Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

HẢI PHÒNG: HỒ SƠ VỤ CƯỠNG CHẾ ĐẦM SÉP - KỲ 2

 

Chuyện cưỡng chế - Trăm năm đâu chỉ một cuộc bể dâu (phần kết)


Công lý chỉ là một diễn viên hài?

Một sai phạm khó hiểu nữa của các cấp chính quyền Hải Phòng là trong thời điểm cưỡng chế đầm Sép, Tòa án thành phố Hải Phòng đang giải quyết vụ tranh chấp đầm Sép giữa ông Trần Văn Phưởng với ông Nguyễn Đức Tê. Do khó khăn về tài chính, năm 1998, ông Phưởng đã bán quyền sử dụng một phần diện tích đầm Sép cho ông Tê. Nhưng ông Tê không những không trả tiền cho ông Phưởng mà còn định chiếm toàn bộ đầm Sép, dẫn đến việc ông Phưởng kiện ông Tê ra tòa. Vụ kiện đã qua Tòa án tối cao xử phúc thẩm vào 24/9/2003, và ngày 11/7/2003 phòng thi hành án TP Hải Phòng có quyết định thi hành án số 253/THA, buộc ông Tê phải trả lại đầm Sép cho ông Phưởng.
.
 

Như vậy là án chồng án? Trong khi tòa còn đang giải quyết tranh đầm Sép giữa ông Tê và ông Phưởng thì chính quyền lại nhảy vào cưỡng chế đầm Sép, biến đầm Sép thành tài sản của UBND Đồng Bài để xã hưởng tiền đền bù. 

Nếu UBND xã Đồng Bài là chủ đầm Sép, thì ông Tê và ông Phưởng có cái gì để mà tranh chấp ở tòa án TP Hải Phòng? Đầm Sép đã bị thu hồi vào ngày 20/5/2003 thì ông Tê lấy đâu ra đầm Sép để trả cho ông Phưởng, như quyết định thi hành án đã tuyên ngày 11/7/2004? Đúng là rối như canh hẹ.

Vậy mới nói ở nước ta, phán quyết của tòa chả có tý giá trị nào khi dính đến những sai phạm của chính quyền. Đó là lý do ông phó chủ tịch Nguyễn Văn Thành mới dám tuyên bố đầy thách thức, là UBND TP (chứ không phải cá nhân ông bà nào) sẵn sàng ra hầu tòa là thế?

Vụ việc chả có gì to tát, 70 hecta đầm ở một xã thì cũng chỉ bé bằng cái móng tay. Vậy mà nó khiến cả một bộ máy cồng kềnh phải vào cuộc, khiến chính phủ và quốc hội cũng phải bận tâm. Báo môn bài cũng dăm bảy số vào cuộc điều tra, đăng tin (Báo Lao động số 190/2012 ngày 16/8/2012; Báo Công an TPHCM số 2177 ngày 8/12/2011- số 2178 ngày 10/12/2011; Báo Bảo vệ Pháp luật số 30, ngày 26/7/2008 - số 32 ngày 9/8/2008; Báo Dân Việt điện tử ngày 1/8/2012).

Sau 6 năm đi gõ mọi cánh cửa có thể gõ, kết quả là ngày 30/9/2008, UBND huyện Cát Hải hạ cố ra quyết định đền bù 240 triệu đồng cho 8 năm công sức và tiền của của những người chủ đầm Sép. Trong khi đó, theo số liệu công an Hải Phòng đã điều tra (Trang 4 - công văn số 307/PV11 ngày 12/3/2008) thì  tổng kinh phí đền bù cho hạng mục đầm Sép (Dự thảo?) là 4.839.125.583 đồng ?
.
Trích trang 3 - công văn 307/PV11 ngày 12/3/2008 của công an Hải Phòng


 Điều gì khiến cho mọi kết luận của các cấp về vụ đầm Sép đến nay vẫn chỉ trên giấy? Sự việc đã hai năm rõ mười, có gì là phức tạp? Phức tạp chính là mối quan hệ giữa con người với con người, trói mồm miệng chân tay của nhau vì nếu giải quyết tiền đền bù cho chủ đầm Sép, sẽ phải xử luôn cả những sai phạm của các cấp chính quyền, nên họ mới cố tình lờ đi? Mà xử người rồi còn mình thì sao?

Dự án mở rộng cảng Hải Phòng đã xong từ lâu. Nhưng vụ cưỡng chế và đền bù đầm Sép vẫn ì ạch ở mức tòa án mà vẫn chỉ “trao đổi” như thế này
.
 



Tôi hỏi ông Hài về hiện trang của đầm Sép vào thời điểm này ra sao. Ông cho biết, đầm Sép giờ như một hòn đảo hoang giữa bốn bề là nước. Về thực chất, diện tích mặt nước đầm Sép đã được Dự án mở rộng cảng Hải Phòng đền bù theo đất nông nghiệp. Như vậy, diện tích 70 hecta đầm này phải thuộc chủ quyền của Cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, theo lời của một cán bộ xã Đồng Bài trả lời ông Hài, thì hiện nay đầm Sép được UBND huyện Cát Hải giao cho xã Đồng Bài quản lý, với điều kiện không được giao cho ai sử dụng!!!

Đất đã được đền bù lại trở về chủ cũ. Mai này chả còn ai để ý, rất có thể ai đó lại đề xuất xin giao đầm Sép làm đảo du lich sinh thái chẳng hạn, và không chừng một ngày UBND huyện Cát Hải buồn buồn, lại ra quyết định giao đất một lần nữa chăng?

Tôi không phải là nhà báo, nhưng rất muốn các nhà báo tìm hiểu vấn đề này thực hư ra sao. Để lãng phí đất đai cũng là có tội. Đất đã đền bù lại tái quản lý và sử dụng là có dấu hiệu gian lận?
Cánh cửa nào là cuối cùng cho ông Hài và công ty TNHH Tân Thành Hưng, trong hành trình đi đòi công lý? Cánh cửa nào cho những dân oan đi đòi đất sống. Khi tôi kể lại câu chuyện này, một người bảo, thế mới hiểu tại sao Đoàn Văn Vươn lại nổ súng. Người khác lại bảo, không biết ở Việt Nam, Công Lý chỉ là tên một diễn viên hài thôi sao?




Nguồn: Chim Kiwi.

1 nhận xét :

  1. CQ Hải phòng quá nhiều tiền án tiền sự trước đây và ngay cả bây giờ đang và sẽ tiếp tục tái diễn. Ai là kẻ hậu thuẫn cho các việc làm mờ ám này của CQ các cấp? Câu hỏi quả không khó để trả lời.

    Trả lờiXóa