Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Trần Ngọc Kha: SUY NGHĨ VỀ GẠC MA

SUY NGHĨ VỀ GẠC MA 
Nhà báo Trần Ngọc Kha
.
Những ngày này cách đây 25 năm, tôi cũng như hầu hết mọi người vẫn thản nhiên nói cười, thản nhiên tụng ca nhau với các nước láng giềng về tình hữu nghị. Cho mãi đến cả chục năm sau, tôi cũng như hàng triệu, hàng chục triệu người dân Việt Nam vẫn không hề hay biết, có một trận hải chiến Trường Sa giữa những người chiến sĩ hải quân ta với quân xâm lược Trung Quốc trên đảo Gạc Ma đã từng diễn ra vô cùng oanh liệt vào ngày 14/3/1088. 64 anh đã anh dũng hy sinh…

Thế hệ tôi rồi đến các con tôi cũng vậy. Cho đến những năm đầu thế kỷ 21, chúng tôi mới lờ mờ biết được. Sự thực là giữa lúc hòa bình đã và đang về trên khắp nơi trên đất nước, giữa lúc những thông tin bang giao hữu hảo với người láng giềng phương Bắc kia vẫn ngày ngày tuôn ra trên đầu môi chót lưỡi những nhà ngoại giao, những phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đâu ngờ có ngày các anh lại phải chết thảm đến nhường kia! Chúng bắn các anh không run tay, cứ như hành động của những con rô bốt được lập trình từ trước đó. Chúng bắn vào những người lính Việt Nam không mang trên mình bất kỳ thứ vũ khí nào ngoài lá cờ Tổ quốc. Có cái gì nhói đau, như khi bị người thân phản bội lại mình. Có cái gì như là ân hận khi chúng tôi biết đến để tri ân các anh quá muộn…

Các anh không nói gì đâu, cả những người may còn sống sót. Chỉ có tiếng sóng biển vỗ bờ rì rầm, những cánh hải âu chao liệng thuật lại sự tình. Bài ca về những người lính đảo vẫn ngày ngày vang lên trên làn sóng điện. Những con chữ về Trường Sa, Hoàng Sa trên các tờ báo vẫn ngày ngày in ra đều đặn như những khúc ca của làn quan họ đến hẹn lại về. Có ai trong các anh nghe được? Có ai trong các anh yên lòng?...

Gạc Ma - khi hình ảnh cuối cùng của các anh kết thành vòng tròn bất tử bảo vệ bãi đá dưới làn đạn của kẻ thù đi vào lịch sử. Máu các anh đã thắm nhuộm lá cờ Tổ quốc. Gạc Ma - “Em yêu quý! Anh sẽ xin xuất ngũ… và chỉ ở nhà để giữ nhà cho em”. Gạc Ma - nơi cột cờ chỉ bị đổ khi Anh hùng Trần Văn Phương hy sinh. Gạc Ma - Khi những cô gái cầm hoa đi giữa phố Tràng Tiền nép mình bên người yêu trong lễ cưới, cô có biết gì về ngày hôm nao… Gạc Ma! Gạc Ma! Gạc Ma! Sẽ có ngày ta trở lại nơi này…

T.N.K

*Nhà báo Trần Ngọc Kha, báo Đại Đoàn Kết
Nhà báo Lê Đức Dục: 
TRONG VIDEO CLIP NÀY NHIỀU BẠN TRẺ ĐƯỢC HỎI HOÀN TOÀN KHÔNG BIẾT CÓ MỘT NGÀY 14-3-1988 LÀ NGÀY GÌ (!) -BẰNG CÁCH NÀY HAY CÁCH KHÁC, CHÚNG TA CÓ TRÁCH NHIỆM NHẮC NHỞ: BẠN KHÔNG THỂ QUÊN, TÔI KHÔNG THỂ QUÊN,CHÚNG TA KHÔNG THỂ QUÊN!
 

10 nhận xét :

  1. Tôi thuộc tầng lớp 8x, và cũng hoàn toàn không hề biết những sự thật đau lòng thế này. Từ nhỏ đến lớn đi học, toàn nghe ra rả về tình hữu nghị nọ kia, nhồi nhét vào đầu học sinh chúng tôi toàn thứ rác rưởi. Các vị lãnh đạo cứ gào lên "ăn quả nhớ kẻ trồng cây " mà sao lại che giấu bưng bít thông tin những hành động của lũ xâm lược và công ơn xương máu của những con dân xả thân bảo vệ đất nước ? 1 hệ thống lừa đảo thì chẳng bao giờ xây dựng được 1 tổ chức vững mạnh được.

    Trả lờiXóa
  2. Trần Ngọc Kha - phóng viên ban Thời sự chính trị của báo Đại Đoàn Kết rất bất bình vì bài viết nhân danh nhóm Phóng viên Ban Thời sự chính trị báo DDK để viết bài chửi bới việc góp ý của nhân dân vào sửa đổi Hiến pháp. Kha cho biết: Ko có phóng viên ban thời sự nào đi Hà Tĩnh cả. Họ đã thuổng cả ảnh của báo Hà Tĩnh chứ không hề có ảnh chụp nhân vật. Kha đã tự đứng lên khẳng định và bảo vệ mình trước cuộc họp cơ quan rằng: Tôi tự hào vì ký vào bản kiến nghị 72 sửa đổi Hiến Pháp. Việc tôi đến báo Gia đình xã hội chất vấn lãnh đạo là trách nhiệm của nhà báo. Đề nghị anh Khánh và anh Đinh Đức lập trong Biên tập không được lợi dụng việc này để chơi tôi. Bây giờ Kha viết bài này như là gỡ một phần thể diện cho DDK vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những trò thô bỉ sẽ tiếp tục . Những con sâu như ĐĐL ngày càng nhiều . Đại Doàn Kết đang bị chúng biến thành đại đàn két !

      Xóa
    2. Hoan nghênh anh Trần Ngọc Kha đã dũng cảm bảo vệ chân lý.

      Xóa
  3. Một SUY NGHĨ mà ông TBT Đinh Đức Lập của bạn chắc không bao giờ có cảm xúc phải không nhà báo Trần Ngọc Kha?

    Trả lờiXóa
  4. Thưa ông Đinh Đức Lập, lòng yêu nước đơn giản là thế này đây, không cần tìm đâu xa...

    Trả lờiXóa
  5. Một ngày mới nhiều xúc cảm với những SUY NGHĨ VỀ GẠC MA. Cảm ơn blog Xuân Diện đã chia sẻ với những tình cảm xúc động của nhà báo Trần Ngọc Kha.

    Trả lờiXóa
  6. Liệu Đinh Đức Lập có dám cho đăng bài này trên DDK không?

    Trả lờiXóa
  7. Đau đớn vì cảnh các anh hy sinh. Căm hờn những tên lính dã thú Trung Quốc. Nhục nhã cho những kẻ bưng bít hàng chục năm nay. Nhưng còn, vẫn còn sâu sắc lòng căm thù quân Trung Quốc xâm lược, vẫn còn những người như bạn: "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!".

    Trả lờiXóa
  8. Có lẽ sự kiện Gạc-ma hồi 3-1988 bác Kha vì lý do gì đó không để ý chứ báo chí nhà nước cũng đưa tin khá hăng hái. Có cả phong trào "cả nước hướng về TS". Tuy nhiên nó tắt đi rất nhanh vì từ khoảng tháng 9-1988, ông TBT Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo phải "bình thường hoá với TC bằng mọi giá.

    Trả lờiXóa