Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

GS. TƯƠNG LAI NÓI VỀ PHÁT BIỂU CỦA TS. NGUYỄN ĐÌNH LỘC TRÊN VTV

Ông Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trong chương trình Thời sự
nói về lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp
Ông Nguyễn Đình Lộc nói về Kiến nghị 72
Cập nhật: 06:42 GMT - thứ bảy, 23 tháng 3, 2013
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc vừa gây tranh cãi khi phát biểu trên Truyền hình Việt Nam phủ nhận vai trò trong kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp của các trí thức, còn gọi là Kiến nghị 72.
Hôm 4/2, ông Lộc đã dẫn đầu đoàn 15 nhân sỹ trí thức tới trao kiến nghị cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Nay trong một cuộc phỏng vấn ngắn phát trên Chương trình Thời sự VTV1 tối thứ Sáu 22/3/2013, ông bác bỏ vai trò đại diện của mình, nói rằng tư cách trưởng đoàn chỉ được trao cho ông vào phút chót vì "tín nhiệm".

Ông nói: "Phải nói rằng… nói là trưởng đoàn thì có vẻ như to lắm, nhưng thật ra thì đến đấy mới được lên trưởng đoàn, đến lúc trao thì mới được lên trưởng đoàn".

"Còn trước đó thì thật ra những cái bản ấy tôi không tham gia. Tôi không tham gia."

Ông Nguyễn Đình Lộc giải thích: "Vì tôi là nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho nên các đồng chí, các bạn ấy có vẻ tín nhiệm giao việc trao thôi, chứ còn tôi không tham gia vào việc xây dựng cái tờ văn bản ấy. Cho nên bây giờ mọi người cứ bảo là tôi thế này tôi thế kia".

Ông nói thêm: "Nếu mà tôi làm thì tôi nhận thôi, nhưng bởi vì tôi không làm cái đó... Hôm ấy mình chỉ là người đến đấy thì được giao làm trưởng đoàn… thế thôi!"

'Có nghiên cứu'

Tuy nhiên, ông cựu bộ trưởng thừa nhận là ông có đọc và nghiên cứu bản kiến nghị gồm bảy điểm trước khi cầm bút ký.Kiến nghị 72 này đề cập tới việc bỏ Điều 4 Hiến pháp, vốn đề cao một chiều vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với sáu điểm khác.

Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong một phát biểu hôm 25/2, dường như đã ngầm ám chỉ tới bản kiến nghị này khi gọi các quan điểm về sự lãnh đạo của Đảng CSVN, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội.... là "suy thoái đạo đức".

Ông Nguyễn Đình Lộc nói trên VTV: "Tất nhiên thì trước khi trao phải đọc. Tôi cũng có nghiên cứu, và bản thân tôi lúc bấy giờ cũng có muốn sửa một số chỗ."

"Sau các đồng chí bảo là không, vì là cái này công bố trên mạng rồi, bây giờ mình sửa thì không nên. Cho nên vẫn cứ trao. Thật ra thì đến lúc đó thì mới giao cho tôi trao. Trước đó không trao đổi kỹ."

Đối với bản Kiến nghị do nhóm 72 nhân sỹ trí thức, mà ông là một, khởi xướng, ông nói không tham gia soạn thảo dù "tất nhiên tôi có tham gia ý kiến".

Ông cũng bác bỏ liên quan tới một văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 hiện đang được lưu truyền trên các trang mạng, được cho là phát triển từ Kiến nghị 72.

Ngay sau khi chương trình Thời sự với phỏng vấn nói trên được phát sóng, các mạng xã hội nhanh chóng tràn ngập ý kiến chỉ trích ông Lộc về điều mà một số người gọi là "bất nhất" và "đào ngũ".

Có người đặt nghi vấn là cuộc phỏng vấn đã bị cắt xén, chỉnh sửa.

BBC đã tìm cách liên lạc với ông Nguyễn Đình Lộc, nhưng không được.

Hại uy tín

Giáo sư Tương Lai, một trong 72 vị nhân sỹ trí thức khởi xướng Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, nhận xét rằng phát biểu của ông Nguyễn Đình Lộc trên VTV "không minh bạch rõ ràng, gây hiểu lầm".

"Với tư cách là trí thức, mình đã đặt bút ký thì chữ ký đó nặng ngàn cân, vì nó là danh dự và trách nhiệm của người trí thức." - Giáo sư Tương Lai
"Những điều ông ấy nói có đúng một phần, nhưng một số chỗ lại không chính xác."

Vị giáo sư, người cùng có mặt với cựu bộ trưởng Lộc và 13 vị khác tại Văn phòng Quốc hội hôm 4/2, cho hay "không có việc ép ông Lộc nhận vị trí trưởng đoàn, mà ông vui vẻ nhận lời và làm tròn công việc một cách xuất sắc".

"Ông ấy phát biểu rất hay, cả khi mở đầu lẫn khi kết thúc, rất mộc mạc, cô đọng. Sau đó chúng tôi vui vẻ ra về."

"Thực ra, trưởng đoàn hay không trưởng đoàn không quan trọng, quan trọng là tất cả chúng ta đều là công dân tâm huyết với mệnh tình đất nước," Giáo sư Tương Lai nói với BBC từ TP HCM.

Ông cũng nhấn mạnh: "Với tư cách là trí thức, mình đã đặt bút ký thì chữ ký đó nặng ngàn cân, vì nó là danh dự và trách nhiệm của người trí thức".

Trong khi không loại trừ "có thể đã có áp lực lên ông Lộc", Giáo sư Tương Lai cho rằng cách trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Đình Lộc "có hại cho bản thân ông ấy, cho danh dự và uy tín của ông", nhưng không có ảnh hưởng gì tới nội dung bản Kiến nghị.

"Đó là tâm huyết của người dân, lãnh đạo thông minh thì cần nắm lấy thời cơ, chọn giải pháp để đưa đất nước ra khỏi tình trạng hiện nay."

Bản Kiến nghị 72 gần đây đã bị tấn công trên các luồng thông tin chính thống. Báo Đại Đoàn Kết hôm 9/3 đăng bài nói một cuộc điều tra của báo này cho thấy nhiều chữ ký ủng hộ bản kiến nghị này là "ngụy tạo".

BBC Tiếng Việt: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, đồng chủ trì trang mạng Bauxite Việt Nam nói với BBC có thể cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đã chịu sức ép khi đưa ra các bình luận của ông về "Kiến nghị 72," trong đó về sự kiện ông nhận làm "trưởng đoàn" ở phút cuối.

Theo Giáo sư Huệ Chi, "con cái của ông Lộc" đã bị chính quyền "thăm hỏi rất dữ và cũng rất lo lắng."

Trong khi nhấn mạnh không theo dõi chương trình thời sự trực tiếp của VTV1 hôm 22/3/2013, Giáo sư cho rằng hành động của TS Lộc, nếu đúng như báo đài của nhà nước đã phản ánh, là "thông cảm được" và ông không tin ông Lộc "là người tráo trở, hay lật lọng", tuy một số ý kiến phản ứng tỏ ra "buồn" sau phát biểu của ông Lộc với truyền hình nhà nước. 
Giáo sư Huệ Chi cũng nhấn mạnh, theo những gì ông biết, ông Lộc "không phủ nhận" việc đã ký vào 'Kiến nghị 72' và cũng "không rút chữ ký" và ông cũng tin rằng hành động của ông Nguyễn Đình Lộc không gây "ảnh hưởng gì" tới 'Kiến nghị 72' cũng như tới phong trào tìm kiếm dân chủ ở Việt Nam hiện nay.

TỄU: Theo Bauxite VietNam, đến ngày 23.3.2013 đã có 11.121 chữ ký vào Kiến Nghị 72.

6 nhận xét :

  1. Đọc cái này làm tôi nhớ tới ông Trần Độ. Năm 1998,ông tướng Trần Độ đã lên tiếng cho rằng: Việt nam không có dân chủ, đặc biệt là trong bầu cử, ông xin lập tờ báo tư nhân...lúc bấy giờ, đảng cộng sản Việt nam đã dùng mọi cách ngăn cản, kể cả dùng ông Phạm thế Duyệt đến vận động nhưng rốt cuộc đều không có kết quả và thế là cuối cùng ông Trần Độ đã bị o ép cho đến chết. Nay có lẻ ông Nguyễn đình Lộc đã không muốn có kết quả như ông Trần Độ nên mới thoái thác...vậy nên thông cảm cho ông cựu bảo thủ này.

    Trả lờiXóa
  2. Hãy cảnh giác với trò ,quay-cắt,chỉnh sửa sau đó phát lên truyền hình mà VTV không xin ý kiến của người phát biểu .
    Rất nhiều người đã bị mắc mưu này của VTV.Sau khi phát mới phát hiện được thì đã muộn.Do đó có người đã bực mình phản ứng với VTV là lần sau đừng vác máy đến nhà tao nữa !!!.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn GS Tương Lai ông vẫn khẳng khái như ngày nào.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn GS Tương Lai- cầu chúc bình an và sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  5. Thật khâm phục khí tiết của GS Tương Lai,còn bác Lộc cần rút kinh nghiệm và vượt lên áp lực nếu không muốn trở thành người cô đơn kể cả khi bác trở về Nghi lộc quê ta bác ạ

    Trả lờiXóa
  6. Cho đến thời điểm này chúng ta thấy được sự khảng khái của GS Tương Lai và chắc chắn nhận được sự khâm phục của rất nhiều người. Tuy nhiên, hầu hết các nhân sĩ, trí thức ở ta nếu tạm gọi là Vàng 10 thì có thể nói hầu như Vàng vẫn chưa được "thử lửa". Ở xứ ta (và cả tầu nữa) người ta không chỉ dùng lửa để thử vàng. Họ còn có nhiều kiểu thử khác (nóng hơn lửa) để thử, cho đến khi vàng phải biến thành thau kia.
    Trường hợp của ngài NĐL là 1 ví dụ. Hy vọng, việc vàng biến ra thau chỉ là số ít

    Trả lờiXóa