Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

VẮNG PHẢN BIỆN, CẠNH TRANH DỄ ĐỘC ĐOÁN CHUYÊN QUYỀN

Vắng phản biện, cạnh tranh dễ độc đoán, chuyên quyền

Thứ 5, 31/1/2013, 13:28 GMT+7

“Đảng cần xem lại cả về tâm lẫn tầm để xem liệu Đảng có đạo đức, văn minh, là trí tuệ, thiên tài.”
“Khi có quyền, cá nhân đảng viên, người lãnh đạo dễ dàng tự thỏa mãn, dùng quyền lực thay cho chân lý, cho pháp luật trong chỉ đạo. Đặc biệt, việc ít chịu học tập, rèn luyện làm không ít người có chức quyền bị tụt hậu, trì trệ.”
“Đảng nên giới thiệu cán bộ của mình ra tranh cử, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và để dân được quyền lựa chọn người đại diện.”
“Người dân cũng phải có quyền phản biện với Hiến pháp, pháp luật cũng như các chủ trương lớn của nhà nước và phải được quyền bày tỏ chính kiến về những vấn đề quốc kế dân sinh””
“Nhân cơ hội đang sửa đổi Hiến pháp 1992, một số đại biểu đề xuất xúc tiến xây dựng luật về Đảng để đảm bảo tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.”
VNN - Câu chuyện đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những vấn đề “cốt tử” được bàn tại hội thảo “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta” sáng nay (31/1) ở Hà Nội.

Không lực lượng nào phản biện đủ mạnh

Một trong những vấn đề được xem là “cốt tử” được bàn tại hội thảo là câu chuyện đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo của Đảng.

Nói như PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, hiện Đảng cũng đang gặp khó khăn, thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn tại của chế độ. Đó là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên dễ lộng quyền, lạm quyền, coi thường pháp luật. Đảng cũng đã coi trọng và tích cực khắc phục để loại trừ tình trạng này bằng nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát.

1

PGS.TS Mạch Quang Thắng cũng từ Học viện bổ sung thêm, do đặc trưng “duy nhất” đó nên dẫn đến một nguy cơ: không có lực lượng nào phản biện với tư cách một tổ chức chính trị đủ mạnh. 

Ông Thắng phân tích, dùng Mặt trận để phản biện là cần thiết song chưa có cơ chế nào cho toàn thể nhân dân phản biện. Không có sự phản biện, sự cạnh tranh, Đảng dễ chủ quan, duy ý chí. Đường lối chính trị dễ bị sai lầm, hành động độc đoán, chuyên quyền, làm mất dân chủ trong xã hội và không bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, không bảo đảm và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, quan điểm, đường lối của Đảng ít được cọ xát.

Sau khi trích dẫn văn kiện Đại hội Đảng về nguy cơ thoái hóa, biến chất trong đội ngũ, ông Thắng phân tích, các cảnh báo đó phản ánh tình hình thực trạng nguy hiểm cho Đảng.

“Chỉ những người có chức có quyền, những cán bộ, công chức nắm trong tay quyền, tiền, của cải thì mới có khả năng tham nhũng. Mà tuyệt đại đa số trong đó là đảng viên”, ông Thắng kết luận.

Theo TS Mạch Quang Thắng, sự suy yếu đó còn biểu hiện ở chỗ lòng tin của nhân dân với Đảng đã bị suy giảm.

PGS.TS Trần Khắc Việt (Học viện Xây dựng Đảng) phân tích, hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan nhà nước chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp. Việc xử lý các sai phạm của cán bộ, công chức chưa thật kiên quyết, nghiêm minh. “Phương thức lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ chậm đổi mới, quy trình phức tạp nhưng vẫn để lọt cán bộ không thật sự xứng đáng tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của cơ quan nhà nước”, ông Việt cho hay.

Cũng theo ông Việt, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều nơi. Càng xuống dưới cơ sở thì tình trạng cấp ủy bao biện, làm thay việc của chính quyền càng thể hiện rõ. Còn nhiều trường hợp cấp ủy can thiệp sâu vào hoạt động của cơ quan điều tra, tố tụng, xét xử.

Trong tham luận công phu gửi hội thảo, GS Nguyễn Văn Huyên (nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học) cảnh báo, Đảng cần xem lại cả về tâm lẫn tầm để xem liệu Đảng có đạo đức, văn minh, là trí tuệ, thiên tài.

Ông Huyên phân tích, một nguy cơ của đảng cầm quyền là dễ đi đến chuyên quyền, độc đoán. Khi có quyền, cá nhân đảng viên, người lãnh đạo dễ dàng tự thỏa mãn, dùng quyền lực thay cho chân lý, cho pháp luật trong chỉ đạo. Đặc biệt, việc ít chịu học tập, rèn luyện làm không ít người có chức quyền bị tụt hậu, trì trệ. Tất cả dẫn đến hạn chế tầm tư duy chiến lược, hoạch định chính sách, không theo kịp xu thế vận động, thậm chí còn bảo thủ  làm kìm hãm tốc độ phát triển của xã hội.

Tranh cử, cạnh tranh bình đẳng

Sau khi chỉ ra hàng loạt nguy cơ nói trên, rất nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát và giám sát quyền lực trong thể chế chính trị một đảng. Đặc biệt, cần xây dựng một cơ chế cụ thể để đảm bảo vai trò giám sát của nhân dân.

2

Theo TS Tống Đức Thảo (Viện Chính trị học), một trong các quyền quan trọng thể hiện quyền lực thuộc về nhân dân là quyền được quyết định chọn lựa các đại diện thể hiện cho ý chí của mình, đi đôi với nó là quyền phế truất khi người được ủy quyền không thi hành đúng ý nguyện của dân chúng.

Theo ông Thảo, Đảng nên giới thiệu cán bộ của mình ra tranh cử, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và để dân được quyền lựa chọn người đại diện. “Làm như thế không những Đảng nâng cao uy tín, tính chính đáng cho quyền lãnh đạo của mình mà còn tăng thêm sức mạnh cho dân để cùng tham gia xây dựng bộ máy nhà nước”, ông Thảo nhận xét.

ĐB Trần Đình Nghiêm nói rõ hơn, vấn đề kiểm tra, giám sát của Đảng cần có sự phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của QH, với MTTQ và các đoàn thể xã hội.

“Nhân dân phải được giám sát quyền lực thông qua các hình thức phổ biến nhất như bầu người đại diện, bãi miễn người đại diện trong các cơ quan quyền lực. Người dân cũng phải có quyền phản biện với Hiến pháp, pháp luật cũng như các chủ trương lớn của nhà nước và phải được quyền bày tỏ chính kiến về những vấn đề quốc kế dân sinh”, ông Nghiêm cho hay. 

Nhân cơ hội đang sửa đổi Hiến pháp 1992, một số đại biểu đề xuất xúc tiến xây dựng luật về Đảng để đảm bảo tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Lê Nhung
Nguồn: VietnamNet
—————
Bổ sung, hồi 19h30‘. Để giúp độc giả so sánh cách đưa tin khác nhau về cùng một sự việc, xin đăng dưới đây bài của TTXVN:

Đổi mới hệ thống chính trị để đáp ứng tình hình mới

Ngày 31/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học ” Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta” nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng văn kiện Hội nghị Trung ương khóa XI.

Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới năm 1986 đến nay, hệ thống chính trị Việt Nam đang ngày càng được củng cố, hoàn thiện từng bước để thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,” thực thi nền dân chủ nhân dân, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Hệ thống chính trị Việt Nam được vận hành theo nguyên lý huy động tổng lực mọi thành phần, lực lượng quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của toàn dân tộc, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân chính trị, Nhà nước là trụ cột của hệ thống, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội là tổ chức liên minh chính trị-xã hội.

Qua hơn 80 năm lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị Việt Nam đã phát huy tốt tổ chức và vận hành của mình. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, do những đặc điểm và điều kiện chính trị khác nhau mà vị trí, vai trò của từng bộ phận của hệ thống chính trị có những điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, hệ thống chính trị của Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết. So với yêu cầu của thực tiễn, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý và điều hành của Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị-xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu Chiến binh và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở chưa tiến kịp với đòi hỏi của thực tiễn. Một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thiếu năng lực thực thi công vụ, chưa khắc phục được tình trạng “công chức hóa”…

Trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải có sự đổi mới hệ thống chính trị. Việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị luôn là một đòi hỏi cấp thiết để đảm bảo cho đổi mới phát triển kinh tế thành công.

Gần 40 tham luận trình bày và gửi tới hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ những luận điểm cơ bản về hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam; đánh giá những thành tựu và những mặt hạn chế trong hoạt động của hệ thống chính trị ở Việt Nam trong quá trình đổi mới.

Các tham luận nêu những vấn đề đặt ra trong hoạt động của hệ thống chính trị hiện nay và đề xuất các quan điểm, phương hướng và giải pháp cụ thể để đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Để đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở Việt Nam các đại biểu đề xuất các giải pháp: đổi mới phương phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội; đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng; nâng cao năng lực hoạt động lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân đối với quyền lực Nhà nước; đổi mới, tăng cường giám sát quyền lực nhà nước; nâng cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế…/.

Hương Thủy (TTXVN)
Nguồn: Ba Sàm.
 

3 nhận xét :

  1. QUA HỘI THẢO THẤY RÕ VỪA QUA,ĐẢNG NẰM TRÊN LUẬT PHÁP.ĐÃ THẾ THÌ VIỆC GÌ HỌ KHÔNG THỂ LÀM ĐỂ ĐẠT YÊU CẦU THOÃ MÃN CÁ NHÂN

    Trả lờiXóa
  2. Theo tường thuật của VietnamNet, các nhà lý luận hàng đầu của Đảng đã nhận ra vấn đề và có những khuyến nghị thật xác đáng. Đây là điều tôi thực lòng mừng cho Đảng, thực lòng mong các vị lãnh đạo Đảng biết sáng suốt, nghe theo những lời khuyên thẳng thắn và chí tình này.

    Cách tường thuật của TTXVN thực là đáng xấu hổ, nhưng qua đó có thể thấy những lập trường tạm gọi là "bảo thủ" đang cố lý luận để phản-phản-biện như thế nào. Các lý lẽ xem chừng rất yếu. Tôi đặc biệt chú ý đến câu: "Một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thiếu năng lực thực thi công vụ, chưa khắc phục được tình trạng 'công chức hóa'...".

    Khi phê bình một bộ phận cán bộ "thiếu năng lực thực thi công vụ", thì chữ CÔNG VỤ dùng ở đây quá hay: đó là VIỆC CÔNG, VIỆC CHUNG của đất nước mà anh hay chị được toàn dân ủy quyền để thực thi. Nhưng vế tiếp theo lại than thở rằng một bộ phận cán bộ ấy "chưa khắc phục tình trạng công chức hóa", thì tôi nghĩ lời than thở ấy lại quá mâu thuẫn, và dở, dở vô cùng! Lý ra phải nói ngược lại mới đúng: các cán bộ cần phải ý thức mình chỉ là CÔNG CHỨC, nói nôm na là người làm công cho cộng đồng, là CÔNG BỘC. Chỉ khi nào các cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao chót vót, biết "công chức hóa" chính mình, thì khi ấy họ mới có ý thức thực thi công vụ. Nhìn ra các nước dân chủ phương Tây thì thấy liền: dù có là Tổng thống hay Thủ tướng thì trước hết họ đều ý thức mình chỉ là công chức, là công bộc cho quốc gia mà thôi. Được việc thì lãnh lương và làm tiếp, không được việc thì dân mời đi chỗ khác chơi liền.

    Trả lờiXóa
  3. Thuốc gì đây?lúc 10:14 1 tháng 2, 2013

    Tôi thấy Hội thảo này quá tốt và các nhà trí thức, nhà lý luận đã cho thấy rõ rằng Đảng ta đang mắc những căn bệnh gì rồi.

    Nay vấn đề quan trọng là Đảng có dám bốc thuốc đúng liều, dám uống hay không mà thôi. Điều đặc biệt quan trọng nữa là ai dám đứng ra bốc thuốc và cho bệnh nhân uống đây, hay cứ nói xong để đó cho vui?

    Tập thể bác sỹ đều biết rõ bệnh nan y của bệnh nhân cả rồi, nhưng không ai dám nói và ra tay bốc thuốc cho bệnh nhân uống?

    TS Thắng nhận định quá chính xác rằng tình trạng nguy hiểm của Đảng ta hiện nay chính là ở những người có quyền quyết định và họ đang nắm tiền, nắm của cải của nhân dân và đất nước. Họ mới có điều kiện tham nhũng. Mà hầu hết những người này lại là đảng viên ĐCSVN.

    Bệnh quá rõ rồi. Bộ phận không nhỏ, tha hóa và tham nhũng chính là đảng viên có chức quyền của ĐCSVN.

    Đảng CSVN cũng cần xem lại mình có đủ tầm, tâm, đạo đức, là trí tuệ , là văn minh không?

    Không thể nói gì đúng hơn thế.

    Đảng viên nắm quyền lãnh đạo coi thường pháp luật, kém năng lực, không chịu học hỏi, tụt hậu, quyết định mọi việc dựa theo quyền lực cá nhân chứ không theo pháp luật vv...

    Rất đúng trong thực tế.

    Muốn được làm lãnh đạo đại diện cho dân thì phải cạnh tranh để nhân dân lựa chọn và ủy thác làm đại diện cho họ , chứ không phải kiểu bổ nhiệm trong nội bộ của đảng như hiện nay.

    Việc bổ nhiệm cán bộ kiểu hiện nay chỉ làm hư hỏng nhiều đảng viên, khuyến khích tệ mua quan bán chức. Dần dần nhiều đảng viên hư hỏng quá và đến lúc họ chiếm đại đa số trong Đảng thì dẫn đến Đảng sụp đổ thôi chứ có ai lật đổ ĐCSVN đâu.

    Đúng hoàn toàn.

    Không muốn và không cho ai phản biện , nói ngược với mình tức tự cho mình là "ông Thánh" rồi nên không muốn lắng nghe ai nói, luôn cho mình là đúng nhưng thực chất lại là sai, độc đoán, lạm quyền, thánh tướng, coi thường pháp luật, không muốn bị ai giám sát, đàn áp dân chủ vv...thế thì là ông "Vua sa đọa" rồi.

    Ngày xưa Vua liêm chính thường có hẳn một ông quan Can gián và luôn nghe các quan trong triều đình tranh luận, phản biện lẫn nhau và phản biện cả Vua. Vua suy nghĩ kỹ rồi mới ra quyết định. Nay đảng viên to hơn cả Vua.

    Rất chính xác.

    Có lẽ còn nhiều vấn đề phải bàn về ĐCSVN . Nhưng tóm lại là muốn căn bệnh này khỏi và bệnh nhân sống thì thuốc là:

    ĐCSVN phải tiến hành cải cách chính trị nhanh chóng theo hướng phù hợp với tình hình VN và thế giới hiện đại ngày nay.

    Ngoài ra không có phương thuốc nào khác tốt hơn để cứu Đảng ta cả.

    Trả lờiXóa