Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

BBC: ĐỀN HÙNG TỪNG BỊ ĐẶT BÙA YỂM?

Đền Hùng từng bị đặt bùa yểm?
Cập nhật: 14:01 GMT - thứ tư, 17 tháng 4, 2013

Đền Thượng
Đền Hùng là thánh tích của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay

Đền Hùng thờ Quốc Tổ, nơi linh thiêng bậc nhất của người dân Việt Nam, từng bị người phương Bắc đặt một ‘đạo bùa yểm’ chôn dưới nền đất, một quan chức coi giữ khu đền này khẳng định với báo chí trong nước.

Thông tin này chỉ được tiết lộ sau khi có áp lực từ dư luận đòi giải thích về một phiến đá bí ẩn đặt một cách có chủ đích ngay tại điện thờ của đền Thượng, đền chính trong quần thể Đền Hùng tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Tiến Khôi, người trước đây là quản lý cao nhất ở đền Hùng và là người nắm rõ nhất về phiến đá bí ẩn này, giải thích rằng đó thật ra là một đạo bùa để trấn lại bùa yểm của người phương Bắc.

Bị yểm 600 năm

Từ đó ông Khôi đã nêu rõ các chi tiết về ‘đạo bùa yểm’ này mà lần đầu tiên được tiết lộ với công chúng.

Nói trên trang mạng của tờ Tiền Phong và báo mạng Đất Việt, ông Khôi cho biết trong đợt tu sửa đền hồi năm 2009, các công nhân đã phát hiện ‘một viên gạch lạ có in chữ Hán’ lúc tháo dỡ toàn bộ bệ thờ trên đền Thượng.
"Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà nước và nhân dân. Việc này (đặt đá trấn yểm) đã được các lãnh đạo trung ương, tỉnh đều chứng kiến và biết." - Nguyễn Tiến Khôi, cựu giám đốc Ban quản lý đền Hùng
Viên gạch lạ này đã được ông Khôi gửi sang cho ông Nguyễn Minh Thông, vốn là đại tá quân đội và hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phương Đông, để nhờ nghiên cứu.

Trong báo cáo giải trình của ông Thông cho lãnh đạo tỉnh Phú Thọ được báo Tiền Phong dẫn lại thì trung tâm của ông ‘đã hội thảo nhiều lần’ với ‘một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm’ và đi đến kết luận rằng viên gạch là ‘do đạo sỹ của quân Nguyên Mông đem đến đặt từ cuối thời Trần’, tức là tính cho đến nay là hơn 600 năm.

Theo báo cáo này thì ‘Thời đó phía Nguyên Mông bị thua trận vì bị nhà Trần ta đánh tan ba lần, đã cử đạo sỹ được cải trang sang nước Nam ta, dùng thủ đoạn yểm bùa gạch này tại Đền Thượng’.

Trên viên gạch có ghi dòng chữ Hán ‘Đánh đổ đức sáng Vua Hùng’ và hiện tại vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng đền Hùng, Đất Việt dẫn lời ông Khôi cho biết.

Do đó, để hóa giải, ông Thông đã đề xuất lên Ủy ban tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hóa tìm một đạo bùa khác để trấn yểm. Đề xuất này, theo ông Khôi, đã được những vị có chức trách đồng ý và ông Thông đã lên kế hoạch thực hiện.

Đạo bùa trấn yểm đó chính là phiến đá đặt trên bệ bát quái trong đền Thượng vốn đã gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua. Công chúng không hề biết nguyên do cũng như ý nghĩa của phiến đá này nên dẫn đến tâm lý e ngại.

Ý nghĩa gì?

Mặt trước
Mặt trước của phiến đá bùa là trận đồ bát quái cùng với thần chú Mật tông

Trong báo cáo của mình, ông Thông đã giải thích về nội dung bùa trấn này như sau:

Phiến đá được chọn là do giám đốc một công ty đá quý ở Hà Nội có tên là Nguyễn Đình Khảm cung tiến. Đây là viên đá xanh ‘có nhiều năng lượng tốt lành, có khả năng hóa giải hung khí và tiếp nhận năng lượng của tinh tú trời đất’.

Mặt trước vẽ trận đồ bát quái của danh tướng Trần Hưng Đạo dựa trên tác phẩm ‘Binh thư yếu lược’của ông và chòm sao Bắc Đẩu. Trên mặt trận đồ là câu thần chú Phật giáo Mật tông.

Mặt sau của đạo bùa này là ấn vuông của Vua Hùng đóng ở trên và lá bùa giải bách họa vẽ ở phía dưới.

Ông Thông giải thích rằng linh khí của Đức Phật kết hợp với linh khí của Đức Thánh Trần sẽ ‘hóa giải được’ đạo bùa yểm của người phương Bắc và sẽ giúp cho vận nước được hưng thịnh.
"Đã có nhiều dấn ấn trong tâm lý dân gian qua các đời rằng người Tàu hay sang đây làm các thứ tệ hại như yểm bùa, triệt long mạch và đập phá những thứ có giá trị tâm linh của người Việt." - Nhà sử học Lê Văn Lan
Ông Nguyễn Tiến Khôi được Đất Việt dẫn lời nói ông cam đoan ‘viên đá đang rất linh ứng và hiệu nghiệm’.

“Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà nước và nhân dân,” ông nói và cho biết việc này đã được ‘các lãnh đạo trung ương, tỉnh đều chứng kiến và biết’. 

Ký ức dân gian

Trao đổi với BBC từ Hà Nội, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết chuyện người phương Bắc tìm cách yểm bùa nước Nam là ‘có thực’ mà ‘ý thức dân gian còn ghi lại’.

Chính sử không hề đề cập đến việc này nhưng trong ngoại sử và sách địa lý thì có chép, ông Lan nói.

“Đã có nhiều dấn ấn trong tâm lý dân gian qua các đời rằng người Tàu hay sang đây làm các thứ tệ hại như yểm bùa, triệt long mạch và đập phá những thứ có giá trị tâm linh của người Việt,” ông giải thích.

“Tôi đã đi điền dã và sưu tầm nhặt nhạnh được nhiều lời kể dân gian không chỉ tập trung vào Cao Biền (quan đô hộ đời Đường) mà còn cả các đời khác rằng các thầy địa lý người Tàu đi vào đây (nước Nam) bán thuốc đeo quang gánh, đội nón lá rộng vành,” ông nói.

“Họ đi đến đâu thường hay xem đất, tìm đất... sau đó chôn bùa hoặc đào đất để phá long mạch.”

Mặt sau
Đạo bùa này được cho là trấn bùa xấu và giúp vận nước hưng thịnh

Tuy nhiên đối với khu vực đền Hùng mà ông Lan nói ông đã ‘điền dã rất kỹ từ nửa thế kỷ nay’ thì ông chưa sưu tầm được truyền thuyết, lời kể hoặc hiện vật nào ‘chứng tỏ người Tàu đã sang đây để yểm bùa hay triệt phá gì’.

Cho nên ông Lan cho rằng phiến đá trấn yểm đặt trong đền Thượng ‘nên được di dời ra khỏi đền’ vì ‘đấy là thứ mới tạo chứ không phải có từ trước’.

Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cũng có cùng ý kiến với ông Lan về cách xử lý đối với phiến đá.

“Đó là một hiện vật không nguyên gốc,” ông nói với BBC, “Cầu may thì cũng được thôi nhưng không thể đưa vào một cách tùy tiện.”

“Quan điểm của tôi là nếu như chưa biết rõ hòn đá này là gì và không gắn với đền thờ Vua Hùng thì tốt nhất là nên đưa ra ngoài,” ông nói.

Hiện Ban quản lý đền Hùng đang tính đến sau ngày Quốc giỗ mùng 10/3 Âm lịch sẽ tổ chức hội thảo khoa học để các chuyên gia và các nhà khoa học bàn luận rõ ràng về vấn đề này.

Tuy nhiên, TS Thịnh cho rằng ‘lĩnh vực tâm linh rất mơ hồ khó mà đem ra một hội thảo khoa học’.

 
 

19 nhận xét :

  1. Hội thảo chỉ để tiêu tiền chứ được cái tích sự gì. Hơn nữa để thông qua cái hội thảo đó nhằm lẫn tránh trách nhiệm khi quyết định "số phận" của hòn đá đó. Có gì thì đổ lỗi cho hội thảo rằng đó là ý kiến của toàn các chuyên gia đầu ngành.

    Trả lờiXóa
  2. Nội (Nguyễn Văn)lúc 22:58 17 tháng 4, 2013

    Giời ạ! Đặt bùa yểm từ đời nhà Trần (600 năm nay) mà sao mà không "đặt được ách đô hộ" lên Việt Nam nhỉ? Vẫn bị nhà Trần, nhà Lê, rồi Nguyễn Huệ đánh cho tơi bời đấy thôi. Rồi nữa, thời hiện đại, chúng ta vẫn đánh thắng hai "đế quốc to" là Pháp và Mỹ; vẫn "thống nhất nước nhà, thỏa lòng Bác mong"; vẫn xây dựng CNXH và "đời sống ngày một nâng lên" đấy thôi. Chỉ vì "viên gạch" vớ vẩn mà ông Khôi cho rằng có sự "trấn yểm" khiến ông phải đặt "đạo bùa" là viên đá để làm giảm hay "khắc chế" viên gạch thì thật là siêu hình đến cỡ như ông Khôi xứng đáng là sư tổ. Sao không lấy viên đá mà ông cho là "đạo bùa" ấy đập vào "viên gạch" cho nó tan tành hết đi. Chắc lúc ấy, "hiệu nghiệm" phải biết. Có khi chỉ mấy năm là tiến tới CNXH. Không biết chừng, CNCS cũng nên.

    Trả lờiXóa
  3. 1 Phiến đá lạ, tại sao dư luận, các nhà chuyên môn có ý kiến mà tỉnh Phú Thọ không cho di dời ngay, mà lại đợi đến sau lễ hội?

    Chắc đây là 1 chiêu câu khách rẻ tiền của tỉnh Phú Thọ, kích thích tính hiếu kỳ và tò mò của người dân, để người dân đến tham quan Đền Hùng, nhằm kiếm xèng đây!!..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rõ như ban ngày thế thì còn gì để nói nữa mà phải hội thảo?

      Xóa
  4. "Phiến đá được chọn là do giám đốc một công ty đá quý ở Hà Nội có tên là Nguyễn Đình Khảm cung tiến. Đây là viên đá xanh ‘có nhiều năng lượng tốt lành, có khả năng hóa giải hung khí và tiếp nhận năng lượng của tinh tú trời đất’."
    - Tôi xin nhắc lại lần nữa, rằng: đó chỉ là một khối gốm nung, phủ men (màu loang xanh hoa lam và xanh đồng, theo từ ngữ trong nghề); khối gốm này rỗng, nhìn rõ đường cạo men dưới sát chân chống dính...
    Như vậy, Vị giám đốc một công ty đá quý ở Hà Nội có tên là NGUYỄN ĐÌNH KHẢM đã lộ rõ là một TÊN lừa đảo!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chết thật! Nếu đúng như lời bác nói thì đây quả là cú bị ăn quả lừa đầy tai tiếng, đáng ghi vào kỷ lục thế giới! Rất dễ kiểm tra xem đây có phải đá thật hay chỉ là gốm nung phủ men. Vậy thì đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra ngay đi, khoan tính đến chuyện "hội thảo khoa học" gì cả kẻo lại ăn thêm một cú lừa thế kỷ!

      Tôi cũng đã ngờ ngợ khi lần đầu tiên nhìn hình ảnh hòn đá này tên blog bác Tễu: thế đứng của viên đá có vẻ không vững, trọng tâm hơi nghiêng một bên nên có thể bị đổ nếu có va chạm mạnh; người ta dùng chất keo nào hay dùng cách gì để kết dính hòn đá với cái bệ ở dưới?; bệ bên dưới làm bằng đá hay bằng gì? trọng lượng của nó so với hòn đá thế nào?...

      "Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà nước và nhân dân. Việc này (đặt đá trấn yểm) đã được các lãnh đạo trung ương, tỉnh đều chứng kiến và biết." - Nguyễn Tiến Khôi, cựu giám đốc Ban quản lý đền Hùng. Giời ạ! Nếu đó chỉ là khối gốm nung thì ông Khôi và "các lãnh đạo trung ương và tỉnh" sẽ ăn nói làm sao đây với công luận?

      Xóa
    2. Nhân nghi vấn về chất liệu thật của "hòn đá", tôi ngạc nhiên quá vì bức hình thấy từ đầu trên blog bác Tễu và hình trên báo Thanh Niên (ghi tên tác giả là Nguyễn Long) có vẻ khác nhau các bác ạ.

      Xin so sánh hai hình trong hai bài này, đặc biệt ở phần tiếp giáp giữa hòn đá và cái bệ bên dưới. Hình trên báo Thanh Niên thì hòn đá có vẻ "chìm sâu" hơn vào cái bệ. Lạ quá!

      http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/04/khau-au-em-lay-anh-hon.html

      http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/04/vien-truong-vien-nghien-cuu-ton-giao.html

      Xóa
    3. Nếu là gốm nung, tôi đoán chắc sẽ không có cuộc kiểm tra nào, kiểm tra thì lộ hàng hết à?

      Xóa
  5. Đặt việc thờ Triệu tổ, quốc tổ tại Phú thọ là một bước lùi, một thảm bại của tư tưởng ái quốc Việt nam thế kỉ XX, bắt đầu từ năm Khải Định thứ 3 (1917). Lĩnh nam chích quái, Đại Việt sử kí toàn thư luôn luôn vững bền với tư tưởng Quốc tổ chúng ta ở Quảng tây. Các đoàn sứ thần từ Lý đến Nguyễn khi đi sứ đều sắm lễ cúng dâng Quốc tổ ở đó và nhắc nhớ muôn đời, chúng ta là Lĩnh nam, Lĩnh ngoại, là Việt điện. Có lẽ đời Trần, với Hồ Tôn Thốc, mới bắt đầu thờ hậu duệ Hùng Vương ở Phú thọ. Hùng vương thì nhiều đời. Còn Kinh Dương vương (vua đất Kinh đất Dương) mới là triệu tổ.Đền thờ ông ở Bắc Ninh là thờ vọng. Sử rành rành ra đó mà lại đi lấy Phú thọ làm đất phát tích thì Trung Hoa nó mừng lắm. Ngu ơi là ngu. Nay mai rồi viết lịch sử biển đảo sẽ nói rằng Hoàng sa không của Việt Nam cho mà xem. Hội xuất quân Lý Sơn sẽ co vào một phần Trường sa hoặc Bạch long vĩ thôi cho mà xem. Chạy UNESCO công nhận cái Phú thọ là vì bệnh sĩ, bệnh thành tích đã thành máu thịt mà không suy nghĩ sâu xa, mà quên lời dạy của các bậc học rộng tài cao thời Lý Trần. Cụ tôi (cái cụ viết bài "Bái thạch vi huynh" mới ấy) lên lớp vẫn dạy chúng tôi những điều như vậy hàng ngày.

    Trả lờiXóa
  6. Đề nghị công an cần vào cuộc điều tra nghiêm túc ,kết luận về động cơ , nguồn gôc của việc dặt hòn đá này . Tất cả những người liên quan để xem xét trách nhiệm , mục đích và năng lực của họ vì đay là chuyện quốc gia đại sự

    Trả lờiXóa
  7. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 02:50 18 tháng 4, 2013

    Toàn những chuyện nhảm nhí. Một viên gạch, một cục đá mà cũng tổ chức hội thảo khoa học rôi lí giải lung tung . Thật không thể hiểu nổi. thế mà Bộ VHTH&DL chấp nhận được sao ? NN phải cương quyết phá tan cái tâm lí Đất Nước bị người phương Bắc yểm bùa để cho dân hết mê tín và sợ sệt những điều hoang tưởng. Khi khoa học chưa phát triển thì dân gian nhìn đâu cũng thấy bị các thế lực ma quái đe dọa, chỗ nào cũng có thần " thần cây đa ma cây gạo ". Rồi bùa ếm, thầy bùa thầy pháp có đất sồng, mê tín dị đoan phát triển . Đã có một thời NN triệt để ngăn cấm mọi trò mê tín dị đoan . Ngày nay NN lại cho phục hồi tín ngưỡng dân gian, những lễ hội dân gian ở mọi miền đất nước dịp nở rộ, đủ các loại ấn từ các đền thiêng như Đền Hùng , Đền Trần, Chùa Bà Chúa ở nơi này noi kia. Cả các quan chức cũng lao đầu vào mê tín, không còn tin tưởng vào tài năng đức độ mà lấy ân lấy phúc từ đền này đền nọ mà tìm cách thăng quan tiến chức , thăng lộc thăng tài .
    Thử hỏi một NN đã tuyên bố là vô thần lại sử dụng những người vô tài chỉ tin tưởng gia những công việc hệ trọng quốc gia vào tay những kẻ mê tín vào bùa vào phép, rồi tin tưởng những lời xằng bậy của thầy bùa thấy pháp, thì nhân dân làm sao tin tưởng được . NN đã gạt tôn giáo ra ngoài chính trị , sao lại cho phép và đứng ra tổ chức những việc hết sức phản khoa học như trò mê tín chứ ? Một viên gạch có chữ Hán dưới nền đền Thượng tại khu di tích đền Quốc Tổ lại sớm kết luận đó là đạo bùa do quân Nguyên Mông trù yếm đất nước ta và lại tin rằng nó có ảnh hưởng đến vận mệnh toàn đất nước đã gần 700 hăm qua, nay phải làm bùa khác đối nghịch trấn nó lại là một hòn đá lạ . Toàn những chuyện nhảm nhí !
    Tin ngưỡng dân gian là đạo của NN chăng ? Là quốc đạo chăng ? Bùa phép là chủ trương của NN sao ?
    Khi nhân dân không còn tin tưởng vào uy quyền của NN pháp quyền vì nó quá nhiều bất công , quá nhiều sai trái . Khi quan chức CB NN không còn là những mẫu mực đạo đức và công bình để cho nhân dân tin yêu , là những người lãnh đạo thật sự, thì nhân dân đạt tin tưởng vào thầy bùa thầy pháp, vào những tờ giấy vô vi, những cục gạch, cục đá lạ . Đó là những bùa hộ mệnh của họ . Và những lá bùa hữu hiệu đối với quan chức CQ là những tờ ngoại tệ đầy ma lực và hấp dẫn ! Luật pháp không còn giá trị nữa .
    Nhà Phật gọi thời kì nhiễu loạn tin tưởng là thời kì mạt pháp . Đạo Thiên Chúa gọi là thời kì thế mạt . Các thế lực âm phủ nổi lên quấy phá làm đảo lộn kỉ cương gây xáo trôn xã hội . Thời kì quỉ vương ra đời !
    Chính quan chức NN không còn tin tưởng vào chủ nghĩa mà mình theo đuổi là Chủ Nghĩa Xã Hội thì nhân dân càng mất niềm tin nhanh . Cũng như một vị sư phá giới thì chùa mất thiêng, một linh mục phá giới thì đạo bị tổn thương nặng , tín đồ bỏ đạo. Giáo Hội chân chính phải luôn luôn làm sạch , luôn luôn chấn chỉnh , tu dưỡng các tu sĩ của mình mới mong giữ được tín đồ, duy trì được Giáo Hội trường tồn .
    Lãnh đạo NN mất phương hướng, con thuyền quốc gia tất nhiên chao đảo lao vào cuồng phong không vỡ cũng chìm !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Việc thờ cúng ở Đền Hùng, xem ngày 10 tháng 3 là ngày giỗ tổ thể hiện lòng tưởng nhớ đến những bậc có công dựng nước, thể hiện đạo lý uông nước nhớ nguồn và cũng là để giáo dục con cháu về lịch sử dân tộc. Đền thờ là một nơi để nhân dân thể hiện tín ngưỡng của mình. Giỗ tổ Hùng Vương là một tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng thì hoàn toàn khác với tôn giáo. Tín ngưỡng đều được tự do vô giới hạn còn tôn giáo thì phải có sự quản lý của nhà nước. Nick Ba Cầu Muối, Saigon viết rằng: "Chính quan chức NN không còn tin tưởng vào chủ nghĩa mà mình theo đuổi là Chủ Nghĩa Xã Hội thì nhân dân càng mất niềm tin nhanh", đây là luận điểm hết sức sai lầm vì Chủ Nghĩa Xã Hội tôn trọng tự do tín ngưỡng. Việc hội thảo này thể hiện tín ngưỡng của nhân dân đối với Vua Hùng, nó hoàn toàn không liên quan đến tôn giáo

      Xóa
    2. Nếu là đá thì khối vật chất ấy đặc bên trong trong; còn là gốm nung thì khối ấy hẳn phải rỗng lòng (khỏi nổ khi nung) - Ai cần thử thì cứ theo cách ấy kiểm tra sẽ rõ ngay thôi!

      Xóa
  8. Bọn Thông, Khôi nói láo áo lấy đâu ra các chữ ‘Đánh đổ đức sáng Vua Hùng’ này khắc trên gạch của quân Nguyên Mông. Nó đã định đánh đổ vua Hùng, mà lại còn xướng là đức vua sáng. Càng nói càng ngu, càng đểu cáng

    Trả lờiXóa
  9. nay vác cục dá, mai vác cục gạch lên đền thì chẳng mấy chốc đền thành cái nhà kho
    + khi đến thì chẳng ý kến ý cò, khi đi lại đòi hội thảo với chẳng hội thiếc

    Trả lờiXóa
  10. "rất linh ứng và hiệu nghiêm"vậy cho nên kết quả đất nước mới bi đát như ngày hôm nay đây.

    Trả lờiXóa
  11. ba cầu muối nói chuẩn

    Trả lờiXóa
  12. Còn nhớ sau khi ông HCM thành lập nước VNDCCH, đình, chùa, miếu, mạo bị khuyến khích đập phá, người ta bài trừ cúng bái và cho rằng đó là mê tín dị đoan, do người ta lý luận CNCS là chủ nghĩa duy vật biện chứng, tức vô thần. Thế mà giờ đây từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dân đen thi nhau đi lễ bái, tính từ đầu năm ra tết cho tới giờ, hàng trăm, hàng ngàn lễ hội mới có, cũ có được tổ chức. Phải chăng các nhà lý luận của Đảng cho rằng CNCS không còn đúng nữa, và rằng cần phải thay đổi thể chế chính trị bắt đầu từ nhận thức của từng người dân?

    Trả lờiXóa
  13. Đồng ý với ý kiến của anh Ba.
    Xin lỗi các bác: Quả thật đến giờ tôi cũng không hiểu nổi chuẩn mực của xã hội giờ là gì nữa. Khi thấy có ý kiến là tổ chức hội thảo về một vật vô tri vô giác, tôi lại thấy vòi tiền thuế của dân một cách vô liêm sỉ.
    Thấy đau và xót vô cùng cho các bậc tiền nhân đã đổ xương máu và kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp cho con cháu.

    Trả lờiXóa