Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Mạnh Quân: KHIẾU KIỆN PHẢI ĐẶT CỌC

.
Khiếu kiện phải đặt cọc
Mạnh Quân
Lại thêm một đề xuất lạ lùng nữa khiến người dân lo lắng-ấy là đề xuất: đưa quy định buộc người dân phải đặt cọc khi tiếp tục khiếu kiện (mặc dù cơ quan chức năng đã giải quyết khiếu kiện đúng trình tự, thủ tục) vào dự án luật Tiếp công dân. Đề xuất này là của ông Phan Xuân Dũng, chủ nhiệm ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án luật Tiếp công dân của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 20.3.
Có thể ông ủy ban của ông Dũng không nhận được nhiều đơn, thư khiếu kiện của dân gửi tới như một số ủy ban, cơ quan khác của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và ngân sách, ban Dân nguyện…Nhưng đề xuất của ông Dũng thực sự trở lên lạc lõng ngay trong cuộc họp và không nhận được các ý kiến đồng tình. Bởi chính nhiều Ủy ban khác của Quốc hội, Ban Dân nguyện, phòng Tiếp dân…của Quốc hội thường xuyên nhận đơn thư, chuyển đơn thư của những người dân oan, họ hiểu: có nhiều đơn thư, tuy các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước đã giải quyết “đúng trình tự, thủ tục” nhưng vẫn chưa thấu tình, đạt lý, chưa công bằng…nên người dân tiếp tục phải khiếu kiện.
Đã có những khảo sát, nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ cho thấy, mặc dù, theo luật, khi cơ quan có thẩm quyền ở cấp nào đó đã ra quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo “cuối cùng” nhưng người dân vẫn chưa chịu, vẫn tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn và trong số các khiếu kiện, ngay cả các khiếu kiện với quyết định giải quyết “cuối cùng” đó, theo Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan của Quốc hội, có không ít khiếu kiện của người dân là có cơ sở và quyết định giải quyết, khiếu nại tố cáo “cuối cùng” của cơ quan có thẩm quyền: thậm chí là ở cấp Chủ tịch tỉnh, thành phố, thậm chí là Bộ trưởng và cao hơn…có những sai sót, chưa thỏa đáng. Thế thì tại sao người dân không có quyền khiếu nại, tố cáo tiếp ?. Mới đây, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan chẳng phải đã xin lỗi công khai, sửa sai vì việc giải quyết khiếu nại sai khiến một công dân -bà Phan Thị Kim Phụng (huyện Đồng Tháp) phải bị án oan, khiếu kiện đằng đẵng 14 năm hay sao ?. Một báo cáo tại Quốc hội, kỳ họp cuối năm 2012 cho thấy: chính quyền có sai sót trong gần 50% số vụ khiếu kiện về đất đai của dân. Vậy mà, theo như đề xuất của ông Dũng, người dân lại phải đặt cọc cho những khiếu kiện đó hay sao ? Và cũng như đề xuất của ông, nếu đặt cọc khiếu kiện sai thì mất tiền. Vậy thì nếu như khiếu kiện vẫn đúng và giải quyết vẫn sai thì người dân lại thêm một lần nữa bị oan-lại mất tiền ?
Những người dân phải đi khiếu kiện, nhất là những người dân từ các vùng xa xôi, từ các tỉnh phía Nam, từ các vùng miền núi phía Bắc…lặn lội tàu xe ra Hà Nội đi khiếu kiện, đại đa số là những người dân nghèo và có nhiều người, cực chẳng đã phải vác đơn đi kiện (tất nhiên, cũng có những người không hiểu rõ quy định pháp luật, khiếu kiện sai). Nhưng cơ bản, không ai muốn, thích đi khiếu kiện. Bởi ai đã từng vướng chuyện phải kiện tụng, đều hiểu rằng, việc đi khiếu kiện cũng mất rất nhiều thời gian, chi phí, công sức…Một đề xuất “phải đặt cọc” cho việc khiếu kiện với những người dân “tiếp tục đi khiếu nại, tố cáo, thậm chí khiếu nại, tố cáo vượt cấp, gửi đơn thư đến nhiều nơi, đến nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước” như của ông Phan Xuân Dũng có lẽ sẽ gây thất vọng không nhỏ với nhiều người dân, với cử tri nơi bầu ông vào làm đại biểu Quốc hội. Nhất là ở cương vị chủ nhiệm một ủy ban quan trọng của Quốc hội thì đề xuất của ông như vậy, rất không xứng đáng.
Cũng rất có thể, khi đưa ra dự án luật này lấy ý kiến ở Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ không cập nhật, khảo sát, báo cáo kỹ hơn về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân cho các thanh viên ủy ban Thường vụ Quốc hội để các chủ nhiệm ủy ban như ông Phan Xuân Dũng nắm rõ hơn. Nhưng dù thế nào, những dạng đề xuất như của ông Dũng, rất không nên có ở một cuộc họp chính thức của Quốc hội, khi góp ý cho một dự án luật quan trọng như vậy. Hơn nữa, có thể khẳng định, một đề xuất như vậy, nếu được chấp nhận đưa vào dự án luật Tiếp công dân, sẽ lại vi phạm, trái với quy định của Luật Khiếu nại tố cáo hiện hành trong đó quy định "khiếu nại và tố cáo là quyền và nghĩa vụ của công dân". Đã là quyền và nghĩa vụ của dân thì không thể đem ra mà buộc "đặt cọc" để thu tiền.

Nguồn: FB Mạnh Quân.
Người đề xuất khiếu kiện phải đặt cọc:
 

5 nhận xét :

  1. Đặt bao nhiêu vậy ông Dũng?

    Trả lờiXóa
  2. Lại thêm một con người nữa muốn ghi tên vào Ghi nét Việt nam rồi!
    Là tiến sỹ khoa học, đúng ra ông Dũng phải tìm ra nguyên nhân tại sao Dân khiếu kiện? Kết quả giải quyết có đúng pháp luật hay không? (ông Dũng cần phân biệt giữa kết quả giải quyết với trình tự, thủ tục giải quyết nhé) nếu việc giải quyết đúng trình tự, thủ tục mà kết quả không đúng pháp luật, không phù hợp với sự thật khách quan...thì có chết người dân vẫn khiếu nại tiếp.
    Nếu phải đặt cọc tiền thì hỏi ai mới là người có điều kiện khiếu nại, hởi ông tiến sỹ Dũng? Là đại biểu QH mà sao ông đưa ra các đề xuất "tối tăm thế"! (xin lỗi tôi chỉ có thể dùng từ tối tăm chứ không dám dùng chử Ngu vì ông là tiến sỹ khoa học mà).

    Trả lờiXóa
  3. Lão Dũng này mà gặp phải Bao công là bị đá đít ngay. Sao lại có thứ tiến sĩ có cái đầu bả đậu như vậy?

    Trả lờiXóa
  4. TIỀN MẤT, TẬT MANGlúc 11:39 22 tháng 3, 2013

    Nếu đặt cọc, chắc chắn là tiền mất, tật mang thôi, cho dù sự thật thuộc về phía khiếu kiện.Tiền vào thì dễ, tiền ra thì đừng hòng !

    Trả lờiXóa
  5. "Quan" còn trẻ và rất ...có học!
    Nhưng sao lại đề xuất chuyện bất lương vậy ta!!!
    Vấn đề lại xuất phát từ ...nền Giáo dục!

    Trả lờiXóa