Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

NGHỆ NHÂN HÀ THỊ CẦU ĐÃ TỪ BỎ TRẦN GIAN LUÂN LẠC VÀ ĐAU THƯƠNG

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời

TNO - Trưa nay 3.3, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã qua đời, thọ 85 tuổi.

Bà Cầu tên thật là Hà Thị Năm (Cầu là tên người con trai đầu của bà), sinh năm 1928 ở huyện Ý Yên (Nam Định). Từ bé bà đã mồ côi cha và theo mẹ lang bạt hát xẩm rong kiếm sống rồi định cư tại xã Yên Phong, H.Yên Mô (Ninh Bình).

Trong nghệ thuật hát xẩm, bà Hà Thị Cầu được đánh giá là nghệ nhân duy nhất còn lưu giữ được nhiều làn điệu cổ của nghề. Bà cũng là người có thể tự đặt lời mới mang hơi thở của thời đại cho các làn điệu xẩm truyền thống.
Theo đuổi cái nghề gần suốt một đời người, đến năm 1998, bà nhận được bằng khen của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt "Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình" trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.

Năm 2004, bà được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Năm 2008, bà Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.

Lễ viếng nghệ nhân Hà Thị Cầu bắt đầu vào sáng 4.3, sau đó bà sẽ được đưa đi an táng tại nghĩa trang xã Yên Phong vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 5.3.
Ngọc Minh
Nguồn: Thanh Niên
Trích báo Tuổi Tr:
"Năm nọ, trong một buổi biểu diễn lớn ở Hà Nội, một nghệ sĩ đã hứa trước toàn thể khán giả rằng sẽ nuôi bà Cầu đến khi nào bà... về thế giới bên kia. Trong năm đầu tiên, mỗi tháng nghệ sĩ ấy gửi về cho bà Cầu 500.000 đồng, đến những năm tiếp theo thì bặt tăm không có tin tức gì nữa. “Tội nghiệp, bu cứ bắt tôi gọi điện cho người ta, tôi gọi thấy đổ chuông mà không ai bắt máy. Lấy số lạ gọi vào người ta bắt máy nhưng nghe mình xưng tên thì họ cúp máy chẳng nói gì. Tôi biết lòng người phải có lúc này lúc kia, nhưng chỉ tội bu tin lời hứa, cứ bắt mình gọi hỏi thăm mãi” - chị Mận ngậm ngùi.
Một lần khác, có đoàn nghệ thuật đi ôtô về rước bà Cầu lên Hà Nội chơi. Họ hứa sẽ đài thọ tiền đi lại, nuôi bà ăn ở, với điều kiện bà sẽ dạy hết cho người ta những bài hát xẩm bà thuộc. Bà Cầu lấy làm vui lắm, vì ở quê bà muốn dạy hát cho con cháu nhưng chẳng đứa nào chịu học. Lên Hà Nội, bà dạy hát liên tục trong 10 ngày. Nhưng khi người ta học được gần hết các ca khúc của bà, họ trả bà 1 triệu đồng tiền công. Tiền xe cộ, tiền ăn uống bà phải tự túc. Người ta bảo mẹ con bà Cầu bị lừa. Chị Mận buồn lắm, bảo “Bu sức yếu, lần sau đừng đi nữa, khổ thân”. Bà Cầu chỉ im lặng.
Nhưng lần sau có người mời đi Hà Nội hát, bà Cầu lại nằng nặc đòi đi. Sau vài đêm diễn ở Hà Nội, các nghệ sĩ giúi vào tay vợ chồng chị Mận 1 triệu đồng. Họ nói nhỏ: “Đây chỉ là một phần tiền công hát của cụ thôi, phần còn lại một thời gian nữa khi sắp xếp được sẽ gửi cho cụ sau”. Nhưng tới nay hơn một năm trôi qua, số tiền ấy vẫn không được gửi về.
Mấy năm nay báo chí rầm rộ đưa tin về cô bé Lê Thị Thu Sợi là truyền nhân của bà Cầu. Báo chí đăng tấm hình Sợi và bà Cầu ngồi chung với nhau trên một manh chiếu xẩm. Những người yêu xẩm ai cũng vui mừng khi biết bà Cầu đã có học trò, có thể truyền lại cái hồn của từng bài xẩm. Thu Sợi đang là thành viên của Đoàn Chèo Ninh Bình. Ngồi trước chúng tôi, Sợi bảo: “Em chỉ qua bà Cầu chơi chứ không học nhiều từ bà. Còn tấm hình có trên mạng là do một nhà báo bảo em và bà ngồi chung để chụp. Chị Mận, anh Lới và nhiều người dân ở thôn Quảng Phúc đều bảo trước đây Sợi có qua học hát ở nhà bà Cầu cả tháng trời".
Hà Thị Cầu - chút hồn Việt còn lại nay đã tắt
03/03/2013 - 17:50

Báu vật cuối cùng trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt – nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã lìa cõi, tại Ninh Bình.
Bà Hà Thị Cầu, tên thật Hà Thị Năm sinh tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Từ 8 tuổi, cô bé Năm đã bê thau đồng lê la khắp chốn chợ quê hành nghề hát xẩm kiếm sống. Định cư tại Yên Mô, Ninh Bình, bà trở thành người vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh Chánh Trương Mậu).

Xẩm là loại hình dân ca có từ thờ nhà Trần, dã sử tương truyền đó là tiếng hát than vận tranh giành vương quyền bất thành của Trần Quốc Đĩnh (con vua Trần Thánh Tông). Thái tử Đĩnh bị chọc mù mắt, vứt trong rừng sâu, nhờ tiếng đàn (do Bụt – một biểu tượng Phật giáo nguyên thủy truyền dạy) mà cứu được mạng sống và tìm được đường trở về chốn cung đình.

Với các vần thơ lục bát thêm tiếng láy tiếng đệm, khúc Xẩm không chỉ là tiếng than thân trách phận mà còn là tiếng hát giữ lại những gương anh hùng trong sử sách, châm biếm thói hư tật xấu của người đời, của quan tham.

Tham giàu lấy chú biện tuần
Tuy rằng bóng bẩy nợ nần chan chan
Thà rằng lấy chú xẩm xoan
Công nợ không có hát tràn cung mây.
Tối trời bắt xẩm trông sao
Xẩm thề có thấy ông nào, xẩm đui.

Hà Thị Cầu đã vương vào nghiệp cầm ca, mà là thứ ca của tầng đáy xã hội kiếm chút tiền dư nơi bến đò, cuối chợ, trên xe hỏa… Kháng chiến chống Pháp, khúc ca Xẩm trở thành công cụ tuyên truyền vận động nhân dân bám đất chống giặc ngoại xâm. Năm 1977, Hà Thị Cầu với bài Theo Đảng trọn đời do bà sáng tác đã giành được nhiều giải thưởng văn nghệ quần chúng. Tiếc rằng, khi phường nhạc Xẩm mai một, không ai nối tiếp cái nghiệp xướng ca bị cả xã hội mặc định là chỉ dành cho người cùng đường, mạt vận mới theo.

Trời thương phận mỏng, Hà Thị Cầu như con chim đơn côi kêu Cuốc Cuốc không biết mệt mỏi gần một thế kỷ, kêu đến khi kiệt cùng trong xương tủy, khi không cất lên được tiếng nữa thì lại trở về với dúi cây bụi đất chốn làng quê.

Năm 2011, khi Xẩm vẫn trong diện đề cử là di sản văn hóa vật thể của UNESCO thì Hà Thị Cầu đã yếu lắm. Cụ Cầu nghèo khổ, chứng kiến đất nước đi qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng cuộc đời vẫn như đường chỉ thẳng đến nút cuối vẫn là nghèo khổ. 12 giờ rưỡi trưa nay (3/1), anh Nơi, con rể cụ báo tin cho báo chí, cụ đã lìa trần.

Thế là một kiếp cơ cực đã buông. Cụ Cầu dặn, nếu một ngày nằm xuống, thì treo 2 cây đàn nhị trên bàn thờ. Báu vật nhân gian đã nhả hết tơ. Ai còn chút tình với Xẩm, đến chia tay Hà Thị Cầu vào ngày mai. Cụ sẽ nghỉ tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).

Minh Quốc 
Nguồn: SM.
Thương nhớ Nghệ nhân Hà Thị Cầu, cùng lắng nghe tâm sự và giọng hát của bà:

Nghệ nhân Hà Thị Cầu kể chuyện đời, chuyện nghiệp:



Bài 1: Xẩm thập ân


Bài 2: Dạt nước cánh bèo

 

10 nhận xét :

  1. Lại mất đi một báu vật nhân văn sống rồi.

    Trả lờiXóa
  2. Thắp một nén tâm nhang kính cụ. Khó có người thứ hai trên đời hát đến kinh người như cụ. Muốn học cụ vài câu mà thấy rõ là trời không cho mình cái phẩm ấy.

    Trả lờiXóa
  3. Phan Liên Khê - Ngọc Hoalúc 20:21 3 tháng 3, 2013

    Vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật của muôn đời nhưng được tin cụ Hà Thị Cầu mất, cả gia đình tôi xúc động quá. Xin được thắp lên nén hương tưởng nhớ người nghệ sĩ dân gian cả cuộc đời vất vả gian nan nhưng nặng lòng với văn hóa dân tộc. Hát xẩm là nghệ thuật của người nghèo và thưởng thức hát xẩm cũng phần nhiều là người lao động nghèo, ở cả thành thị lẫn nông thôn. Tôi đã nghe nhiều người hành khất hát xẩm và có lần xem nghệ sĩ chuyên nghiệp hát xẩm trên sân khấu nhưng xúc động hơn cả là mỗi khi nghe cụ vừa kéo nhị vừa hát. Gián tiếp học tập cụ, có lần tôi cũng viết một bài lục bát và vợ tôi cũng hát xẩm bài này trong một buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng tại thành phố. Chắc khó tìm thấy người thứ hai như cụ. Mong cụ siêu thoát tại miền cực lạc.
    Phan Liên Khê - Ngọc Hoa, Thành phố Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa
  4. Xin thành thật chia buồn cùng gia đình cụ và TS NXD cùng những người yêu hát xẩm.Một báu vật nhân văn sống lại khuất rồi!

    Trả lờiXóa
  5. thắp một nén nhang kính viếng hương hồn cụ

    Trả lờiXóa
  6. Vĩnh biệt cụ, con người khốn khổ, một nghệ sĩ nhân dân thực thụ đã góp phần không nhỏ trong công việc gìn gữ nghệ thuật hát xẩm cổ xưa của dân tộc

    Trả lờiXóa
  7. Xin dâng một nén tâm nhang tới linh hồn cụ, chúc cụ yên giấc ngàn thu. Thương nhớ cụ!

    Trả lờiXóa
  8. Vô cùng thương tiếc nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, một báu vật trong kho tàng Văn nghệ dân gian Việt Nam!
    Xin phân ưu với gia đình cụ, chia sẻ cùng TS. Nguyễn Xuân Diện, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh và tất cả những ai quý mến hát xẩm.
    Đọc những dòng về cuộc đời của cụ thấy thật xót xa và tin buồn hôm nay đến với chúng ta trên trang Tễu blog dòng chữ của TS.Nguyễn Xuân Diện: "Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã từ bỏ trần gian luân lạc và đau thương", một cái tiêu đề sâu sắc, gợi thêm nỗi xót xa cho số phận của cụ.
    Cầu mong cho linh hồn cụ siêu thoát nơi cực lạc.

    Trả lờiXóa
  9. Cụ Hà Thị Cầu là những báu vật cuối cùng lưu giữ những giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc Việt. Vậy ai là người gây ra và làm biến mất nhiều giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc này...Tôi xin chúc cụ an giấc ngàn thu...

    Trả lờiXóa
  10. Xin thắp một nén nhang kính viếng hương hồn cụ.

    Trả lờiXóa