ÔNG CAO SỸ KIÊM:
“Tôi sẽ đưa vấn đề bôxít ra trước Quốc hội”
(Dân trí) - “Tôi biết cử tri cũng đang đặt nhiều câu hỏi liên quan đến dự án bôxít. Và chắc chắn rằng kỳ họp Quốc hội sắp tới, nội dung này sẽ được đưa ra. Cá nhân tôi sẽ lên tiếng về vấn đề này”.
>> Nên dừng dự án Bôxít Tây Nguyên nếu không hiệu quả
>> Dự án bôxít Tây Nguyên: “Cảnh báo của giới khoa học dần đúng!”
Ông Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã có
cuộc trao đổi với phóng viên báo Dân trí về một số vấn đề liên quan đến
dự án bôxít.
Ông có bất ngờ với việc Thủ tướng quyết định dừng dự án
xây dựng cảng Kê Gà và một loạt chuyên gia lên tiếng cần xem lại toàn bộ dự án
bôxít tại Tây Nguyên?
Không phải bây giờ mà ngay khi dự án khai thác bôxít tại
Tây Nguyên mới được trình lên, đã có nhiều ý kiến về vấn đề vận chuyển, giá
thành, quản lý khoáng sản nhưng sau đó vẫn quyết làm. Bây giờ có một số số liệu
cho thấy năng suất quá thấp, chi phi tăng, lỗ tăng, đường vận chuyển huyết mạch
để tăng hiệu quả kinh tế của cả dự án lại không rõ ràng.
Trước thì dự kiến làm cảng Kê Gà nhưng bây giờ, tính số
tiền xây dựng cảng và số tiền thu được từ dự án cho thấy không đảm bảo hiệu quả
và chắc chắn lâu dài cũng có vấn đề. Việc Thủ tướng quyết định dừng Kê Gà để
cân nhắc cẩn trọng, toàn diện tôi cho là đúng đắn. Và lúc này lại nảy sinh vấn đề:
Có tiếp tục làm cảng Kê Gà nữa hay không?
Không chỉ cảng Kê Gà, nhiều ý kiến còn cho rằng quy
hoạch và quyết định triển khai xây dựng dự án bôxít Tây Nguyên cũng không phù
hợp…
Điều đó phải dựa trên các cơ sở số liệu thì mới kết luận
được. Phải nghe họ phân tích tiếp những mặt được, chưa được.
Quốc hội cần sớm lập ủy ban điều tra độc lập dự án
bôxít
Chuyên gia Kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng:
“Chấp nhận loại bỏ dự án bôxít ra khỏi Tây Nguyên là việc cần làm và càng sớm
càng tốt. Đến lúc này, đã thấy rõ sự không hiệu quả của dự án này, nếu đầu tư
cảng nơi khác thì chi phí đầu tư càng đội lên và thua lỗ càng chồng chất. Tôi
mong muốn Quốc hội sớm lập một ủy ban điều tra độc lập đối với dự án bô xít
bởi việc điều tra lại hiệu quả của dự án cần những chuyên gia hàng đầu chứ không
thể là người của Bộ Công thương hay Vinacomin”.
|
Nếu bảo dừng lại để sau này tiếp
tục làm, nhiều nhà khoa học đã tính toán cả về yếu tố kinh tế lẫn kỹ thuật đều
cho thấy có rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Còn nếu dừng không làm tiếp thì xét
lại vấn đề, hai nhà máy bôxít Tân Rai và Nhân Cơ có khả năng tồn tại, phát
triển không?
Vừa rồi, theo lãnh đạo Vinacomin, alumin từ dự án bôxít Tây
Nguyên sẽ được vận chuyển qua cảng khác, trước mắt là Gò Dầu (Đồng Nai), ngoài
ra đang triển khai xây dựng cảng Vĩnh Tân (Bình Thuận) để thay thế. Nhưng tôi nhấn
mạnh, đó chỉ là trước mắt và không mang tính cơ bản, lâu dài.
Họ nói là không tốn kém gì nhưng sự thực thì đã bỏ ra nhiều
tỷ rồi và đang tiếp tục nhận thêm nhiều tỷ nữa. Đó là chưa kể, còn mang lại
nhiều hệ lụy kinh tế khác.
Câu hỏi đặt ra là giải quyết vấn đề này thế nào? Đó là vấn
đề kinh tế chung của đất nước chứ không đơn giản chỉ là một dự án. Nay vụ việc
đã xảy ra, chúng ta đang trong giai đoạn tái cấu trúc lại nền kinh tế, chỉnh sửa
khuyết điểm thì phải tỏ thái độ dứt khoát với dự án trên. Cần phải có cái nhìn
toàn cục hơn, nếu dự án không đáp ứng được yêu cầu đề ra thì phải sắp xếp giải
quyết tồn tại, để hạn chế được rủi ro và không gây nên hậu quả lâu dài.
Khi thuyết phục dự án, Bộ Công thương và Vinacomin (khi
đó là TKV) đều đưa ra các căn cứ cho thấy hiệu quả của dự án, dựa trên những
cân nhắc tính toán kỹ lưỡng. Việc này nói lên điều gì, thưa ông?
Phải yêu cầu các cơ quan này giải trình thêm: khi lập tờ
trình họ lấy số liệu ra làm sao, tính toán tác động khi đó như thế nào, tác
động bây giờ ra làm sao. Việc ngay khi dự án bôxít được đưa ra, có nhiều ý kiến
phản biện của nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế nhưng dường như không được xem xét
cẩn trọng cũng là một yếu tố để so sánh, phân tích. Tại sao đã có cảnh báo như
vậy rồi mà vẫn quyết làm, phải có giải thích rõ ràng.
Chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Than – khoáng sản
Việt Nam
(Vinacomin) Trần Xuân Hoà trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã nói: “Vì đây là
dự án bôxít đầu tiên mà chúng tôi làm, nên phải làm đã thì mới biết đến năm nào
thì có lãi”...
Cái đó phải xem lại về tư duy làm kinh tế. Dĩ nhiên, một dự
án thì thời gian đầu cũng chưa thể lãi ngay. Nhưng ngay khi lập dự án cũng phải
tính toán là thời điểm nào hòa vốn, thời điểm nào có lãi dựa trên cơ sở quy hoạch
tổng thể tuổi thọ của cả dự án đó. Chấp nhận mấy năm đầu phải lỗ để những năm
sau có lãi thì mình vẫn chấp nhận làm.
Như tôi đã nói, nếu còn tù mù là chưa biết bao giờ có lãi
thì phải xem lại. Làm làm gì nếu chưa biết bao giờ có lãi?
Tất nhiên người ta có thể lấy lý do lạm phát, giá thành vật
liệu, vận chuyển khác thời điểm hiện nay… Và dĩ nhiên dự báo thì cũng có xác
suất nhưng giải thích phải nghe được, đúng thực tế. Còn nếu ngụy biện cho cái làm
sai, làm trái, đầy rủi ro là không được.
Liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để xem xét lại
toàn bộ dự án bôxít ở Tây Nguyên, thưa ông?
Tôi biết cử tri cũng đang đặt nhiều câu hỏi liên quan đến
dự án kể trên. Và chắc chắn rằng kỳ họp Quốc hội sắp tới, nội dung này sẽ được
đưa ra. Chắn chắn cá nhân tôi cũng sẽ lên tiếng về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
. Chiều 24/2, trả lời báo chí liên quan đến dự án bôxít Nhân Cơ (Đăk Nông), ông Lê Viết Chuẩn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản (Vinacomin) cho biết, việc quyết định đầu tư cho dự án này cũng như dự án Tân Rai căn cứ vào tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế của dự án tại thời điểm xem xét và có tính đến mức độ rủi ro. . |
Phúc Hưng (thực hiện)
Nguồn: Dân trí.
ĐBQH Cao sỹ Kiêm mạnh dạn lên . Cần lobby nhiều ĐB khác ủng hộ Ông. Các cử tri hi vọng tiếng nói của Ông thực sự có trọng lượng và hiệu quả. Đừng để lời nói gió bay . Hoan hô sự thẳng thắn của ĐB Cao sỹ Kiêm ! Ông đừng làm người dân thất vọng !
Trả lờiXóaVô cùng cảm phục, đánh giá cao một thế hệ nhân sĩ trí thức và người yêu nước VN đã dấn thân và tiếp tục dấn thân với mục đích xây dựng một Đất nước VN văn minh phồn thịnh.
Trả lờiXóaLịch sử sẽ vinh danh và mãi mãi mang ơn họ.
DỪNG DỰ ÁN BOXIT TAY NGUYÊN LÀ MỘT HẠNH PHÚC CHO DÂN TỘC .ĐỪNG CỐ MÀ HẠI CHO DẤT NƯỚC !
Trả lờiXóa