Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

TIN BUỒN: NHÀ VĂN, NHÀ BIÊN KHẢO HOÀNG TIẾN TỪ TRẦN

.
.
.

Được tin Nhà văn, nhà biên khảo

  

HOÀNG TIẾN 

 

Sinh vào Trung thu năm Quý Dậu (1933) tại làng Văn Chương,

 tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, Hà Nội

 

Tốt nghiệp Khoa Văn (Khóa 3), Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

 

Do tuổi cao bệnh trọng đã từ trần hồi 0h50 ngày 28-1-2013

tại Viện Quân y 354, hưởng thọ 80 tuổi.

 

Lễ viếng vào hồi 13h00 đến 15h00 ngày 1-2-2013

tại Nhà tang lễ Viện 354, phố Đội Nhân, Ba Đình, Hà Nội.

 

An táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ  Hà Nội.

 

Chúng tôi xin dâng lời cầu nguyện anh linh Nhà văn Hoàng Tiến sớm đoàn tụ với các bậc văn nhân hiền triết ở cõi vĩnh hằng, trợ thêm linh ứng cho “hồn thiêng sông núi”. 

Và thành kính chia buồn cùng gia đình nhà văn. 


Các tác phẩm của Nhà văn Hoàng Tiến:
Các tác phẩm đã in:
-    Bóng đêm và ánh sáng (tập truyện), 1958
-    Sương tan (tập truyện), 1963
-    Hà Nội của tôi (tiếu thuyết tư liệu), 1983
-    Con rồng thần thoại (tiểu thuyết tư liệu), 1987
-    Khoảng trời Tháng Chạp ((tiểu thuyết tư liệu), 1987
-    Mùa hoa nghệ rừng ((tiểu thuyết tư liệu), 1990
-    Người đàn bà có khuôn mặt trăng rằm ((tiểu thuyết lịch sử), 1991
-    Có một Hồ Xuân Hương khác (tiểu luận, phê bình và giới thiệu), 1992
-    Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20 (khảo cứu), 1994
-    Hồn thiêng sông núi ((tiểu thuyết lịch sử), 2010
Sách sẽ in:
-    Lao động văn chương (tiểu luận, phê bình)
-    Chữ Quốc ngữ và sự phát triển ngôn ngữ văn học (khảo cứu)
-    Nguyễn Văn Vĩnh, thân thế và sự nghiệp (khảo cứu)


Mặc dù tôi chưa từng được gặp mặt nhà văn Hoàng Tiến, mà chỉ trao đổi qua thư điện tử và điện thoại khi ông gửi đăng bài về câu ca dao "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...", nhà văn đã gửi tặng chúng tôi cuốn tiểu thuyết "Hồn thiêng sông núi" với những lời đề tặng rất rộng lượng (mặc dù không muốn đăng tải vì lời khen quá rộng; vĩnh biệt ông, xin được phá lệ để giới thiệu bút tích của ông):

 


Lời điếu vĩnh biệt nhà văn Hoàng Tiến

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

TNc: Tại lễ truy điệu nhà văn Hoàng Tiến chiều 1-2-2013, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đọc lời điếu để vĩnh biệt nhà văn Hoàng Tiến. Chúng tôi thấy cần đưa lên trang nhà để bạn bầu và bạn đọc hiểu thêm nhà văn tâm thành mà bao hệ lụy. Có một số người thấy như Hoàng Tiến ở phía bên kia nhưng thực ra ông là người gắn bó với đất nước, nhân dân và cách mạng nên sự cất lời của ông cũng là sự mong muốn tột độ của ông...

Nhà văn Hoàng Tiến, công dân Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh ngày 15 tháng 8 năm 1933 tại phố Sinh Từ, nay là phố Nguyễn Khuyến. Quê gốc tại làng Văn Chương, tổng Tả Nghiêm, huyện Hoàn Long. Xa xưa thuộc huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội.

Ông tạ thế hồi 0h50’ ngày 28 tháng giêng năm 2013, hưởng thọ 81 tuổi.

Nhà văn Hoàng Tiến sinh trưởng trong một gia đình công chức nhỏ. Cụ thân sinh làm việc trong ngành Bưu điện. Tuổi nhỏ, nhà văn Hoàng Tiến học trường tiểu học Sinh Từ.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ, cả gia đình cùng tham gia. Tuy tuổi nhỏ, nhưng ngày 19 tháng 8 năm 1945 ấy, cậu bé Hoàng Tiến cũng theo mọi người nhập vào đoàn biểu tình đi đánh chiếm Bắc Bộ Phủ.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946 toàn quốc kháng chiến, Hoàng Tiến làm liên lạc cho khu 11 do tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy.

Người anh cả là Hoàng Thông lúc này đang trong hàng ngũ bộ đội chính qui. Năm 1968 ông là Chủ nhiệm công binh Sư đoàn 304, hy sinh tại Mặt trận Khe Sanh. Anh thứ hai Hoàng Minh, năm1946 tròn 18 tuổi tham gia lực lượng tự vệ thành rồi chuyển sang quân chủ lực, phục vụ trọn vẹn hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc.

Vậy là nhà có ba anh em trai, cả ba đều tham gia quân đội.

Năm 1948, liên lạc viên Hoàng Tiến đã 15 tuổi, được điều chuyển vào Thiếu sinh quân tại Quân khu 3. Sau khi giải phóng hoàn toàn biên giới Việt - Trung, năm 1951 Hoàng Tiến được cử đi học tại khu học xá Trung Ương đặt tại Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Tháng 10 năm 1954 trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Sau đó làm giáo viên dạy văn học tại trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, tiếp chuyển sang giảng dạy tại trường điện ảnh Việt Nam, rồi chuyển về làm biên tập tại Nhà xuất bản Thanh Niên, tới năm 1972 nhà văn Hoàng Tiến xin về nghỉ hưu. Ông nghỉ hưu ở độ tuổi 39.

Hoàng Tiến viết văn khá sớm, năm 1958 mới 25 tuổi, ông đã xuất bản tập truyện “Bóng đêm và ánh sáng”, đánh dấu bước đi đầu tiên của một nhà văn trẻ đầy nhiệt huyết.

Trong lý lịch cũng như các giấy tờ tùy thân, mục tôn giáo, nhà văn Hoàng Tiến đều ghi: ĐẠO PHẬT.

Tham gia hoạt động cách mạng ở tuổi 12. Sáng tác văn chương ở tuổi 25. Theo Đạo Phật ở tuổi 50. Tất cả những việc làm trên của nhà văn Hoàng Tiến đều thuận theo lương tri mách bảo. Và ông tự nguyện dấn thân với lòng hăng say vô bờ bến.

Một người yêu nước và yêu đời đến thế, tại sao ông lại nghỉ hưu ở tuổi 39, cái tuổi sức lực đang sung mãn mà tư duy thì đang độ chín.

Có nhẽ bất hạnh đến với nhà văn là ở tác phẩm “Sương tan”, một tập truyện ngắn chưa đầy 200 trang, xuất bản năm 1963, đúng cái năm tác giả tròn 30 tuổi. Hồi đó các nhà phê bình, các báo chí xúm vào đánh tác phẩm và cả tác giả đến tan xương. Ngày nay, chắc các nhà phê bình không một ai đủ dũng cảm đọc lại các bài viết của mình về “Sương tan”.

Điều trớ trêu là tập truyện ngắn “Sương tan” lại mang nội dung hết sức trong trẻo.

Nhà văn Hoàng Tiến là người theo Đạo Phật, nên ông mở lòng đón nhận tất cả, không sân hận, không thù oán. Tất cả những điều bất hạnh ông chỉ xem như là những chướng ngại mang tính thử thách trên con đường đi tới mục tiêu của mình. Vì vậy, ông có rất nhiều bạn ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau. Ông thường nhiệt thành và không bao giờ bỏ bạn lúc nguy nan.

Bản tính ông nhân ái nhưng cương trực và quyết liệt chứ không thỏa hiệp. Ông theo Đạo Phật, đạo của trí tuệ chứ không phải của yếm thế. Ông thường nói, Đạo Phật là Đại bi, nhưng cũng Đại hùng.

Bi – Trí – Dũng kết hợp lại để bảo vệ sự tồn tại đồng thời bảo đảm cho sự phát triển. Cho nên khi đã xác định được mục tiêu cao cả, nhà văn chỉ còn mỗi một việc là dấn thân.

Trước hết ông dấn thân vào việc chống đỡ với những khó khăn chồng chất sau khi về hưu, để duy trì sự sống và bảo vệ lấy gia đình của chính mình cùng với ba mặt con còn trong tuổi thơ dại.

Vì lòng yêu thương các con, vợ chồng ông đã gồng mình lên vượt qua mọi trở ngại tưởng như nó sẽ dìm chết không chỉ sự nghiệp mà ngay cả cuộc đời, nếu ai đó yếu bóng vía. Thế nhưng vợ chồng ông đã can trường vượt qua khúc quanh của cuộc đời. Các con ông bà đều đã trưởng thành. Hiện nay người là giảng sư của một trường đại học danh tiếng, người là luật sư, các cháu nội ngoại đuề huề. Mới hay ông Trời có mắt.

Nhà văn Hoàng Tiến sớm nhận ra sự trì bế của xã hội, nên ông tìm cách thoát khỏi nó, chia tay với nó để về hưu ở tuổi 39, may ra còn làm được điều sở nguyện.

Kẻ sĩ thời xưa thường ứng xử theo phương châm: “Thiên địa bế, hiền nhân ẩn”. Tức là xã hội bế tắc, người hiền đi ở ẩn. Ông về hưu không có nghĩa là tìm đường ẩn tránh. Hiền nhân ẩn, đồng nghĩa với tính cơ hội vị kỷ của mấy anh quân tử Tầu và nó cũng đồng nghĩa với sự trốn chạy hèn nhát không phù hợp với thái độ tích cực của trí thức thời nay. Vậy là sau mười năm về hưu với biết bao khó khăn níu kéo, thiếu kiên cường và cả ngoan cường chắc sẽ gục ngã. Thế nhưng sau mười năm ấy gia đình nhà văn Hoàng Tiến vẫn tồn tại, con cái vẫn học hành bình thường và ông lại trình làng cuốn tiểu thuyết lịch sử khá ấn tượng: “Hà Nội của tôi”.

“Hà Nội của tôi” là bản tráng ca bất tuyệt về tình yêu quê hương, đất nước. Đây là tiếng nói mà nhà văn cất lên để tự khẳng định mình. Hơn nữa còn mở đầu cho một dòng tiểu thuyết lịch sử tư liệu. Một dòng tiểu thuyết độc đáo của riêng ông. Đó là bộ bốn tập tiểu thuyết gồm:

Hà Nội của tôi (xuất bản 1983)
Con rồng thần thoại (xuất bản 1987)
Khoảng trời tháng chạp (xuất bản 1987)
Mùa hoa nghệ rừng (xuất bản 1990)

Tiếp đó năm 1991, cuốn tiểu thuyết lịch sử “Người đàn bà có khuôn mặt trăng rằm”, viết về tuyên phi Đặng Thị Huệ, phản ảnh giai đoạn lịch sử đen tối nhất của thời tàn Lê mạt Trịnh. Năm 1992 ông cho xuất bản cuối tiểu luận, phê bình “Có một Hồ Xuân Hương khác”, với những phát hiện độc đáo về người nữ thi sĩ trác việt này. Năm 1994 lại cho in tập khảo luận “Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20” nhằm trả lại sự công bằng lịch sử và tri ân nhóm các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, đặc biệt là cha Alexandre de Rhodes người Pháp đã có công hoàn thiện chữ quốc ngữ, đồng thời khẳng định vai trò phổ cập chữ quốc ngữ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Chính cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã tiêu một phần sản nghiệp của mình vào việc truyền bá chữ quốc ngữ. Nhưng từ rất lâu, cả Alexandre de Rhodes lẫn Nguyễn Văn Vĩnh đều bị chìm khuất trong quên lãng bởi những lời buộc tội thiếu khách quan.

Lại tiếp năm 2010, nhà văn Hoàng Tiến cho in tiểu thuyết lịch sử “Hồn thiêng sông núi” viết về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chống thực dân xâm lược Pháp của nhà yêu nước Hoàng Hoa Thám.

Tới đây có thể khép lại giai đoạn sáng tác khá dài của nhà văn Hoàng Tiến với những kết quả đáng khâm phục về ý chí một con người và nhân cách một nhà văn.

Tại đây, những bạn bè, những đồng nghiệp và cả người thân của nhà văn Hoàng Tiến, mỗi người sẽ có cách cảm, cách nghĩ riêng của mình về người quá cố. Nhưng cái chung nhất là ta nghĩ về một nhà văn cương trực, giữ gìn cho sự trong sạch của ngòi bút tới mãn cuộc đời. Chỉ riêng điều đó thôi, cũng đủ làm cho ông sống mãi trong lòng chúng ta, sống mãi trong lòng bạn đọc.

Rõ ràng là nhà văn Hoàng Tiến tự viết lên lịch sử cuộc đời mình. Nếu cuộc đời ông là một bản Tổng phổ gồm ba chương, thì chương cuối được xem là chương hoành tráng nhất. Song đáng tiếc nó lại chưa được công diễn. Điều này thuộc về lịch sử.

Thưa quí vị,

Sự có mặt của quí vị hôm nay để tiễn biệt nhà văn Hoàng Tiến đủ nói lên tất cả.

Chúng ta vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một công dân đã làm tròn trách nhiệm công dân trước lúc đi xa, vĩnh biệt một nhà văn chân chính đã hoàn thành sứ mệnh phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc của mình.

Chúc ông yên tâm yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.

Nguồn: Trần Nhương.com

 


1 nhận xét :

  1. Tôi từng đọc nhiều tác phẩm của Hoàng Tiến là con người có nhiều tâm huyết về khảo cứu về học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đã góp công sức bảo tồn những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc...
    Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành sâu sắc nhất đến gia đình nhà văn Hoàng Tiến, ông sẽ luôn là người sống mãi trong lòng độc giả...

    Trả lờiXóa