Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

BÀI MỚI NHẤT TRÊN BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Không ai được lợi dụng danh nghĩa nhân dân
 11.3.2013

Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hiện các ngành, các cấp, các địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết trên của UB TV Quốc hội. Chỉ tính riêng MTTQ từ trung ương đến địa phương đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham góp ý kiến của nhiều chuyên gia, học giả cũng như đại diện các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của mình. Đã có hàng trăm ngàn ý kiến đóng góp cho Dự thảo chỉ trong khoảng thời gian hơn 2 tháng. Điều đó đủ cho thấy sự quan tâm và trách nhiệm cao của các tầng lớp nhân dân trước một sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước trong năm nay. Đặc biệt, 2 tháng sau khi triển khai Nghị quyết, trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiến hành kiểm tra tại 13 tỉnh, thành phố.

Đã có nhiều  cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả trong quá trình lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo - Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định như thế trong công văn số 250 mới đây.

Đã có nhiều ý kiến tâm huyết trong hàng trăm ngàn ý kiến góp ý vào bản Dự thảo được gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp suốt hơn 2 tháng qua và Ủy ban này vẫn đang tập hợp, tiếp thu để rồi sẽ chọn lọc những gì tinh túy nhất và tiếp tục sửa đổi để có được một bản Hiến pháp hoàn chỉnh không chỉ về nội dung mà cả về kỹ thuật. Đã có những góp ý mang tính xây dựng; thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc mặc dù, đôi khi chưa hẳn đã hoàn toàn tán đồng với quan điểm của Ban soạn thảo. Nhưng, ngay cả với những ý kiến như thế thì Ủy ban cũng đã tiếp nhận một cách trọng thị như ông Phan Trung Lý, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định. Và cũng sẽ chẳng có gì đáng nói vì chúng ta luôn tôn trọng sự khác biệt - nếu đó là sự khác biệt mang tính xây dựng; là sự khác biệt về cách tiếp cận nhưng cùng một lý tưởng, một hướng đi chung với một mong muốn chung là tìm các giải pháp để phát triển đất nước trong giai đoạn kế tiếp. Tôn trọng sự khác biệt ấy chính là thể hiện sự dân chủ trong quá trình bàn bạc, thảo luận những vấn đề hệ trọng của đất nước; nhìn xa hơn nó còn là sự thể hiện tình yêu và trách nhiệm của mỗi cá nhân trước dân tộc, trước nhân dân. Còn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khi đánh giá khái quát về thời gian lấy ý kiến góp ý cho Hiến pháp sửa đổi vừa qua đã khẳng định: "có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết nếu được tiếp thu, "gạn đục, khơi trong” thì sẽ có một bản Hiến pháp chất lượng, thể hiện được ý chí của nhân dân.”

Thế nhưng, đáng tiếc, bên cạnh những ý kiến tuy trái chiều nhưng rất xây dựng ấy vẫn hiện hữu những luồng ý kiến trái chiều thể hiện rõ ý muốn tạo ra những "xáo trộn chính trị”- như nhận xét của nhà báo lão thành Đỗ Phượng. Khoan hãy bàn đến những tầng sâu tư tưởng được "gửi gắm” trong những câu từ, những cách góp ý hay những bản thảo soạn sẵn nào đó được gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Bởi, ngay cả những góp ý ấy khi được "tung” lên mạng cũng đã có những góp ý ngược trở lại và, đương nhiên, có không ít ý kiến không đồng nhất về một hay nhiều điểm nào đó. Điều đó chứng tỏ, bản thân những ý kiến này cũng không thể được coi là duy nhất đúng và vì thế sẽ khó mà thuyết phục được quần chúng đông đảo. 

Điều cần bàn ở đây, đáng tiếc lại nằm ngoài những câu từ, những văn bản góp ý kể trên. Nói như thế là bởi, dường như đã có biểu hiện của sự lợi dụng dân chủ để làm nhiễu loạn xã hội. Cá biệt, ở một vài địa phương cũng đã có biểu hiện là một số cá nhân lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Thậm chí, bằng nhiều phương kế khác nhau có thể là sự lợi dụng danh nghĩa của các nhân sĩ trí thức để thỏa mãn mưu đồ riêng hay cũng đã có biểu hiện lợi dụng danh nghĩa nhân dân để ngụy tạo những ý kiến, kiến nghị xung quanh vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992. 

Có lẽ cần nói rõ thêm lần nữa, bản thân các ý kiến góp ý mang tính xây dựng cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần phải được trân trọng đúng mức dù là trái chiều. Thế nhưng, chúng ta cũng rất cần lên án và vạch rõ những diễn biến bất thường trong quá trình góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Mà, thời gian qua có khá nhiều trang mạng của người Việt ở trong và kể cả ngoài nước hoặc vô tình, hoặc hữu ý trở thành người tiếp tay có thể là vô thức hay cũng có thể là cố ý. Chuyện chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn của một tỉnh miền Trung có tới hàng ngàn nông dân đồng loạt ký tên vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp với những yêu cầu như đòi đa nguyên đa đảng, yêu cầu tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tam quyền phân lập và còn nhiều những yêu cầu khác. Sau chuyến công tác tại Hà Tĩnh, một tỉnh Bắc Trung Bộ, phóng viên Đại Đoàn Kết đã không ít lần băn khoăn đặt câu hỏi: Tại sao những người nông dân chân chất chưa hề biết đến sự phát triển của mạng internet lại có thể dễ dàng thực hiện một cái "click” chuột để ký tên vào bản kiến nghị đòi thay đổi chế độ chính trị, thay đổi phương thức lãnh đạo đất nước? Tại sao họ lại cứ buộc mình phải đòi hỏi những điều này khi chính họ vẫn luôn bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng? Và, liệu có hay không sự ngụy tạo (hoặc là sự giả mạo chữ ký của nhân dân) hòng gây sức ép lên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992? Có lẽ với những cái tên người, tên tỉnh, thành phố chung chung - như Đại Đoàn Kết đã đề cập trong số báo cách đây 2 hôm - cũng không khó để mỗi người rút ra cho mình một kết luận về tính chân thực của các chữ ký ấy. Những nhà báo tự phong, chủ của các trang mạng chắc cũng sẽ tự rút ra kết luận về sự chân thực từ những chữ ký mà mình thu thập bấy lâu, cái nào có chủ, cái nào vô chủ!? 

Không nghi ngờ gì ở đây chính là sự biểu hiện khá rõ âm mưu lợi dụng việc góp ý kiến với  bôi nhọ những cá nhân có tâm huyết với đất nước, với dân tộc. Họ - những người lợi dụng quá trình góp ý Hiến pháp với mưu đồ xấu - có lẽ không hiểu rằng, các nhân sĩ trí thức chân chính không cần sự ủng hộ theo cách này. Và, trên hết, chắc chắn họ không thể chấp nhận quan điểm, tâm huyết của mình bị bôi nhọ theo một "cách chơi” không sòng phẳng như thế. Nhân dân lại càng không thể chấp nhận. Rồi đây, khi hiểu rõ ngọn ngành liệu có người dân nào cùng ngồi chung thuyền với những người đã muốn phá bỏ cả cuộc sống bình yên của họ!? Cần lắm sự tỉnh táo và tự vượt qua thách thức của mỗi người trong quá trình tiếp nhận và xử lý các thông tin vốn nhan nhản trên các mạng xã hội khi mà "vàng thau lẫn lộn”. Phải tỉnh táo, phải sàng lọc xử lý thông tin kỹ càng để rồi nhận rõ và lên án những hành vi sai trái của một cá nhân hay một bộ phận nào đó dám lợi dụng danh nghĩa nhân dân để làm càn. Và, quan trọng nhất là những hành vi như thế cần phải được xử lý kịp thời, vì sự ổn định xã hội, vì sự phát triển đất nước và vì sự nghiêm minh của luật pháp.
Hoàng Mai

16 nhận xét :

  1. Đọc xong phần cuối thì tôi xin hỏi một câu thôi:
    Tại sao ĐCS VN không dám tổ chức một cuộc chơi sòng phẳng cho toàn dân tự do nêu quan điểm đi??? Khi đó chắc chắn sẽ không có ai nghi ngờ về tính xác thực của các ý kiến nữa. ĐCS VN dám chơi kiểu đó không???

    Trả lờiXóa
  2. Tôi kể chuyện này quý vị chịu khó nghe:
    -Năm 1968, các cậu tôi từ Thủ đô về thăm gia đình. Họ đều là những kĩ sư từ Nga, Trung, Bun về nước. Đang ngồi chơi, bố tôi bật đứng dậy rối rít: "Ông Bí thư, ông Bí thư chi bộ đến!". Bố tôi ra sân đón, mọi người đứng dậy thi lễ. Ông đến bàn việc đưa thiếu niên ra ngoài vĩ tuyến 20 sơ tán, học tập. Ông về rồi, các cậu tôi nói: "Bí thư ở quê quan trọng nhỉ, ngoài chúng em họ cũng như mình thôi, chỉ tổ ôm thêm việc công".
    -Năm 2008, chúng tôi về quê thăm nhà. Đang ngồi, anh rể tôi hất giọng: "Hê! Uống đâu về đấy? Vào làm thêm mấy quai. Có hai cậu từ Hà Nội về". Biết là ông Bí thư, chúng tôi đứng dậy thi lễ. Câu chuyện bàn việc bắt thăm mấy cái lều chợ. Ông Bí thư ra về, thằng cháu tôi nói: "Mấy lão cán bộ xã thôn không chết vì xơ gan cũng say ngã xe máy què. Đấu thầu thì một, nhậu nhẹt thì mười". Năm đó tôi 53 tuổi.
    -40 năm vậy đó. Không phải Đảng tệ đi thì cũng là dân tệ đi. Mà nếu dân tệ đi, không biết quan tâm thời cuộc thì hóa ra công "trồng người" của Đảng 40 năm qua vứt xuống sông xuống biển à? Bao biện cho lắm làm gì cho thêm ngượng.

    Trả lờiXóa
  3. Báo ĐĐK ngồi ở nhà để suy đoán. Giọng điệu đó không tạo được đoàn kết trong nhân dân mà cố tình gấy chia rẽ nghi ngờ . Khi mất trộm, nạn nhân gị mất trộm nhìn đâu cũng thấy nghi ngờ " một mất 10 ngờ ". Trong chính trị cũng thế , nhất là chính trị độc đảng . Khi đảng cầm quyền bị mất tín nhiệm thường đổ trách nhiệm chống đối cho những thành phần bị ghi vào sổ đen, những người bị nghi không có cảm tình với chế độ . Thế là CA ngầm theo dõi , gây ra bất an trong nhân dân .

    Trả lờiXóa
  4. Tại sao không nói đến CHÂN LÝ - là cái đúng, cái sai của từng nội dung đề mục góp ý rất cụ thể trong Bản kiến nghị của 72 vị Nhân sĩ?; Tại sao không nói đến những điều của Tổng Hội gIám Mục VN? và nói đến từng điều "trái chiều" mà người dân đặt ra?
    Tại sao lại quy kết "lợi dụng dân chủ", trong khi người góp ý thực sự đang dùng quyền Dân Chủ?
    Tại sao các vị trí thức phải "lợi dụng danh nghĩa trí thức" trong khi họ được công nhận đàng hoàng (không phải dùng tấm bằng lậu)!
    Ai, Kẻ nào đã :làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta"?

    Trả lờiXóa
  5. Hic, cái bác Hoàng Mai này viết văn thì sai văn phạm tùm lum; ý tứ thì quanh co lủng củng; lập luận thì vừa mâu thuẫn vừa ngô nghê, chả thuyết phục chút nào!

    Nếu cần lấy một đoạn có đủ cả 3 điều tôi vừa nhận xét trên, xin 'đề cử' đoạn này:

    "... Khoan hãy bàn đến những tầng sâu tư tưởng được 'gửi gắm' trong những câu từ, những cách góp ý hay những bản thảo soạn sẵn nào đó được gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Bởi, ngay cả những góp ý ấy khi được "tung” lên mạng cũng đã có những góp ý ngược trở lại và, đương nhiên, có không ít ý kiến không đồng nhất về một hay nhiều điểm nào đó. Điều đó chứng tỏ, bản thân những ý kiến này cũng không thể được coi là duy nhất đúng và vì thế sẽ khó mà thuyết phục được quần chúng đông đảo..."

    Trả lờiXóa
  6. Việc sửa đổi hiến pháp phải để nhân dân tự quyết, sao lại có hành vi đe dọa bắt phải theo ý của Đảng rồi hù dọa là phản động chống Đảng. Thứ dân chủ giả tạo tự nhiên được phơi bày trước dư luận nhân dân và cộng đồng quốc tế. Muốn đất nước đi lên xã hội phải dân chủ, tôn trọng những ý kiến khác biệt. Hiện nay chính Đảng đang sa đã vào con đường gây chia rẽ sự đại đoàn kết dân tộc, trở thành kẻ thù của nhân dân, không còn sự tin yếu như xưa nữa.
    Người dân mong muốn trong tình hình đất nước hiện nay phải tập hợp sự đại đoàn kết dân tộc tạo động lực sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
    Bài học nồi da xáo thịt đã quá đủ trong các cuộc chiến tranh của mấy chục năm qua, làm cho đất nước thực sự suy yếu...

    Trả lờiXóa
  7. Các bạn không thấy đây là trò của Đinh Đức Lập để vượt qua chướng ngại hiện tại à?

    Trả lờiXóa
  8. Giọng Hoàng Mai sặc mùi phản động. Tình hình đất nước đang đến chỗ suy thoái toàn diện có dịp xây dựng lại hiến pháp thì cho ra hiến pháp có tính cải cách toàn diện,
    chứ chỉ sửa mấy cái nội dung nhằm tăng cường sức mạnh của chính quyền tham nhũng thì làm không nên sửa HP làm gì. Sáng kiến gì cái chỉ thị 250 đó nó đòi lấy chữ ký nhân dân cho xong chuyện - nếu như vậy thì cứ HP 1992 mà dùng chứ cần gì phải sửa: những cái sai của HP 1992 đã chứng tỏ chính quyền tham nhũng vượt quá mức kiểm soát, kinh tế suy thoái, đạo đức của tất cả các ngành xuống cấp.... Họ không muốn bàn một HP vì sự phát triển của đất nước vì cuộc sống hạnh phúc của người dân nên lắm luận điệu tuyên truyền làm dân không hiểu rõ không biết đâu mà lường. Với những phần tử như Hoàng Mai thì vừa làm Đảng suy thoái và đất nước thì lạc hậu và đến bao giờ mới phát triển tốt đẹp. Mọi người nên vạch rõ sự phản động đi ngược lại sự tiến bộ xã hội,thành quả tiến bộ của loài người của những luận điểm của những kẻ như Hoàng Mai.

    Trả lờiXóa
  9. Mấy cái báo mậu dịch này giờ có ai đọc, ai tin đâu mà các bác cứ ầm lên thế. Bánh xe lịch sử vẫn chạy, nó muốn kéo lại cũng không được.

    Trả lờiXóa
  10. Trong tình thế này, tôi nghĩ nên có cuộc trưng cầu dân ý dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc (tức là LHQ làm trọng tài) để bảo đảm tính khách quan. Đây cũng là việc làm hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

    Mọi người có đồng ý không ? Mong mọi người đóng góp ý kiến về vấn đề này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. P/s: Tôi cũng đã đưa ý kiến này trên các diễn đàn khác. Rất mong mọi người cùng các nhân sĩ trí thức mau chóng quyết định.

      Xóa
  11. Huân 09:58 nói đúng đấy!

    Trả lờiXóa
  12. Ông Đinh đức Lập ơi: Ông và 1 bầy vẹt cứ hót mãi mà không thấy trơ trẽn, thật không biết nhục là gì. Nếu không có việc gì làm thì về nhà đuổi gà, quét nhà cho vợ con cũng được, chứ đừng như vậy mãi người dân khinh bỉ các ông và cả tờ báo của các ông đó. À mà những người như ông chỉ cần rời đảng CS thì biết làm gì ngoài việc đi ăn mày vì ngay cả việc về nhà bà vợ cũng khinh đấy.

    Trả lờiXóa
  13. Gửi ông nhà báo Hoàng Mai (báo Đại Đoàn Kết)

    Tôi là người lao động, it khi cầm bút. Nhưng gần đây, khi đọc những bài báo bài bác những người đã góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi vừa xót trong lòng, vừa thấy khó nghe, nên viết cho ông vài lời để bày tỏ quan điểm của mình.
    Ông nói: " Phải tỉnh táo, phải sàng lọc xử lý thông tin kỹ càng để rồi nhận rõ và lên án những hành vi sai trái của một cá nhân hay một bộ phận nào đó dám lợi dụng danh nghĩa nhân dân để làm càn. Và, quan trọng nhất là những hành vi như thế cần phải được xử lý kịp thời, vì sự ổn định xã hội, vì sự phát triển đất nước và vì sự nghiêm minh của luật pháp."
    Tôi rất đồng ý với quan điểm trên của ông. Nhưng ai cần tỉnh táo? ai còn đang đi trong mê? Ai lợi dụng danh nghĩa nhân dân để đánh tráo quyền lãnh đạo đất nước về tay mình? Phải tự nhìn lại mình trước. Đảng CS luôn kêu gọi phê và tự phê, nhưng đã không nhìn lại mình, chỉ nhìn thấy đâu cũng là "thế lực thù định" , không cùng quan điểm với mình là "phản động". Đây là quan điển hoàn toàn sai. Theo tôi nghĩ, khi mình xem người khác là kẻ thù, thì chính mình đã tạo thêm kẻ thù cho mình vậy. Và cách chúng ta xác định kẻ thù chung là: kẻ nào xâm lấn và đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam đó là kẻ thù chung của dân tộc. Chúng tôi cũng là người Việt Nam, sinh thành trên mảnh đất này, và cũng có một mong muốn, như ngàn đời cha ông ta đã mong muốn, đó là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Chúng ta đã có được chưa ? Tôi nói là chưa. Chúng ta chỉ thống nhất đất nước chứ chưa độc lập được. Chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào cái gọi là chủ nghĩa Mac-lenin, còn phụ thuộc vào 16 chữ vàng, 4 tốt nhiều quá thì chưa độc lập được. Nghĩ về các đồng đội đã hy sinh ở biên giới phía Bắc mà vẫn không đường hoàng thấp một nén nhang tưởng niệm thì sao có thể độc lập được? Chưa độc lập thì dân chủ và giàu mạnh càng không thể.

    Ông nói "khi hiểu rõ ngọn ngành liệu có người dân nào cùng ngồi chung thuyền với những người đã muốn phá bỏ cả cuộc sống bình yên của họ!?" Câu này rất chính xác. Bởi đã hiểu rõ ngọn ngành về CNXH không tưởng, về hậu quả của độc tài , đảng trị nên rất nhiều người , có cả những người dành gần hết cuộc đời mình để đi theo đảng, đã không thể cùng ngồi chung thuyền với đảng CS. Họ đã nhận thấy rằng cuộc sống này đã có dấu hiệu không bình yên. Sao có thể bình yên khi dân ta bị bất, bị giết khi đánh bắt cá trong vùng biển của nước mình, khi tàu Trung Quốc gây rối ngoài biển đảo, khi hàng ngàn người Trung Quốc sang lao động ở những vùng trọng yếu. Sao có thể bình yên khi ngày càng nhiều người bị bắt vì dám nói về tự do, dân chủ, vì nói " Hoàng Sa , Trường Sa là của Việt Nam", sao bỗng dưng có nhiều thành phố treo hàng loạt đèn lồng Trung Quốc? Sao có thể bình yên khi ngày càng lộ ra những dự án điên rồ như Vinaline, Vinashine, bauxit tiêu tốn cả hàng chục nghìn tỷ , đã kéo Việt Nam từ có dự trử ngoại tệ nay phải nợ cả trăm tỷ đô la mà vẫn không ai chịu trách nhiệm cả ? Phải chăng đây là những âm mưu đã định sẵn nhằm làm suy yếu nước ta? Và khi những người lao động hiểu ra rằng chính những người cộng sản lãnh đạo đất nước đã mang tiền của của nhân dân để giữ quyền lực riêng, để theo đuổi CNXH không tưởng, để xây dựng nhũng dự án điên rồ và thông qua những dự án này để làm giàu cho riêng mình thì họ cũng sẽ không thể ngồi chung con thuyền cộng sản được nữa. (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  14. Gửi nhà báo Hoàng Mai(tiếp theo)

    Đã từ lâu, khi gặp khó khăn trong việc giải quyết một vấn đề nào đó, người ta thường đỗ thừa cho cái gọi là "lỗi cơ chế" rồi đâu lại vào đấy. Nhưng chẵng ai nêu rõ cái gốc của lỗi cơ chế ấy từ đâu? Theo tôi, đó là do đảng CS quá dài tay, "lãnh đạo toàn diện về mọi mặt". Vì thế mọi tổ chức xã hội khác đều không phát huy vai trò của mình. Từ Công Đoàn, Mặt Trận Tổ Quốc, Quốc Hội và thậm chí cả bộ máy chính quyền cũng là bù nhìn vì họ phải thực hiện chỉ thị của đảng chứ không " Sống và làm việc theo pháp luật". Chính quyền các cấp có chức năng và nhiệm vụ rõ ràng, pháp luật đã qui định cụ thể, hãy để cho các cấp chính quyền tự tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình, và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Rất rõ ràng và đầy đủ, không cần có cả hệ thống của đảng cùng song song tồn tại để ra chỉ thị, nghị quyết hằng ngày. Có những người đã lợi dụng việc này để ra những chỉ thị có lợi cho họ. Có những chỉ thị trái với pháp luật, nhưng những chỉ thị của đảng thì chưa bao giờ được xem xét tính đúng đắn trước pháp luật. Chính những chỉ thị này, đã làm cho cán bộ chính quyền khó khăn trong việc giải quyết công việc, thậm chí buộc họ làm trái với pháp luật, và hậu quả của nó là Đoàn văn Vươn, là Văn Giang, và hàng loạt những vụ bắt người vô cớ căn cứ trên những qui định... không có người ký.

    Để giải quyết "lỗi cơ chế này", tôi đồng ý bỏ điều 4 trong Hiến Pháp. Bởi vi bản thân điều 4 đã tự mâu thuẫn với chính nó. Một đảng không thể nào vừa là "đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc" lại vừa là lãnh "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" đây là kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi" không thể chấp nhận được.

    Việc xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp không có nghĩa là lật đổ chế độ, chống phá Nhà nước. Đó là cách chúng ta tổ chức lại Nhà Nước một cách hợp lý hơn, đảm bảo quyền làm chủ của nhân. Tại sao chúng ta đã có Quốc hội đại diện cho dân, lại phải cần có BCH trung uơng Đảng chỉ đạo? Tại sao chúng ta đã có bộ máy chính quyền các cấp, lại phải kèm theo cấp Ủy? Trong Quân đội cũng có các cấp ủy kèm theo? Hãy trả lại đúng vai trò và trách nhiệm cho Quân đội, Quốc hội và chính quyền để họ thực hiện đúng vai trò chức trách của mình, vì Tổ Quốc vì nhân dân, và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Nếu đảng viên nào có năng lực thì ra làm việc cho chính quyền, sao lại núp trong đảng để chỉ đạo? Một điều rất vô lý là đảng CS cứ giành quyền lãnh đạo, nhưng không chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không có một qui định nào của luật pháp xử lý những sai phạm của cấp ủy ? Cứ mặc nhiên như đảng CS đứng ngoài pháp luật vậy? Theo tôi, bất kỳ một chức nào đứng ngoài hoặc trên pháp luật thì đó chính là nơi chứa bọn mafia, tham nhũng, và nơi xuất phát những tệ nạn xã hội.

    Tôi có những người bạn là đảng viên, khi xin vào đảng họ đã tự cảm thấy mình hèn một chút để làm vừa lòng "ông Bí thư", họ nghĩ rằng họ sẽ tìm lại mình sau khi vào đảng. Nhưng càng sống lâu trong đảng họ càng thấy mình hèn hơn. Có người đến một lúc nào đó họ không còn cảm thấy hèn nữa, đó là lúc họ đã đánh mất lòng tự trọng và sĩ diện của mình rồi, chỉ biết làm theo "chỉ thị" mà thôi. Theo tôi, đảng CS là một trong những tôn giáo cuồng tín nhất hiện nay. Các ông hãy tỉnh ra để tự cứu lấy mình.

    Vài lời chỉ để trải lòng thôi, và cũng cho ông biết rằng những suy nghĩ như tôi ngày càng nhiều trong xã hội, và trong cả những đảng viên CS nữa. Nhũng suy nghĩ này đã và đang âm ỉ cháy trong lòng mỗi người, sẽ sẵn sàng thắp sáng Tự Do.

    Chào ông.

    L.E.P

    Trả lờiXóa