Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

BBC PHÂN TÍCH VỀ VIỆC ĐỘT NGỘT DỪNG XỬ CỦA PHIÊN TÒA

Phiên tòa ông Vươn: đột ngột dừng xử

Cập nhật: 10:50 GMT - thứ tư, 3 tháng 4, 2013 
Ngày thứ hai phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn và người thân về tội ‘Giết người’ và ‘Chống người thi hành công vụ’ vừa bị kết thúc sớm đột ngột vào lúc 15h thứ Tư ngày 3/4, truyền thông trong nước đưa tin.

Theo tường thuật của truyền thông trong nước, diễn biến đáng chú ý trong phiên tòa là cả hai phía bị cáo lẫn bị hại đều cáo buộc bên kia nổ súng trước và tất cả bị hại đều xin miễn yêu cầu đòi bị cáo bồi thường. 

Các bài liên quan
Còn các trang mạng lề trái, vốn không được đến gần khu vực Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, thì cho biết các lực lượng an ninh tiếp tục phong tỏa tòa án để ngăn chặn người dân đến theo dõi phiên tòa được tuyên bố là ‘công khai’ này.

Ai nổ súng trước?

Bản tin trên trang mạng của VnExpress chạy tít: ‘Không ai nhận đã nổ súng trước trong vụ Đoàn Văn Vươn’.

VnExpress dẫn lời ông Đoàn Văn Quý, em trai ông Vươn khai tại phiên tòa là ‘chỉ bóp cò khi nghe thấy tiếng súng của lực lượng cưỡng chế’ được ông Quý miêu tả là ‘đông’, ‘mặc áo giáp’ và ‘đem theo vũ khí’.

Theo báo này thì ‘ông Quý thừa nhận...còn đè các bao đá lên hai bình gas để khi kích nổ bình gas có thể gây sát thương cho người khác’.

Tuy nhiên, lời cáo buộc này của ông Quý bị các bị hại là các công an viên tiến hành vụ cưỡng chế hôm 5/1 năm 2012 bác bỏ, theo VnExpress.
"Các bị cáo vi phạm pháp luật nhưng một phần do bức xúc nên cần xem xét cho các bị cáo." - Vũ Anh Tuấn, bị hại, công an huyện Tiên Lãng
Báo này dẫn lời ông Vũ Anh Tuấn, công an huyện Tiên Lãng và là người bị thương nặng nhất trong vụ việc, cho biết khi tiến vào khu đầm của gia đình ông Vươn lực lượng cưỡng chế ‘chỉ mang công cụ hỗ trợ’ và ‘dùng loa kêu gọi’.

Theo lời của bị hại này được dẫn lại, thì ông ‘thấy rất rõ ông Quý mở cửa sổ và nổ súng’ mặc dù trước đó trong tổ đi tiên phong của ông ‘không ai bắn súng vào nhà ông Quý’.

Ông Lê Văn Mải, trưởng Công an Tiên Lãng và người dẫn đầu tổ tiên phong tiến vào khu đầm ông Vươn, cũng được dẫn lời nói trước tòa rằng ông không ra lệnh nổ súng.

Báo Người Lao Động thì nhấn mạnh chi tiết: ‘Bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo’.

Theo tường thuật của báo này thì ‘tất cả các bị hại đều từ chối bồi thường thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần’ dù mức độ thương tật là mất từ 25% đến 43% sức lao động.

Người Lao Động dẫn lời công an Tuấn nói trước Tòa rằng: “Các bị cáo vi phạm pháp luật nhưng một phần do bức xúc nên cần xem xét cho các bị cáo”. 

‘Người hùng của dân’
"Ông Vươn, 50 tuổi, đã trở thành người anh hùng thật sự trong lòng của quần chúng ở một quốc gia cộng sản mà các thưa kiện đất đai đã trở nên rất nóng bỏng." - Hãng tin Pháp AFP
Trong bản tin tường thuật của mình về phiên tòa, hãng tin Pháp AFP gọi ông Đoàn Văn Vươn là ‘một người nông dân trở thành người hùng của quần chúng’.

“Ông Vươn, 50 tuổi, đã trở thành người anh hùng thật sự trong lòng của quần chúng ở một quốc gia cộng sản mà các thưa kiện đất đai đã trở nên rất nóng bỏng,” hãng tin này viết.

AFP dẫn lời ông Vươn nói tại tòa hôm 2/4 rằng ông ‘không có ý định làm tổn thương dù đó là ai’ mà chỉ muốn ‘dọa’ lực lượng cưỡng chế.

Bị cáo Vươn cũng được dẫn lời nói là ông ‘buộc phải chống lại lệnh cưỡng chế’ mà ông cho là phi pháp ngõ hầu thu hút sự chú ý của các lãnh đạo tối cao của đất nước sau khi đã thưa kiện nhiều lần nhưng không có kết quả.

Phim 'Vợ chồng anh Vươn'
Vụ án Đoàn Văn Vươn bị mỉa mai là một 'bộ phim' do Viện kiểm sát Hải Phòng đạo diễn

Hãng tin này cũng cho biết hành động phản kháng này của gia đình ông Vươn, vốn rất hiếm hoi ở Việt Nam, đã làm bùng nổ ‘một phong trào rộng lớn trên cả nước ủng hộ gia đình ông Vươn’.

‘Công lý cho ông Vươn’

Trong lúc này, trên mạng đang lan truyền bản ‘Tuyên ngôn: công lý cho Đoàn Văn Vươn’ do ba sinh viên trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng để kêu gọi chữ ký ủng hộ các bị cáo qua mạng.

Trao đổi với BBC, sinh viên Nguyễn Trang Nhung, một trong những người khởi xướng ‘Tuyên ngôn’ này cùng với các bạn đồng môn là Bùi Quang Viễn và Phạm Lê Vương Các, nói mục đích của văn bản này là ‘khuyến khích tòa án thật sự độc lập, can đảm và khách quan nhất có thể’ và cũng để ‘góp một tiếng nói’ để ‘gây sự chú ý của dư luận’ về phiên tòa.

Trang Nhung cho biết kể từ xuất hiện trên mạng hôm 31/3, đến nay ‘Tuyên ngôn’ này đã thu hút được ‘gần 2.000 chữ ký’ từ những người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau ở cả trong và ngoài nước, trong đó có ‘những nhân vật được công chúng biết đến’.

Sinh viên này nói nhóm khởi xướng ‘Tuyên ngôn’ có quan ngại ‘tòa xử không công minh’ vì trong các vụ án tương tự giữa chính quyền và người dân thì người dân ‘không thể nào có được sự công bằng’ vì ‘cơ quan xét xử không độc lập’.
"Cáo trạng không mô tả hết các tình tiết của sự việc, để lọt một số người có hành vi vi phạm lợi ích của người dân và những hành vi của bị cáo không được mô tả chính xác mà theo cách bất lợi cho bị cáo. Cách dẫn dắt đến tội Giết người cũng không thỏa đáng." - Nguyễn Trang Nhung, sinh viên Luật 
Nhận xét về cáo trạng của cơ quan công tố Hải Phòng, sinh viên Nhung nói ‘không khách quan và có thiếu sót’.

“Cáo trạng không mô tả hết các tình tiết của sự việc, để lọt một số người có hành vi vi phạm lợi ích của người dân và những hành vi của bị cáo không được mô tả chính xác mà theo cách bất lợi cho bị cáo. Cách cáo trạng dẫn dắt đến tội danh Giết người cũng không thỏa đáng,” chị nói.

Chị Nhung cũng phản bác tội danh Giết người mà bên công tố cáo buộc các bị cáo.

"Ở đây, do hậu quả chết người chưa xảy ra, nên nếu quy vào tội Giết người thì chỉ có thể là tội Giết người chưa đạt."

"Mà tội Giết người chưa đạt thì phải có một dấu hiệu bắt buộc là có lỗi cố ý trực tiếp, tức là có mong muốn hậu quả chết người xảy ra," Trang Nhung giải thích.

Theo lập luận của chị, thì ông Vươn và thân nhân "không mong muốn hậu quả chết người xảy ra", cho nên cũng không thể bị truy tố tội Giết người chưa đạt.

Về sự quan tâm của các sinh viên Luật đối với vụ án đang thu hút dư luận này, Trang Nhung cho biết là ‘rất mờ nhạt, yếu ớt'.

“Có một số người quan tâm nhưng có quan điểm khác,” chị nói - “Họ nói rằng bị truy tố như vậy là xứng đáng”.

Nguồn: BBC Tiếng Việt.

 

7 nhận xét :

  1. Vụ án này phải gọi là "Vụ án Cống Rộc" mới đúng. Vụ án này phải bao gồm Đòan Văn Vươn, đại diện các anh em bị cướp đất và BÈ LŨ CƯỚP ĐẤT.
    Nếu gọi là "vụ án Đòan Văn Vươn" - như "Cáo trạng" của Viện Kiểm sát - sẽ làm lu mời cả một bộ máy gây tội ác với nhân dân từ trên xuống dưới: Cướp đất, bức hại, thậm chí giết người (Xả AK47 vào căn nhà mà "Công an Nhân dân" nghĩ là có dân trong đó!).
    Trước đây "Vụ án Nọc Nạn" cũng gọi theo địa danh, nay chúng ta cũng nên theo đó gọi "Vụ án Cống Rộc", không gọi theo tuyên truyền của Chính quyền "nhân dân".

    Trả lờiXóa
  2. Phân tích của BBC có lẽ chưa "hết nhẽ"!
    Việc dừng phiên tòa hôm nay, khả năng, nhằm 3 mục đích:
    1.Quán triệt, thống nhất lại lời khai của phía công an, quân đội theo đúng chỉ thị của Đảng ta.
    2.Bức cung ông Vươn, ông Quý... để ngày mai phải "điều chỉnh" lại. Nói gọn là: "Tẩn" cho nhừ tử, nó khắc phải khai lại!). Ngay bên lề phiên Tòa, ông Dũng đã bị "Tẩn" đến nhập viện rồi bị vứt ra đường, các bị cáo cũng đều tố cáo bị "Tẩn" rồi đấy...
    3.Xin chỉ thị của cấp trên, mà phải do Đảng ta chỉ đạo.
    Tôi không nghĩ khả quan cho ông Vươn, ông Quý đâu. Nhất là trong bối cảnh: Dân Hải Phòng RẤT THỜ Ơ!

    Trả lờiXóa
  3. Nhìn dáng điệu hiên ngang của Đoàn Văn Vươn trước tòa, bất chợt nhớ đến câu thơ của Tố Hữu:
    Anh bước lên, mắt nhìn bình thản
    Như chính anh là người xử án.
    Quả đúng vậy. Lẽ ra, phiên tòa này dùng để xét xử bọn lợi dụng chức quyền để CƯỚP NGÀY. Còn Đoàn Văn Vươn là bị hại, sao lai thành bị cáo được? Cái bọn "mặt sắt" ngồi ghế quan tòa xét xử ĐVV hôm nay, chắc THÚ TÍNH nhiều hơn NHÂN TÍNH.

    Trả lờiXóa
  4. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 02:07 4 tháng 4, 2013

    Lịch sử sẽ gọi là Vụ án Cống Rộc , hay vụ án Tiên Lãng .
    Khen anh CA Vũ Anh Tuấn còn có tình người, còn cảm thấy cái bức xúc của anh Vươn và gia đình khi bị cưỡng chế . CA Vũ Anh Tuấn là con của nhân dân .

    Trả lờiXóa
  5. Tôi nhất trí với bạn gọi vụ án này là " vụ án cống Rộc " hoặc " vụ án cống Rộc chống cướp đất của Đoàn Văn Vươn với chính quyền "
    Thật đáng xấu hổ cho 1 chính thể quốc gia như ở Việt nam khi có phiên tòa xét xử theo kiểu " luật rừng " như vụ xử án tại Hải phòng này !
    Xử án công khai sao không cho mọi người dân đến dự để chứng kiến ?
    Nhân chứng khai không mang theo vũ khí ư? Vậy hàng nghìn bức ảnh chụp cảnh sát và quân đội súng ống đầy mình bao vây nhà ông Vươn chả nhẽ là ảnh giả? hay các vị quan tòa ở Hải phòng không có mắt?
    Phải chăng kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : " vụ cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình Đoàn Văn Vươn tại cống Rộc, Tiên Lãng, Hải phòng là vi phạm pháp luật" là kết luận bố láo sao ?
    Kẻ cướp ngày đến để cướp phá nhà mình, mà chủ nhà chống lại sự ăn cướp đó lại bị qui vào tội " giết người " sao? Vậy nhân dân Việt nam đã tiêu diệt 27.000 tên xâm lược Trung quốc tại biên giới phía bắc nước ta năm 1979 có bị tòa án Quốc tế qui tội " giết người hàng loạt " không ?
    ô hô ngành Tư pháp của 1 quốc gia tự vỗ ngực " hàng triệu lần dân chủ hơn các nước tư bản " lại có cách " xử án trộm " hay " nửa kín, nửa hở" như chị em phụ nữ đi tè vậy sao ?

    Trả lờiXóa
  6. Nếu chính quyền HP quyết tâm xử tội gia đình anh Vươn và bao che cho hành động của mình, có nghĩa là kết luận của TT chả ra cái đinh gì. Điều đó cho một kết luận rõ ràng: VN đã và đang trong hòan cảnh "sứ quân", hệ quả là đất nước sẽ có lọan trong thù ngòai trong tương lai gần.

    Trả lờiXóa
  7. Trước đây "Vụ án Nọc Nạn" cũng gọi theo địa danh, nay chúng ta cũng nên theo đó gọi "Vụ án Cống Rộc", không gọi theo tuyên truyền của Chính quyền "nhân dân".

    Duyệt. Ý kiến chính xác, rất chuẩn!

    Trả lờiXóa