Mẹ vẫn chờ con bên bờ biển Đông
SGTT.VN - Ngày giỗ của 64 người lính hi sinh ở đảo Gạc
Ma được tính là ngày 27 tháng giêng, bởi lẽ, ngày 14.3.1988, nếu tính
theo lịch âm là 27 tháng giêng. Chúng tôi trở về tỉnh Quảng Bình, nơi có
13 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến đó, những nhang đèn hương khói
được thắp lên, và điều ấm cúng là nhiều gia đình không chỉ làm đám giỗ
cho người thân của mình, mà họ còn hương khói cho tất cả 64 người lính
đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo
Trường Sa.
“Mạ vẫn chờ con”
Mẹ Trương Thị Ngừ vẫn chờ con bên bờ biển Đông
|
Mạ là tiếng địa phương của tỉnh Quảng Bình, có nghĩa là
mẹ, khi gặp chúng tôi, bà Trương Thị Ngừ ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh,
huyện Quảng Ninh là mẹ của liệt sĩ Trương Văn Hướng nói: “Mạ vẫn chờ hắn
trở về. Mạ không nghĩ hắn mất. Cho đến bây chừ, mạ vẫn nghĩ hắn đi bộ
đội, đi làm nhiệm vụ, nên mạ vẫn chờ con về Hướng ơi”.
Làng biển Tân Định làm nghề bãi ngang, mẹ Ngừ sinh được
tám người con, anh Hướng là đứa con cả, mọi công việc anh đều cáng
đáng. Ngày nhập ngũ, xã Hải Ninh không có đường lộ, mẹ Ngừ tiễn anh băng
qua những đồi cát. Nhớ lại ngày đó, mẹ kể: “Trước ngày hắn nhập ngũ,
hắn nói với mạ hỏi vợ. Tui nói thôi, con chuẩn bị đi lính rồi, thì bữa
mô phục viên, mạ đi hỏi vợ, chừ ưu tiên mấy đứa em ở nhà đã. Rứa mà
Hướng nghe, rồi lên đường. Mạ tiễn qua mấy núi cát, làng lúc đó không có
đường, đi bộ nửa ngày ra quốc lộ thì gặp bạn bè anh em xong, mạ về”.
Ngày nhận tin anh Hướng hi sinh, mẹ Ngừ bần thần mấy
bữa không ăn, rồi hai mươi lăm năm nay, đến bữa cơm, mẹ lại xới lên một
chén cơm để đó rồi nói: “Ăn đi Hướng, mạ đơm cơm cho con”. Cùng quê với
anh Hướng còn có liệt sĩ Hoàng Văn Túy. Gặp chúng tôi, mẹ anh Túy, bà
Nguyễn Thị Tròn nói: “Hắn nói với bọ mạ (ba, mẹ) là xong việc lính tráng
hắn về sửa lại cái thuyền đánh cá bãi ngang trước bể Đông rồi làm ăn
phụ gia đình, mạ vẫn chờ mấy chục năm nay”.
Phía làng biển Đơn Sa, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, bà Hồ Thị Đức, mẹ của anh hùng Trần Văn Phương kể: “Thằng Phương viết thư về nói mạ đợi hắn về phép sẽ sửa lại cho mạ cái mái nhà ngang để cho mát. Rứa mà hắn ở lại mãi, chừ mái nhà ngang vẫn rứa, chờ bàn tay của hắn”.
Mặc dù đã qua tuổi chín mươi, bà Nguyễn Thị Tạo (xã
Đồng Trạch, huyện Bố Trạch), mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thiềng như ngọn
đèn trước gió, nhưng gặp khi chúng tôi, mẹ vẫn nói: “Thằng Thiềng hắn
hứa đi giúp nước giúp non để bọ mạ yên tâm. Mạ nghe rứa mà tin, mà
thương, mà chờ hắn về coi bữa ni hắn ra răng”. Mẹ Tạo vẫn tin anh Thiềng
chưa mất, mà còn làm việc đâu đó trên biển, bởi mẹ cũng như mẹ Tròn, mẹ
Ngừ, các con hi sinh, nhưng không đưa được di hài về, vậy nên, người mẹ
làng cát vẫn nghĩ trong tâm hồn mình là: “con của mạ vẫn còn sống đi
làm nhiệm vụ”.
Mẹ
Nguyễn Thị Tạo (Đồng Trạch, Bố Trach) mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thiềng
như ngọn đèn trước gió, nhưng gặp chúng tôi vẫn nói một câu: “Thằng
Thiềng hắn hứa đi giúp nước giúp non để bọ mạ yên tâm. Mạ nghe rứa mà
tin, mà thương, mà chờ hắn về coi bữa ni hắn ra răng”.
|
Bữa giỗ cho 64 người con
Chúng tôi về thăm quê của các anh lính Hải quân đã anh
dũng hi sinh trong trận hải chiến cách đây 25 năm đúng vào ngày giỗ 27
tháng giêng âm lịch năm Quý Tỵ. Tại nhà của liệt sĩ Túy hiện còn nghèo
lắm, ngôi nhà úp trên cát, nằm mép bờ biển, nhưng hôm nay lại đông đủ
người dân trong làng. Đến dự bữa giỗ anh Tuý, ngoài mười lăm đồng đội
của anh đến khói hương, còn có các vị lãnh đạo xã đến với gia đình anh
trong khung cảnh ấm cúng.
Cụ
Nhỏ, mẹ Tròn, thân sinh liệt sĩ Hoàng Văn Túy làm đám giỗ to nhất 25
năm qua để không chỉ giỗ con mình mà còn giỗ đồng đội của con.
|
Cha của anh Túy, cụ Hoàng Nhỏ nói: “Bữa ni là bữa cúng
to nhất sau 25 năm vắng thằng Túy. Nhà tui nghèo, tiền chế độ liệt sĩ
hơn một triệu đồng cũng chỉ đủ mua chút gạo, nhưng năm nay tui làm to là
vì năm 2012 có mấy đơn vị người ta cho tiền, tui gop góp lại, mong làm
bữa giỗ cho 64 đứa con là người lính Hải quân hi sinh ở Trường Sa”. Cụ
Hoàng Nhỏ nói thêm: “Tui biết con tui cùng đồng đội hắn hi sinh, ngày đó
làng biển ni nghèo, không có báo, chỉ nghe được đài, nhà tui may có cái
đài và bắt sóng đài Tiếng nói Việt Nam, nghe tên con tui, rồi đồng đội
của hắn, cả thảy lúc đó là 74 người, sau ni mới biết có mấy người phía
Trung Quốc bắt giữ một cách sai trái được trả về thì còn 64 đứa”. Theo
cụ Hoàng Nhỏ, trong suy nghĩ của cụ, ngoài anh Hướng là con ruột ra, thì
63 liệt sĩ còn lại, cụ vẫn nghĩ là những người con của mình. Vậy nên,
năm nay cụ nói: “Làm đám giỗ to là để cho cả 64 đứa con cùng về chung
cơm”. Cụ Hoàng Nhỏ che rạp trước sân nhà, cơm giỗ được xới lên 64 chén
cơm, bàn thờ được bày biện kín gian giữa, khói hương thắp đủ 64 nén,
phía bàn thờ trời, đặt hướng về biển Trường Sa rồi cụ kính cẩn đọc tên
những liệt sĩ giữa làng cát bên bờ biển Đông.
Không chỉ nhà của cụ Hoàng Nhỏ, nhà của mẹ Đức cũng hương khói đủ 64 nén như tấm lòng của người mẹ che chở cho những đứa con đi xa. Ở làng Tả Phan, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong ngoài hương khói giỗ chồng, chị vẫn xới cơm đủ chén mời đồng đội của chồng. Chị nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận, trên đời anh em có nhau thì về bên kia, đi đâu cũng có đồng đội, nên bữa cơm, tui vẫn cúng mời anh em đồng đội của anh Phong”.
Trên những trang thờ
Chúng tôi tìm về gia đình những liệt sĩ hi sinh trong
cuộc hải chiến ngày 14.3.1988 đều nhận thấy trên trang thờ, họ tự hào
treo tấm huân công liệt sĩ của người con của mình ở gian nhà giữa một
cách trang trọng và đầy tự hào. Ngôi nhà của gia đình anh Túy, một bên
treo tấm bằng liệt sĩ do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười ký với dòng
chữ anh linh: “Đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, một
bên treo tấm bằng Huân chương chiến công hạng ba ghi: “Đã anh dũng hi
sinh trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa” do Chủ tịch nước Võ Chí
Công ký.
Trên trang thờ của gia đình mẹ Đức, tấm bằng anh hùng
Lực lượng vũ trang của anh Phương có ghi: “Đã có thành tích đặc biệt
xuất sắc trong nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc”, vào sổ
khen thưởng ngày 13 tháng 12 năm 1989. Tấm Huân chương chiến công hạng
nhất của anh hùng Trần Văn Phương ghi: “Đã có thành tích xuất sắc trong
chiến đấu bảo về quần đảo Trường Sa”, sổ khen thưởng ngày 4 tháng 10 năm
1988.
Bữa giỗ to nhất của nhà cụ Nhỏ giành cho 64 người con mà cụ xem như con của mình đã ngã xuống ở Trường Sa.
|
Bao nhiêu người hi sinh là bấy nhiêu sự vinh quang của
huân công yêu nước. Tên tuổi của những người lính ngã xuống vì bảo vệ
quần đảo Trường Sa thân yêu mãi mãi sẽ không có sức mạnh nào có thể bào
mòn, tên tuổi của những người lính có mặt tại trận hải chiến vào ngày
14.3.1988 luôn được xướng lên, nhắc nhớ trong tâm khảm của mọi người dân
nước Việt.
Vì thế mà thời gian trôi đi, lớp đàn anh phục viên trở
về, lớp đàn em lại lên đường nhập ngũ, tiếp tục ra Trường Sa bảo vệ chủ
quyền biển đảo. Trong năm năm trở lại đây, tỉnh Quảng Bình đã có 1210
con em lên đường nhập ngũ vào các đơn vị Hải quân, chủ yếu làm nhiệm vụ
bảo vệ vùng biển đảo Trường Sa.
|
Bài và ảnh: Quốc Nam
Nguồn: Sài Gòn Tiếp thị
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét