài viết hay, đáng được suy ngẫm

    Trả lờiXóa
  4. Một bài viết rất hay và sâu sắc, đang khen ngợi cho nhưng người trẻ tuổi tại Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết hay, nhưng cũng chỉ là những khẩu hiệu suông, không lay chuyển được tham vọng giữ quyền lực của đảng.

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết rất hay , rất đúng với tình hình hình đất nước hiện nay . Nhưng mà làm sao bây giờ khi mà họ những kẻ cầm quyền đang ăn đầy bát cơm , đang ở trong biệt thự , trong tư dinh và vô vàn bổng lộc biệt đãi khác của chế độ toàn trị đưa lại . Nếu ăn không hết thì đổ cho chó , còn khi có sự thay đổi đưa lại lợi ích cho toàn dân thì họ lại sợ đổ mất bát cơm , có khi bể cả nồi cơm gia đình họ , họ sợ mất tất cả như trẻ con sợ ma , mà ma thì không thấy đâu . Chứ họ đời nào chấp nhận đánh đổi , trừ khi họ bị treo cổ mà thôi .

    Trả lờiXóa
  7. Bài viết rất có kiến thức. Nhìn ảnh thấy em còn trẻ lắm, qua bài viết biết chắc em có kiến thức cơ bản tốt. Cái đó ở VN mình không có, cứ kiểm tra lại cả hệ thống chính trị từ TW tới đia phương có cái gì là cơ bản. Nguyên nhân chúng ta không có nền giáo dục cơ bản sẽ sản sinh ra những con người mất cơ bản. Từ đó mới tạo ra một XH rất phức tạp, đầy dẫy tham nhũng, nạn con ông, cháu cha, chạy chức, chạy quyền, chạy điểm, chạy bằng chấp, nguy hiểm hơn nữa mọi thứ biến đúng thành sai, biến sai thành đúng, lâu dần nó cũng thành quen. Nói đến sửa đổi HP92 cũng vậy, chúng ta mất căn bản ngay từ đầu, do vậy sẽ dẫn đến chủ trương sai. Không có khái niệm đúng về Nhà nước và pháp quyền XHCN, lại lấy HP92 làm nền tảng trong khi nó rất lỗi thời, lạc hậu. Bây giờ việc sửa đổi HP trở nên đối phó với Dân bằng cách gần như giữ nguyên.

    Trả lờiXóa
  8. Bác Ha Le ơi, người trẻ chúng tôi hiểu hết được sự giả dối trâng tráo, tham quyền cố vị, lợi dụng danh nghĩa ổn định để trục lợi bè phái, đàn áp người dân, kèo lùi đất nước của những kẻ đang nhân danh Đảng cầm quyền hiện nay. Chỉ vì thời cơ thế nước chưa thoát khỏi các tư tưởng tàn dư của thời chiến tranh để lại. Nhưng tôi vẫn lạc quan bởi thanh niên mới lớn họ rất cởi mở chứ không giáo điều chủ nghĩa, họ sẽ thay đổi hệ thống.

    Trả lờiXóa
  9. Tàu Trung Quốc tông vỡ tàu cá Quảng Ngãi

    Chiều 24/5, ông Phan Đình Chí - chánh văn phòng UBND huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - cho biết huyện đã nhận được báo cáo của UBND xã Bình Thạnh về việc một tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc tông hỏng ngày 20/5 khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
    Mạn tàu QNg 90917, thành cabin và giàn đèn hư hỏng do bị tàu Trung Quốc tông. (Ảnh: TTO)
    Mạn tàu QNg 90917, thành cabin và giàn đèn hư hỏng do bị tàu Trung Quốc tông. (Ảnh: TTO)

    Dẫn lời ông Chí, báo Tuổi trẻ cho biết, đã có báo cáo hỏa tốc tới UBND tỉnh.

    Theo báo cáo của UBND xã Bình Thạnh, lúc 17g30 ngày 20/5, tàu cá QNg 90917 với 15 lao động do ông Trần Văn Trung làm thuyền trưởng bị tàu Trung Quốc tông làm vỡ thân tàu bên phải, ước tính thiệt hại trên 100 triệu đồng.

    Báo cáo nêu rõ chiếc tàu này còn bị đội tàu 18 chiếc của Trung Quốc vây quanh quay phim, chụp hình.

    Thuyền trưởng Trần Văn Trung cho biết chiều 20/5, khi tàu đang trên đường về cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 27 hải lý thì gặp một đoàn tàu của Trung Quốc.

    Đoàn tàu này liên tục ép tàu của ông chạy theo hướng khác hoặc bao vây tàu trong nhiều giờ liền.

    Đến khoảng 17g30, một chiếc tàu sắt số hiệu 246, màu sơn đỏ tông liên tiếp hai lần vào tàu QNg 90917.

    Quấn cờ Tổ quốc vào ngực, bám biển, giữ chủ quyền

    Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.

    Khi bị truy đuổi, thuyền trưởng Bùi Văn Phải (25 tuổi) cho tàu gầm lên đua với tàu Trung Quốc. Khi bị tàu tuần tra Trung Quốc đuổi theo, các ngư dân nghe 5 phát súng nổ. Tiếp đến là ngọn lửa trùm lên cabin.
    Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin ngày 20/3
    Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin ngày 20/3

    Anh Phạm Quang Thạnh, 33 tuổi – người thay phiên chỉ huy tàu cùng với Bùi Văn Phải, thấy khói lửa bốc lên từ phía sau rồi bén vào khoang lái liền hô lớn để anh em chạy ra cứu hỏa. Khi ấy trên nóc cabin có 4 bình gas để nấu ăn, trong đó 2 bình còn đầy gas.

    Bất chấp ngọn lửa đang cháy bùng trên kèo gỗ, anh Thạnh và thuyền trưởng Phải nhảy vào lửa dội nước, lôi đồ đạc ra ngoài. Anh em bên dưới tiếp nước biển lên.

    Trong khói lửa, thuyền trưởng Bùi Văn Phải cuộn lấy lá cờ Tổ quốc ở nóc cabin vào ngực để không bị cháy. Dập tắt được lửa, tay chân anh Phải và anh Thạnh cháy sém. Còn lá cờ chỉ bị thủng vài lỗ nhỏ và ngay sau đó được Phải cắm lên nóc cabin! Deo me thang Banh truong Bac Kinh ! Da dao....

    Trả lờiXóa
  10. Ngoài đảng không thiếu những nhân tài nhưng ở một chế độ toàn trị thì những nhân tài mãi mãi thui chột. Rất hiều người Việt khi ra nước ngoài học tập, công tác đều thành đạt (nếu ở trong nước thì đừng hòng).
    Thử làm con tính: 28.000 cuộc hội nghị, hội thảo góp ý sửa đổi HP, mỗi vị đến dự bình quân được phong bao 50.000VND (giống như những cái phong bì thập thò trong túi các cử tri khi đến nghe ông Trọng nói chuyện); mỗi cuộc bình quân có 100 vị dự. Cũng tốn tiền ra phết, nhưng cuối cùng chả được cái mẹ gì!

    Trả lờiXóa
  11. Bài này lấy tựa để "Ăn mày dĩ vãng" có lẽ hợp hơn.
    Cảm ơn TG chuyển tải một phần suy nghĩ của mình.

    Trả lờiXóa
  12. Dạ vâng! họ vừa đá bóng vừa thổi còi, đến con nít nó còn biết nữa là! Nhưng không ai dám nói.

    Trả lờiXóa
  13. Nhìn nụ cười trong sáng và rạng rỡ của em làm tôi nhớ đến Phương Uyên . Mới hay tư duy và khẩu khí của thanh niên Việt Nam ngày nay đã khác nhiều lắm, đáng nể phục . Nhưng ở hai phương trời cách biệt , hai chế đọ chính trị khác nhau . Nếu em đang ở Việt Nam thì sự thể sẽ ra sao ?

    Trả lờiXóa